Xây dựng chuẩn chính tả ở một số nước nói tiếng Anh...

VIỆC XÂY DỰNG CHUẨN CHÍNH TẢ Ở MỘT SỐ QUỐC GIA NÓI TIẾNG ANH VÀ KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Nguyễn Thị Phương Thuý - Đặng Thị Hạnh Vân

1. Chuẩn chính tả ở một số quốc gia và khu vực sử dụng tiếng Anh

1.1. Khái quát về các cẩm nang ngôn ngữ ở một số quốc gia và khu vực sử dụng tiếng Anh

Hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Như bất kỳ ngôn ngữ nào khác, tiếng Anh cũng có nhiều biến thể tuỳ theo từng khu vực sử dụng. Để thống nhất quy cách của các văn bản trong một phạm vi nhất định và nhằm bảo vệ bản sắc đất nước, mỗi quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ hành chính đều có những quy chuẩn riêng trong việc sử dụng ngôn ngữ, được thể hiện trong các cẩm nang gọi là "style guide" hay "style manual".

Loại cẩm nang ngôn ngữ này được biên soạn rất công phu và luôn cập nhật qua mỗi lần tái bản. Sách không chỉ giới hạn ở quy định về chính tả và cách trình bày văn bản mà còn bao quát các nội dung khác như cách diễn đạt sao cho thật trong sáng dễ hiểu, phù hợp với từng loại văn bản, hay cách trình bày hình ảnh, sơ đồ minh hoạ thật khoa học và dễ tiếp thu. Trong thời kỳ xuất bản số như hiện nay, các quyển cẩm nang đều dành riêng một phần rất quy mô hướng dẫn trình bày văn bản online. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào các quy chuẩn chính tả và trình bày văn bản in.

Các cẩm nang này rất đa dạng, phục vụ các lĩnh vực khác nhau như hành chính, công vụ, truyền thông, kinh tế, và học thuật với các ngành khoa học khác nhau. Chẳng hạn như các công trình khoa học viết bằng tiếng Anh đều phải tuân thủ theo một cẩm nang nhất định, tuỳ theo yêu cầu của mỗi ngành, tạp chí hay hội thảo khoa học (nếu đó là công trình dùng để công bố) hay tuân theo sự lựa chọn của trường, khoa, bộ môn (nếu đó là bài tập, luận văn, luận án của sinh viên, học viên). Các cẩm nang đều quy định rõ cách trình bày văn bản và cách trích dẫn tài liệu tham khảo. Có thể liệt kê ra một số quyển sau:

MLA Handbook for Writers of Research Papers của Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại (Modern Language Association), thường gọi là chuẩn MLA, có thể dùng cho tất cả các ngành khoa học;

Publication Manual of the American Psychological Association của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (American Psychological Association) thường gọi là chuẩn APA, sử dụng trong các ngành khoa học xã hội;

AMA Manual of Style: A Guide for Authors and Editors của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association), thường gọi là chuẩn AMA, sử dụng trong y khoa;

Scientific Style and Format: The CSE Manual for Authors, Editors, and Publishers của Hội đồng Biên tập viên Khoa học (Council of Science Editors), thường gọi là chuẩn CSE, sử dụng cho khoa học tự nhiên;

ACS Style Guide: Effective Communication of Scientific Information của Cộng đồng Nghiên cứu Hoá học Hoa Kỳ (American Physical Society), thường gọi là chuẩn ACS, sử dụng cho các ngành khoa học như vật lý, hoá lý.

Lĩnh vực báo chí cũng có cẩm nang ngôn ngữ riêng. Các báo và hãng thông tấn của Anh như The Guardian, The Economist, BBC của Anh đều có cẩm nang riêng, còn báo chí Mỹ thì tuân thủ theo hướng dẫn trong cẩm nang The Associated Press Stylebook của Hiệp hội Báo chí (Associated Press).

Bài viết này chỉ đề cập đến những cẩm nang tổng quát, không có tính chuyên ngành. Chính quyền các quốc gia sử dụng tiếng Anh luôn có một quy định ngôn ngữ chung, chi phối các lĩnh vực hành chính, giáo dục, xuất bản, truyền thông. Những quy định này luôn đi kèm một hoặc vài cẩm nang nhất định (nếu như các cẩm nang này không mâu thuẫn nhau nhiều). Các cẩm nang này có thể do chính phủ phát hành như Style Manual for Authors, Editors, and Printers của Australia, The Canadian Style: A Guide to Writing and Editing của Canada, hoặc do các đơn vị ngoài chính phủ xuất bản nhưng có giá trị khoa học và uy tín cao. The Chicago Manual of Style của Mỹ, Copy-editing: The Cambridge Handbook for Editors, Authors and Publishers The Oxford Style Manual for Authors, Editors and Printers của Anh ban đầu đều là những cẩm nang ngôn ngữ riêng của các trường đại học Chicago, Cambridge, Oxford xuất bản từ trước khi các chính phủ này nghĩ đến việc cần có sự thống nhất về chính tả trong cả nước. Đến khi chính phủ cần một quy chuẩn, những cẩm nang này với uy tín khoa học và sự phổ biến của nó trở thành lựa chọn tối ưu, tiết kiệm cho chính phủ một khoảng chi phí đáng kể trong việc biên soạn và phát hành cẩm nang.

Một số tổ chức, đơn vị, cơ quan xuất bản có thể sử dụng những cẩm nang của riêng mình, gọi là "house style". Cẩm nang riêng được biên soạn khi cẩm nang mà một chính phủ ban hành hay lựa chọn không đầy đủ hoặc không phù hợp với lĩnh vực của tổ chức đó như English Style Guide của Uỷ ban Châu Âu, xuất bản lần đầu năm 1982, đã tái bản đến lần thứ sáu, hay các cẩm nang riêng của các báo và hãng thông tấn của Anh đã nhắc đến ở trên. Thị trường cẩm nang ngôn ngữ ở các nước sử dụng tiếng Anh phát triển rất rầm rộ với rất nhiều đầu sách, nhưng những quyển này đều dựa trên những cẩm nang của chính phủ ở các mục quy định về chính tả từ vựng, viết tắt, dấu câu, viết hoa, in nghiêng, viết số... Sự khác biệt giữa các cẩm nang với nhau chủ yếu nằm ở các phần khác như hướng dẫn diễn đạt, tổ chức ý, trình bày minh hoạ. Đa số các văn bản hành chính, truyền thông hay ấn phẩm phi văn học đều tuân theo sách hướng dẫn của chính phủ và được đưa vào trường học để làm quy chuẩn cho học sinh, sinh viên. Những đơn vị sử dụng cẩm nang của chính phủ thường tóm tắt lại cẩm nang để ngắn gọn và tiện dụng hơn, phục vụ đúng trọng tâm sử dụng của mình. Việc phát hành cẩm nang rất được quan tâm chú ý, sao cho bất cứ ai làm việc với chữ nghĩa đều có thể dễ dàng tiếp cận. Giống như nhiều ấn phẩm khác trên thị trường sách tiếng Anh, các quyển cẩm nang này thường có hai dạng là bìa cứng và bìa mềm. Sách bìa cứng in trên giấy tốt, bìa bọc vải hoặc da, có bìa phụ nên rất dày, chỉ phục vụ tra cứu ở văn phòng, nhà riêng. Sách bìa mềm thường in bằng giấy tái chế, nhẹ hơn có khi đến một nửa, có thể di chuyển dễ dàng và giá rẻ hơn rất nhiều. Thậm chí, The Chicago Manual of Style của Mỹ còn có cả một phiên bản online có tính phí để phục vụ độc giả tại website riêng của quyển sách này: http://www.chicagomanualofstyle.org/home.html. Việc tra cứu hướng dẫn trên website tỏ ra tiện dụng hơn hẳn so với bản in.

The Chicago Manual of Style là một trong những cẩm nang hướng dẫn diễn đạt, chính tả và trình bày văn bản tiếng Anh lâu đời nhất, "được sử dụng rộng rãi nhất và có uy tín nhất nước Mỹ"[1] hiện nay. Xuất bản lần đầu tiên năm 1906 do Nhà xuất bản Đại học Chicago ấn hành, đến năm 2010, The Chicago Manual of Style đã tái bản và chỉnh lý đến lần thứ 15. Bản in lần thứ 16 dày 1026 trang với 18 chương chia thành ba phần: "Quy trình xuất bản", "Sử dụng ngôn ngữ", và "Tổ chức tài liệu". Mục "Quy trình xuất bản" gồm có các chương: "Các thành phần của sách và tạp chí", "Chuẩn bị bản thảo", "Hình minh hoạ và bảng biểu", "Quyền tác giả". Mục "Sử dụng ngôn ngữ" gồm các chương: "Ngữ pháp", "Dấu câu", "Chính tả và dùng từ", "Tên và thuật ngữ", "Số", "Viết tắt", "Tên nước ngoài", "Ký hiệu toán học", "Trích dẫn và hội thoại". Phần "Tổ chức tài liệu" gồm các chương: "Cách chú thích và lập tài liệu tham khảo", "Tài liệu tham khảo theo kiểu tác giả-ngày tháng", "Cách lập danh sách từ khoá". Mười sáu lần xuất bản của The Chicago Manual of Style cho chúng ta thấy được lịch sử phát triển và sự thay đổi của chính tả tiếng Anh chuẩn Mỹ nói riêng và yêu cầu biên tập văn bản nói chung suốt hơn một thế kỷ qua.

Style Manual for Authors, Editors, and Printers của Australia do Văn phòng Xuất bản Chính phủ Liên bang (Commonwealth Government Printing Office) xuất bản lần đầu tiên năm 1966, đến nay đã tái bản và chỉnh lý năm lần. Từ lần tái bản đầu tiên đến lần thứ tư là do Bộ Dịch vụ Xuất bản Chính phủ Australia (Australian Government Publishing Service) xuất bản. Bản mới nhất phát hành năm 2002, dày 550 trang màu được thiết kế rất bắt mắt. Cẩm nang này hướng dẫn quy cách soạn thảo văn bản hành chính và ấn bản phi văn học trong phạm vi toàn liên bang. Tuy nhiên, chính quyền liên bang đặc biệt khuyến khích những tổ chức xuất bản và báo chí trong nước sử dụng quyển cẩm nang này nếu họ không có cẩm nang riêng. Chương trình đào tạo Cử nhân Nghệ thuật và Thạc sĩ chuyên ngành Viết, Biên tập và Xuất bản của Đại học Queensland, Australia sử dụng quyển sách này làm giáo trình chính thức cho sinh viên và học viên.

The Canadian Style: A Guide to Writing and Editing xuất bản lần đầu tiên năm 1987, là sản phẩm của Dundurn Press Limited liên kết với Văn phòng Dịch thuật trực thuộc Bộ Thông tin và Dịch vụ Chính phủ (Translation Bureau - Public Works and Government Services), tái bản và chỉnh lý lần đầu năm 1997. Cẩm nang ban đầu chỉ phục vụ soạn thảo văn bản cho chính quyền liên bang, nhưng sau được sử dụng cho các lĩnh vực xuất bản phổ thông khác trong xã hội. Vì Canada có hai ngôn ngữ hành chính là tiếng Anh và tiếng Pháp nên cẩm nang này rất quan trọng và có tính bắt buộc đối với những người làm việc trong chính phủ để đảm bảo sự thống nhất và khoa học trong các văn bản tiếng Anh. The Canadian Style: A Guide to Writing and Editing gồm 16 chương: "Viết tắt", "Gạch nối trong từ ghép", "Đánh vần từ vựng", "Viết hoa", "Cách viết số", "In nghiêng", "Dấu câu", "Nội dung trích dẫn và ký hiệu dùng để trích dẫn", "Những quy cách liên quan đến trích dẫn khoa học", "Thư từ và e-mail", "Báo cáo và biên bản", "Lỗi diễn đạt", "Ngôn ngữ trong sáng", "Tránh kỳ thị trong ngôn ngữ" (chương này hướng dẫn cách dùng ngôn ngữ sao cho tránh gây cảm giác phân biệt giới tính, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc và phân biệt với người khuyết tật, vốn là lỗi rất dễ mắc phải trong tiếng Anh), "Địa danh", "Biên tập và kiểm tra".

Điểm qua một số cẩm nang tiếng Anh quan trọng nói trên, có thể thấy được rằng các quốc gia nói tiếng Anh đã ý thức được tầm quan trọng của chuẩn chính tả và trình bày văn bản từ rất lâu. Thậm chí ngay khi máy đánh chữ vẫn chỉ được sử dụng trong một phạm vi rất hạn chế thì quyển The Chicago Manual of Style đã ra đời và quy định rằng phía trước dấu chấm kết thúc câu không được chừa khoảng trắng. Điều này thể hiện được tư duy khoa học phát triển từ rất sớm của những nhà quản lý Tây Âu cũng như tạo nên được sự thuận tiện cho tất cả những người làm công tác biên tập xuất bản nói riêng và những người làm việc với chữ nghĩa nói chung trên toàn quốc gia.

1.2. Sơ lược quy chuẩn chính tả và trình bày văn bản trong một số cẩm nang sử dụng tiếng Anh

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số phần hoặc mục mà chúng tôi nghĩ chúng ta có thể học hỏi được trong quá trình xây dựng một quyển cẩm nang chính tả tiếng Việt như dấu câu, viết hoa và viết tên riêng nước ngoài. Vì vậy, đa phần ví dụ sử dụng ở đây đều được dịch sang tiếng Việt để tiện theo dõi. Chúng tôi sẽ đặc biệt đi sâu vào cách trình bày của những quyển cẩm nang này cũng như mức độ chi tiết của những mục nội dung đề cập để cho thấy được tính tỉ mẩn trong cách làm việc của người biên soạn sách, giúp người sử dụng không cảm thấy băn khoăn khi tra cứu.

Phần đầu tiên có thể bàn đến là dấu câu. Những quyển cẩm nang này chú trọng đến cả hình thức dấu câu như in nghiêng hay in đứng, in đậm hay không in đậm. Nguyên tắc chung là hình thức của dấu câu sẽ tuỳ thuộc vào hình thức của văn bản mà nó là một bộ phận. Chẳng hạn, khi một tiêu đề sách được dẫn ở phần cuối cùng trong một câu văn, nếu dấu chấm thuộc tiêu đề thì phải in nghiêng như tiêu đề, nếu dấu chấm không thuộc tiêu đề thì phải in đứng, vì nó là dấu chấm của cả câu văn. Có thể sẽ có người cho rằng quy tắc này hơi phiền hà, nhưng nó cho thấy tư duy phân tích tỉ mỉ và yêu cầu sự chính xác tuyệt đối của người phương Tây. Người đọc sẽ khó mà phân biệt được một dấu chấm in nghiêng hay in đứng, nhưng nếu đó là dấu chấm hỏi, chấm than, hai chấm... thì sẽ dễ dàng nhận ra ngay. Người ta cho rằng nếu người soạn thảo có thể dễ dãi với dấu chấm thì cũng sẽ dễ dãi với những dấu câu khác, và từ đó sẽ dễ dãi với cả những vấn đề lớn hơn. Đó chính là điều mà nguyên tắc này muốn đề cập đến.

Các dấu ngoặc đơn, ngoặc kép dùng để giải thích cần được chỉnh định dạng giống phần văn bản bao quanh nó, chứ không phải phần văn bản mà nó chứa đựng.

Ví dụ: Bộ phim mới nhất trong chuỗi phim Chạng vạng (Hừng đông 2) vừa được ra mắt hôm qua.

Tuy nhiên, nếu các dấu này được dùng với chức năng trích dẫn thì phải định dạng ngược lại, tức là giống với phần văn bản được trích dẫn bên trong nó. Dấu câu được đặt ở trong hay ngoài phần trích dẫn tuỳ thuộc vào việc dấu câu đó là một bộ phận của văn bản trích dẫn hay không.

Ví dụ:

Ngài chủ tịch hỏi: "Mọi người đã có mặt đầy đủ chưa?"

Nhân vật nào trong kịch Shakespeare đã nói "Cả thế giới này là một sân khấu"?

Nhân vật Jaques nói: "Cả thế giới này là một sân khấu."

Theo cách nói của Nguyễn Tuân thì Vũ Trọng Phụng chịu cảnh "nghèo gia truyền".

Nếu trong đoạn văn bản trích dẫn có một đoạn trích dẫn khác thì các dấu nháy dùng để trích dẫn phải khác nhau để phân biệt. Theo cẩm nang Chicago thì dấu nháy bao ngoài là dấu nháy kép, và dấu ở trong là nháy đơn, nhưng theo cẩm nang của chính phủ Australia thì ngược lại.

Ví dụ: Cô ấy bảo: "Tôi đã đọc xong chương 'Hạnh phúc của một tang gia'." (dấu nháy dùng trong câu này theo cẩm nang Chicago)

Về dấu phẩy, có một số điểm đáng lưu ý sau đây. Thứ nhất, dấu phẩy dùng để tách phần giải thích chèn vào trong một câu văn luôn phải tồn tại thành cặp. Thứ hai, trong một chuỗi liệt kê, dấu phẩy vẫn tồn tại trước chữ "và" nằm trước yếu tố liệt kê sau cùng. Quy định này khá thống nhất trong các quyển cẩm nang khác nhau. Những người biên soạn giải thích là nếu không có dấu phẩy này, hai yếu tố cuối cùng nối nhau bằng chữ "và" có khả năng bị hiểu nhầm là chúng tồn tại như một đơn vị, có giá trị ngang bằng với các đơn vị nằm trước chúng trong chuỗi liệt kê. Dấu phẩy không tồn tại trước dấu ba chấm kết thúc chuỗi liệt kê, nhưng lại tồn tại trước chữ "etc." hay "so on" (có nghĩa là "vân vân"). Có một điểm lưu ý là dấu ba chấm thay thế cho chữ "etc." và "so on", nên chúng không bao giờ đi sau các chữ này. Lỗi này cũng rất thường gặp trong tiếng Việt, khi người ta vẫn diễn đạt "vân vân..." hay "v.v..." trong khi chỉ cần viết "vân vân" hay "v.v." là đủ.

Dấu gạch nối cũng được các cẩm nang hướng dẫn rất kỹ lưỡng. Trong tiếng Anh có nhiều dấu gạch nối khác nhau như dấu emdash (dài nhất), endash (ngắn hơn một chút) và hyphen (ngắn nhất và hơi đậm hơn hai dấu kia). Sự đa dạng này chúng ta có thể thấy được trong Microsoft Word. Ý nghĩa của mỗi dấu cũng như việc kết hợp chúng với khoảng trắng hai bên hay không đều mang lại những nội dung diễn đạt khác nhau, nhưng vì nó không liên quan lắm đến tiếng Việt nên sẽ không bàn ở đây. Duy có một điều có lẽ chúng ta có thể học hỏi trong soạn thảo văn bản tiếng Việt, đó là chỉ nên sử dụng dấu hyphen (là dấu ngắn nhất) cho việc nối các yếu tố của một đối tượng, chẳng hạn như "chuyến tàu Luân Đôn-Paris", "mối quan hệ hữu nghị Việt-Lào". Còn dấu emdash được sử dụng để chèn phần nội dung giải thích.

Ví dụ: Ảnh hưởng của ba tác giả thuộc trường phái ấn tượng - Monet, Sisley, và Degas - rất sâu đậm trong tác phẩm của cô ấy.

Việc này cũng giúp thuận tiện trong soạn thảo trong Microsoft Word, vì chỉ cần ta gõ dấu hyphen giữa hai khoảng trắng là nó sẽ tự động chuyển thành dấu emdash. Nếu không thể thoả thuận được việc dùng dấu nào cho việc gì, ít nhất cũng cần phải sử dụng thống nhất một dấu trong văn bản mà thôi. Chẳng hạn như việc trong cùng một văn bản mà khi thì "giai đoạn 1945-1954", khi thì "giai đoạn 1945 - 1954" trông sẽ rất thiếu chuyên nghiệp.

Dấu sổ (dấu gạch đứng) có được sử dụng cùng với khoảng trắng hay không tuỳ thuộc vào ý nghĩa của nó. Nếu dùng để nêu ý nghĩa về sự chọn lựa (anh ấy/cô ấy, chiến tranh thế giới/thế chiến, và/hoặc)... thì dấu sổ không đi cùng khoảng trắng, vì các yếu tố đi hai bên dấu sổ thực ra chỉ giữ một vai trò trong câu và thay thế cho nhau. Nếu dấu sổ dùng để ngắt dòng thơ, thì phải có khoảng trắng ở hai bên dấu sổ.

Phần thứ hai có thể bàn đến là viết hoa. Vì đặc trưng ngôn ngữ, việc viết hoa trong tiếng Anh đơn giản hơn tiếng Việt nhiều. Người sử dụng tiếng Anh không cần phải phân vân xem có nên viết hoa toàn bộ hay chỉ yếu tố đầu tiên của một từ ghép như ta, chẳng hạn như Nam Bộ hay Nam bộ, Thơ Mới hay Thơ mới... Từ lâu, tiêu đề tác phẩm và công trình trong tiếng Việt được thoả thuận là chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của từ đầu tiên đối với các danh từ chung, còn tiếng Anh thì viết hoa tất cả các chữ cái đầu tiên của mỗi từ, trừ giới từ và liên từ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bộ chuẩn dùng trong báo cáo khoa học như MLA hay APA đã quy định chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của từ đầu tiên trong tên công trình đối với danh từ chung. Ở các lần tái bản về sau, các bộ chuẩn chuộng việc viết thường hơn viết hoa. Viết hoa nếu dùng đúng chỗ sẽ tạo cảm giác trang trọng, nhưng nếu lạm dụng sẽ gây khó chịu vì tính nặng nề và nghiêm trọng của nó. Chẳng hạn, trước kia, khi chữ "president" (chủ tịch) đi cùng tên riêng thì phải viết hoa (President Obama), khi dùng chữ này một mình để chỉ ông Obama thì chữ này cũng viết hoa (the President), nhưng khi dùng chữ này để nói đến một vị chủ tịch chung chung nào đó thì không viết hoa (the president of the US). Nhưng trong cẩm nang Chicago hiện nay, chữ "president" nếu không đi cùng tên riêng thì cũng không cần viết hoa nữa, vì nếu dùng nó để chỉ một nhân vật nào đó, tính xác định của nó đã được nêu lên qua mạo từ "the" rồi. Hiện nay trong giới biên tập tiếng Anh có một khái niệm khá thú vị là "viết hoa nịnh hót" (prasing capitalisation) dùng để chỉ việc viết hoa danh từ chung chỉ người một cách không cần thiết, như "the Teacher", "the Principal", "the President", "the Ambassador"... (lưu ý là danh từ chỉ người trong tiếng Anh sẽ được viết hoa nếu từ đó dùng để gọi, chẳng hạn như Father, Mother, Dad...). So sánh với tiếng Việt, ta cũng dễ dàng thấy được sự trọng khinh nếu viết "Chủ tịch nước Trương Tấn Sang" và "chủ tịch phường 14 Phan Văn Bé".

Phần thứ ba có thể bàn tới là việc sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài. Đây là vấn đề gây tranh cãi trong việc soạn thảo văn bản của mọi ngôn ngữ, không riêng gì tiếng Việt. Cẩm nang Chicago dành đến hơn 30 trang nói về vấn đề này. Trước kia, khi sự gặp gỡ của các quốc gia và khu vực còn hạn chế, một từ tiếng nước ngoài khi du nhập vào một ngôn ngữ đều được chuyển hoá theo cách phát âm của ngôn ngữ đó, được viết theo cách phát âm đó rồi dần dần được cố định hoá. Chẳng hạn như người Anh gọi (và viết) thủ đô của Nga là Moscow, thủ đô của Ba Lan là Warsaw, trong khi người Nga và người Ba Lan gọi chúng lần lượt là Moskva và Warszawa. Việc này cũng giống như người Việt phiên âm các từ này thành Mát-xcơ-va và Vác-xa-va. Tương tự như thế, người Anh viết tên Việt Nam và các địa danh Sài Gòn, Hà Nội, Hạ Long... của người Việt là Vietnam, Saigon, Hanoi, Halong... vì đối với họ, hai âm tiết này chỉ là một từ, mà một từ thì phải viết liền nhau và chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên. Vì thế mà họ từng viết Hochiminh City chứ không phải là Ho Chi Minh City. Hiện nay, các cẩm nang tiếng Anh đều yêu cầu người sử dụng giữ nguyên dạng tên riêng nước ngoài dùng ký tự Latin (có lược bỏ một số dấu thanh không có trong tiếng Anh). Tuy nhiên, việc này đều không áp dụng được với những từ đã quá quen thuộc và trở thành một phần của ngôn ngữ như Moscow, Warsaw, Vietnam, Hanoi, hay Saigon. Điều này cũng giống như ta khó có thể bỏ Luân Đôn để gọi London, dù rằng ta vẫn có thể dùng Newlington hay Nottingham như chính người Anh dùng. Đối với những ngôn ngữ không dùng ký tự Latin, tất cả tên riêng đều phải thông qua phiên âm.

Những cẩm nang này giải thích rất kỹ cho người đọc đặc trưng tên riêng trong các ngôn ngữ. Chẳng hạn, trong một tên riêng người Việt là Nguyen Thi Minh Tam, phần họ (family name) sẽ là Nguyen, tên đệm (middle name) là Thi và tên gọi (first name) là Minh Tam hoặc tên gọi tắt (short name) là Tam. Như vậy, muốn sắp xếp chính xác theo trật tự tên tiếng Anh để tiện việc quản lý thì tên này phải là Minh-tam Thi Nguyen. Các trật tự còn lại đều gây hiểu lầm, chẳng hạn như Thi Minh Tam Nguyen hay Minh Tam Thi Nguyen sẽ khiến người đọc hiểu tên gọi của người này là Thi hoặc Minh. Nếu viết Tam Minh Thi Nguyen thì người đọc sẽ nghĩ Minh và Thi là tên đệm, trong khi tên gọi của nhân vật này là Minh Tam, gọi tắt là Tam, giống như tên William gọi tắt là Will hoặc Bill vậy. Tuy nhiên, đó là việc sắp xếp để quản lý, còn trong các văn bản dùng để phổ biến như báo chí hay văn bản hành chính, các cẩm nang đều đề nghị người soạn thảo văn bản phải tôn trọng ý kiến của chủ nhân tên gọi về trật tự các yếu tố trong tên của họ. Từ đó dẫn đến việc in đậm, in hoa toàn bộ, hoặc gạch dưới phần họ trong một vài trường hợp để người đọc dễ nhận biết, chẳng hạn như: NGUYEN Thi Minh Tam, Nguyen Thi Minh Tam, hoặc Nguyen Thi Minh Tam.

2. Chuẩn chính tả ở Việt Nam

2.1.  Vấn đề chuẩn hoá chính tả ở Việt Nam

Chữ viết đầu tiên của con người ra đời cách nay từ 5000 - 6000 năm, cơ sở của chữ Latin hình thành cách đây khoảng 2500 năm. So với các quốc gia sử dụng tiếng Anh (dùng bảng chữ cái Latin) đã có tiến trình hình thành và ổn định lâu đời, lịch sử của tiếng Việt là một quá trình chuyển biến sâu sắc trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với tiếng Anh: chữ Nôm từ thế kỷ XIII-XV, Latin hoá từ thế kỷ XVII và chữ Quốc ngữ chỉ bắt đầu được dạy trong nhà trường từ năm 1919. Dẫu vậy, tiếng Việt của ta vẫn phát triển kịp với biến chuyển trong cuộc sống của đất nước và cập nhật theo thời đại. Sức sản sinh của tiếng Việt là không gì phủ nhận được. Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng từ vựng, trong quá trình sử dụng tiếng Việt đồng thời nảy sinh những vấn đề bất cập.

Đối với một ngôn ngữ, chuẩn mực được bàn đến đầu tiên là ở mặt chữ viết. Chữ viết được chuẩn hoá là chính tả. Và trong vài ba thập kỷ nay, vấn đề chuẩn hoá chính tả tiếng Việt luôn là đề tài tranh luận sôi nổi trong giới hoạt động khoa học, văn hoá ở nước ta. Suy cho cùng, những cuộc tranh luận này đều xuất phát từ mong mỏi sớm có một quy định chính thức về chính tả tiếng Việt đảm bảo tính khoa học, hợp lý, và thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, trong vòng 30 năm, nước ta đã ban hành nhiều quy định chính tả, có thể kể ra ở đây như:

Những quy định về chính tả tiếng Việt ra ngày 1-7-1983 của Hội đồng Chuẩn hóa chính tả và Hội đồng chuẩn hóa thuật ngữ;

-  Quyết định 240/QĐ Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt ra ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Quy tắc chính tả và phiên chuyển tiếng nước ngoài ra ngày 4-5-2000 của Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam;

Quy định tạm thời về chính tả trong sách giáo khoa mới năm 2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa năm 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Dự thảo Quy định về viết hoa và phiên chuyển tiếng nước ngoài trong văn bản tiếng Việt của Bộ Nội vụ ra tháng 6-2006 (sử dụng trong lĩnh vực hành chính);

-  Thông tư 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính;

-  Thông tư 25/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp Về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch.

Việc chưa có chuẩn chính tả mang tính pháp lý cao nhất đã dẫn đến việc từng bộ, ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp... phải đưa ra quy định riêng trong phạm vi hoạt động của mình. Các cơ quan truyền thông đại chúng như: báo chí (báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động...), nhà xuất bản, đài truyền hình cũng không ngoại lệ. Rõ ràng, tính nhiều quy định như trên đã thể hiện rất rõ sự thiếu nhất quán của chính tả tiếng Việt. Thực tế, dù có nhiều quy định như vậy nhưng những vấn đề cần đi đến thống nhất của chính tả tiếng Việt (viết i hay y; bỏ dấu thanh theo quy tắc nào; cách viết hoa tên người, tên tổ chức, chức danh, tên địa lý, tên dân tộc; phiên âm tiếng nước ngoài; sử dụng dấu câu;...) vẫn chưa được giải quyết. Xét về nội dung, các quy định của nước ta rõ ràng chưa chú ý vấn đề chính tả tiếng Việt một cách toàn diện và chưa có một quy định nào đi đến độ chi tiết như "style guide" hay "style manual" của các quốc gia sử dụng tiếng Anh. Thêm vào đó, so với sự phổ biến của các quyển cẩm nang về chính tả ở các nước sử dụng tiếng Anh, các văn bản quy định chính tả ở nước ta rất hạn chế đối tượng tiếp cận.

2.2. Sơ lược về chuẩn chính tả tiếng Việt trong các văn bản pháp quy

Từ năm 1980, Bộ Giáo dục đã ra quyết định thành lập các hội đồng để tiến hành việc chuẩn hoá chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt. Nhưng cho đến nay, công việc này vẫn còn dang dở. Như đã trình bày ở trên, dù có nhiều văn bản nhưng các quy định về chính tả ở nước ta lại chưa có tầm phổ biến rộng rãi. Đồng thời, việc không thống nhất và chuẩn xác trong các văn bản này đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu công phu trong quá trình soạn thảo và vì vậy, tính khoa học cũng không được đảm bảo. Có thể thấy, quy định ở văn bản sau đôi khi còn ngược lại với quy định đã ban hành trước đó.

Về vấn đề viết hoa tên cơ quan, tổ chức, Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt năm 1984 yêu cầu "đối với tên tổ chức, cơ quan chỉ viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu trong tổ hợp từ dùng làm tên. Thí dụ: Đảng cộng sản Việt Nam, Trường đại học bách khoa Hà Nội". Nhưng đến Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa ban hành năm 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì "Tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên và các âm tiết đầu của các bộ phận tạo thành tên riêng. Ví dụ: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I". Gần với quy định 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quy định của Bộ Nội vụ vào năm 2011, theo đó: "Tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Ban Quản lý dự án Đê điều...". Như vậy, người dùng tiếng Việt phải tuỳ theo bối cảnh cũng như phạm vi sử dụng mà quyết định sẽ theo quy định nào, chẳng hạn: khi dạy cho học sinh phổ thông, giáo viên phải theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng nếu làm văn bản hành chính, người viết phải theo quy định của Bộ Nội vụ.

Về cách phiên chuyển tiếng nước ngoài, Bộ Giáo dục đã từng quyết định cách viết "theo chữ viết của nguyên ngữ" (năm 1984) nhưng đã phải quay lại lối phiên âm (năm 2003). Gần đây, thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ cũng quy định "phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ". Hiện nay, trong thực tiễn, cách phiên âm tiếng nước ngoài vẫn đang là vấn đề thời sự được tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn báo chí, và vẫn chưa có hồi kết. Theo đó, cùng một tên người, cùng một địa danh nước ngoài nhưng lại có nhiều cách phiên chuyển khác nhau khi đi vào tiếng Việt. Chẳng hạn: thủ đô của Hoa Kỳ có khi được viết nguyên ngữ là Washington nhưng cũng có thể viết Oa-sinh-tơn, Oasinhtơn; nước Brasil ngoài việc viết nguyên ngữ còn được thể hiện bằng cách viết Braxin, Bra-xin, Brazil, Bra-zil; Shakespeare được viết thành Sếch-xpia, Sêchxpia... Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, tình hình này còn phức tạp hơn. Mỗi tờ báo, mỗi nhà xuất bản đều có cách phiên chuyển khác nhau, thậm chí trong cùng một quyển sách, một số báo nhưng mỗi tác giả hoặc người biên tập cũng phiên âm rất tuỳ tiện, không theo một quy tắc thống nhất nào cả.

Chính tả của một ngôn ngữ có các đặc tính: kế thừa, thay đổi theo thời gian, thay đổi theo văn hoá và thay đổi theo ngữ cảnh. Vì vậy, theo thời gian, quy định chính tả của một ngôn ngữ cũng có sự thay đổi tương ứng. Tuy nhiên, nhìn lại các văn bản quy định chính tả của ta, dù có sự thay đổi nhưng vẫn là những điều mà quanh đi quẩn lại vẫn chưa đi đến sự thống nhất. Cùng là cách viết hoa tên cơ quan, tổ chức nhưng sách giáo khoa thì viết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2003, còn văn bản hành chính thì theo quy định của Bộ Nội vụ năm 2011.

3.  Một số kiến nghị

Sự rối rắm trong quy định chuẩn chính tả tiếng Việt bắt nguồn từ sự đối lập về quan điểm. Các nhà ngữ học Việt Nam theo trường phái quy phạm luận cho rằng: khi chuẩn hoá một ngôn ngữ, trước tiên phải xác định được thế nào là đúng, là chuẩn, và từ đó sẽ tiến hành giảng dạy người khác "nói đúng, viết đúng, và hiểu cho đúng với cái đúng"[2]. Ngược lại, những người theo quan điểm của ngữ học miêu tả Mĩ cho rằng: ngôn ngữ là hiện tượng sinh hoạt tự nhiên của xã hội, và vì thế nhà ngữ học chỉ có thể miêu tả chúng đúng với thực tế khách quan của ngôn ngữ mà không thể đặt vấn đề "sửa đổi", "cải cách". Việc khác nhau về quan điểm cũng như thói quen sử dụng ngôn ngữ là rào cản tâm lý lớn ngăn cản quá trình thống nhất chuẩn chính tả tiếng Việt. Từ thực tiễn hoạt động ngôn ngữ hiện nay, đặc biệt là việc giảng dạy tiếng Việt và việc sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ta vẫn thấy có muôn hình muôn vẻ các dạng phiên âm, viết tắt và viết hoa rất tuỳ tiện. Đó là hệ quả của việc thiếu một văn bản pháp quy khoa học và hợp lý của nhà nước để hướng dẫn và bắt buộc thực hiện. Nếu chúng ta có sự kết hợp cả hai quan điểm (quy phạm luận và miêu tả luận), vấn đề chuẩn hoá chính tả tiếng Việt chắc chắn sẽ có tiến triển.

Theo đó, trước mắt, nhà nước cần tập hợp đội ngũ đông đảo những nhà ngôn ngữ học, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và lĩnh vực truyền thông để lấy ý kiến cũng như đưa ra được những giải pháp, kiến nghị mang tính khoa học. Đồng thời, cần tiến hành điều tra xã hội học nhằm xác định được cách viết nào đang được số đông người dùng tiếng Việt sử dụng. Cách dùng nào đã đạt đến độ ổn định, được sử dụng với tần suất cao và không còn nhiều tranh cãi nữa thì nên chăng, chúng ta nên chấp nhận. Đó là hành động tôn trọng ngôn ngữ dân tộc và cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Chắc chắn, đây là việc làm không dễ nhưng việc ban hành một quy định mang tính pháp quy về sử dụng ngôn ngữ trong một quốc gia là vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có sự đầu tư kỹ lưỡng và giải quyết thấu đáo. 

Nhiều ý kiến đề nghị ban hành luật ngôn ngữ, đó là điều cần thiết. Tuy nhiên, luật không phải là "cái" đi trước, không phải là kim chỉ nam điều giải các hoạt động diễn ra trong đời sống mà phải là sự đúc kết từ kết quả thực tiễn nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra về sau. Trước khi nghĩ đến việc xây dựng và ban hành luật ngôn ngữ, thiết nghĩ nhà nước nên chú trọng việc biên soạn và ấn hành cẩm nang dạng "style guide" hay "style manual" như các quốc gia sử dụng tiếng Anh. Trên cơ sở đó sẽ đi dần đến việc thống nhất việc sử dụng chính tả tiếng Việt.

Nguyễn Thị Phương Thuý - Đặng Thị Hạnh Vân

(Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM)

Tài liệu tham khảo

Tiếng Anh                   

1. Snooks and Co. (rev.) (2002). Style Manual for Authors, Editors, and Printers: 6th Edition. Canberra: John Willey and Sons.

2. (2010). The Chicago Manual of Style, Chicago: The University of Chicago Press.

3. (1997). The Canadian Style: A Guide to Writing and Editing. Torronto: Dundurn Press Limited.

Tiếng Việt

4. Hoàng Tuệ (2001), Tuyển tập Ngôn ngữ học, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

5. Quyết định 240/QĐ Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt ra ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa năm 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Thông tư 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.

 


Phamngochien.com - 07:46 - 05/11/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận