“Thi pháp truyện Kiều" mang lại điều gì mới mẻ ? (Trần Mạnh Hảo)

(VietNamNet) - Từ khi “Thi pháp” Aristote xuất hiện từ 25 thế kỷ trước, nội hàm ban đầu của nó vẫn còn là bản chất của ngành Thi pháp học; tuy qua từng thời kỳ, khái niệm Thi pháp được bồi đắp thêm, mở rộng thêm theo sự phát triển của phê bình văn học. Trong các trường phái phê bình văn học phương Tây, Thi pháp chỉ là một trong những phương pháp tiếp cận văn bản nghệ thuật như: Xã hội học văn học, Chủ nghĩa Hình thức Nga, Cấu trúc, Phê bình ý thức, Ký hiệu học văn học, Phê bình phân tâm học, Phê bình Mới của Anh- Mỹ, Phê bình Đức, Phê bình tưởng tượng, Phê bình trực giác, Ngôn ngữ và văn học...

Việc học tập, nghiên cứu, ứng dụng một trong những trường phái phê bình trên vào Việt Nam một cách có chọn lọc, có định hướng, sao cho thích ứng với từng trường hợp cụ thể, phù hợp với với dạng thức tư tưởng và tâm hồn Việt Nam thể hiện qua văn học, thiết tưởng là điều nên làm. Một trong những người đi đầu đưa Thi pháp học vào nghiên cứu văn học Việt Nam phải kể đến GS.TS Trần Đình Sử; cuốn “Thi pháp Truyện Kiều “ dày 400 trang của ông, do NXB Giáo Dục ấn hành năm 2002 là một ví dụ.

Trong bài viết này, chúng tôi thử bước đầu tìm hiểu xem hiệu quả của công trình “Thi pháp Truyện Kiều “ của GS-TS Trần Đình Sử mang lại điều gì mới cho việc nghiên cứu kiệt tác số một của văn học Việt Nam? Trong bài “Lời nói đầu”, ở trang 7, GS. Sử viết :”Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu Thi pháp Truyện Kiều từ thời gian nghệ thuật (1981), cái nhìn nghệ thuật (1982). Từ đó đến nay đã qua 20 năm, các bài viết tiếp theo sau đó đã được triển khai trên nhiều mặt, tạo thành một chuyên luận có hệ thống nhất quán, có quan điểm riêng“. Ở trang 6, ông Sử viết :” Thiết tưởng không vấn đề nào quan trọng hơn vấn đề Thi pháp Truyện Kiều, bởi nó dẫn ta vào bản chất sáng tạo của nhà thơ“. Ở trang 21, chương một :” Những chặng đường nghiên cứu Thi pháp Truyện Kiều”, sau khi điểm lại những cách tiếp cận văn bản Truyện Kiều trước kia từ Mộng Liên Đường, Phong Tuyết chủ nhân Thập Thanh Thị đến Đào Nguyên Phổ, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Trương Tửu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Hạnh, Lê Đình Kỵ..., GS. Sử tự đề cao cách tiếp cận Truyện Kiều bằng Thi pháp của mình là “mới”, thậm chí là ưu việt nhất như sau :”Bước tiến mới đánh dấu sự chuyển hẳn sang nghiên cứu Thi pháp Truyện Kiều theo một quan niệm mới là một số bài viết của chúng tôi...và công trình “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (1985) của Phan Ngọc cùng một số công trình khác “. Ở trang 23, chương đã dẫn, GS. Sử viết :”Cũng chỉ có qua nghiên cứu Thi pháp mới có thể xác định cụ thể vai trò, địa vị của tác phẩm Truyện Kiều trên tiến trình văn học cổ điển Việt Nam”. Nhưng ở trang 9, GS. Sử định nghĩa “Thi pháp” thoáng đến mức gần như nó không còn là một phương pháp tiếp cận văn bản nghệ thuật đặc thù; mà nó chính là một tên gọi khác của ngành nghiên cứu phê bình văn học: ”TÌM HIỂU THI PHÁP, TỨC LÀ TÌM HIỂU NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN DU TRONG TÁC PHẨM NÀY “. Nếu vậy, 661 bài viết hoặc cuốn sách viết về Truyện Kiều do ông Sử liệt kê ra trong “Thư mục nghiên cứu Truyện Kiều” trên đều phải gọi là Thi pháp hết! Cho nên việc ông Sử nói mình và vài ba tác giả khác là những người đầu tiên đưa Thi pháp vào nghiên cứu Truyện Kiều liệu còn đúng nữa không? Thảo nào, hiện nay đang có một phong trào “Thi pháp” hóa toàn bộ ngành nghiên cứu giảng dạy văn học trong các trường, viện, tạp chí, báo chí... Đến nỗi bất cứ viết về cái gì, bàn về tác giả nào đi nữa đều được thiên hạ đua nhau gọi là Thi pháp theo như định nghĩa thoáng đến mức vô bờ bến trên của ông Sử. Có thể tham khảo định nghĩa về Thi pháp kiểu phi ranh giới này nơi công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh: “Từ ký hiệu học đến Thi pháp học” của GS.Hoàng Trinh (NXB Đà Nẵng-1997) ở trang 9 có đoạn viết: ”Chúng ta cũng có những công trình Thi pháp học có giá trị của Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Lê Đình Kỵ, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Lai, Phong Lê, Bùi Công Hùng, Mai Ngọc Chừ, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Lung, Vũ Quần Phương...”. Theo đà trăm phần trăm Thi pháp hóa này, nếu GS Hoàng Trinh thống kê hết, chắc sẽ còn cả hàng nghìn công trình Thi pháp “có giá trị” đã và đang được ra đời theo kiểu công nghiệp hóa Thi pháp...

Chúng ta thử xem GS. Trần Đình Sử dùng Thi pháp học đã khám phá ra “bản chất sáng tạo” của Nguyễn Du là những bản chất gì mang “quan điểm riêng“ của tác giả? Xin đọc “Lời cuối sách” trang 347, nơi GS. Sử tóm lược những “bản chất sáng tạo” của Nguyễn Du “mang quan điểm riêng” như là những phát hiện mới mẻ chưa từng có của ông qua “Thi pháp Truyện Kiều”, như sau:

1. Truyện Kiều “đã đổi mới cái nhìn nghệ thuật về con người“: “hiểu con người như một tấm lòng, tức một dòng tâm lý, tâm trạng, dòng cảm giác của con người sống”...”một con người của nhân tính dân chủ đang khao khát quyền sống tự nhiên của con người...”.
2. “Nguyễn Du là người đầu tiên đem vào truyện Nôm một cái nhìn dân chủ, chống lại ý thức hệ phong kiến độc tôn”.
3. “Nguyễn Du đã truyền cảm thức Việt Nam gần gũi với mọi người qua điểm nhìn trần thuật chủ quan đó”.
4. “Nguyễn Du đã sử dụng thành công một cách cổ điển lời độc thoại nội tâm“.
5. “Nguyễn Du đã sử dụng các biện pháp từ chương học thịnh hành của thời đại - phép đối ngẫu, sóng đôi, ẩn dụ, điển cố, màu sắc nhưng ông đã biến chúng thành một chất lượng mới, mang quan niệm của ông về chất văn, chất thơ”.
6. Nguyễn Du đã đưa nghệ thuật tự sự và nghệ thuật cổ điển thơ ca Việt Nam cũng như tiếng Việt văn học lên tới đỉnh cao chưa từng có, trở thành mẫu mực chói lọi cho muôn đời thưởng thức và noi theo”.

Trong “Thư mục nghiên cứu Truyện Kiều”, GS. Trần Đình Sử đã liệt kê ra tới 661 (sáu trăm sáu mươi mốt) tác phẩm của nhiều tác giả nghiên cứu Truyện Kiều đã công bố trước đó. Chỉ cần xướng hết tên của 661 tác phẩm kể trên, chúng ta đã thấy 6 điểm “ phát hiện” về “bản chất nghệ thuật” của Nguyễn Du trong Truyện Kiều “mang quan điểm riêng” của GS. Sử thực ra toàn là những ý tưởng, câu chữ lặp lại của nhiều người khác, nằm ngay trong đầu đề bài viết của các tác giả kia.

Có lẽ, cái được nhất của cuốn “Thi pháp Truyện Kiều” là GS. Sử đã hệ thống hóa lại những điều đã biết, những điều thiên hạ đã bàn nát nước gần cả trăm năm, tập hợp chúng lại thành một cuốn sách để các em học sinh, sinh viên tham khảo khi học Truyện Kiều. Chúng tôi cho rằng, Thi pháp học dù tối ưu thế nào đi nữa, việc trước tiên và sau cùng là giúp cho bạn đọc hiểu và cảm được hết giá trị nghệ thuật Truyện Kiều. Vậy, việc tối thiểu đòi hỏi chính tác giả, nhà nghiên cứu thi pháp tác phẩm phải hiểu đúng nghĩa đen của từng câu Kiều cụ thể. Chúng tôi rất đỗi kinh ngạc khi GS. Trần Đình Sử, lúc đang cao trào nghiên cứu Thi pháp Truyện Kiều (năm 1995), đã có nhiều bài giảng sai lạc chính nghĩa đen của một số câu Kiều. Chúng tôi muốn đưa ra một thí dụ, lấy từ cuốn “Bình giảng tác phẩm văn học - trong chương trình cuối cấp THCS - THPT”, NXB Giáo Dục 1995, nơi có nhiều bài giảng Kiều của GS. Sử, nhằm “giúp cho học sinh và giáo viên có tài liệu tham khảo trong học tập và giảng dạy” như lời nói đầu của chính GS viết.

Giảng Kiều từ câu 15 đến câu 38, có tên “Chị em Thúy Kiều “ ở các trang 38, 39, 40 sách đã dẫn, khi bình câu thơ Nguyễn Du tả Thúy Vân: “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”, GS. Sử viết như sau:”Tóc nàng đen hơn mây và da trắng hơn tuyết“. Chừng như GS. Sử đã hiểu sai nghĩa đen của nửa trên câu thơ này của Nguyễn Du? Màu mây đen, màu hắc ám, màu mà trong tính ước lệ của thi pháp cổ điển phương Đông không bao giờ được coi là đồng nghĩa với cái đẹp. Nguyễn Du đang nói về vẻ đẹp của Thúy Vân thể hiện trên tóc, trên da, nên mới so tóc nàng còn mềm mại, óng mượt, uyển chuyển hơn mây chứ nhà thơ đâu có lấy màu “mây đen” mà so cùng mái tóc người đẹp như GS. Sử giải thích! Trong “Nguyễn Du - toàn tập” do NXB Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học xuất bản 1996, tập 2, trang 48, học giả Nguyễn Quảng Tuân giải thích câu “Mây thua nước tóc” như sau:”Mây thua cái vẻ óng mượt của làn tóc mềm mại. Nước là cái ánh, cái vẻ óng mượt”. Thực ra, câu Kiều này quá dễ hiểu, người bình dân chẳng có bằng cấp gì , thậm chí ít học cũng hiểu được, nên các bản Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, bản Kiều của Đào Duy Anh đều không cần chú giải. Trong “Từ điển Truyện Kiều”, NXB Khoa học Xã hội 1987, trang 288, trong mục từ “MÂY”, Đào Duy Anh chỉ giải thích đơn giản : “Mây thua nước tóc”: “Giống như mây”, “Tóc mây một món”...”.

Chúng tôi đồ rằng lối giải thích câu Kiều: ”Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” là “tóc nàng đen hơn mây” của GS.TS Trần Đình Sử có thể là một phát hiện mới về nghệ thuật bình giải thơ Kiều thông qua Thi pháp học, mà chúng tôi vì chưa “đủ tầm”, nên không lĩnh hội được chăng? Chúng tôi đành viết bài báo này, xin nhờ GS-TS Trần Đình Sử chỉ giáo, giúp chúng tôi nhận thức được những “cái mới” trong cách lý giải câu thơ kia, cũng như cái mới trong “Thi pháp Truyện Kiều “ của ông? Sau bài viết này, chúng tôi sẽ công bố bài báo tiếp theo: “Bàn qua về những ngộ nhận trong tiếp nhận thi pháp Nguyễn Du nơi cuốn “Thi pháp Truyện Kiều” của GS-TS Trần Đình Sử “…

Trần Mạnh Hảo

Nguồn: Vietnam.net, 11:12' 07/11/2003 (GMT+7)

Vietbao.vn, Vanchuong viet.org

 

Các bài viết liên quan:

Không gian thời gian trong sáng tác văn học (Lê Xuân Mậu)

Trở lại chuyện hình thức mang tính quan niệm (Lê Xuân Mậu)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 1)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 2)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 3)

"Thi pháp truyện Kiều" mang lại đều gì mới mẻ ? (Trần Mạnh Hảo)

Những ngộ nhận về thi pháp và phương pháp trong nghiên cứu văn học hiện nay (Phan Trọng Thưởng)

Trao đổi với Chu Mộng Long về bài "Thi pháp học đồ đểu" (Phạm Ngọc Hiền)

Từ Thi pháp đến ký hiệu (Chu Giang)

 


Phamngochien.com - 14:06 - 20/08/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận