Cây thị (Nguyễn Thành Vân - Đắk Nông)

Ngày nhỏ gia đình tôi sống ở khu tập thể lâm trường, xung quanh toàn màu xanh cây cỏ, đồi núi trập trùng, xa phố thị. Bố mẹ đưa tôi về nhà ngoại ở và đi học trường làng cho gần.

Ở đầu xóm nhà ngoại tôi có cây thị to lớn đôi ba người ôm. Được nhà ông Nhân, trưởng dòng họ Vũ trồng lâu đời. Gốc cây thị xù xì, lồi ra những u trếu. Rể cây nổi hẳn lên ngoằn ngoèo như rắn lượn, đen xì một vạt đất. Thân cây cao lớn, cành nhánh xum xuê che mát cả một vùng. Mùa sinh sản, họ nhà chim thường kéo về làm tổ nhiều vô kể.

Những buổi trưa hè nắng nóng, gió nam lào thổi khô khốc. Các tàu lá chuối ngoài vườn khô quắt, vàng xám ủ rủ. Ông bà ngoại và các cậu mợ tôi làm nông. Buổi sáng ra đồng chăm lúa, vun cây về ăn vội bữa cơm đạm bạc rồi trải chiếu cói xuống nền nhà nằm tránh nắng nóng. Thường thường trước khi trải chiếu, ông tôi hay múc chậu nước giếng khơi mát lạnh tưới đều một lượt xuống khắp nền nhà để nước bốc hơi cho mát. Vậy mà sau buổi trưa chính ngọ tôi cuộn chiếc chiếu khô ran, nghe lạo xạo. Các sợi Cói muốn gảy vụn. Thủa ấy cả một vùng quê ngoại tôi chưa có điện. Mỗi trưa ông bà ngoại tôi và các cậu mợ đều phì phạch trên tay chiếc quạt mo cau, quạt nan để kiếm chút gió mát lành. Tôi cũng nằm để ngủ trưa nhưng không tài nào ngủ được, bởi ngoài bến sông nơi các cây lộc vừng mọc xanh tốt, tiếng ve kêu rền vang. Tiếng lủ bạn í ới gọi nhau lúc nhỏ, lúc to. Những bước chân nhẹ nhàng nơi đầu ngõ và tiếng kèn bíp ba bíp bo của ông bán kem đạp chiếc xe đạp cà tàng không chuông, không phanh, không gác đờ bu chở thùng kem từ thị xã vào. Bên hông chiếc xe đạp còn quắc theo mấy bì đựng sắt vụn, lông gà, lông vịt để đổi kem. Mời gọi, lôi cuốn tôi và hai đứa em con cậu. Rồi khi những tiếng thở đều đều, tay quạt phe phẩy thưa dần. Mọi người chìm dần vào giấc trưa thảnh thơi. Chúng tôi lén vụt dậy, nhẹ nhàng như rắn vờn mồi từ từ ra khỏi nhà ngoại và ù té chạy ra đầu xóm nơi gốc cây thị có bọn bạn đang tụ tập. Trai gái, lớn bé đủ cả. Trên khoảng đất trống, dưới gốc cây thị tỏa bóng tôi và lủ bạn chơi trò thả đỉa ba ba, ô ăn quan, đánh khẳng... mà giờ đây trẻ con không còn chơi nữa. Tôi nhớ có lần chơi đánh khẳng, thằng Thìn Châu bị con khẳng vụt vào mặt sưng vù. Về nhà bị bố nó quất thêm cho một trận đòn đau. Sáng hôm sau mông đít nó còn lằn những dấu roi. Ấy vậy mà đến trưa hôm sau nó lại chơi tiếp trò đánh khẳng. Mùa hè nhiều loài chim làm tổ trên cây, lủ trẻ con chúng tôi hay trèo lên cao để bắt chim non. Gió vi vu thổi, cành cây thị ngã nghiêng. Chúng tôi đâu có sợ mà ngược lại rất thích chí và la lớn: Lên đây sướng lắm tụy bay ơi, nhìn làng, nhìn đồng ruộng, dòng sông và xa xa là con đường cái quan. Người xe qua lại như kiến bò ấy. Khi chán các trò chơi quen thuộc vài đứa lớn rủ nhau đi nhặt bao ni lông, nhặt các lưỡi cày, bừa hư ở các nhà trong làng về đổi kem ăn. Bàn tay lấm lem bụi đất nhận cây kem lạnh chia nhau mút vội mới thích làm sao. Đâu có biết ăn thế là mất vệ sinh.

Vui nhất là sau chuổi ngày trổ hoa trắng, những quả thị chín vàng lúc lỉu thoang thoảng mùi thơm trong gió hè. Bọn trẻ chẳng hẹn nhau mà tự tụ tập. Trên tay cầm cây lồng búng dài làm từ cây Nứa thẳng tưng đưa lên cao kéo từng quả thị chín xuống. Nhiều hôm trẻ đông những quả thị ương ương cũng được hái xuống, ăn chát đắng mà vẫn không đủ chia. Rồi chúng cải nhau om một góc làng. Đến mùa lá rụng. Chị Thủy con nhà ông Nhân Thao quét lá gom một đống lớn đốt, khói nghi ngút. Trong làng như có đám cháy. Tối đến, đêm rằm trăng sáng lủ bạn lại tụ tập chơi trò chơi trốn tìm. Tôi và Chính cùng phe núp chung dưới bụi cây Duối gần gốc cây thị, Chúng tôi im lặng chỉ nghe tiếng thở lúc gấp gáp, lúc đều đều. Tôi nắm tay Chính ra điều im lặng. Bàn tay nhỏ nhoi, mềm mại, nóng ấm nằm ngoan, im trong tay tôi. Trong bóng tối tôi lần sờ được đôi quả Duối dại đưa cho em. Quả Duối chín vàng, ăn ngòn ngọt. Bụi Duối này những hôm viết thư cho chú bộ đội ở xa dì Dung tôi hay bỏ thư vào phong bì rồi ra vặt mấy ngọn Duối chảy mủ trắng dán vào bao thư gửi ra tiền tuyến. Những lá thư gửi chú bộ đội năm xưa, giờ là chú rể tôi. Bây giờ vẫn còn cất giữ như kỷ vật của đời binh nghiệp. Sau này lớn lên, trong một lần đi sinh hoạt hội trại hè về ngang qua gốc thị. Buổi chiều vắng người qua lại, tôi ghé vào tai Chính thì thầm: Chúng mình yêu nhau có cây thị làm chứng nhé. Chính cười, gió từ đồng ruộng thổi vào thơm mùi nếp chín và mát dìu dịu. Lòng tôi mừng vui, xao xuyến khó tả.

 Miền bắc trung bộ quê tôi có mùa mưa bão, năm ấy có trận bão lớn đổ bộ. Buổi tối mưa hắt ràn rạt, gió rít gào. Những ngọn dừa ngã ngiêng, cong vút. Cây mít, Cây na gãy răng rắc. Cối xay lúa, cối đá kê nơi trái hè, đầu sân phơi xê dịch ngã nghiêng. Sáng ra bao mái nhà tranh đổ xập. Cây cối bị gió quật gãy đổ, bung gốc ngổn ngang. Hoang tàn cả một vùng quê. Cây thị vẫn còn đó, cứng cáp dẻo dai trống chọi với bão lớn. Dưới gốc bao nhiêu là quả, là lá do mưa bão vặt gãy rụng và nhiều xác chim xấu số chết cứng trong đêm  mưa.

Thời gian sau, những sáng chờ bà và mợ đi chợ về mấy đứa con nhà cậu kéo ra gốc cây thị ngồi. Mong được chén quà sớm. Miếng bánh đa vừng bẻ vội báo bùi, viên kẹo bột ngọt lừ khiến chúng mừng vui vô kể. Có cô mang con nhỏ đi chợ về đến gốc thị ngồi nghỉ mát, vạch vú cho con bú. Tay phe phẩy chiếc nón lá quạt cho đứa trẻ miệng vừa mút bú, mắt thì thiu thiu ngủ...

Thế rồi theo nhịp thời gian, tôi và lủ bạn trưởng thành. Có đứa theo nghề binh nghiệp, có đứa làm kỷ sư, bác sĩ, và giáo viên ở mọi miền tổ quốc. Mỗi lần về quê ngang qua cây thị đều dừng xe, xuống sờ vào thân cây. Mắt nhìn xa xăm như nhớ về tuổi thơ của mình.

Sau này khi đang ở phương nam ngập tràn nắng vàng. Nghe tin quê nhà có dự án. Cây thị bị cắt nhổ để làm đường, gốc bật tung phơi mưa nắng. Lòng tôi buồn. Rồi tôi bốc máy điện thoại ... Chợt nhớ đám bạn và những trò chơi xưa kia. Thị ơi đâu rồi, và thốt lên lời thơ của ai đó:

"Ai cho tôi thấy lại nàng
Vạt đào ngực tấm mịn màng giấc mơ   
Và tôi tiếc mãi tuổi thơ
Thơm lừng hương thị đầu mùa vườn quê."

 


Phamngochien.com - 07:38 - 02/07/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận