Vì dì cần một bờ vai (Lê Hứa Huyền Trân - Bình Định)

Ngày bé tôi vẫn hay cuộn tròn trong lòng dì để nghe dì kể về những tên địa chủ, những gã đàn ông giàu có nhiều vợ nhưng chưa bao giờ thôi thú tính luôn tìm cách nạp thêm thê thiếp của mình. Tôi lại hay nghe về những vị vua từ trong những câu chuyện cổ, với dàn thê thiếp không sao đếm xuể chốn hậu cung, và những người đàn bà họ hãm hại lẫn nhau chỉ để giành chút thương xót từ một đấng quân vương, mà lao vào cuộc chiến không hồi kết. Tôi cứ luôn tròn xoe mắt hỏi dì tại sao họ phải hi sinh đi mình như vậy, làm tất cả những điều tối kị mà một người con gái không nên làm, dì chỉ mỉm cười vuốt tóc tôi :" Vì họ, ai cũng cần một bờ vai". Tôi chẳng bao giờ hiểu được điều dì đang nói mà cứ luôn thắc mắc, còn dì chỉ mỉm cười phe phẩy chiếc quạt đưa tôi vào giấc ngủ thần tiên. Ánh mắt và điệu ru của dì luôn đượm một nỗi buồn man mác mà tôi chẳng khi nào hiểu nổi, chỉ biết trước khi chìm vào giấc ngủ dài, tôi thấy dì buông một tiếng thở rất khẽ, như cánh bướm đập giữa không trung.

Dì đã từng lở dở một đời chồng nên chưa khi nào người đàn bà ấy nở một nụ cười mang tên hạnh phúc. Ba mẹ tôi miệt mài theo những chuyến hàng xa nên từ bé tôi đã ở bên dì. Dì hay bảo tôi:

- Dì thương mày lắm, vì mày là cháu duy nhất của dì mà.

Những lúc ấy tôi vẫn hay dúi vào lòng dì như một chú mèo con đang dụi đầu chờ sự xoa đầu của chủ. Năm tròn hai mươi dì lên xe hoa với một người đàn ông cùng xóm. Dượng tôi là một người nóng tính và rất hay uống rượu, được cái rất thương dì. Dượng lại còn cho tôi về ở chung nhà với hai người nên trong tôi lúc ấy dượng luôn là n gười đàn ông mà tôi cho là tốt nhất. Dượng không giàu nhưng siêng năng, bữa cơm tuy đôi lúc chỉ toàn rau dưa nhưng chưa khi nào ngớt tiếng cười. Những mùa nước nổi, gia đình nhỏ ba người của tôi lại phải vùi mình trên chiếc chõng tre vì nhà bị nước ngập, thế nhưng chưa bao giờ chúng tôi để hoàn cảnh làm mất đi niềm vui. Nhà chúng tôi gần bờ mương nên khi nước lên những con cá chốt nhỏ hay tràn vào nhà, những lúc ấy thể nào dì cháu tôi cũng mang rổ úp, sáng hôm sau có nồi cháo ngon lành. Còn dượng lại mặc mưa gió trèo lên trên mái để giăng những cái áo mưa che chắn chỗ giường cho dì cháu tôi ngủ. Sáng ngày thể nào dượng cũng hì hục kể công:

- Tối qua dì cháu mày ngủ ngon lắm. Mỗi dượng là ướt hết nhé. Thế này thì sao mà đi làm được. Khổ quá, khổ quá.

Và dì sẽ dịu dàng:

- Anh là trụ cột trong nhà mà, không làm ai làm cho được.

Dượng sẽ khề khà:

- Biết chứ.

Rồi vác cuốc đi làm. Dượng thích những câu đơn giản cổ vũ như thế. Còn dì lại quen nói những điều đó như suy nghĩ thật của mình. Ở dì chưa bao giờ nguôi tình thương giành cho dượng, nó gần như là cả một thời tuổi trẻ dì giành cho người đàn ông ấy, và cũng giống như tâm niệm của dì trước giờ, đã thuận làm vơ chồng thì không nên làm điều gì phản bội. Dì và dượng như gia đình bé của tôi nên khi có một ngày gia đình bé ấy vỡ tan, trong tim tôi đã sinh ra một khoảng trống.

Dượng tôi kiếm được mối đi buôn nên hay dong ruồi theo xe hàng. Ở đất khách quê người thiếu thốn tình yêu người vợ, dượng đã có một người đàn bà khác. Người đàn ông khi đã hết yêu thương thường biểu hiện rõ lắm, mà tôi nghĩ dì cũng nhận ra điều đó, bởi lẽ một đứa bé như tôi cũng đã nhận ra. Những bữa cơm thưa thớt tiếng cười, dượng chỉ ăn qua loa có lệ, dượng đưa dì nhiều tiền hơn nhưng cũng vắng mặt nhiều hơn. Thậm chí có những khi những người trong xóm hay đi buôn cùng dượng vẫn ở xóm thì dượng lại lấy cớ để xa dì. Có những bận đi học về tôi thấy mắt dì bấm tím còn dượng hằn hoc không ăn cơm. Có những khi tôi thấy dì níu tay áo dượng mà khóc còn dượng vẫn dùng dằng bước qua bậu cửa. Được ít tháng, dượng đưa hẳn người đàn bà ấy về chung sống công khai, dì trở thành một người giống như giúp việc chăm lo cho nhân tình của dượng, thế nhưng vẫn không oán thán tiếng nào. Tôi khóc níu dì:

- Dì ơi, mình về nhà ngoại đi dì, đừng sống ở đây nữa dì. Dượng xấu, dượng không tốt.

- Bậy, con. Không được nói về dượng như thê,

- Dì, dì li dị đi dì.

- Nhỏ này, bậy bạ, cái tình cái nghĩa vợ chồng, nói hết dì làm không đặng.

Dì không chọn cách ra đi và cứ ở vậy. Nhưng dượng không chịu nổi điều tiếng của làng nên dắt díu người đàn bà ấy đi. Dì trở thành nửa chừng xuân dẫu tới phút cuối dì chưa bao giờ từ bỏ dượng. Khi dì ba mươi, ngoại gá nghĩa dì với một người đàn ông góa vợ trong xóm. Dì thuận ngoại và cũng thương chồng bởi dượng mới của tôi hiền và chịu thương chịu khó. Nhà dượng sát cạnh nhà ngoại, cách có rào dâm bụt, và vì dì sống với mẹ chồng nên tôi không ở cùng dì nữa mà sống với ngoại. Cũng may là vì cạnh nhà nhau nên tôi vẫn được thấy dì, vẫn được sang chơi. Mẹ chồng dì khó nhưng dì là người đàn bà chuẩn mực nên ít khi làm bà phật lòng. Thế nhưng muôn đời vẫn thế, điều người mẹ chồng cần nhất ở con dâu luôn là một đứa cháu trai thì dì không làm được. Lấy nhau được hai năm, dì sinh con đầu lòng là bé gái. Nếu gia đình ngoại tôi vui bao nhiêu thì gia đình dượng bắt đầu chì chiết dì. Nhiều hôm sang chơi tôi thấy dì tóc tai bê bết rũ rượi chỉ kịp nói với tôi:

- Vào nhà lấy cái bánh ăn lấy thảo đi con. Dì đang dở tay quá.

Khi dì còn quấn vội tấm chăn sũng nước chờ vắt thì mẹ chồng dì đã gọi với vì ấm nước dưới bếp chực sôi. Tôi nhìn sang thấy bà ấy chễm chệ bỏm bẻm nhai trầu, tôi chạy vội xuống bếp giúp dì thì bà gọi với:

- Việc này là việc của nó, mày không việc gì nhúng tay vào. Đàn bà đẻ không được con trai thì chẳng việc chi làm nên hồn được.

Dì chỉ nhẫn nại:

- Con về ngoại đi, chiều dì sang

Rồi lại vùi đầu vào những công việc không hồi kết. Và dẫu chỉ có cách nhau cái rào dâm bụt, hàng trăm buổi chiều đẫ đi qua, tôi cũng biết dì không thể nào rảnh rỗi sang nhà ngoại chơi với tôi được. Nhiều đêm, tôi bắt gặp dì trên bậc thềm, lấy chiếc áo mỏng lau vội bờ mắt. Tôi chần chừ không biết có nên bước ra không nên đành im lặng. Lại nhiều khi tôi và ngoại đang ăn cơm, bỗng nghe tiếng nhà bên bát đũa loảng choảng rơi vỡ và tiếng bà nhà bên ấy hét chửi dì mà ngoại lau nước mắt.

Bà nhà đưa dì đi khắp nơi hết cầu khấn rồi thuốc thang hòng sinh mụn con trai nhưng dì không làm được. Qua đợt sinh vừa rồi dì đã không thể sinh con được nữa, và rồi cuộc sống dì trong nhà ấy trở thành địa ngục. Dượng mới của tôi nhu nhược chẳng bảo vệ nổi vợ mình và cũng vì không muốn cãi lời mẹ nên chìm trong bia rượu. Chẳng bao lâu rồi mất trong một lần say xỉn trúng gió. Dượng qua đời nhà chồng chẳng còn lí do giữ dì ở lại nên cũng đuổi dì về nhà ngoại, cả đứa cháu máu mủ ruột rà cũng chẳng đoái thương. Ngày dì dắt đứa bé lẫm chẫm về nhà, dì ôm chầm lấy tôi nhưng không khóc:

- Lại được ở cạnh con rồi.

Và dì cháu tôi ôm nhau khóc. Thi thoảng, nhà bên lại lên tiếng chửi đổng nhưng chẳng can hệ gì đến chúng tôi vì khi ở bên gia đình mình chúng tôi đã vô cùng hạnh phúc.

Khi đứa bé lên mười thì dì qua đời. Lúc trút hơi thở cuối cùng dì đã nắm tay tôi rất chặt. Đám tang dì xong tôi lên phố, dắt theo đứa em nhỏ, tôi sẽ nuôi và yêu thương nó như dì đã từng chăm bẵm cho tôi rất dịu dàng. Những người đàn bà như dì, chưa bao giờ có khái niệm của sự ra đi, cả cuộc đời của họ luôn hi sinh cho những người đàn ong mà số mệnh sắp đặt. Trong cả hai đời chồng dù oan nghiệt như thế nào dì cũng chưa từng buông tay họ, phải chăng vì như dì đã từng nói :" Đàn bà, lúc nào họ cũng cần một bờ vai"?.


Phamngochien.com - 06:26 - 15/03/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận