Vì sao tháng 7 âm lịch tai nạn giao thông thường tăng đột biến ? (Phạm Ngọc Hiền)

Tháng bảy âm lịch thường trùng với cuối tháng tám và đầu tháng chín dương lịch, thời gian này được đặt tên là tháng an toàn giao thông. Vào thời điểm này, số vụ tai nạn giao thông thường tăng gấp hai so với các tháng còn lại. Điều này gây nên sự khó hiểu cho những ai những ai quan tâm tới tình hình giao thông.

Có người lý giải rằng đây là tháng học sinh tựu trường nên đổ ra đường đi mua sắm sách vở, dụng cụ học tập rất đông làm tắc nghẽn giao thông và gây tai nạn. Nếu vậy thì tại sao từ tháng mười đến tháng năm học sinh tập trung đi học đông hơn nhưng tai nạn lại giảm, còn tháng tám học sinh chỉ đi lẻ tẻ nhưng tai nạn lại cao ? Phần lớn các vụ tai nạn trong thời gian này không liên quan gì tới học sinh. Như vậy, cách lý giải trên là không thuyết phục.

Theo kinh nghiệm đúc kết từ ngàn xưa để lại, tháng bảy âm lịch là thời gian mà các linh hồn vất vưởng ở cõi âm thường hiện lên gây xáo trộn cuộc sống ở cõi dương. Bởi vậy, các chùa chiền thường làm lễ cầu siêu để cho các linh hồn được siêu thoát. Các địa phương cũng tổ chức lễ cúng làng để cho người chết đừng quấy nhiễu người sống. Mỗi gia đình đều có lễ cúng rằm tháng bảy. Đại thi hào Nguyễn Du viết tác phẩm nổi tiếng Văn tế thập loại chúng sinh là để đọc trong ngày rằm xá tội vong ân. Rất tiếc là hiện nay, lễ tục ấy không còn được chú trọng đúng mức.

Trong tháng bảy âm lịch, có rất nhiều cái chết mà dân gian chỉ có thể giải thích bằng nguyên nhân "ma đưa lối, quỷ dẫn đường". Chúng ta hãy để ý rằng, những nơi nào trong chiến tranh có nhiều người chết thì tai nạn giao thông ở nơi ấy cũng nhiều hơn các nơi khác. Chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai có số vụ tai nạn giao thông cao nhất nước. Có thể lý giải rằng, đây là cửa ngõ Sài Gòn, năm 1975, có nhiều trận đánh rất lớn diễn ra ở đây. Những người tử trận còn rất trẻ, chỉ khoảng 19, 20 tuổi, linh hồn còn nặng nợ với trần gian, khó siêu thoát. Người ta đã nghe kể khá nhiều câu chuyện linh thiêng ở các nghĩa trang. Những năm gần đây, báo An ninh thế giới, Khoa học và đời sống... đưa khá nhiều tin về việc tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, người chết chỉ đường cho người sống... Như vậy, chuyện cõi âm can thiệp vào cõi dương là có thể xảy ra.

Cách lý giải hiện tượng tai nạn giao thông tăng đột biến vào cuối tháng tám đầu tháng chín căn cứ vào yếu tố tâm linh chỉ là một giả thiết để tham khảo. Bên cạnh đó còn có thể có nhiều cách lý giải khác. Chẳng hạn, có thể giải thích bằng sự tương tác của vũ trụ đến trái đất tạo ra những ngày xấu, tháng xấu. Hoặc sự tác động của từ trường ở một số điểm đen nào đó lên thần kinh con người gây ra tai nạn... Ngành giao thông vận tải cần điều tra toàn diện các nguyên nhân để có giải pháp khắc phục tình trạng tai nạn giao thông đang ở mức cao hiện nay.

 

          PHẠM NGỌC HIỀN

 

Dụng thị thang sang - (vào lúc: 10:04 - 04-23-2011)
Thật sự như thầy đã nói, đúng là thế giới tâm linh dù ta không thấy nhưng nó vẫn cứ sống bên ta và cũng tác động đến cuộc sống của ta.
Ngay cả bản thân em , khi đi thực tế ở Gia lai đợt vừa rồi, mặc dù biết rằng đó là ngày xuôi, đã cố gắng né tránh mà vẫn không thoát được. Qủa thật, là phước thì không thể là họa, mà đã là họa thì không thể nào tránh khỏi.
bản thân em đang nằm trên võng, không đưa võng mà đá văn rơi trúng môi bị khâu 8 mũi.
khổ quá đó mà!

Phạm Thị Như Ý - (vào lúc: 13:11 - 11-12-2010)
Tâm linh là một điều gì đó rất thực, nhưng cũng rất mơ hồ!

Là thực, bởi vì trong cuộc sống hàng ngày vẫn xảy ra những hiện tượng, những sự việc mà không thể nào lý giải được. Chuyện này đã xảy ra ngay tại gia đình tôi khi làm lễ tang cho Ba: lúc Ba còn sống, có một vài người muốn tranh giành mảnh đất của anh Hai (Ba mẹ sống cùng anh Hai), khi Ba mất; người ta vẫn đi viếng, "nghĩa tử nghĩa tận". Người ta phúng viếng vòng hoa. Lúc đó trời yên sóng lặng, vậy mà cái kệ hoa 3 chân bằng sắt đổ 2 lần - hoa dập nát. Phải chăng, Ba đã không chứng cái lòng thành của người ta. Hoặc cũng có thể, Ông cụ cảm nhận được cái sự giả tạo trong tâm của người viếng chăng???

Là mơ hồ, bởi tới giờ này, sự phát triển của khoa học thế kỷ 21 vẫn phải "bó tay" trước những hiện tượng trên. Và trong cái thế giới tâm linh đầy bí ẩn đó, vẫn hiển hiện những điều rất thực... Trước đây tôi cũng rất hay lên chùa lễ Phật, cầu an cho gia đình, nhưng không thể nào thuộc được 1 câu kinh, hay am hiểu giáo pháp của Phật. Nhưng khi Ba qua đời, chỉ cần đọc 1 đoạn kinh, giáo pháp 2 lần là đã nắm được 90% rồi. Điều này chính bản thân tôi còn thấy ngạc nhiên nữa, mọi người nói là: tới căn duyên rồi. Em cảm nhận thấy mình khác hẳn ngày trước, không lẽ chỉ 1 tháng mà con người ta thay đổi nhanh như vậy sao???
Từ ngàn xưa, ông bà ta đã dạy : giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Điều đó có nghĩa là để thay đổi 1 con người là rất khó. Để một người phàm bỏ được tính sân si lại càng khó hơn, bởi lẽ ai mà không tham, đã tham thì sẽ sanh sân si...

Trở lại vấn đề tâm linh, theo tham khảo ý kiến của 20 người thì 18/20 đã cho biết họ thấy yên tâm hơn khi niệm Phật, nhất là khi đi trên đường. Vì sao lại như vậy, không ai lý giải được, chỉ biết là an tâm hơn, và thấy an toàn hơn.

Nói đến tâm linh, là nói đến một điều gì đó siêu nhiên, hay theo bát nhã tâm kinh, "sắc tức thị không , không tức thị sắc" là vậy, có cũng như không, mà không chính là có.

Tôi đồng ý với anh rằng cách lý giải hiện tượng tâm linh chỉ là một giả thiết để tham khảo, ngoài ra còn rất nhiều, rất nhiều cách lý giải khác mang tính khoa học biện chứng hơn. Song theo tôi nghĩ, nếu như chúng ta quan tâm hơn nữa đến vấn đề tâm linh, thì biết đâu số người phải xa gia đình ít đi một chút, số người làm cho người thân của mình đau ít đi một chút...

Phạm Thị Dung (hoathiendieu_bietkhoc@yahoo.com) - (vào lúc: 12:09 - 09-24-2010)

Thưa thầy, thật ra trong tâm thức của mình em cũng có một chút thiên về đời sống tâm linh. Qua bài viết của thầy em thấy trong đó có một sự nhìn nhận vấn đề khá mới mẻ (có thể chỉ là riêng ở bản thân em) bởi trước giờ em nghĩ khoa học sẽ nhìn nhận theo cái được gọi là khoa học và vấn đề tai nạn giao thông cũng không ngoại lệ thế nhưng...như thầy chia sẻ, đó cũng là một cách lý giải, vấn đề em muốn nói ở đây đó là có khi nào với tâm trạng đến hẹn lại lên cứ tháng 7 AL trong người dân lại bồn chồn lo lắng về những những linh hồn vất vưởng ấy và đó cũng là một lý do khiến TNGT tăng nhanh, bởi ý nghĩ và sự lo lắng đồng thời cũng ảnh hưởng và chi phối rất nhiều đến hành động.

Phamngochien.com - 14:54 - 24/08/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận