Xã hội hiện đại không làm giảm vai trò của người thầy (Đào Tấn Trực)

Theo số liệu thống kê từ các sở GD-ĐT bàn giao cho các trường ĐH thì số lượng hồ sơ thí sinh nộp vào các trường ĐH sư phạm (SP) năm nay nhìn chung giảm nhiều so với các năm trước.

Lượng hồ sơ nộp vào các trường SP ít, tức là nhu cầu làm thầy dạy học của tuổi trẻ hôm nay cũng không cao. Còn nhớ, từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngành SP bắt đầu lấy lại vị trí của mình trong xã hội. Điểm đầu vào các trường SP những năm này tương đối cao so với các trường khác. Xã hội cũng đã coi giáo dục là quốc sách, nghề giáo là nghề cao quý. Ngành SP cũng đã thu hút được một số người giỏi.

Đến những năm gần đây, số đông tuổi trẻ lại có xu hướng chọn nghề "né" ngành SP. Chính vì vậy, số lượng thí sinh nộp hồ sơ thi vào SP cứ ít dần. Có nhiều nguyên nhân từ phía gia đình, phụ huynh và tâm lý đám đông. Trong suy nghĩ từ phía chủ quan, các ngành nghề khối kinh tế hấp dẫn hơn từ việc tìm việc làm, lương cao, nhiều cơ hội và một số thuận lợi khác. Về phía cơ chế xã hội cũng tác động mạnh đến yếu tố chọn nghề SP của tuổi trẻ hôm nay. Cách phân bố nhiệm sở thiên về chủ quan, quyền lực dẫn đến tình trạng số đông sinh viên SP ra trường phải ở không hoặc làm trái nghề nhan nhản trong cuộc sống, đặc biệt là những sinh viên khá, giỏi. Những người có tâm, có tầm với nghề cũng chưa được phát huy, quan tâm ưu đãi bồi dưỡng đúng mức, lương bổng èo uột, phải làm nhiều nghề phụ khác mới sống được trong nghề.

Nhìn chung, có rất nhiều nguyên do làm cho tuổi trẻ ít chọn nghề làm thầy. Vì vậy, nhiều học sinh có học lực khá giỏi đã chọn nghề khác để học, lập nghiệp, lập thân là quy luật của cuộc sống.

Thực tế trên khiến những ai quan tâm đến giáo dục phải băn khoăn nhiều về chất lượng của nghề dạy học, nghề thầy của các nghề. Làm thầy không chỉ xong việc mà đòi hỏi phải tâm huyết, tận tâm và có ý chí, lý tưởng vì sự nghiệp. Không có nhân lực giỏi thì làm sao có hiền tài giỏi. Vì thế, việc nghề SP hiện nay đang bị cào bằng trong tuyển sinh, kể cả trong tuyển dụng, sử dụng đã khiến nỗi băn khoăn trên như nhân đôi.

Giáo dục là quốc sách, là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng và phát triển đất nước nhưng trong thực tế nghề này lại được ít người quan tâm. Làm gì để có những người thầy giỏi để chăm lo cho sự nghiệp trồng người là trách nhiệm không chỉ của riêng ai.  

Đào Tấn Trực

 


Phamngochien.com - 20:28 - 24/06/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận