Vĩnh Tế - tên người và tên kinh (Huyền Văn - Cần Thơ)

Tôi cùng đoàn nhà văn Cần Thơ đến Núi Sam vào một buổi trưa hè, trời nắng gắt cũng không ngăn nổi dòng người tấp nập đến viếng khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, một công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh An Giang, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia và là một trong những địa điểm du lịch hành hương lớn trong cả nước.
Thoại Ngọc Hầu, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, có công phò tá chúa Nguyễn Ánh lên ngôi, nên được phong tước Ngọc Hầu rất sớm, thời gian ông làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (gồm cả Long Xuyên và Cần Thơ), ông đã đốc suất 1.500 dân binh đào kinh Đông Xuyên dài hơn 30.000m, được triều đình đặt tên Thoại Hà, nhân thấy bờ phía đông gần đấy có ngọn Khâu Sơn, cho đặt tên là Thoại Sơn để biểu dương công lao của ông.
Năm 1819, Thoại Ngọc Hầu nhận lệnh vua Gia Long chỉ huy việc đào kinh Châu Đốc - Hà Tiên, có chiều dài khoảng 87km, độ rộng trung bình 30m, độ sâu trung bình khoảng 2,55m.Công trình đã phải huy động đến hơn 90.000 dân binh, mất 3.463.500 ngày công, đào 2.845.035m³ đất, thời gian kéo dài từ tháng chạp năm Mẹo 1819 cho tới tháng 5 năm Thân 1824, ước tính 5 năm.
Cái giá phải trả cho con kinh này là không nhỏ, điều kiệnthiên nhiên khắc nghiệt, việc ăn uống, thuốc men thiếu thốn, khiến số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như cá sấu, rắn rết không phải nhỏ, nên việc tổ chức đào kinh gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
Lúc bấy giờ, bà Châu Thị Tế (Châu Thị Vĩnh Tế) vợ chính thức của Thoại Ngọc Hầu (1766 - 1826) đã tận tình chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, động viên khuyến khích chồng, thay chồngkiểm tra, đôn đốc việc đàokinh trong những lúc chồng bận việc công cán. Đối với dân phubà ân cần thăm hỏi, đối xử với họ bằng cả tấm lòng nhân hậu,lo lắng chohọ đượcăn no, mặc ấm, để đảm bảo sức khỏe lo việc đào kinh, nên bà được mọi người kính trọng.
Kinh đào xong, vua Minh Mạng lấy làm mãn nguyện vì đã nối chí vua cha và thực hiện quốc sách: "Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên, cho tới dân buôn bán, đều được tiện lợi vô cùng" (*), nên đãban thưởng vàng bạc, gấm vóc cho Thoại Ngọc Hầu, đồng thời cho làm bia dựng ở bờ sông để đánh dấu cho một công tác lớn lao của ông và xét thấy bà Châu Thị Tế, là người đức độ, từng tận lực giúp chồng trên đường công bộc, cho nên ban đặt tên kinh là Vĩnh Tế Hà và tên núi ở bờ kinh là Vĩnh Tế Sơn.
Có lẽ trong lịch sử nước ta, duy nhất cả hai vợ chồng Thoại Ngọc Hầu - Châu thị Tế đều có công khai sông dẫn thủy được triều đình nhà Nguyễn lấy tên đặt tên cho công trình mà họ đã làm nên; đặc biệt là công sức đóng góp của người phụ nữ đối với đất nước, cho nên trong dân gian có câu: Nước Nam trai sắc gái tài/ Gương bà Châu thị lưu đời ngàn năm.
Trong văn bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký (bia ghi việc được đặc ban tên núi Vĩnh Tế), Thoại Ngọc Hầu viết "... Năm trước đây, thần phụng mệnh coi sóc việc đào kinh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kinh núi Sập mà đặt tên núi là Thoại Sơn. Đến nay, hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố đến vợ thần là Châu Thị Tế, cho rằng có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng trung thành bền chặt, có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi Sam là Vĩnh Tế sơn...".
Bia Vĩnh Tế Sơn dựng vào tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), sau khi kinh được đào xong 4 năm. lúc bấy giờ Thoại Ngọc Hầu đã 67 tuổi.Tấm bia đá to và cao ngang đầu người, khắc 730 chữ, đã sửa soạn từ lâu, được đem cắm trong vòng lăng mộ, lúc đó đã được chôn Thoại Ngọc Hầu phu nhân (đã mất trước đó 2 năm).
Năm 1836, nhà vua cho đúc 9 cái đỉnh lớn đặt ở Huế làm quốc bảo và khắc hình tượng con kinh Vĩnh Tế được chạm vào cao đỉnh thờ trước sân chầu Thế Tổ Miếu.
Sau khi rời lăng, xe của đoàn chúng tôi chạy dọc theo con kinh của 200 năm trước, con kinh thẳng tắp, dưới kinhxuồng ghe tắp nập cho thấy đến bây giờ, kinh Vĩnh Tế vẫn còn mới mẻ và hiện đại, vừa có giá trị lớn về giao thông, thương mại, vừa là đường hào giúp bảo vệ vùng biên giới Tây Nam, vừa giúp tưới tiêu cho một vùng ruộng đồng rộng lớn ở Hà Tiên - Rạch Giá, đưa nước ngọt của sông Cửu Long vào các khu đồng ruộng mênh mông để rửa sạch chất muối, chất phèn cho mùa màng thêm tươi tốt.
Câu chuyện đào kinh Vĩnh Tế và công đức của hai vợ chồng Thoại Ngọc Hầu - Châu Thị Tế có giá trị nhân văn rất lớn, bởi những giá trị thực tế vẫn còn ở hiện tại mà con kinh này mang lại cho cuộc sống của người dân miền sông nước./.

Ghi chú: (*) Nhận xét của Đại Nam nhất thống chí, ghi chép trước đây gần trăm năm.

.


Phamngochien.com - 14:36 - 09/01/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận