Vương Thúy Kiều truyện (Dư Hoài, người dịch: Ngô Trần Trung Nghĩa)

VƯƠNG THÚY KIỀU TRUYỆN (1)

Tác giả: Dư Hoài (2)

Người dịch: Ngô Trần Trung Nghĩa

Khóc rằng: Trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này!
Mặt nào trông thấy nhau đây?

Thà liều sống thác một ngày với nhau!

------ Nguyễn Du: Truyện Kiều

Tôi đọc sách "Ngô Việt Xuân Thu", xem tới đoạn Tây Thi nhấn chìm cả nước Ngô rồi đi theo Phạm Lãi quy ẩn nơi Ngũ Hồ, trộm nghĩ: Tây Thi nhận lấy sự ủy thác của nước Việt, dùng sắc đẹp để chiếm lấy ân sủng của Ngô Vương, từ đó đưa nước Ngô đi tới chỗ vong quốc, nhưng lại không tự vẫn chết theo, làm như vậy, dẫu không phụ lòng của nước Việt thì cũng là phụ ân của Ngô Vương. Nếu so với hành động của Vương Thúy Kiều đối với Từ Hải thì đủ thấy công, tư đều dốc tận, khác hẳn với Tây Thi năm xưa. Than ôi! Thúy Kiều xuất thân từ con nhà hát xướng nhưng lại có được hành động trung nghĩa đến nhường ấy, bọn tu mi nam tử không cảm thấy hổ thẹn lắm hay sao? Tôi vì cảm thương cho ý chí của nàng, bèn gom nhặt và sắp xếp lại những việc xảy ra lúc sinh tiền, viết nên thiên truyện này. Truyện rằng:

Vương Thúy Kiều là người Lâm Tri. Từ nhỏ đã bị bán vào phường hát xướng, mạo xưng họ Mã, giả mẫu gọi là Kiều Nhi, dung mạo thì xinh đẹp bậc nhất, lại thêm thiên tính thông minh. Nàng được dẫn tới Giang Nam, dạy hát Ngô ca thì hát Ngô ca thông thạo, dạy gảy tỳ bà Hồ thì tinh thông gảy tỳ bà Hồ. Khi thổi tiêu thành khúc thì âm thanh trong trẻo, từng nhịp phách du dương vang lên theo giọng hát làm say đắm bao nhiêu vị khách ngồi. Kiều Nhi rất có danh tiếng ở trong chốn Bình Khang (3). Song Kiều Nhi tính tình nhã đạm, thường tỏ ra cách biệt, không tha thiết gì với son phấn điểm trang lẫn những môn thuật chiều chuộng khách. Gặp phải những khách buôn bụng phệ hay mấy lão thấp hèn ra giá đến ngàn vàng, nàng chỉ hững hờ liếc mắt rồi cười khinh, chứ chẳng thèm đếm xỉa hay trò chuyện lấy một lời. Do vậy giả mẫu thường nổi giận và đánh mắng. May thay có một chàng thiếu niên lén cho Kiều Nhi nhiều vàng, bày kế thoát khỏi giả mẫu, rồi nàng tự dọn đến sống ở Gia Hưng, đổi tên thành Vương Thúy Kiều.

Lúc bấy giờ, có người ở huyện Thiệp tên là La Long Văn, tiền tài dư dả, là một tay hào hiệp kết giao nhiều tân khách, thường qua lại với Thúy Kiều, còn gần gũi với một kỹ nữ khác tên là Lục Châu. Từ Hải người đất Việt là một kẻ hung tợn trộm cắp, bần cùng vô lại, đang bị bọn cờ bạc bức bách đến túng quẫn nên một mình lẻn vào nhà Thúy Kiều ẩn náu, ban ngày không dám ra gặp ai. Long Văn làm quen với Từ Hải, khen Hải là một tráng sĩ nên nghiêng mình kết bạn, nắm tay nhau đi uống rượu đến say sưa thỏa thích, còn sai nàng Lục Châu thân cận bên mình ra hầu hạ. Hải cũng không từ chối. Đang lúc men rượu bừng lên nóng đến mang tai, Hải vén tay áo cầm chén rượu, ghé sát tai Long Văn nói rằng: "Mảnh đất này không phải là nơi tôi thỏa chí, bậc trượng phu há có thể cam tâm chịu đứng sau người khác mãi mãi ư? Ngài nên nỗ lực, tôi cũng quyết dốc sức từ đây. Mai này phú quý, xin chớ quên nhau!". Hải khảng khái hát vang khúc bi ca, ở lại thêm mấy ngày nữa rồi từ biệt ra đi.

Từ Hải này vốn là tăng trong chùa Hổ Bào ở Hàng Châu, kẻ mà người ta vẫn gọi là "Minh Sơn hòa thượng" vậy. Không bao lâu, Hải nhập bọn với Oa Khấu (4), trở thành một chúa tàu, thống lĩnh hùng binh trên mặt biển, nhiều lần xâm phạm Giang Nam. Năm Gia Tĩnh thứ 35 (1556), Từ Hải bao vây quân của Tuần phủ Nguyễn Ngạc ở Đồng Hương, Thúy Kiều và Lục Châu đều bị bắt. Hải nhìn thấy thì kinh ngạc nhưng cũng rất vui mừng, sai Thúy Kiều gảy tỳ bà Hồ để góp vui cho tiệc rượu, rồi ngày càng sủng ái, gọi là phu nhân, bắt các tỳ thiếp ra vái chào. Thúy Kiều được thương yêu hết mực, dù là quân cơ đại sự hay kế hoạch bí mật, nàng đều được phép ngồi nghe. Thúy Kiều bề ngoài thì tỏ ra thân thiết, nhưng trong lòng thì hy vọng họ thua trận, vì nàng vẫn luôn mong mỏi được về nước, dòng lệ cứ rưng rưng, thường lau mặt bằng nước mắt.

Gặp lúc Tổng đốc Hồ Tông Hiến đang khai phủ ở Chiết Giang, người này giỏi dùng binh, nhiều kế sách, muốn thu nạp Từ Hải. Sau khi phá sạch quân Ma Diệp, Trần Đông và đánh tan bè đảng của Vương Trực, Tông Hiến sai Hoa lão nhân mang hịch đến chiêu hàng. Hải nổi giận, bắt trói Hoa lão nhân định chém đầu. Thúy Kiều nói với Hải: "Chuyện ngày hôm nay, quyền sinh sát đều ở trong tay chàng, nhưng hàng hay không hàng thì có can dự gì tới sứ giả đâu?". Hải bèn cởi trói, ban cho vàng bạc rồi đuổi đi. Lão nhân về báo với Tông Hiến rằng: "Thế giặc đang mạnh lắm, chưa thể bắt ngay được. Nhưng lão hủ liếc mắt nhìn tới Vương phu nhân mà Hải luôn sủng ái, thấy cô ta dường như có ngoại tâm, chắc có thể lợi dụng điểm này để tiêu diệt giặc".

La Long Văn nghe phong phanh được tin tức, tự mừng thầm vì có tình thân cố cựu với Thúy Kiều, bèn nhờ thượng khách trong mạc phủ là Từ Vị người Sơn Âm đưa tới diện kiến Tông Hiến. Tông Hiến lấy tình nghĩa đồng hương bước xuống thềm nghênh tiếp, nói rằng: "Ông cũng có ý muốn công danh phú quý hay sao? Vậy thì bây giờ là lúc cần đến ông đó", rồi cùng nhau bàn việc lớn. Long Văn nhận chỉ tới doanh của Từ Hải, mặc áo mão như thuở du hiệp khi xưa, đưa thiếp xin gặp mặt. Hải vội ra đón vào, cho ngồi ghế thượng tọa, bày rượu mời, rồi nắm tay Long Văn mà nói: "Túc hạ không quản đường xá xa xôi tìm tới đây, có phải muốn làm thuyết khách cho Hồ công chăng?". Long Văn cười nói rằng: "Không phải làm thuyết khách cho Hồ công, chỉ là làm trung thần với cố nhân thôi. Vương Trực đã sai con nạp khoản cầu hòa rồi, cố nhân không thừa cơ hội lúc này mà giải giáp lui binh thì ngày sau tất sẽ bị bắt đó". Hải ngạc nhiên nói: "Thôi gác chuyện đó sang một bên đi, ta cùng cố nhân uống rượu đã. Nay có tiếng nhạc êm ái, mọi thứ đều đầy đủ và xa hoa đến mức này, những tưởng đại trượng phu lúc đắc chí thì phải được như thế chứ". Rượu tiệc nửa chừng, Hải cho gọi Vương phu nhân và Lục Châu ra gặp Long Văn. Long Văn đổi sắc mặt ra chiều lễ nghĩa, chuyện trò vui vẻ lắm, nhưng không đả động gì đến việc riêng. Thúy Kiều vốn đã biết Long Văn là người hào hiệp, bèn khuyên Hải sai người cùng tới Đốc phủ thâu khoản, giải vây cho Đồng Hương.

Tông Hiến vui mừng, làm theo kế của Long Văn, mang thêm nhiều vàng ngọc châu báu âm thầm đến biếu tặng cho Thúy Kiều. Thúy Kiều dần động lòng, đêm ngày thuyết phục Từ Hải đầu hàng. Hải nghe theo nàng, bèn định kế, trói Ma Diệp, bắt Trần Đông, ước hẹn quy hàng Tông Hiến. Đến ngày thì mặc giáp trụ bước vào thành Đồng Hương. Khi đó Triệu Văn Hoa, Nguyễn Ngạc và Tông Hiến phân ngôi thứ cùng ngồi rất đường hoàng. Hải khấu đầu tạ tội, lại tạ ơn Tông Hiến. Tông Hiến bước xuống bậc thềm xoa trán và nói rằng: "Nay triều đình ân xá cho ngươi, ngươi chớ có làm phản nữa!", ủy lạo mấy câu rồi cho ra. Hải vừa bước ra ngoài, thấy quan binh tụ tập đông đủ thì trong lòng đã sinh nghi. Tông Hiến có lòng thương tiếc cho Từ Hải, không muốn giết kẻ quy hàng, nhưng bị Văn Hoa bức bách, đành hạ lệnh, sai Tổng binh Du Đại Du cho toàn quân tiến lên. Gặp lúc trời nổi gió lớn, quân triều đình thừa cơ phóng hỏa, reo hò đánh trống và xông vào chém giết, quân Từ Hải thua to, tan chạy và bị tiêu diệt sạch. Hải vội vàng nhảy xuống nước nhưng bị bắt, chém lấy đầu, còn Thúy Kiều thì cho sống mà dẫn vào quân môn.

Tông Hiến bày tiệc lớn khao thưởng các quan Tham tá, sai Thúy Kiều hát Ngô ca và mời rượu mọi người. Bọn Tham tá hoặc là quỳ trên chiếu, hoặc nhảy múa nâng chén, cùng chúc thọ Tông Hiến. Tông Hiến bị rượu làm cho say mèm hoa mắt, cũng vung tay múa giáo, đùa giỡn với Kiều Nhi. Đến khi tiệc loạn lên hết thì mới thôi. Sáng hôm sau, Tông Hiến hối hận vì đêm qua say khước, bèn đem Thúy Kiều ban thưởng cho tù trưởng Vĩnh Thuận mới về hàng. Thúy Kiều đã theo tù trưởng Vĩnh Thuận, đi tới giữa sông Tiền Đường, nàng ưu uất đập giường và than rằng: "Minh Sơn hậu đãi ta như vậy, nhưng ta lại đem quốc sự đẩy chàng vào chỗ chết. Hại chết một tù trưởng rồi lại thuộc về một tù trưởng khác, vậy bảo ta còn mặt mũi nào để sống ở trên đời nữa đây?". Nói xong, nàng hướng về ngọn sóng gào lên một tràng dài đau khổ, rồi lao xuống dòng nước mà chết.

Họ Ngoại Sử nói rằng: "Than ôi! Thúy Kiều lấy cái chết để báo đáp Từ Hải, chí ấy đáng thương thay! La Long Văn được người đời gọi là Tiểu Hoa đạo nhân, một kẻ giỏi chế tạo nghiên mực (5). Ban đầu lấy thuật du thuyết âm thầm biếu tặng vàng ngọc cho Thúy Kiều, dụ được Từ Hải lui binh, có thể xem là bậc trí sĩ. Nhưng về sau lại nương cậy nơi quyền thế, đến cuối cùng bị chém chung với Nghiêm Thế Phiền ở chợ Tây (5), so với cái chết của Thúy Kiều thì giống như lấy hồng mao đem ví với Thái Sơn vậy. Làm người thì phải nên coi trọng cái chết của mình, Thúy Kiều là con nhà hát xướng mà còn biết điều đó, huống chi là hạng sĩ đại phu? Thế nhưng con nhà hát xướng biết mà hạng sĩ đại phu không chịu biết thì chẳng phải là bi đát lắm hay sao?".

Trương Sơn Lai nói: "Hồ công không đem Thúy Kiều tặng cho Tiểu Hoa mà lại ban cho tù trưởng, thực sự thì cần gì phải làm thế? Cứ nhìn Thúy Kiều sau khi bị bắt sống, không thể chết ngay, lại đi mời rượu trước mặt các Tham tá, đủ thấy đã có ý quy phục rồi. Còn như việc lao xuống nước tự vẫn kia, đâu có giống như để báo đáp Minh Sơn" (6).

Chú thích:

(1) Vương Thúy Kiều là một danh kỹ ở Tần Hoài thời nhà Minh. Cô là vợ của Từ Hải và có liên quan đến sự kiện Vương Trực ("Minh sử" chép là Uông Trực) nổi dậy chống triều đình. Từ Hải, Ma Diệp, Trần Đông đều là tướng dưới quyền của Vương Trực. Sau khi Từ Hải đầu hàng và chết vào năm 1556 thì hai năm sau (1558), Vương Trực cũng bị bắt.

(2) Dư Hoài (1616 - 1696), tự Đạm Tâm, hiệu Hồ Sơn Ngoại Sử, người Bồ Điền, Phúc Kiến. Ông là một nhà văn nổi tiếng thời Minh mạt Thanh sơ.

"Vương Thúy Kiều truyện" của ông là một trong số các phiên bản về cuộc đời của Vương Thúy Kiều, bám khá sát vào sự thật lịch sử, về sau được một nhà văn khác đời Thanh là Trương Trào (1650 - 1707), tự Sơn Lai, sưu tầm và chép vào bộ "Ngu sơ tân chí".

(3) Bình Khang là tên một phường ở ngoại thành Trường An vào thời Đường, nơi có kỹ nữ ở, sau trở thành danh từ chỉ chung các xóm yên hoa.

(4) Oa Khấu có nghĩa là "giặc lùn", đây là từ chỉ quân cướp biển Nhật Bản thường xuyên quấy nhiễu, xâm phạm bờ biển của Triều Tiên và Trung Quốc.

(5) La Long Văn là người huyện Thiệp, tỉnh An Huy, địa phương này rất nổi tiếng về nghiên mực.

(6) Nghiêm Thế Phiền và La Long Văn bị xử chém giữa chợ vào năm 1565.

(7) Đây là lời bình của Trương Trào trong "Ngu sơ tân chí". Trương Trào có vẻ không đồng tình với cách đánh giá của Dư Hoài, nhưng không phải là không có lý. Theo lời kể của Dư Hoài thì Thúy Kiều hoàn toàn không thật lòng với Từ Hải, chỉ muốn được về nước, nên mới trông cho Từ Hải thua trận. Đồng thời việc cô khuyên Từ Hải đầu hàng hoàn toàn là do nhận đút lót của Hồ Tông Hiến. Từ những chi tiết trên, nếu nói cô tự vẫn để báo đáp Từ Hải thì nghe không được thuyết phục cho lắm.

So sánh những nguyên bản trong văn học Trung Quốc với "Truyện Kiều", ta thấy Nguyễn Du đã có một bước sáng tạo rất lớn. "Truyện Kiều" không những đạt đến đỉnh cao về phương diện nghệ thuật, mà câu chuyện cũng trở nên hoàn chỉnh, có lý, có tình, đủ sức rung động lòng người.

Người dịch: Ngô Trần Trung Nghĩa: ngotrantrungnghia@gmail.com


Phamngochien.com - 07:24 - 22/09/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận