Vĩnh biệt em tôi: Phạm Ngọc Sơn (Phạm Ngọc Hiền)

Em trai tôi là Phạm Ngọc Sơn, sinh năm 1984 vừa qua đời tại quê nhà ngày 25 / 10 / 2010, ở tuổi 27, sau 5 năm nằm liệt vì tai nạn giao thông. Cái chết của Sơn gây sự cảm thương sâu sắc cho những người ở lại. Họ hàng, xóm làng tới phúng điếu rất đông. Bạn bè của Sơn thời phổ thông và đại học từ các tỉnh cũng về thức trắng đêm bên linh cữu của Sơn. Chính quyền địa phương cũng đến chia buồn...Các cụ già trong làng cũng bố trí cho Sơn có được một nơi yên nghỉ tốt. Chắc linh hồn em tôi đã được an lòng nơi chín suối.

Khi còn sống, Sơn quan hệ rất rộng và được lòng tất cả mọi người. Trong suốt những năm học phổ thông, Sơn luôn là học sinh khá - giỏi và làm lớp trưởng những năm cấp II và III. Sơn học lớp 23 QT1 ngành quản trị kinh doanh của Đại học Duy Tân - Đà Nẵng. Năm học thứ hai, nhân dịp trường cho nghỉ lễ ngày giải phóng miền Nam, Sơn về thăm nhà. Ngày 10 / 4 / 2005 (tức 2/3 âm lịch), trên đường mua vé tàu để chuẩn bị trở lại trường thì bị tai nạn giao thông. Người gây tai nạn là Nguyễn Thành Long, ở Kỳ Lộ, Đồng Xuân. Ông đã trình diện với công an và chịu ở tù một năm, do quá nghèo nên bán cả nhà mà chỉ bồi thường khoảng 1/10 chi phí điều trị cho em tôi.

Ngay sau khi bị tai nạn, Sơn được người dân địa phương đưa đi bệnh viện Phú Thứ, rồi bệnh viện TP. Tuy Hòa. Sau đó chuyển ra bệnh viện đa khoa Quy Nhơn. Các bác sĩ xét thấy nạn nhân bị chấn thương sọ não quá nặng, không còn khả năng phục hồi sự sống nên muốn cho "đi" nhưng gia đình nhờ người quen năn nỉ quá lời nên họ đành phải mổ. Mặc dù sau đó nhiều y bác sĩ khéo léo báo trước là không còn hy vọng gì nhưng gia đình tôi vẫn nuôi hy vọng, còn nước còn tát. Tôi cùng gia đình nuôi Sơn trong điều kiện hết sức khổ sở, ăn ngủ vật vạ ở các hàng lang suốt một tháng trời. Mỗi ngày phải chứng kiến bao nhiêu nỗi khổ của các gia đình khác lũ lượt cuốn chiếu về đây. Tôi được nghe kể cả một kho tàng kiến thức về tai nạn giao thông...

Gia đình cũng đưa Sơn vào bệnh viện Chợ Rẫy nhưng họ cũng trả về. Chữa hết Tây y lại đến Đông y nhưng đành bó tay. Sơn được chăm sóc tại nhà, ba má và các em tôi túc trực bên gường bệnh cho Sơn ăn uống, vệ sinh, tập thể dục... suốt 5 năm. Ban đầu Sơn ăn uống được nhưng không nhận biết được điều gì. Tiền của và công sức gia đình bỏ ra nhiều không kể xiết. Nhưng càng ngày, sức khỏe Sơn càng yếu, cơ thể suy thoái dần, mọi hy vọng tắt ngấm. Đến tháng 10 / 2010, gia đình quyết định để cho Sơn ra đi một cách thanh thản. Những ngày cuối đời, mặc dù không ăn uống được gì nhưng Sơn vẫn tỏ ra có sự sống bền bỉ và trút hơi thở cuối cùng một cách nhanh chóng bất ngờ.

Sau khi Sơn bị tai nạn, tôi thay mặt gia đình lo các thủ tục liên quan tới vụ án. Trước đó, tôi không bao giờ nghĩ đời mình sẽ phải lui tới các chỗ này. Đó là cơ quan công an huyện, trung tâm giám định pháp y, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án, bảo hiểm... Công việc hồ sơ thủ tục cũng khá vòng vo và kéo dài. Cũng may là các cơ quan trên tách rời nhau chứ không dính thành một khối nên nếu lỡ cơ quan này "ghi nhầm" hồ sơ thì còn có cơ quan khác "nhắc nhở" ghi lại cho đúng. Mỗi lần đi tới một cơ quan, trước mắt tôi mở ra một chân trời mới vì chứng kiến nhiều việc trước đó chưa từng biết (mặc dù tôi có trí tưởng tượng tốt và đọc sách cũng nhiều). Cái may thứ hai là vụ tai nạn diễn ra lúc thanh thiên bạch nhật, có đông người chứng kiến và người gây nạn cũng thành khẩn nhận tội trong buổi sáng đó. Thành thử nó không bị rơi vào ngõ cụt tối tăm như đại đa số các vụ tai nạn khác. Sau vụ việc này, tôi thấy mình như được học thêm một bằng đại học thứ hai chuyên ngành tai nạn giao thông.

Sau vụ tai nạn của Sơn, tôi trở nên rất quan tâm tới mọi vấn đề liên quan tới tai nạn giao thông và đặc biệt là chuyện tâm linh. Tôi và gia đình xét thấy hình như cái chết của Sơn đã được báo trước. Có ít nhất 8 lý do để khẳng định điều đó:

1. Căn cứ vào ngày tháng năm sinh trong sách tử vi. Gia đình có đi hỏi nhiều thầy bói ở xa và giấu chi tiết là Sơn bị nạn, các thầy đều nói giống nhau: tháng 3 năm 2010 (âm lịch) là tháng xấu của Sơn. Họ bảo nên đề phòng rủi ro vì đây là năm có nhiều hoạn nạn. Nhưng rủi ro đã xảy ra rồi. Trong vòng đời của mỗi người đều có một số điểm đen, và đại đa số đã đi qua an toàn nhưng em tôi thì không qua khỏi.

2. Căn cứ vào tướng số. Sau khi Sơn được đưa về nhà điều trị, tôi có mời một giảng viên dạy sinh vật ở Đà Lạt tới thăm và tư vấn cách chữa bệnh. Thầy này cũng chuyên nghiên cứu về tướng số và phát hiện có một nốt ruồi xấu màu nâu hồng ở sau sống lưng Sơn. Ngoài ra, căn cứ vào sự phân bố các nốt ruồi với nhau cũng thấy em tôi gặp khá nhiều rủi ro trong cuộc sống.

3. Ông bà ta thường nói: "Nồi đồng thì mất, nồi đất thì còn". Ý nói trong một gia đình, người con "ngon" nhất thường bị yểu mệnh, còn người con "dở" nhất lại sống dai. Nhà tôi có hai người tính cách trái ngược nhau: Nhi thì la cà chơi bời, ai cũng chê nhưng chẳng bị bệnh tật gì. Sơn được mọi người khen hết lời. Má tôi luôn miệng khen Sơn là "ngoan nhứt nhà", "đẹp trai nhứt nhà"...Tôi chợt nhớ đến lời khuyên răn của người xưa: không nên khen một đứa trẻ quá lời vì nếu không sẽ bị quỷ thần ghen ghét bắt đi mất. Nhiều người sợ nên đặt cho con mình những cái tên rất xấu để quỷ thần khỏi chú ý. Em tôi có cái tên khá đẹp (Ngọc Sơn) lại được mọi người khen quá nhiều nên đấy cũng là một cái họa. (Có thể thấy thêm quy luật "tài mệnh tương đố" qua hai nhân vật Thúy Kiều, Thúy Vân).

4. Lại thêm một quy luật nữa: tự ngàn xưa, người phương Đông đúc kết kinh nghiệm rằng: nhà có 4 con trai (hoặc gái) là tốt, gọi là "tứ quý". Ngược lại, nếu có 5 con trai (hoặc gái) thì xấu, gọi là "ngũ quỷ" (hoặc "ngũ long công chúa"). Trong 5 người con trai, ắt hẳn phải có một người chết hoặc sống không ra gì. Gia đình ông Ba Ch. ở xóm tôi có 5 người con trai, chết một mình anh H. còn 4 trai. Cha tôi có 5 anh em trai, bác Năm tôi thoát ly gia đình tham gia cách mạng và hy sinh năm 1968, còn lại 4 trai. Tới thế hệ tôi, nhà có 7 anh em: 5 nam, 2 nữ. Sơn phải ra đi để còn lại 4 trai ("tứ quý"). Tôi nghe nói quy luật này cũng khá phổ biến.

5. Theo quy luật bù trù âm dương, nếu dương quá lớn thì sẽ sinh âm lớn để giữ thăng bằng. Năm 2003, nhà tôi tổ chức tới hai đám cưới, năm sau nữa, hai đứa trẻ ra đời. Niềm vui quá lớn nên phải dẫn đến một nỗi buồn lớn: Sơn phải ra đi. Nghe nói chuyện này cũng xảy ra ở nhiều gia đình nên người ta kiêng kỵ tổ chức hai đám cưới trong một năm. Tuy nhiên, gia đình tôi lúc ấy không quan tâm tới quy luật đó.

6. Ông bà ta ngày xưa dặn rằng, ngày Tết phải kiêng cữ nhiều thứ. Những sự việc gây ra trong ngày mùng một có thể báo hiệu điềm lành dữ cho cả năm. Sáng mùng một Tết năm 2005, em tôi cùng bạn đi chơi, tới chỗ gần Ga Gò Mầm (thị trấn Phú Thứ) thì gặp một vụ tai nạn giao thông. Người cha uống rượu say, té xe, gây thương tích cho đứa con gái nhỏ ngồi sau. Sơn đã ẵm em bé cùng bạn chở tới bệnh viện cấp cứu. Trong ngày mùng một, Sơn về nhà với cái áo trắng đỏ cả máu. Ba tháng sau, cũng tại nơi ấy, Sơn cũng bị tai nạn với cái áo trắng đỏ cả máu...

7. Em tôi bị tai nạn tại Ga Gò Mầm thuộc xã Hòa Bình II, huyện Tuy Hòa Tây. Đây là một "điểm đen" nổi tiếng về tai nạn giao thông. Tôi tự tìm hiểu và đưa ra cách lý giải tâm linh như thế này: Thời chiến tranh, nơi đây thường diễn ra những trận đánh quyết tử giữa hai phe cách mạng và quốc gia. Người chết trẻ nhiều, linh hồn còn vướng víu với trần gian. Tháng 3 năm 1975, bộ đội miền Bắc đánh thắng Tây Nguyên, quân đội quốc gia miền Nam rút chạy về đồng bằng Tuy Hòa. Trên đường đi, họ bị du kích phục bắn chết la liệt suốt một dải đường dài từ Củng Sơn đến Phú Thứ. Xác chết dồn ứ lại ở Ga nước Gò Mầm làm nghẽn cả dòng chảy. Có một thời, người ta đồn đãi rất nhiều chuyện ma, ít ai dám qua đây vào ban đêm. Sau 1975, chuyện thờ cúng không được coi trọng, số người phỉ báng thánh thần càng nhiều, có lẽ cũng làm buồn lòng người cõi âm. Con đường 5 (ĐT 25) không chỉ là con đường máu thời chiến tranh mà cũng là con đường máu thời hòa bình vì nơi đây có mật độ tai nạn giao thông vào loại cao nhất tỉnh. Em tôi cũng bị tai nạn tại Ga Gò Mầm đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam.  

8. Có một số người hình như đã biết trước cái chết của mình và có biểu hiện chuẩn bị cho  sự ra đi. Lúc còn sinh viên, Sơn thường sưu tầm các cuốn sách, bài viết nghiên cứu về tâm linh và đem về cho tôi mượn cuốn Những bí ẩn sau cõi chết của Đoàn Văn Thông. Cuốn sách này có tác động rất lớn đến nhận thức của tôi và tôi đã lấy một ý nhỏ trong đó để triển khai thành bài viết: "Thử dùng thuyết luân hồi để giải thích hiện tượng đồng tính luyến ái" đăng trên tạp chí Phật họcThế giới trong ta. Sơn cũng thường hay thắc mắc là nếu sau này người chết nhiều thì lấy đất đâu để chôn. Hoặc nói đùa với má tôi: "Sau này tui chết thì bà xây cho tui cái mả to to dzậy nhen"","Bà để mả tui nằm cạnh mả ông nội nhen" ... Má tôi nghe vậy liền la mắng vì cho là "trù ẻo". Bạn bè của Sơn cũng cung cấp nhiều thông tin cho rằng hình như Sơn đã chuẩn bị trước cho sự ra đi của mình.

9. Những người liên quan tới Sơn cũng có nhiều điềm lạ. Chẳng hạn, sách tử vi nói rằng năm 2005, tôi có nhiều chuyện buồn phiền về người thân, tốn kém của cải... Còn ông Nguyễn Thành Long, người gây tai nạn cũng cho rằng đây là năm xấu của mình. Hôm ấy, ông cùng nhiều người đi ăn đám cưới ở Sông Hinh. Đường từ Đồng Xuân đi thẳng tới Sông Hinh rất gần, nhưng đi nửa đường, không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà ông rẽ sang đi đường vòng dài gấp ba lần: Từ Đồng Xuân xuống Tuy An, vào TP. Tuy Hòa, sang huyện Tuy Hòa Tây để lên Sông Hinh. Khi đi tới khúc cua Ga Gò Mầm, ông tối tăm mặt mũi như có ai bịt mắt nên không làm chủ tay lái, mặc dù ông làm nghề lái xe ôm chuyên nghiệp.

Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác nữa nhưng vì lý do tế nhị nên không nói ra được và một số lý do khác mà chúng ta có thể quy về giả thuyết "nếu như...". Chẳng hạn, nếu trường ĐH Duy Tân không tổ chức cắm trại cho sinh viên nghỉ dài ngày thì Sơn đã không có điều kiện về nhà. Xưa nay, má tôi thường có lệ đi xem bói đầu năm để dặn dò con cái đề phòng những ngày xấu nhưng không hiểu sao tết năm 2005 lại "quên" mất chuyện đó thành ra mù tịt về số phận các con mình trong năm. Thông thường, trước khi đi đâu xa, Sơn thường báo cho má hay và nhân tiện... xin tiền. Nhưng lần đó, không hiểu buồn bực chuyện gì mà Sơn lẳng lặng đi nên má tôi không có dịp để nhắc nhở "đứa con yêu quý nhứt nhà" phải đội mũ bảo hiểm, đi xe cẩn thận...Hôm đó, Sơn có mang theo mũ bảo hiểm nhưng treo lủng lẳng trên xe chứ không đội vào đầu. Nếu như... và nếu như...

Cái chết của em tôi chỉ là một hạt nước nhỏ trong cái đại dương nước mắt bao la khóc những người chết vì tai nạn giao thông trên đất nước này. Người ta tính rằng, số lượng người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm ngang với số người chết trong chiến tranh. Nghĩa là đến tận bây giờ, đất nước vẫn chưa bình yên. Tôi muốn đất nước Việt Nam ta hãy học hỏi các nước văn minh trong việc bỏ xe máy để chuyển sang các phương tiện giao thông công cộng. Đến bây giờ mới làm điều này là hơi muộn nhưng sẽ thực hiện được khi Chính phủ quyết tâm làm. Khi mà mọi người đã biết tôn trọng luật pháp và được giáo dục nhiều hơn nữa tình yêu thương để từ bỏ tham vọng trở thành những anh hùng tài giỏi trên con ngựa sắt. Tôi rất xấu hổ khi phải cưỡi ngựa sắt chạy qua ống kính quay phim của khách du lịch nước ngoài. Những lúc đó, tôi quay mặt đi vì không muốn để họ xếp tôi vào loài lạc hậu. Trong khi nhiều đồng bào tôi lại tự hào cho rằng cả thế giới đang ngưỡng mộ mình là dân tộc anh hùng nhất thế giới nên càng phóng xe bạt mạng để biểu dương thành tích. Thực ra, khách nước ngoài trố mắt nhìn cảnh xe máy hỗn loạn trên đường phố Sài Gòn chẳng khác gì nhìn các thổ dân da đỏ phóng ngựa ra mặt trận. Đằng sau cái cười của họ có lẽ là một tiếng thở dài thất vọng vì cứ tưởng bỏ tiền đi du lịch Việt Nam là tìm  được những giây phút bình yên. Và cứ ngỡ Sài Gòn vẫn còn là "Hòn ngọc Viễn Đông" hiện đại nhất nhì châu Á như trong truyền thuyết xa xôi...

Xin đốt nén hương tưởng niệm em tôi cũng như hàng triệu nạn nhân khác trên những nẻo đường Việt Nam.

Sài Gòn, ngày 30 / 10 / 2010.

Phạm Ngọc Hiền

Sơn lúc còn nhỏ

 

Sơn cùng gia đình năm 2003

 

Lưu bút bạn bè viết về Sơn thời phổ thông,

chữ "tài hoa" gợi nhớ "bạc mệnh"

 

Chân dung của Sơn (lúc sinh viên)

 

Huynh Le Linh Đa - (vào lúc: 09:02 - 02-23-2013)
Thầy kính mến! Hôm nay em đã đọc đến bài " Vĩnh biệt em tôi" của Thầy, sau đó em lại nhớ bài " Vì sao tháng 7 âm lịch tai nạn giao thông lại tăng đột biến". Thầy biết không em nghiệm lại chuyện của gia đình mình mà nổi da gà.
Năm 2003 cũng vào dịp lễ 02/9 dương lịch nhưng là tháng 7 âm lịch em của em sinh năm 1982 nhân dịp nghỉ lễ từ Sài Gòn về quê chơi , vì ngày đó em đang học chuyên tu dưới Tuy hòa, nên tối đó Lam xuống chở em về và trên đường gặp nạn. và em của Thầy sinh năm 1984 lại gặp nạn vào 2005. cũng đúng vào tuổi 22.
Càng đọc bài Thầy viết, càng thấm đẫm nỗi đau của gia đình, Thầy nói rằng: nồi đồng thì mất, nồi đất thì còn . Gia đình chỉ có 1 cái nồi duy nhất mà bây giờ thì móp méo, chẳng dùng được. Nói vậy có lẽ Thầy sẽ nói em đòi hỏi quá nhiều, có còn hơn không, nhưng Thầy chắc hiểu tâm trạng của em khi em về thăm gia đình và nhìn thấy em mình như vậy.
Thật lòng em cũng không muốn khơi dậy nỗi đau của Thầy & gia đình, chỉ là em rất rất...đồng ý bài viết của Thầy, dù biết rằng mình cũng hiểu và biết như thế nhung không có cách nào trải lòng để nhẹ nhõm hơn, Chỉ vì một nỗi lo đó sau này em mình sẽ ra sao khi ba má không còn? Chúc Thầy có những sáng tác tâm huyết nhất.
LÊ THỊ NGỌC HẠNH - (vào lúc: 21:05 - 05-13-2012)
Em chào Thầy! Em hiện là SV năm cuối ngành Ngữ Văn trg ĐH Sài Gòn, 4 năm học ở trường mà tới tận hôm nay em mới được Thầy giảng dạy. Đọc những gì Thầy viết trên web này (mới đc 1 phần nhỏ nhoi thôi) nhưng em nhận ra nhiều điều.... Em cho rằng người học Văn là người giàu tình cảm và cho đến bây giờ em vẫn tin điều đó! Đằng sau vẻ dung dị, bình dân của Thầy là cả 1 tài năng (với những thành tích mà Thầy có được); đằng sau cái vẻ.... k có gì lại là 1 con người nhạy cảm! Mọi chuyện của em Thầy đúng là định mệnh, chúng ta có thể dùng nhiều lí do để giải thích... nhưng... mọi thứ đã muộn màng. Cái chết của 1 người là nỗi đau cho những người ở lại! Sinh - lão - bệnh - tử âu ai cũng phải trải qua! Có điều, khi người ta nằm xuống có còn ai nhớ đến mình không mới là quan trọng! Sống làm sao, mà khi mình còn tồn tại trên đời này thì ng ta cười, khi mình mất đi thì người ta khóc! Em tin em Thầy đã làm được điều đó! Cầu chúc cho Thầy và gia đình luôn nhiều sức khoẻ và đón chào những ngày tươi đẹp ở phía trước!
Trinh Văn Thuộc (TP Tuy Hoa) - (vào lúc: 21:07 - 07-24-2011)
Hom nay ghe trang web cua thay vo tinh em biet duoc anh son em cua thay ra di qua som. Em thanh that chia buon cung thay va gia dinh thay. Em chua mot lam biet mat anh Son, nhung qua bai viet cua thay em thay long buon man mac vi mot nguoi nhu anh son tai sao ong troi lai keu di qua som o tuoi dep nhat cua thoi sinh vien.
Mot lan nua em thanh that chia buon cung gia dinh thay. Mong sao noi chin suoi linh hon anh son duoc thanh than.

Vũ Trung Tùng (SV ĐH Sài Gòn) - (vào lúc: 08:06 - 06-05-2011)

Thưa thầy !
    Sáng này ghé thăm trang web của thầy chẳng biết là vô tình hay định mệnh mà bài đầu tiên hiện ra là bài thầy viết về người em quá cố của mình. Xin cho em gởi lời chia buồn tới thầy và toàn thể gia đình ta về sự mất mát vô cùng này.Có những mất mát nào mà không đau và có những nỗi đau nào mà không khiến con người ta cần suy nghĩ và chiêm nghiệm lại. Có lẽ thầy cũng không tránh khỏi cái quy luật ấy.Đọc bài viết của thầy em rất hiểu tâm trang của thầy những suy nghĩ những phân tích của thầy, thể hiện một cái nhìn triết lí sâu xa qua những trải nghiệm của cuộc đời. Sau những mát mát con người ta lại hiểu ra một điều gì đó cho riêng mình.Nhưng để hiểu và cảm nhận như thầy thì không phải ai cũng làm được, nhất là những người có bằng cấp và học vị cao như thế.Cũng chẳng có gì khó hiểu bởi những người có học vị cao họ thường tin tưởng vào khoa học hiện đại hơn là về thế giới tâm linh, họ chỉ nghĩ đó là những mê tín dị đoan cần bài trừ bác bỏ.Hẳn nhiên là đúng đối với những người lợi dụng vào tâm linh nhằm trục lợi cho riêng mình, nhưng không vì thế mà ta có thể chối bỏ tất cả .Thế giới tâm linh còn cần phải được sáng tỏ qua cái nhìn của khoa học nhưng điều đó vẫn còn quá xa vời bởi nghiên cứu nó không phải là dễ dàng gì bởi nó trái ngược hoàn toàn với quy luật mà chúng ta đang sống.
 
   Có thể thầy sẽ cười mà nghĩ rằng " em còn quá trẻ làm sao hiểu hết được" . Vâng ! em còn quá trẻ để hiểu và cảm nhận hết nỗi đau , nỗi mát mát mà cuộc đời mỗi con người sẽ phải trải qua.Và em cũng còn quá trẻ mà sao đã nhận về mình quá nhiều mất mát, mới hai tuổi đầu mẹ đã ra đi và 20 tuổi đầu người con gái mà em dự định sẽ cùng cô ấy đi hết quãng đời còn lại cũng ra đi vì căn bệnh ung thư máu. Thầy biết không cô ấy đã ra đi ngay trong vòng tay của em thầy ạ. ánh mắt sau cùng của cô ấy cứ ám ảnh em mãi tới bây giờ...Em cũng không nhớ mình chứng kiến bao nhiêu những giây phút cuối cùng của một đời người khi con người ta sắp từ giã thế giới này.Em nghiệm ra một điều rằng  những giây phút như thế họ vô cùng tỉnh táo và lúc đó trong đầu họ giống như thước phim quay ngược lại những gì mà người ta đã trải qua đã sống và nhìn vào ánh mắt của họ em thấy được những ân hận những tiếc nuối và sự thất vọng về mình. Có lẽ trong những giây phút sau cùng ấy họ nhớ tới những lúc họ đã có những việc làm, những hành động không phải đối với người thân của mình. Nhưng giây phút này họ còn làm được điều gì nữa. Điều đó đã ám ảnh em thật nhiều thầy ạ. Em nghĩ rằng tại sao ta không đối sử tốt với người thân, bạn bè  của mình khi mình còn có thể. Cuộc đời này ngắn ngủi lắm hãy làm những điều tốt đẹp cho những người thân yêu nhất của mình khi mình còn có thể. Có một người thầy nói với em câu này mà em còn nhớ mãi " Khi con sinh ra con khóc mọi người cười, con phải sống làm sao khi con mất con cười mọi người khóc".

Chị Vân (Sài Gòn) - (vào lúc: 06:01 - 01-22-2011)
Chia sẻ cùng em nỗi đau thương muộn màng. Hôm nay đọc chị mới biết.
Võ Thế Duy (Phú Yên) - (vào lúc: 21:12 - 12-20-2010)
      Chào anh Hiền!
     
     Em tên là Duy, là bạn học của sơn 3 năm cấp III.
 
     Ngày Sơn bị tai nạn là ngày cả tập thể lớp 12C8 chìm trong sự đau thương và lo lắng, những tưởng gia đình và bạn bè hết tâm mong cho Sơn được bình an trở lại, nhưng hình như điều đó hình như vẫn chưa đủ, đúng không Anh! "Vết thương của Sơn quá nặng".

      Không biết làm gì hơn, hàng năm mỗi khi họp lớp vào dịp xuân về, cả lớp thường đến thăm Sơn. Nhưng mỗi lúc như thế, mẹ của Anh không kìm được những dòng lệ, làm cả nhóm bạn cũng ùa nhau khóc. Em là con trai không thể để rơi lệ, nhưng thật trong tâm lòng buồn như cắt vậy!

      Xuân lại sắp về rồi, Anh nhỉ! nhưng xuân năm nay chắc là sẽ khác...... bỡi Sơn không còn nữa và năm nay có lẽ sẽ là năm buồn nhất đối với lớp 12C8 chúng em, dù biết điều đó sẽ xảy ra với Sơn là không thể tránh khỏi, nhưng có lẽ lòng vẫn buồn buồn vô định.
      Sau khi đọc xong những dòng mà Anh viết về Sơn, Em thật sự cảm thông cùng Anh.
      Có lẽ trong cuộc sống này đều có cơ duyên, Anh nhỉ!
      Mong rằng nỗi đau của Anh và gia đình sẽ sớm nguôi ngoai, và luôn nghĩ Sơn là món quà đặc biệt mà cuộc sống dành tặng cho gia đình.
      Chào Anh! Chúc Anh và gia đình luôn khỏe!

Nhâm Quang Ninh (Phú Yên) - (vào lúc: 17:12 - 12-15-2010)
Thật lòng Sơn mất là một nỗi đau rất lớn đối với gia đình, hàng xóm, bạn bè. Nhưng mong Hiền và gia đình hãy cố gắng vượt qua
Đỗ Ngọc Lãm (Phú Yên) - (vào lúc: 16:12 - 12-14-2010)

Mình rất đồng tình với suy nghĩ của Hiền.

Chân thành chia buồn cùng Hiền!

Lê Tấn Thích (Phú Yên) - (vào lúc: 15:12 - 12-01-2010)
Chân thành gửi đến anh lời chia buồn sâu sắc. luật Tử sinh hữu mệnh... đời người làm sao tránh khỏi. Hi vọng ở nơi nào đó, hương hồn Sơn cũng được an ủi, siêu thoát.
Bùi Nhi Đông Giang - (vào lúc: 18:11 - 11-27-2010)
Hôm nay vào web em mới biết tin buồn này, lời đầu tiên em xin chia buồn đến thầy và gia đình, khi chia tay một người thân trong gia đình bao giờ cũng là những lúc đau khổ nhất, em mong thầy và gia đình cố gắng vượt qua thời gian này thầy nhé.
Cách đây 3 năm chỉ còn vài 2 tuần là đến tết nguyên đán, anh trai em, cũng sinh năm 1984 bị tai nạn giao thông bể xương đùi và đứt một đốt tay. Điều may mắn là anh không bị não, đến bây giờ chân anh vẫn chưa bình phục hẳn.
khi đọc bài viết của thầy, đúng là em cũng tin vào tướng số và điềm không lành, trước khoảng thời gian xảy ra tai nạn, đang học ở Bình Dương nhưng mắt trái của em bị giật liên tục, trước đây em nghe mẹ và người ta nói mắt giật là có điềm xấu. Em liên tục điện về nhà thăm hỏi thì ở nhà bảo không có chuyện gì xảy ra. Vậy mà, vừa thi học kì xong chuẩn bị hành lí để mai về quê, tối hôm đó em không ngủ được, cứ nghĩ rằng hồi hộp mong được về nhà ăn tết. Sáng dậy, chưa đến 6h, chị gái điện, thấy lạ, vì chị không bao giờ điện vào lúc này, một tin sét đánh, chị nói anh bị tai nạn tối qua, vừa mổ xong, em không tin nổi, nước mắt cứ trào ra, ra đón xe chờ mãi mới bắt được xe về. Kể từ đó ngày nào cũng chăm anh, ở bệnh viện chứng kiến đủ cảnh tai nạn, trước đây thấy người ta bị gãy tay đã thấy sợ mà bây giờ khủng khiếp quá.
 
Nằm cùng phòng với anh em, cũng có một anh sinh năm 84, bị cháy vì đang cắt cỏ mà đeo binh xăng gần máy, chỉ qua 1 ngày anh ấy đã ra đi, cỏ lẽ đó là năm tuổi của những người sinh năm 1984, người ta thường nói năm tuổi cần phải đề phòng.
 
Con người sống đều có số đúng không thầy, không ai nói trước được mình sẽ sống đến khi nào, em xin chúc anh Sơn về nơi yên nghĩ cuối cùng thanh thản và chúc cho thầy và gia đình luôn bình an và nén nỗi đau để sống những ngày hiện tại.
 
Em chào thầy ạ.
SV cũ ĐHBD
Nguyễn Thị Ngân (ĐH Quy Nhơn) - (vào lúc: 17:11 - 11-27-2010)
 Em vừa đọc bài viết về anh Sơn. Em xin chia buồn cùng thầy và gia đình. Đọc những dòng thầy viết em tự nhiên ứa nước mắt vì anh trai của em cũng đang ngày ngày đối mặt với hậu quả của tai nạn giao thông. Anh em cũng là niềm tự hào của cả nhà, là một con người mẫu mực, ai cũng quý. Lần anh bị tai nạn, em vẫn còn nhớ lời bác sĩ khuyên ba mẹ em nên để anh ra đi thanh thản, phẫu thuật chỉ làm anh thêm đau đớn vì tỉ lệ sống rất thấp và có sống cũng chỉ sống thực vật mà thôi. Mẹ em đã phải suy nghĩ nhiều lắm. Sau ca phẫu thuật anh hôn mê trong thời gian dài và bị liệt nửa người.
        Người gây tai nạn cho anh lúc đầu tưởng anh không tỉnh nên cứ đổ lỗi cho anh em, khi công an điều tra ra mới nhận lỗi, ba mẹ em phải vay chỗ này, chỗ khác để lo cho anh nhưng cũng chẳng đòi hỏi gì ở anh đó, vì với ba mẹ giờ đây chỉ cần bình lặng, yên ổn mà thôi... Anh đó không còn thấy đến thăm anh em sau khi ba em nhờ bạn anh em làm mọi thủ tục và viết giấy bãi nại. Nhiều lúc thấy cuộc đời bạc bẽo thật.
        Nhưng anh em may mắn hơn anh Sơn, anh bình phục rất nhanh, bác sĩ cũng không ngờ đến. Gìơ sức khoẻ của anh đã được ổn định nhưng bị mắt chứng bệnh động kinh sau tai nạn, chưa nói được, mất trí nhớ và hay quên nữa.
anh vẫn vậy, vẫn thương và quan tâm đến em nhưng em không còn tâm sự với anh nhiều như trước nữa vì sợ anh suy nghĩ nhiều mà đau đầu. Em giờ đây chỉ biết cứ ngày ngày cầu mong cho anh chóng khoẻ để anh có thể hoàn thành ước mơ mở một công ty phần mềm đầu tiên ở Phú Yên như anh thường tâm sự và không phải đứng sau lưng nhìn anh mỗi lần ngủ dậy cứ nằm trên giường chảy nước mắt khi nghĩ về mình. Em rất hi vọng ...
       Đọc những dòng thầy viết em tự dưng muốn tâm sự với thầy ... Một lần nữa, em xin chia buồn cùng thầy và gia đình, mong cho hương hồn anh Sơn được thanh thản, an lòng ở thế giới bên kia.
đinh thị phương dung (Sài Gòn) - (vào lúc: 22:11 - 11-17-2010)
Thưa thầy,em hiện là sinh viên khóa 08 do thầy chủ nhiệm, em thật sự lấy làm tiếc cho sự ra đi của anh Sơn, một con người tài hoa mà bạc mệnh. Sống chết trên cõi đời này âu cũng là cái số, em không biết có thiên đàng, có thế giới thứ khác hay ko, nhưng nếu có em cầu mong cho ở nơi đó người em yêu quý của thầy được hạnh phúc. mong cho gia đình thầy sớm vơi đi nỗi buồn của sự mất mát lớn lao này.
Em rất thích câu nói: không hoài niệm quá khứ, chớ mộng tưởng tương lai, hiện thực là tất cả. vì vậy một lần nữa em xin chia buổn cùng thầy và gia đình. em mong thầy và gia đình hãy sống một cuộc sống thật hạnh phúc, và biết đâu ở một nơi nào đó trên thế giới này em của thầy đang mỉm cười dõi theo gia đình mình.
em xin chúc những lời chúc tốt đẹp nhất đến thầy và gia đình
sinh viên của thầy: Phương Dung
Phạm Thị Như Ý (Sài Gòn) - (vào lúc: 14:11 - 11-11-2010)
Lời đầu tiên, em xin chân thành gởi lời chia buồn đến gia đình nhé.

Em là bạn học của Sương, năm 2004, em có ra Phú Yên để dự đám cưới Sương và  cũng đã được Sơn dẫn đi 1 vài nơi. Đám bạn mấy đứa em rất mến Sơn, còn chọc ghẹo và giành nhau để làm em dâu của Sương nữa. Vậy mà 1 năm sau, thì nghe Sương báo tin Sơn bị tai nạn. Và khi gia đình đưa Sơn vào bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị, em cũng có vào thăm, và dường như không tin nổi vào mắt mình. Sơn lúc này chỉ là một người bất động. Và rồi thời gian cứ bình lặng trôi đi, ai cũng tất bật với cuộc sống bon chen đời thường...

Sáng nay trên đường đi làm, tự nhiên em nhớ đến Sơn! Gọi cho Sương thì được biết Sơn đã vĩnh viễn không còn trên cõi đời này nữa. Sương cho em địa chỉ trang web của anh để hiểu rõ hơn nữa về mọi việc. Em cảm nhận được nỗi đau của gia đình khi có người thân ra đi, vì Ba em cũng vừa ra đi được 100 ngày.

Một lần nữa, em xin chia buồn cùng gia đình. Cho phép em được cầu chúc cho Sơn được vãng sanh miền cực lạc! Cầu chúc cho Sơn được hưởng quả trời cùng quả niết bàn!

Cho em được gởi đến cô chú và gia đình lời chúc sức khỏe.

Bạn của Sương

Như Ý
 
Phan Thị Thu My (Bình Dương) - (vào lúc: 06:11 - 11-06-2010)
Em chao Thay a ! Em doc bai viet cua Thay ve em trai Thay. Em xin chia buon voi Thay. Dau biet ai cung mot lan phai chet nhung em van thay so thay a ! Em di hoc xa nha, ba me em cung nhieu benh tat, nam nay lai la nam tuoi cua me em nen em rat lo ! Thinh thoang em cung di chua de tim cam giac thanh tinh, yen tinh va cau may man den voi gia dinh, nguoi than cua em. 
Bùi Thùy Vân (Bình Dương) - (vào lúc: 06:11 - 11-06-2010)
Em chào Thầy! em mới vào trang wed của Thầy và biết tin em trai Thầy mất, em xin gửi lời chia buồn tới gia đình.
Nguyễn Văn Ân (Bình Dương) - (vào lúc: 06:11 - 11-06-2010)
Thua Thay! Em rat xuc dong va bat ngo khi nghe duoc tin em trai Thay moi qua doi. Thay cho e duoc chia buon toi Thay cung gia dinh. Thay dung buon nhieu Thay nhe.
Dang hoang huong giang (Sài Gòn) - (vào lúc: 20:11 - 11-05-2010)
Con bên công giáo nên không rành lắm chuyện bói toán.Nhưng vẫn tin có một thế giới vô hình đang hiện hữu ngay giữa chúng ta.Thực lòng chia buồn với gia đình thầy.Nguyện cầu cho linh hồn anh Sơn được thanh thản ở chốn vĩnh hằng.
Pham Thi Dung (Sài Gòn) - (vào lúc: 20:10 - 10-30-2010)
Xin được chia buồn cùng thầy và gia đình, mong rằng thời gian sẽ phần nào xoa dịu đi mất mát, đau thương ấy. Thành tâm cầu nguyện cho linh hồn anh Sơn nơi chín suối được thanh thản, yên bình, mọi người luôn nhớ và yêu thương anh.

Phamngochien.com - 17:18 - 30/10/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận