Xã hội hiện đại, có nhất thiết phải học thơ văn ? (Hoàng Khánh)

Các môn xã hội nói chung và môn Văn học nói riêng đang có nguy cơ ít học sinh quan tâm, cụ thể có rất ít thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành xã hội và điểm thi tốt nghiệp các môn khối C luôn thấp nhất so với các môn học khác. Vậy xã hội hiện đại có nhất thiết phải học Văn?
 
Môn Văn dần bị "yếu thế"
 
Ở thời kỳ phong kiến, hai môn được nhiều người quan tâm ôn luyện nhất là môn Văn và môn Võ, chính vì vậy, chứng tỏ một điều, môn Văn luôn được mọi người chú trọng dù ở bất cứ thời kỳ nào của xã hội.
 
Theo TS Phạm Ngọc Hiền, Giảng viên Trường ĐH Sài Gòn - một người rất có tâm huyết về môn Văn học cho rằng, thời trung đại, môn Văn chiếm vị trí số một trong nhà trường phong kiến Việt Nam. Người ta đi học, trước hết là để biết viết, biết đọc rồi nghiền ngẫm các kinh sách cổ điển để học đạo lý làm người, học phép tắc viết văn, làm thơ...
 
Dạy Văn là dạy đạo đức và năng lực thưởng thức cái đẹp của văn chương. Người giỏi văn chương có nhiều cơ may thi đậu các kỳ thi rồi ra làm quan. Không làm quan, làm thầy thì về nhà ngâm nga thơ phú cũng xem như đạt được mục đích học tập của đời người.  
 
Tuy nhiên đến nay, môn Văn dần bị "yếu thế" hơn so với các môn khác mà các nhà quản lý giáo dục vẫn chưa tìm được giải pháp nào thích hợp. Cụ thể, có rất ít học sinh chọn vào ban xã hội mà ngay từ đầu, rất nhiều em đã lựa chọn các ban cơ bản hoặc ban tự nhiên để học.
 
Em Bùi Thị Tuyết Nguyệt (Học sinh Trường THPT Phan Bội Châu) cho biết, theo em thấy học các môn xã hội sau này dễ chọn ngành nghề hơn, trong khi đó khối C chỉ có một số ngành có "thương hiệu" còn lại đa phần đều khó tìm được việc. Chính bởi vậy, bọn em được bố mẹ hướng chọn vào ban tự nhiên ngay từ khi mới bước vào lớp 10.
 
Chính vì không có nhiều học sinh chọn lựa học Văn nên điểm môn này ở các kỳ thi như tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ luôn thấp. Thầy Đỗ Tấn Ngọc, Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Quảng Ngãi nhận định rằng, phần nhiều thí sinh thi khối C rất ít có sự chuẩn bị, đầu tư tốt 3 môn thi của mình trong quá trình học, nhất là lớp 12. Đến lúc đăng ký dự thi, thi tốt nghiệp THPT xong mới vắt chân lên cổ học, học được chữ nào hay chữ ấy.
 
Mặt khác, thầy cô giáo dạy khối C được đào tạo trước đây có năng lực, phương pháp tốt, giảng dạy nhiệt tình nhưng trước tình cảnh xã hội không coi trọng, học sinh không quan tâm, hứng thú với các môn khối C, nhiều giáo viên mất dần nhiệt tâm, giảng dạy cầm chừng cho xong bài, hết tiết. Nhiều khi dạy đơn giản, sơ sài, dễ dãi, cho điểm cao. Điều này đã khiến không ít học sinh học hành chểnh mảng, kiến thức thu nạp thiếu và sơ sài dẫn đến hổng kiến thức.

 Ảnh minh họa
Xã hội hiện đại rất cần phải học Văn 


Xã hội hiện đại rất cần phải học Văn
 
Theo TS Phạm Ngọc Hiền, sở dĩ sinh viên vào ngành Ngữ văn ngày càng ít là vì học ngành này khó xin việc làm. Cái khó khăn này xuất phát từ mục tiêu dạy học Văn cổ lỗ vẫn còn tồn tại dai dẳng đến bây giờ. Nhiều người quan niệm rằng, sinh viên ngành Văn chỉ học ba thứ thơ văn vớ vẩn của những nhà thơ nghèo, mộng mị hão huyền và... không bình thường.
 
Mà thời bây giờ, không có công ty nào tuyển dụng những SV giỏi thơ phú, những nàng và chàng nghiện đọc tiểu thuyết. Các doanh nghiệp chỉ tuyển những người biết soạn thảo thành thạo các loại văn bản, có khả năng giao tiếp tốt, có tài PR, diễn thuyết quảng cáo sản phẩm để tăng lợi nhuận cho công ty.
 
Thực ra, công việc văn phòng và truyền thông quảng cáo cũng là chuyên môn của cử nhân Ngữ văn. Nhưng vấn đề là các trường ĐH phải đào tạo sao cho SV của mình thích ứng nhu cầu của thời đại công nghiệp. Giảm bớt những kiến thức lạc hậu và xa rời thực tế, đưa môn Văn xích lại gần với đời sống thực tại.
 
Cũng theo TS Hiền, nhiệm vụ của môn Văn hiện nay là cung cấp những kiến thức cơ bản về lịch sử văn học, lý luận văn học nhưng quan trọng nhất là kỹ năng phân tích, đánh giá và sáng tạo tác phẩm. Mục tiêu dạy học Văn phải thích ứng với thời đại, dạy môn Văn là để rèn năng lực cảm thụ, đánh giá và sáng tạo nghệ thuật nói chung.
 
Còn theo cô Đinh Thị Kim Huệ (Giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự) cho rằng, dù ở thời kỳ nào đi chăng nữa, nhất là thời hiện đại như nay, học sinh sinh viên nên học Văn để trao dồi thêm kiến thức viết lách, vì dù làm nghề nào đi chăng nữa thì cũng phải viết thôi. Do đó, Bộ GD&ĐT cần phải hướng các em biết quan tâm đến môn học này nhiều hơn nữa thì mới có tác dụng tích cực.

 

Nguồn: Vnmedia.vn


Phamngochien.com - 10:23 - 01/05/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận