Xác định mục tiêu để viết Sách giáo khoa

Phải xác định rõ mục tiêu đào tạo trong tương lai theo hướng phát triển tư duy và khả năng sáng tạo, hay chỉ đào tạo tri thức.

Theo đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, sau năm 2015, chúng ta sẽ thực hiện việc đổi mới toàn bộ chương trình sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, thiết kế biên soạn SGK theo hướng như thế nào, tích hợp các môn học ra sao, xây dựng các môn học gồm những gì để vừa phát triển năng lực và phẩm chất người học, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thời đại là một điều không dễ.

Hội thảo quốc tế về Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và SGK do Bộ GD&ĐT cùng Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức ngày 30-10 đã nhận được nhiều đóng góp quý báu của các chuyên gia quốc tế đến từ các nền giáo dục tiên tiến như Pháp, Đức, Singapore, Úc, Hà Lan...

Nên có nhiều bộ SGK

GS-TS Olena Pometun, Viện Hàn lâm Khoa học giáo dục quốc gia Ukraina, cho rằng nên có ít nhất hai bộ sách trong chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, phải có một chương trình chuẩn để các nhà xuất bản căn cứ vào đó viết sách. "Khi có nhiều bộ sách thì học sinh (HS) sẽ được lựa chọn những cuốn sách tốt nhất. Việc này giúp chất lượng SGK được nâng lên mà HS cũng được tiếp cận với những bài học thú vị, thay vì kiểu viết sách theo lối mòn là truyền tải kiến thức" - ông Olena Pometun nói

GS-TS Mike Horsley, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục (IARTEM), cũng cho rằng nên có nhiều bộ SGK cùng tồn tại. "Hằng năm Hiệp hội Các nhà xuất bản Úc tổ chức một cuộc thi bình chọn SGK tốt nhất theo các tiêu chí như tính kết nối, sáng tạo, sự liên kết giữa các phần hay rõ ràng, hấp dẫn... Đây là căn cứ để HS lựa chọn sách, đồng thời nhà xuất bản cũng phải không ngừng đổi mới cho ra những bộ sách hấp dẫn" - ông dẫn chứng.

Theo ông Olena Pometun, nếu SGK chỉ đơn thuần giúp truyền tải kiến thức cho HS, quyển sách đó sẽ mang những đặc điểm hỗ trợ cho mục tiêu này. "Nếu ngoài cung cấp kiến thức, chúng ta muốn phát triển kỹ năng cho HS thì các đặc điểm đó sẽ phải thay đổi. Nếu mục tiêu của chúng ta là hỗ trợ phát triển tính cách cá nhân, lấy HS làm trung tâm như của Việt Nam thì SGK cần chứa đựng những yếu tố tác động đến tình cảm, giá trị, suy nghĩ, văn hóa... của HS" - ông Olena Pometun nhấn mạnh.

Không ôm đồm nhiều thứ

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng thách thức lớn nhất đối với biên soạn chương trình SGK là lựa chọn nội dung, chủ đề nào để đưa vào, bởi chương trình nào cũng quan trọng, chương trình nào cũng thấy cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu đều thống nhất không thể nhập khẩu chương trình một cách nguyên vẹn từ các nước khác, kể cả đó là một chương trình tiên tiến.

GS-TS Mike Horsley cho rằng nên lựa chọn những nội dung nào đáng giá nhất, đáng học nhất với người học. "SGK cho HS phổ thông không thể ôm đồm nhiều thứ, thậm chí phải hy sinh những môn cho rằng là cần thiết, là quan trọng" - Mike Horsley nhấn mạnh.

Đồng tình với các quan điểm trên, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, thường trực ban soạn thảo đổi mới chương trình SGK, cho biết tinh thần không phải đưa tất cả tri thức của môn học đó mà sẽ lựa chọn những gì cần thiết nhất cho phát triển năng lực HS đưa vào.

SGK cần chân thực, gần gũi, hấp dẫn

Chương trình giảng dạy phải hướng tới những nội dung mà người học quan tâm và có lợi cho người học chứ không phải có lợi cho người dạy hoặc Chính phủ. Có một thời, SGK trở thành nơi "khoe" những kiến thức hàn lâm cao siêu, trừu tượng của các giáo sư. Trong khi đó, chương trình giáo dục môn toán của Mỹ nhẹ hơn Việt Nam rất nhiều nhưng không ai nói nước Mỹ lạc hậu. Chương trình các môn tự nhiên cần giảm bớt các kiến thức hàn lâm và nên gần gũi với đời sống nhiều hơn. Ví dụ, có nhiều HS rất giỏi các môn toán, lý, hóa, sinh nhưng khi gặp người bị tai nạn lại không biết sơ cứu, không biết mắc điện trong nhà, không tính được diện tích nhà, đất...

Trong chương trình giáo dục mới, cần chú ý đến tính khoa học của các môn xã hội. Môn sử cần tăng cường tính chân thực, khách quan, cân đối, giảm bớt các nội dung chiến tranh để tăng thêm các nội dung lịch sử văn minh, giáo dục, nghệ thuật, kinh tế, luật pháp, tôn giáo, phong tục... Điều quan trọng là không bắt học sinh học vẹt, học thuộc lòng (vì đã có Google làm việc này).

Đối với môn văn, đa số các nước soạn chương trình theo hướng lấy tiếng mẹ đẻ làm trục chính. Ví dụ, HS Anh, Mỹ, Úc học môn tiếng Anh, HS Nhật học tiếng Nhật. Và cũng như vậy, HS Việt Nam cần học môn tiếng Việt. Trong môn này, lồng ghép vào các nội dung văn chương, xã hội học, đạo đức học... Nhưng SGK ngữ văn của ta hiện nay quá thiên về văn chương, tác phẩm thơ dày đặc chương trình từ lớp 1 đến lớp 12. Ta có cảm giác như nhà trường chỉ dạy HS làm thơ. Đã vậy, nhiều tác phẩm văn chương lại không hấp dẫn và lạc hậu, nặng về chính trị, nhẹ về nghệ thuật. Lẽ ra cần phải đầu tư cho ngôn ngữ học nhiều hơn vì đây là bộ môn công cụ, cần thiết cho mọi người, mọi lĩnh vực.

Ở Việt Nam, Nhà nước tốn khá nhiều tiền để viết SGK trong khi đó, ở nhiều nước tiên tiến, nhà nước không phải tốn kém nhiều cho khoản này vì việc soạn SGK là do tư nhân hoặc các tổ chức khoa học giáo dục đứng ra tự làm. Cách đây 40 năm, nền giáo dục miền Nam nước ta cũng làm theo hướng này. Bộ Quốc gia giáo dục chỉ đề ra khung chương trình, còn việc soạn sách là do các giáo viên đảm nhiệm. Soạn xong, phải thông qua khâu kiểm định chất lượng. Giáo viên và HS được quyền chọn các SGK có chất lượng cao, những SGK kém bị đào thải. Gần đây, SGK lớp 6, 7, 8 của Sở GD&ĐT TP.HCM gây sự chú ý của dư luận bởi chất lượng mang tính cạnh tranh của nó. Theo quy luật tự nhiên, chỉ có cạnh tranh mới có phát triển nên cũng cần tạo ra sự cạnh tranh trong việc biên soạn sách SGK. Nghĩa là các sở GD&ĐT, các trường ĐH, viện nghiên cứu có thể chào hàng các SGK của mình.

TS PHẠM NGỌC HIỀN, giảng viên khoa Xã hội Trường
ĐH Sài Gòn

HUY HÀ

http://www.baomoi.com/Xac-dinh-muc-tieu-de-viet-SGK/c/12298065.epi


Phamngochien.com - 07:47 - 06/09/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận