Về những truyện ngắn "giả lịch sử" của Trần Huiền Ân (Lê Kim Tám)

Nếu những tác phẩm văn học viết theo "chính sử" sẽ lấy chính danh nhân làm đối tượng phản ánh, lấy tiểu sử và sự nghiệp làm cốt truyện và theo sát tính chính xác của các biến cố, sự kiện lịch sử, không tô vẽ, hư cấu quá xa thực tế thì truyện "giả lịch sử", các tác giả chỉ mượn tên nhân vật, bối cảnh hay những biến cố lịch sử để làm nền, phần còn lại là sự sáng tạo của nhà văn. Dù mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng nhìn chung hiện thực lịch sử chỉ là cái cớ để các nhà văn sáng tạo nên những cốt truyện mới, những hoàn cảnh mới và những tính cách nhân vật kiểu mới. Nhà văn dẫn dắt độc giả đến với những số phận, cảnh đời, sự kiện, tình tiết, không gian, thời gian khác lạ, không hề có trong chính sử, tạo nên một hiện thực lịch sử nào khác và khiến bạn đọc phải băn khoăn với những trang hiện thực lịch sử giả tưởng ấy. Khi đọc truyện ngắn của nhà văn Trần Huiền Ân, điều khiến chúng tôi chú ý là bên cạnh những trang viết rất chân chất, như ghi lại những kỷ niệm một thời của chính nhà văn thì có một số truyện ngắn được nhà văn sáng tác theo khuynh hướng "giả lịch sử". Đó là các truyện Câu chuyện của người giữ đền, Hoàng hậu Huyền Trân, Hoàng hậu Kim Liên, Lão già Châu Hoa Anh được in trong tập "Khói của ngày xưa" được Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên xuất bản năm 2003.

Thông qua câu chuyện đối thoại giữa vua Đinh Tiên Hoàng với người giữ đền, người đọc có dịp chiêm nghiệm những luận giải, thái độ của nhà văn Trần Huiền Ân trong việc đánh giá về vua Đinh và Thái Hậu Dương Vân Nga. Khác với chính sử, trong truyện này, thái độ của dân gian cho rằng "Thái hậu là một bậc thuyền quyên đầy diễm phúc, đã yêu và được yêu bởi hai vị trai anh hùng. Việc Thái hậu tái giá với vua Lê là chuyện thường tình của con người" (Câu chuyện của người giữ đền). Qua thái độ đồng tình của Vua Đinh "Phải, phải. Thái hậu còn xuân sắc lắm, trước sau gì cũng đi bước nữa, vậy thì bước quách cho rồi, chần chờ làm chi. Ta không trách nàng", người đọc có thể thấy quan niệm của nhà văn cũng nghiêng về phía dân gian, trái ngược với luân thường đạo lí của lễ giáo phong kiến. Và khoảng cách "thiêng liêng" giữa đấng minh quân vẫn được tôn thờ với người dân được rút ngắn triệt để, thậm chí, vị vua đầy quyền uy ấy bỗng chốc hóa thành một người rất đỗi bình thường với bao "hỉ, nộ, ái, ố". Tác giả đã "giải thiêng" hình tượng vua Đinh.

Lão già Châu Hoa Anh "ước có dịp gặp vua để tâu lại điểm tồn nghi, xin bề trên làm sáng tỏ", và ước mơ đó của lão đã trở thành hiện thực. Lão được gặp vua Lê, "người chít khăn vàng, mặc áo gấm vàng thêu rồng năm móng". Nhà vua cho lão một thược gạo vì "không ai có thể luận bàn lịch sử, suy xét cổ kim trong khi bụng đói". Lão già Châu Hoa Anh còn được gặp ông Nghè Phương Nam và ông cử Thụy Khuê. Lão chưa kịp nghe các bậc tiền nhân giải đáp những khúc mắc thì họ đã bái biệt, chỉ để lại trong tâm tư lão nhiều nỗi băn khoăn hơn. Với bút pháp hiện thực kì ảo, thời gian nghệ thuật trong câu chuyện này tuôn chảy về phía hiện tại, câu chuyện vì thế như đọng lại trong tâm trí người đọc bao suy tư, trăn trở, vừa huyền hoặc vừa đầy chất triết lí.

Nếu trong chính sử, Hoàng hậu Huyền Trân được Trần Khắc Chung đưa được về Đại Việt sau khi vua Chế Mân chết thì trong truyện của Trần Huiền Ân, bà đã "đánh tráo người" để tìm cách được ở lại. Vì bà quan niệm rằng: "Xuất giá tòng phu, em đã ra đi bằng kiệu vàng lõng tía với nghi vệ đón rước của triều đại phương Nam. Là một công chúa Đại Việt, là một Hoàng hậu Chiêm Quốc, em không thể nào trở về trong cung cách thiếu chính đáng. Em quyết định ở lại quê chồng" (Hoàng hậu Huyền Trân). Hoàng hậu Huyền Trân đã chọn ở lại Chiêm Thành như một sự chung thủy. Đó cũng là quan niệm truyền thống của người phụ nữ ta từ xưa đến nay vậy. Hẳn độc giả sẽ hỏi: Vậy khi Huyền Trân ở lại sẽ ra sao? Và Trần Huiền Ân đã có một đáp án rất thỏa đáng. Hoàng hậu Huyền Trân không bị hỏa thiêu theo Chế Mân, tập tục này chỉ dành cho Hoàng hậu người Chiêm vì sự tự nguyện của bà. Huyền Trân đi tu và viên tịch tại một ngôi tháp nhỏ gần Tháp Cánh Tiên. Bà còn có hai người con, một người mang họ Chế và một mang họ Trần Huyền, và "hậu duệ" của bà từng theo chân Nghĩa hầu Lương Văn Chánh khai khẩn đất hoang và bình định vùng Phú Yên.

Một điều thú vị nữa đối với người đọc có lẽ là giọng điệu giễu nhại và ngôn ngữ suồng sã trong các truyện này. Trong Câu chuyện của người giữ đền, vua Đinh sau khi nghe người giữ đền tâu rằng cử nhân Lê Ngô Cát, Biên tu Quốc sử quán và cử nhân Phạm Đình Toái, Hồng lô tự khanh, thời nhà Nguyễn chê vua Đinh là "Nội đình năm vị nữ quân, nặng tình khiêm ái, quên phần di mưu...", đã mắng: "Bậy bạ! Ông Nghè chưa ra sao, kể gì ông Cống. Chuyện đàn bà ai chẳng ham ... Minh Mạng của nó bao nhiêu vợ? Và bản thân nó, cho nó năm bà thử nó có ham không? Ba cái thằng nhà thơ là chúa ưa nữ sắc còn bày đặt...". Ngôn ngữ mà vua Đinh dùng không trang trọng, vàng ngọc, mà thay vào đó là thứ ngôn ngữ suồng sã, rất gần với lời ăn tiếng nói dân gian, chẳng hạn như gọi nhà thơ là "thằng", vì tiếng "thằng" đó, theo vua Đinh là "ngôn ngữ mục đồng, mày tao mi tớ với nhau, thân mật biết chừng nào". Nhà vua còn tâm sự "Ta yêu cái thời ấy quá, bạn bè thuở ấy không còn nữa, lắm lúc ta thèm văng tục, nói phét, thằng này, con nọ... nhưng quanh ta đâu có một ai! Trên bàn thờ ngồi mãi ê đít, mỏi chân, ta muốn ngồi trên chiếc kiệu do hai tên lính chăn trâu vòng tay làm thành, êm ái lắm, tình người lắm". Truyện Hoàng hậu Kim Liên giọng giễu nhại càng rõ rệt. Ở truyện này, chất lịch sử không nhiều, có chăng chỉ là việc tác giả mượn tên của các nhân vật trong Lục Vân Tiên mà thôi, phần còn lại là sự hư cấu "như thật" của nhà văn. Đọc truyện, độc giả không khỏi băn khoăn khi tên nhân vật là người Việt, nhưng không gian địa lý là ở bên Tàu. Cũng khó đoán định được thời gian trong truyện, bởi nó vừa mang chất cổ trang, vừa hiện đại. Những từ ngữ "hội nghị thượng đỉnh", "cắt băng khai mạc một phòng triển lãm", "bản dự thảo chương trình nghị sự" hay "thảo luận vấn đề nâng cao vài trò phụ nữ trong xã hội" thì hoàn toàn là thời hiện đại. Qua những lớp từ ngữ này, cả những hành động, quan hệ của các nhân vật trong truyện, nhà văn đã đảo lộn thật thành giả, cũ và mới, nghiêm trang và suồng sã, đùa và thật, từ đó bật lên tiếng cười giễu nhại.

Xếp theo thứ tự thời gian sáng tác, truyện ngắn Câu chuyện của người giữ đền được Trần Huiền Ân sáng tác trước tiên (1985), kế tiếp là Lão già Châu Hoa Anh (1988), Hoàng hậu Kim Liên (1995) và Hoàng hậu Huyền Trân (1996). Như vậy, dù không chủ ý sáng tác theo khuynh hướng "giả lịch sử", "phỏng lịch sử" hay "nhại lịch sử" nhưng ngay từ những năm đổi mới văn học (1986), nhà văn Trần Huiền Ân với cảm thức của người nghệ sĩ, đã đưa vào trang văn của mình những suy tư, trăn trở về một sự đổi mới trong văn học. Nhà văn cho rằng khi viết các truyện ngắn này ông chưa từng biết đến lý thuyết hậu hiện đại, không biết truyện "giả lịch sử" hay giọng giễu nhại là gì; càng chưa từng đọc các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (tiêu biểu là bộ ba truyện "giả lịch sử" Phẩm tiết, Kiếm sắc, Vàng lửa) mà sau này được mọi người nhắc đến như một sự kiện trong sự đổi mới văn học. Trần Huiền Ân bộc bạch rằng "những năm ấy, không thể viết về đề tài chiến tranh, vì bản thân không có sở trường, càng không muốn viết những gì quá quen thuộc, nên mới nghĩ là thử "mượn" lịch sử để làm mới xem sao!". Thế là những tác phẩm viết theo khuynh hướng "giả lịch sử" của tác giả lần lượt ra đời. Điều trùng hợp là cả Nguyễn Huy Thiệp và Trần Huiền Ân đều là những nhà giáo và là người yêu văn chương. Và có lẽ cả hai sẽ nghĩ rằng "Lịch sử chỉ là cái đinh để tôi treo lên đó trí tưởng tượng của mình" như cách nói của Alexandre Dumas. Vì thế, họ tìm đến truyện "giả lịch sử" như một cách để thỏa sức sáng tạo của người nghệ sĩ mà thôi./.

Lê Kim Tám (Phú Yên)


----------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Huiền Ân (2003), Khói của ngày xưa - tập truyện ngắn, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Yên.
2. Thái Phan Vàng Anh (2008), Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam đương đại, Địa chỉ: http://tapchisonghuong.com.vn, [truy cập ngày 02/12/2008].
3. Đào Tuấn Ảnh (2005), "Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu hiện đại", Nghiên cứu văn học, (số 8), trang 43 - 58.
4. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
5. Lê Huy Bắc (1998), "Giọng và giọng điệu trong văn học Việt Nam hiện đại", Tạp chí Văn học, số 9, trang 66 - 73.
6. Lê Huy Bắc (2002), "Truyện ngắn hậu hiện đại", Tạp chí Văn học, số 9, trang 57.
7. Phạm Ngọc Hiền (2005), "Những thành tựu của văn chương Phú Yên thế kỉ XX", Báo Phú Yên, số 21/1/2005.
8. Nguyễn Văn Kha (2006), Đổi mới quan niệm về con người trong truyện Việt Nam 1975 - 2000, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
9. Khrapchenko.M.B, (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, NXB Tác phẩm mới.
10. Phương Lựu (2011), Lí thuyết văn học hậu hiện đại, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội.
11. Nguyễn Đông Nhật (2012), Trần Huiền Ân có phải cuối đời là...vậy vậy?, địa chỉ: http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/tran-huien-an-co-phai-cuoi-doi-la-vay-vay.html, [truy cập 12/8/2012].
12. Trần Nhã Thụy (2011), Tôi đâu dám cho mình là người nhà quê, địa chỉ: http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/tran-huien-an-lam-van-nghe-ke-gi-loi-lai.html, [truy cập 20/11/2011].
13. Nguyễn Thị Thu Trang (2004), Văn học Phú Yên thế kỉ XX, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

 


Phamngochien.com - 08:59 - 05/09/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận