Bình luận đề thi TN THPT môn Ngữ văn năm 2014 (Phạm Ngọc Hiền)

.

PHẠM NGỌC HIỀN BÌNH LUẬN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP
NGỮ VĂN NĂM 2014

.

Trong những năm gần đây, đề thi Văn luôn gây sự chú ý của dư luận. Nó không chỉ chứa đựng nhiều điều bất ngờ thú vị mà qua đề thi, người ta còn dự đoán được phần nào chiều hướng phát triển của ngành giáo dục và xã hội. Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2014 có khá nhiều điểm mới mẻ so với các năm trước. Đề thi này chỉ có hai câu và cả hai đều "nóng" và "thoáng".

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm). Về phân môn, câu này thuộc về Ngôn ngữ (Tiếng Việt) chứ không phải Văn học như lâu nay thường gặp. Về thao tác, nó thuộc kiểu loại đọc hiểu văn bản chứ không phải trình bày tóm tắt một vấn đề thuộc về Văn học sử (nêu tiểu sử, hoàn cảnh ra đời...). Về nội dung, đề thi yêu cầu bàn về một vấn đề chính trị xã hội đang diễn ra nóng bỏng chứ không phải là một vấn đề văn chương nguội lạnh cách đây mấy thế kỷ. Phần đọc hiểu có ba câu hỏi nhỏ:

Câu 1: Yêu cầu nêu những ý chính của văn bản. Câu này có vẻ thừa vì đoạn văn tương đối ngắn, không đa nghĩa, rối rắm, không cao siêu, khó hiểu. Tuy nhiên, cách ra đề này cũng có tác dụng báo hiệu rằng những đề thi về sau sẽ có phần đọc hiểu và thậm chí sẽ có những văn bản khó hơn, mới lạ hơn.

Câu 2: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản, đây là thao tác khá quen thuộc với HS lớp 9 và lớp 12. Chỉ khác là, nếu như trước đây, GV thường chỉ hướng dẫn HS xác định phong cách trong các văn bản có sẵn trong SGK thì nay lấy một văn bản ngoài SGK để tránh học vẹt. Việc lấy một văn bản trên báo chí đưa vào đề thi cũng có tác dụng định hướng HS quan tâm tới những vấn đề thời sự nóng hổi chứ không cứ phải vùi đầu vào mấy áng thơ phú ngày xửa ngày xưa.

Tuy nhiên, vấn đề bất ổn của đề thi là ở phương án trả lời. Theo các đáp án phổ biến trên mạng internet thì đoạn văn này thuộc phong cách báo chí. Nhưng chưa hẳn vậy vì mục tiêu của đoạn văn không phải là đưa tin mà chỉ bày tỏ tư tưởng, tình cảm của người viết về một vấn đề chính trị. Có thể thấy thái độ của tác giả qua các từ có gạch dưới như : ngang nhiên, trái phép, hung hăng, nghiêm trọng. Đây là bài chính luận đăng trên báo chí và không phải bất cứ bài viết nào đăng trên báo cũng đều theo phong cách báo chí. Bởi vậy, theo tôi, phải chấp nhận cả hai phương án trả lời: phong cách chính luận hoặc báo chí.

Câu 3: Yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về vấn đề TQ xâm phạm Hoàng Sa, Trường Sa. Xét theo lý thuyết, có ba phương án trả lời như sau:

Phương án A: Đại đa số thí sinh sẽ hùa theo dư luận hiện nay để lên án TQ. Nhiều thí sinh sẽ phát biểu hùng hồn, theo đúng quan điểm chính thống mà suốt nửa tháng nay đã tiếp thu được trên báo đài. Đây là dịp để thí sinh bày tỏ lòng yêu nước của mình trên mặt giấy và nhiều thí sinh sẽ viết bài rất dài, mặc dù điểm tối đa dành cho câu này chỉ có 1.

Phương án B: Một số thí sinh sẽ cảm thấy khó bình luận về vấn đề này. Vì đây là vấn đề nhạy cảm, có thể nói kiểu nào cũng sai. Nhiều thí sinh giỏi lịch sử và am hiểu thời thế sẽ biết rõ điều này: giỏi cũng chết, dở cũng chết, biết cách thì không chết. Cái cách mà các thí sinh này lựa chọn là sự im lặng hoặc nói vòng vèo kiểu vô thưởng vô phạt như các nhà chính trị.

Phương án C: Không công khai bày tỏ thái độ chống TQ hoặc trong một chừng mực nào đấy còn có ý ngầm ủng hộ TQ. Đây có thể là các thí sinh gốc Đại Hán mới vào sống ở VN thuộc thế hệ F1 nên trái tim và khối óc vẫn còn nặng nợ với cố hương. Cũng có thể đây là những người Việt chính cống nhưng có "một góc nhìn khác", xem xét vấn đề từ hai chiều hoặc có quyền lợi nào đó gắn bó với TQ nên không thể chống TQ.

Chúng ta tưởng tượng xem, nếu Bộ Giáo dục TQ cũng ra đề thi về biển Đông thì các du học sinh VN đang học ở đây cũng sẽ bỏ giấy trắng, chấp nhận thiếu điểm chứ không viết những điều trái với lòng mình. Mặt khác, nếu một thí sinh chống TQ quá cực đoan gặp một giám khảo ủng hộ TQ quá nhiệt tình thì sẽ không có lợi cho thí sinh. Ở các nước văn minh, khi gặp sự "lệch pha" tư tưởng, người ta tôn trọng quan điểm lẫn nhau. Nhưng ở VN và TQ, chưa phổ biến cách ứng xử văn minh này nên phải cẩn thận khi bày tỏ các quan điểm cá nhân.

Bởi vậy, theo tôi, không nên yêu cầu HS làm câu này. Có thể ra một câu khác, ví dụ như: anh / chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 10 câu, theo kết cấu quy nạp) để kêu gọi bạn bè mình quyên góp tiền / quà ủng hộ các chiến sĩ Trường Sa... Hoặc cao siêu hơn, có thể yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn bằng tiếng Anh giới thiệu với khách nước ngoài vài nét cơ bản về Địa lý và Lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa (thí sinh có chạy đằng trời cũng không thoát môn Lịch sử)

Phần II: Làm văn (7 điểm), bàn về đoạn đối thoại trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Câu này mang tính tổng hợp kiến thức và thao tác. Nó vừa có dạng của loại bài nghị luận văn học (phân tích khát vọng của nhân vật), vừa có dạng của loại bài nghị luận xã hội (trình bày suy nghĩ về vấn đề con người cần được sống là chính mình). Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một tác phẩm kịch trở thành câu hỏi chính trong một đề thi Văn.

Câu này khá hay, tuy nhiên cũng cần tính đến một số phương án trả lời nằm ngoài dự kiến. Nội dung nghị luận bàn về vấn đề sống chân thật - sống giả tạo. Nếu thí sinh viết một cách chung chung thì đạt điểm cao. Nhưng sẽ rắc rối nếu thí sinh quá giỏi, nắm bắt được ẩn ý sâu xa của Lưu Quang Vũ. Và trong phần mở rộng vấn đề, thí sinh sẽ đi tìm nguyên nhân dẫn đến trào lưu đạo đức giả, nói một đằng, làm một nẻo, nghĩ thế này, nói thế khác vốn thịnh hành ở Việt Nam suốt nửa thế kỷ nay. Tuy nhiên, một thí sinh thông minh như vậy cũng sẽ biết cách dừng ngòi bút lại ở một nơi nào đó cần thiết để khỏi gây khó xử cho giám khảo.

Nhận xét chung

Đề thi năm nay đúng theo tinh thần tích hợp kiến thức và thao tác. Nó có cả kiến thức Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý - Đạo đức. Cứ theo tinh thần này, trong tương lai, đề Văn có thể kiểm tra cả kiến thức các môn khoa học xã hội nói chung. Riêng trong phạm vi Ngữ văn, ta cũng thấy có sự đa dạng về kiến thức: Ngôn ngữ (phong cách chính luận trên báo chí), Văn học (phân tích, bình luận một tác phẩm kịch). Đề Văn năm nay không theo kết cấu thông thường như mọi năm (gồm ba câu: Lý thuyết (2 đ); Nghị luận xã hội (3 đ); Nghị luận Văn học, chọn một trong hai câu phân tích thơ hoặc văn (5 đ)). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thi cử ở Việt Nam sau 1975, đề thi Văn không yêu cầu phân tích thơ và truyện. Đề yêu cầu thí sinh hướng về các sự kiện thiết thực, nóng hổi đang diễn ra. Đây cũng là một động thái kéo các đệ tử cửa Khổng sân Trình ra khỏi cái tháp ngà văn chương dã chiến để hội nhập với nền giáo dục tiên tiến.

Cách đây vài tháng, khi nghe nói Bộ Giáo dục sẽ ra đề thi có phần đọc hiểu, nhiều HS đổ xô ôn lại kiến thức môn Tiếng Việt (vốn bị bỏ quên trong hộc bàn trung học suốt nửa thế kỷ nay). Đến khi đọc đề thi, một số người bất ngờ khi thấy phần I không có trong SGK, còn phần II chỉ bàn bạc chung chung, nếu không học thuộc lòng cũng có thể trả lời được. Nghĩa là, chỉ cần nắm kỹ thao tác viết bài luận là làm được chứ không cần ê a các kiến thức trong SGK. Trong tương lai, có thể những câu hỏi trong đề thi Văn sẽ không có trong SGK và chỉ có những HS nào không phải là vẹt thì mới có thể thi đậu. Lúc ấy, SGK không phải là pháp lệnh mà chỉ là một tài liệu tham khảo mà thôi. Thầy và trò dạy và học tài liệu nào cũng được, miễn là rèn luyện tốt kỹ năng diễn đạt và phân tích.

Qua đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2014, ta có thể hy vọng rằng, nền giáo dục nước ta đang có chiều hướng tiến bộ rõ rệt. Và những thí sinh thi đậu các kỳ thi như vậy sẽ trở thành những trí thức thứ thiệt chứ không phải là những con vẹt cao cấp như các thế hệ trước.

Phạm Ngọc Hiền

.


Phamngochien.com - 21:49 - 02/06/2014 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận