Bàn luận về câu đọc hiểu trong đề Ngữ văn THPT Quốc gia 2017

Sáng 22/6/2017, các học sinh thi xong môn Ngữ văn với tâm trạng khá phấn khởi khi hoàn thành môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia. Theo nhận xét của các em thì đề thi "dễ thở". Riêng về câu đọc hiểu thì sự bàn luận khá căng thẳng và thậm chí khá nặng nề...

Trên mạng xã hội đã xuất hiện một số bài viết của các cá nhân TMH, CML và nhiều bình luận của các giới khác nhau: nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, thầy cô,.. Tất cả xoay quanh về đoạn văn mà đề thi Ngữ văn đã trích dẫn và khái niệm "thấu cảm".

BigSchool muốn giữ một tinh thần tốt cho các em học sinh hoàn thành kỳ thi quan trọng của mình nên chưa đưa sớm vấn đề này ra. Tuy nhiên đến thời điểm này, các em đã gần như sắp thi xong, cũng là để chúng ta có cách nhìn đúng về một vấn đề liên quan tới giáo dục, xin chia sẻ bài viết của nhà giáo, nhà báo Nguyễn Thuý Hồng (đăng trên Fb cá nhân và đồng ý đăng lên Bigschool). Mong tiếp tục nhận được ý kiến của các bạn bàn về vấn đề này.

Phản biện về đề thi cần trên tinh thần khách quan, công tâm

Tác giả bài viết trong một Hội thảo Khoa học tại ĐHKH Huế.

Ngày hôm qua, có bạn đọc chuyển cho tôi bài viết của Blogger CML phản biện về việc dùng từ "thấu cảm" của nhà tâm lý học-đạo đức Đặng Hoàng Giang ở trích đoạn phần "Đọc hiểu" của Đề thi Ngữ văn THPT QG 2017. Bài viết có tựa đề "Thấu cảm là gì? Đặng Hoàng Giang viết bậy".

Blog cũng như FB là trang cá nhân, nó thể hiện chính kiến, quan điểm riêng của mỗi người, lẽ ra tôi không tranh luận về bài viết này; nhưng nó lại liên quan đến một việc hết sức quan trọng, nghiêm túc là ĐỀ THI QUỐC GIA; liên quan đến số phận của hàng vạn thí sinh đang trong kỳ thi. Mà bài viết của CML lại mang tính gay gắt, công kích, châm biếm, hoàn toàn mang tín chủ quan của cá nhân. Chẳng hạn CML cho rằng "các ví dụ Đặng Hoàng Giang đưa ra minh họa không mang nghĩa nào là "hiểu thấu đáo" cả, nó chỉ có phần đúng với nghĩa đơn giản và hời hợt nhất của trực giác hay thấu cảm. Nhưng cách giải nghĩa, định nghĩa của anh ta thật ngô nghê, buồn cười, lẫn lộn giữa trực giác và tư duy lí tính. Nhận xét về hành vi của các nhân vật được nhắc tới trong văn bản".

Cá nhân tôi và rất nhiều bạn đồng nghiệp đánh giá cao ý tứ và cách hành văn của Đặng Hoàng Giang trong đoạn trích đưa vào đề thi; dù rằng, một vài chữ cần bàn thêm (không phải lỗi của tác giả). Nếu tách riêng từ "thấu cảm" ra thì có thể khó đối với học sinh; vì đây là từ ghép phiên âm Hán Việt, gồm thấu và cảm, nghĩa là thấu hiểu và cảm nhận (hay xúc cảm, đồng cảm). Nhưng tác giả đã đặt nó trong một chỉnh thể văn bản, có những dẫn giải khá rõ ràng (xin hãy đọc kỹ ở đề trích dẫn kèm theo. Việc tác giả đưa ra các ví dụ minh họa cho "thấu cảm" cũng rất tiêu biểu và đậm chất nhân văn: "Đứa bé ba tuổi sẵn sàng chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh để dỗ em bé đang khóc; Cô gái nhăn mặt cảm nhận được cái đắng ngắt của vị thuốc mà bạn mình đang phải uống. Cậu bé Bồ Đào Nha an ủi một cổ động viên người Pháp sau trận chung kết EURO 2016".

Mọi người đều thấy được, đây là những hành động đẹp, thể hiện sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Các hành động ấy, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều nền văn hoá khác nhau, trong những hoàn cảnh không giống nhau nhưng đều thể hiện sự cảm thông, sẻ chia với những buồn đau, mất mát, những khó khăn của người khác. Những hành động đẹp làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người, vẻ đẹp văn hoá của xã hội. Thế nhưng, Blogger CML lại cho rằng: "đó là đạo đức giả, là thứ vi trùng lây lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái môn Ngữ văn".

Người ta chọn một đoạn trích hết sức nhân văn để đưa vào đề thi lại bảo là đạo đức giả. Vậy ra đề thi như thế nào mới là đạo đức thật ? Chọn đoạn văn mang ngôn ngữ chợ búa, chửi bới dung tục, thói xấu trong học đường để học sinh luận bàn thì mới là đạo đức thật hay sao?

Tôi không quan tâm đến việc 'múa chữ" khi đưa ra khái niệm về "thấu cảm" của CML cũng như việc Blogger này dẫn phát ngôn của vị này, vị kia. Tôi chỉ xin nói rõ hơn, "thấu cảm" (empathy) không phải là phát minh riêng của Đặng Hoàng Giang, mà nó đã rất quen thuộc với những chuyên gia giáo dục, những nhà hoạt động chính trị và các nhà khoa học.

Sự thấu cảm là gì? Đó là khả năng bạn nhập vai vào người khác nhằm hiểu được cảm xúc và quan điểm của họ và sử dụng sự thấu hiểu đó để định hướng hành động của họ. Sự thấu cảm khác với lòng tốt hay sự thương hại. Theo các nghiên cứu mới nhất, Sự thấu hiểu là một thói quen mà chúng ta có thể phát triển được không chỉ là cách giúp bồi dưỡng nhân cách mà còn nâng cao cuộc sống.

Thiết nghĩ, phản biện là một việc làm hữu ích cần thiết để thúc đẩy sự phát triển, nhưng hãy trên tinh thần vì cái chung, nhất là với một vấn đề liên quan đến lợi ích của cộng đồng; đừng chỉ vì đề cao cái tôi, đánh bóng cá nhân mình mà mạt sát người khác như bài viết của CML.

Nguyễn Thuý Hồng (Đà Nẵng).

Chú thích: Nhiều ý kiến cho rằng từ "thấu cảm" chưa hề có trong từ điển. Điều này nên hiểu rằng Từ điển có thể đi sau sự phát triển ngôn ngữ cuộc sống. Tuy nhiên cuối cùng cũng có thầy giáo tìm giúp ra cuốn Từ điển có từ "thấu cảm".

 

Ý kiến của các thầy cô giáo và học sinh về đề thi Ngữ văn

TS.Trịnh Thu Tuyết - Nguyên giáo viên Ngữ văn - Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội nhận định: Từ năm 2017, đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn có sự thay đổi lớn từ cấu trúc, nội dung đến thời gian thi. Không còn một bài thi Ngữ văn thông thường với thời gian làm bài là 180 phút, đề thi năm 2017 chỉ có thời gian làm bài là 120 phút với hai phần là Đọc hiểu và Làm văn. Từng phần của đề thi cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với thời gian làm bài.

Thầy giáo Đặng Ngọc Khương: Đề Văn THPT Quốc gia 2017 khá hay và có khả năng phân loại học sinh. Nội dung kiến thức của đề bám sát với bám sát phương án thi đã được Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Cấu trúc đề và biểu điểm cho từng phần không có gì thay đổi.

Nhìn chung, đề thi Ngữ văn 2017 đáp ứng được yêu cầu của kì thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia. Đối với học sinh khá, giỏi thì đây sẽ là một đề thi hay, là cơ hội để các em thể hiện kiến thức và kỹ năng. Còn đối với những học sinh trung bình thì việc đạt được điểm 5 cũng cũng không quá khó.

(Nguồn: Dân Trí)

Em Phạm Minh Đăng (THPT Lê Quý Đôn, TP HCM)) cho biết: Em thấy đề thi văn năm nay khá dễ, vừa sức, đúng với những gì Bộ GD- ĐT đã đưa ra. Trong đó, em tâm đắc nhất là câu 1 và câu 2. Phần nghị luận xã hội nói về sự thấu cảm. Dường như các định nghĩa đều được mớm sẵn trên đề nên chỉ cần một tí tư duy và kỹ năng viết thì có thể dễ dàng lấy điểm. Phần văn bản là trình bày quan điểm về đất nước qua bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm. Với học lực khá thì em nghĩ sẽ dễ dàng lấy được 6 điểm ở môn này". 

Em Trần Minh Thư (THPT Lê Quý Đôn, TP HCM) cũng cho rằng: Đề văn năm nay dễ, hầu như giáo viên đều ôn trúng hết. Em thích nhất là câu 1 và câu 2, gần như câu 1 là câu trả lời cho câu 2 nên tụi em rất dễ làm bài.

Học sinh trao đổi sau khi thi Ngữ văn - Ảnh: Duyên Phan.

 

Em Nguyễn Mỹ Huyền (Trường THPT Nguyễn Hiền, Đà Nẵng): So với đề năm ngoái thì trong cấu trúc đề thi năm nay đi thẳng vào trọng tâm. Ngắn gọn súc tích. Những ai học văn, có cảm nhận cảm thụ thì sẽ làm được chứ không nặng về trích dẫn và thuộc thơ như đề các năm trước. Đặc biệt phần làm văn sẽ rất dễ cho những ai đã từng trải. Riêng em thì yêu cầu về phân tích sự thấu cảm để lại cho em nhiều cảm xúc.

Em Khâu Thành Long (trường THPT Chuyên Quốc học Huế) nói rằng, bạn tự tin bài làm của mình đạt trên điểm 7: "Câu đọc hiểu về sự thấu cảm là câu hỏi em cảm thấy thích nhất. Từ việc nhận xét về hành vi của đứa trẻ ba tuổi, cậu bé Bồ Đào Nha, cô giáo có bạn bị ốm trong đoạn văn để nói về sự chia sẻ, cảm thông giữa con người và còn người. Đây là câu hỏi hay và rất có ý nghĩa trong hiện thực xã hội đang thiếu sự thấu hiểu như hiện nay". 

(Nguồn: Tuổi trẻ)

Em Nguyễn Ngọc Phương Trinh (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cũng cho hay: "Lần đầu tiên đề thi môn văn giảm xuống còn 2 tiếng nhưng em làm xong hết. Câu nào em cũng làm tốt. Nhìn chung các bạn trong phòng em đều làm hết. Riêng câu nghị luận về lòng thấu hiểu của con người em làm khoảng 1,5 trang. Em làm một mạch là xong và không gặp bất cứ khó khăn gì. Em rất tự tin rằng mình sẽ được điểm cao".

Em Trần Ngọc Bình (trường Hà Nội - Amsterdam) khi nhận xét về câu nghị luận xã hội "lòng thấu hiểu của con người" em cho rằng: "Em nghĩ nó là một câu nghị luận không khó, gần gũi nhưng đòi hỏi thí sinh phải có những dẫn chứng cụ thể. Bởi vậy, em không đi sâu vào phân tích nhiều mà chủ yếu là lấy dẫn chứng và ví dụ nhiều hơn".

Với Ngọc Bình, sự thấu hiểu sẽ chia là điều rất cần thiết ở mỗi con người, nhất là con người trong xã hội công nghệ số. "Nếu không có sự thấu hiểu, con người sẽ vô cảm với nhau. Thấu hiểu là phải biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ và đánh giá sự việc...", em Trần Ngọc Bình nói.

 

Em Khánh Ly (trường THPT Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Năm nay, đề khá sát với năng lực học sinh, không đánh đố cũng như là làm khó thí sinh. Nhiều bạn làm bài thi tốt nghiệp khá là nhẹ nhàng. Còn những thí sinh làm bài thi để xét đại học và cao đẳng thì các bạn đầu tư khá lơn. Bên cạnh đó, để không để các bạn dính điểm liệt nhưng điểm cao thì thực sự các bạn phải viết có chiều sâu".

(Nguồn: VTC News)

BigSchool: Đề thi Ngữ văn với nhận xét cuả những người trong cuộc (thầy cô giảng dạy môn Ngữ văn và học sinh đi thi) đều có ý chung là dễ hiểu, bám sát chương trình và có tính phân loại tốt, đạt 2 mục đích của kỳ thi. Không những thế, sau buổi thi môn đầu tiên, các thí sinh đều phấn khởi và cảm thấy nhẹ nhàng. Tuy nhiên câu chuyện đề thi Ngữ văn khi đi ra xã hội của nhiều tầng lớp khác nhau lại có những góc nhìn rất khác nhau.

Theo chúng tôi, để đánh giá bất cứ điều gì về một sự vật chúng ta nên đặt nó vào đúng vị trí của nó và đừng gắn bất cứ điều gì khác có tính cá nhân để nhìn nhận theo một chiều hướng. Đặc biệt cần phải hiểu học sinh ngày nay hơn thì mới hiểu được đề thi có thích hợp hay không?

Mong nhận được các bài trao đổi có tính xây dựng về vấn đề này và các vấn đề giáo dục nói chung, để chúng ta cùng nhau có đóng góp tích cực cho sự nghiệp trồng người, vì tương lai đất nước.

Nguồn: https: bigschool.vn

Mời xem các bài viết liên quan trên:

Tapchivan.com

Tapchisongba.com

 


Phamngochien.com - 18:30 - 28/06/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận