Vài cảm nhận về bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (Hoàng Ánh Ngọc)

Hoàng Ánh Ngọc

(HS lớp 10.3, Trường THTH - ĐHSP TP. HCM)

Mỗi người đều có một thời tuổi thơ. Khi nghĩ về những ngày nhỏ dại đó, trong tim ai cũng đong đầy cảm xúc trân trọng, hoài niệm và ước muốn được sống lại những tháng năm thơ trẻ ấy với nhảy lò cò, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê... Từ lâu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết về thời cắp sách đến trường. Đó chính là tấm vé vô hình dẫn lối cho độc giả tìm về ngày xưa thân thương ấy. Những câu chuyện ngây ngô, gần gũi mà quý giá đến lạ, được nhà văn truyền tải bằng từ ngữ bình dị, nghịch ngợm, hóm hỉnh nhưng vẫn chứa đựng nhiều cảm xúc xao xuyến và bài học để độc giả suy ngẫm. Một tác phẩm truyện dài nổi tiếng của ông: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã được chuyển thể thành phim dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Victor Vũ. Bộ phim vừa ra đời đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng, nhận được nhiều nhận xét tích cực từ phía khán giả.

Qua nội dung bộ phim này, ấn tượng và cảm động nhất đối với tôi là tình anh em giữa Thiều và Tường. Đây không phải mối quan hệ hoàn hảo, mà vẫn xảy ra nhiều xích mích, hầu hết xuất phát từ Thiều. Có thể cậu hơi ích kỉ, nhỏ nhen, ghen tuông, nhưng dù sao Thiều vẫn là một người anh, vẫn yêu thương em trai. Chính tình yêu đó đã khiến Thiều hối hận về lỗi lầm của mình, để rồi mỗi lần bất hòa lại là một lần để Thiều thêm trưởng thành và tình anh em thắt chặt hơn. Tình cảm anh em xuyên suốt cả bộ phim, khi mở đầu là cảnh hai anh em chơi với con Cu Cậu, kết thúc cũng là khi Thiều cõng Tường về nhà. Hai anh em hầu như luôn xuất hiện cùng nhau, những bí mật đã hứa không để lộ ra ngoài cũng kể cho duy nhất người kia nghe với lòng tin: "Chúng ta là anh/em ruột mà, kể ra không sao đâu". Tình cảm này cũng khiến Tường bộc lộ ra "mặt tối" của mình, bình thường cậu nhóc rất hiền lành, ngây thơ, nhưng khi có kẻ đụng đến anh hai, cậu liền dùng mưu mẹo không ai ngờ tới để hạ gục một tên to con hơn mình, còn đe dọa: "Từ giờ không được bắt nạt anh hai của tao nữa!".

Trong phim không chỉ có tình cảm anh em, mà những bâng khuâng đầu đời cũng là một yếu tố khiến khán giả ấn tượng. Khía cạnh tình cảm trong bộ phim chỉ dừng ở mức rung động trong sáng tuổi mới lớn. Theo tôi, dừng lại ở đó khiến trong lòng khán giả vẫn vương vấn chút nuối tiếc mà không làm mất vẻ đẹp "xao xuyến" của tuổi học trò. Truyện Nguyễn Nhật Ánh thường có những mối tình không trọn vẹn, chia xa, đôi khi chỉ là một lời hẹn ước. Trong "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", đó là câu nói của Thiều với Mận trước khi Mận đi xa: "Mày nhớ về thăm tao với thằng Tường nha!" và cái gật đầu như có như không của cô. Tình cảm đầu đời là những ngại ngùng, những ghen tuông vu vơ và những tâm sự bị giấu kín: "Mình thích chơi với cậu lắm". Câu chuyện tình ngây thơ ấy khép lại, mà trong lòng khán giả vẫn ngân nga:

"Nắng mưa là chuyện của trời

Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng"

Nhân vật tôi thích nhất bộ phim này là Tường. Có thể nói, Tường là mẫu hình em trai mà ai cũng mong muốn: đáng yêu, hiền lành, ngoan ngoãn, thương anh. Tường như một mặt trời nhỏ thắp sáng suốt cả bộ phim, lúc nào cũng lạc quan, nhưng cũng là nhân vật chịu nhiều đau đớn nhất. Dù nhiều khi bị anh trai làm tổn thương, cậu vẫn hết lòng yêu mến, ngưỡng mộ và tin tưởng anh mình: "Mưu mẹo của anh hay thật. Em chả nghi ngờ gì cả. Lớn lên nếu đi đánh giặc thế nào anh cũng làm tới đại tướng." Chính bản tính thiện lương ấy của Tường mà cậu luôn giành được cảm tình của mọi người, không chỉ với những nhân vật trong truyện mà cả với khán giả.

Tường đáng yêu đến thế, nhưng nhà văn vẫn chọn Thiều làm nhân vật chính không phải không có lí do. Bản chất của Thiều là một người anh tốt, song đôi khi bị tính ghen tị, ích kỉ làm mờ mắt mà trong lúc nóng giận, vô tình làm tổn thương em mình. Thiều không phải một con người hoàn hảo, nhưng là một nhân vật rất "thật". Nhân vật chính trong truyện thường tốt bụng, tài giỏi, nhưng "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thì khác, nhân vật chính ở đây chỉ là một cậu học sinh bình thường. Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng tâm lí nhân vật Thiều thật tốt, ta có thể thấy qua diễn biến truyện, Thiều ngày càng trưởng thành, có trách nhiệm, phạm lỗi, rồi lại hối hận. Sự hối hận tột cùng của một người anh khi làm tổn thương em mình. Có thể cậu không để lại ấn tượng quá tốt trong lòng khán giả, nhưng hẳn là khi thưởng thức bộ phim, mỗi người đều tìm thấy một phần bản thân mình trong Thiều. Đó cũng là lí do nhà văn chọn Thiều để gửi gắm những kí ức tuổi trẻ của mình.

Bộ phim này thành công một phần lớn nhờ hình ảnh và âm nhạc. Có lẽ mọi người ấn tượng nhất là cảnh Thiều chạy dưới mưa hay cảnh cành hoa vàng rơi xuống ở rạp xiếc, nhưng riêng tôi lại trân trọng nhất là cảnh tết Trung thu. Những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao và trẻ em vui chơi trò chuyện trong tiếng hát "Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ....". Tất cả như níu tôi về với những ngày còn nhỏ dại, tưởng như xa xôi, mà giờ đây lại dàn trải ra trước mắt, lấp lánh, bình dị. Trẻ em bây giờ ít còn cái thú vui đi rước đèn trung thu hay tụ tập lại chơi đùa đàn hát. Bộ phim này như viên kẹo ngọt ngào dành cho ai vẫn lưu luyến và muốn nhìn lại những năm tháng tuổi thơ ấy. Đạo diễn khéo chọn bài hát chủ đề là giai điệu thân thương nhẹ nhàng của "Thằng Cuội", để lại một nỗi hoài niệm, nhưng cũng rất tươi mới trong lòng khán giả. Những cảnh quay thiên nhiên được đầu tư rất tốt, đôi lúc ta còn choáng ngợp trước cảnh đẹp của làng quê Phú Yên mà bao lâu nay ta chẳng để ý. Diễn xuất của diễn viên cũng rất quan trọng. Diễn viên chính trong bộ phim này chỉ là những diễn viên "nhí", nhưng họ đã rất cố gắng và có thể nói là làm khá tốt trong việc thể hiện cảm xúc qua nét mặt, hành động, giúp người xem có thể nhận ra và đồng cảm với những cảm xúc không lời.

Một yếu tố khác gây ấn tượng sâu sắc với tôi là bộ phim lột tả chân thực sự nghèo khó, thiếu thốn của miền quê ngày ấy. Đạo diễn rất tinh tế mà tập trung tái hiện lại cảnh khốn khổ khi gặp thiên tai. Khuôn mặt người nông dân lo lắng cho những ngày sắp tới khi mùa màng, trâu bò đều cuốn theo dòng nước lũ vô tình. Bố mẹ nhìn nhau thở dài, không dám ăn để nhường cho con. Vậy mà trong cảnh nghèo nàn ấy, con người vẫn sống, vẫn yêu thương. Đây cũng là ý chí, nghị lực kiên cường, không lùi bước trước khó khăn của người dân quê lam lũ.

Tuy nhiên, phim không đủ dung lượng để truyền tải hết nội dung của truyện, cũng như diễn xuất của diễn viên không thể lột tả nội tâm sâu sắc như những lời văn được. Ví dụ như đoạn nhặt được miếng vàng. Đây là chi tiết tôi rất ấn tượng trong truyện, vì bao nhiêu mong chờ, ước mơ của những đứa trẻ miền quê nghèo khó đều được đặt trong miếng vàng ấy. Bởi thế, Nguyễn Nhật Ánh miêu tả chân thực và kĩ càng sự mong mỏi như vô tận khi chờ mẹ đi làm về để khoe "thành quả". Nhưng khi lên phim, sự mong đợi ấy không được thể hiện rõ. Nhìn chung, bộ phim vẫn còn một số hạn chế, dù vậy, diễn viên đã cố gắng hết sức để giảm hạn chế đó xuống đến mức tối thiểu, không ảnh hưởng nhiều đến việc thưởng thức phim của khán giả.

Có thể sẽ nhiều người thắc mắc, tại sao bộ phim lại có tên là "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"? Một cái tên tưởng chừng như ngẫu hứng, không ý nghĩa. Nhưng thật ra, "những cánh hoa vàng li ti đang kín đáo nở trong nách lá" lại xuất hiện và có vai trò xuyên suốt bộ phim. Chính nhờ màu vàng ấy, mà "phò mã" Tường tìm thấy "công chúa" Nhi, và nó cũng là dấu hiệu "mùa hè khắc nghiệt sắp sửa trôi qua". Hoa hé nở, mùa hè lặng lẽ trôi qua với bao biến động, để lại những đứa trẻ trưởng thành hơn, những mối tình dang dở, và có lẽ là một kết thúc có hậu cho mọi chuyện. Bộ phim kết thúc, mà tâm hồn khán giả như vừa được trải lên những cánh hoa vàng, tươi trẻ, yêu đời, xen lẫn nhiều xúc cảm hoài niệm, lưu luyến.

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đạt được thành công không phải nhờ những cảnh quay hào nhoáng, mà chính là sự bình dị, gần gũi của làng quê miền trung và tuổi thơ thật thơ đã gợi nên những cảm xúc yêu thương không lời. Bộ phim là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với kỷ niệm êm đềm thời cắp sách đến trường. Tôi nghĩ ai cũng nên xem bộ phim này một lần, để thấy được vẻ đẹp đất nước mình, cũng như thêm trân trọng tuổi học trò.

Sài gòn, 0h ngày 14/01/2017

 


Phamngochien.com - 14:47 - 04/02/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận