Những trường lớp tôi đã học (Phạm Ngọc Hiền)

 

I. Thời học cấp một

Ngôi trường đầu tiên của tôi là PTCS Hòa Đồng II, huyện Tuy Hòa. Việc học của tôi có nhiều cái không giống ai. Tôi và người em kề là Lân không học mẫu giáo, không học lớp một mà nhảy thẳng lên học lớp hai. Số là, chúng tôi ở nhà tự học là chính. Tháng 8 năm 1979, má tôi dắt hai anh em tôi tới trường xin học lớp một. Cô Lắm đưa sách báo và bảo đọc thử, chúng tôi đọc vanh vách không vấp chỗ nào nên cô viết giấy giới thiệu lên học thẳng lớp hai. Những ngày đầu tiên đến trường, tôi giống như người trên trời rớt xuống vì không hiểu gì về quy chế của lớp (xin xem thêm trong truyện ký Thuở ban đầu).

Năm lớp năm, tôi học thầy Phi, là một năm rất đáng nhớ vì lớp học không có bàn ghế gì cả, tất cả HS ngồi dưới đất để học. Thân thể ở trong lớp, tinh thần ở ngoài lớp, chỉ mong hết giờ là chạy vù đi chơi hoặc kiếm cái gì đó lót bụng vì đói. Mùa hè năm 1983, tôi được trường cử đi tham gia lớp Trại hè điện ảnh thiếu nhi do Phòng Giáo dục và Phòng VHTT huyện Tuy Hòa tổ chức tại thị trấn Phú Lâm. Lớp học gồm có ba chuyên ngành: vẽ phim hoạt họa, kể chuyện phim, thuyết minh phim, tôi thuộc chuyên ngành vẽ phim. Đây là lần đầu tiên tôi sống tập thể và xa nhà tới một tháng rưỡi.

Nơi tôi học suốt thời cấp I và II

II.  Thời học cấp hai

Lên cấp II, tôi vẫn học ở địa điểm cũ, gần nhà. Quỹ thời gian được chia đều cho ba hoạt động: học - làm - chơi. Từ năm lớp sáu, chúng tôi đã đi lao động cắt lúa. Do đứng thấp hơn gióng nên chúng tôi phải dùng dây buộc giữa gióng để gánh lúa. Năm lớp tám, tôi cắt lúa lần đầu tiên, do vụng về nên để liềm cắt ngón tay út sâu đến tận xương. Chúng tôi còn lao động gánh đất xây đường, đổ nền các công trình, trồng cây... Tôi đoạt giải cuộc thi HS khéo tay cấp huyện, môn vẽ.

Từ khi cắp sách đến trường cho đến lớp tám, tôi chỉ học khá các môn xã hội. Tôi nhớ rất dai các sự kiện lịch sử và nhớ gần hết tên của các nước trên thế giới. Năm lớp chín, tôi bỗng học giỏi Toán một cách đột xuất. Vì một lý do như sau: trong lớp học hè, thầy Tiến ra bài tập cho biết trước ba góc của tứ giác lồi, hỏi góc còn lại bao nhiêu độ. Một câu hỏi quá dễ nên tôi liền xung phong trả lời và được thầy khen. Không ngờ một lời khen đơn giản của giáo viên mà làm cho một HS học toán trung bình trở thành HS giỏi toán. Từ đó về sau, tôi học toán hình rất giỏi, tự vẽ hình trong đầu, giải trong đầu và đưa ra nhiều cách giải mà có thể thầy giáo không tính trước. Thi tốt nghiệp lớp chín, tôi đạt môn vật lý 10 điểm, môn toán 9 điểm. Tôi thi chuyển cấp vào lớp mười với số điểm dư đủ cho một người khác nữa đậu.

III. Thời học cấp III

Tôi học ở trường THPT Lê Hồng Phong. Học một buổi, còn một buổi về nhà làm đủ mọi nghề. Tôi nhớ những buổi đi lao động phát rừng, trồng bạch đàn, thầy trò cùng nằm ngủ trưa dưới con suối khô cạn. Nhớ những đêm hội trại, văn nghệ cây nhà lá vườn... Năm lớp 11, tôi làm lớp phó văn thể mỹ, phải tập cho lớp hát mặc dù tôi hát rất dở. Tôi thường tham gia các hoạt động trang trí lễ hội cho lớp và trường. Tôi được phân công theo dõi ghi chép tình hình thực hiện đạo đức tác phong để cuối tuần báo cáo trước lớp. Lớp tôi luôn dẫn đầu phong trào thi đua trong trường nên được xem là lớp mẫu để cho nhiều lớp khác học hỏi. Tôi cũng thường thay mặt HS toàn trường phát biểu trong các buổi lễ. (xem thêm trong Chuyện lớp tôi)

Trong ba năm cấp III, tôi đầu tư cho các môn tự nhiên nhiều hơn. Tôi được cử làm cán sự toán - lý, có nhiệm vụ giải bài tập cho lớp vào 15 phút đầu giờ và kèm cặp giúp đỡ những bạn học yếu các môn tự nhiên. Điều hơi lạ là tôi học các môn tự nhiên bao giờ cũng cao điểm hơn các môn xã hội nhưng lại thi đại học khối C và đậu cả hai trường: ĐHSP Quy Nhơn và phân viện Ngân hàng Phú Yên. Nhiều người khuyên tôi đi ngành ngân hàng vì đây là cái mốt của thời kinh tế thị trường đang hé mở. Nhưng tôi vẫn đi sư phạm Văn vì ngành này phù hợp với năng khiếu nghệ thuật của mình.

 Lúc học lớp 12 tại trường THPT Lê Hồng Phong (Phú Yên)

IV. Thời học đại học

Tôi thi đậu đại học ngay trong năm đầu (hồi ấy ở các trường nông thôn, trung bình mỗi lớp chỉ có một HS đậu đại học năm đầu). Tôi học ở khoa Ngữ văn trường ĐHSP Quy Nhơn vào thời gian 1990 - 1994, trong bối cảnh tình hình hình thế giới và Việt Nam có những biến động sâu sắc do Liên Xô sụp đổ. Chúng tôi vẫn học các giáo trình cũ nhưng quan điểm đánh giá đã thay đổi, nhiều lúc vò đầu bứt tai không biết nên làm bài thi theo quan điểm của thầy hay của sách. Chúng tôi phải trải qua ba năm học tiếng Nga để rồi chuyển sang tự học tiếng Anh. Như vậy, cùng một lúc học bốn ngôn ngữ: Việt - Hán - Nga - Anh. Chúng tôi vẫn sống theo cơ chế bao cấp, nhà nước lo tất cả mọi thứ: ăn, ở, học, giải trí... Suốt bốn năm học, tôi luôn chung thủy với nhà ăn tập thể, song hành với điệp khúc "canh toàn quốc, nước mắm đại dương". Mặc dù ngấy đến tận cổ khi nghe mùi gạo tồn kho lâu ngày và cá tạp nhạp (nhiều người thường mua nấu cho heo ăn).

Ngoài thời gian ở giảng đường, tôi ở thư viện miệt mài đọc các loại sách Đông Tây kim cổ. Tôi cũng tham gia các hoạt động phong trào và được bạn bè đặt cho nhiều biệt hiệu: xã trưởng (do diễn văn nghệ, mặc áo dài khăn đóng giống xã trưởng thời xưa), giáo sư (nhiều lúc, tôi mang kính râm có vẻ giống... giáo sư), nhà thơ (lớp có ba người tên Hiền nên để phân biệt phải gọi Hiền Gia Lai, Hiền Nha Trang và Hiền nhà thơ). Năm học thứ hai, tôi đoạt giải Nhất cả thơ và truyện ngắn trong cuộc thi thơ văn của trường. Năm sau, được Đoàn trường và Hội SV phân công đứng ra thành lập CLB thơ văn và làm chủ nhiệm đầu tiên. Tôi đứng ra tổ chức nhiều đêm thơ nhạc cấp trường. Hai lớp Văn A và B cũng thường phân công tôi dẫn chương trình trong các buổi tọa đàm, văn nghệ. Sang năm thứ tư, tôi đầu tư cho việc học nhiều hơn. Điểm học kỳ I của tôi cao thứ nhì trong lớp. Sang học kỳ II, tôi đi thực tập ở trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Yên). Mùa hè năm 1994, chúng tôi chia tay thời SV đầy mộng đẹp. Đêm cuối cùng ở ký túc xá, những đống lửa được đốt lên, những giọt nước mắt nóng hổi, những lời chia tay nghẹn ngào để rồi sáng hôm sau mỗi đứa về một phương và có thể không bao giờ gặp lại.

Tôi nằm trong Ban chấp hành Hội sinh viên trường ĐHSP Quy Nhơn (thứ 4 từ phải sang)

V. Thời học cao học

Năm 1999, trong lúc đang là giáo viên trường THPT Trần Quốc Tuấn, tôi được sở Giáo dục cử đi học cao học trường ĐHSP Huế, ngành Lý luận văn học. Đợt I, học các môn chung tại trường ĐH Khoa học. Ba đợt còn lại học tại ĐHSP. Thời gian đầu, tôi ở trọ nhà mệ Nghĩa gần Đập Đá, sau chuyển vào KTX Cao học. Trong thời gian học ở Huế, tôi chứng kiến nạn đại hồng thủy mùa đông năm 1999. Tôi được tiếp xúc với nền văn hóa truyền thống ở Huế và có nhiều chuyển biến về nhận thức xã hội trong thời gian này.

Tôi thường có mặt ở thư viện ĐHSP và thư viện Tổng hợp TT- Huế. Tôi mê nhất là kho đọc tự chọn của thư viện ĐHSP Huế. Tôi làm luận văn cao học với đề tài: "Tính sử thi trong tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975". Tôi tải một số lượng tài liệu rất lớn từ Huế về Phú Yên và tập trung tư tưởng làm luận văn suốt nửa năm trời. Làm việc với một tinh thần đam mê quên hết mọi thứ trên đời. Những kiến thức tích lũy được trong thời gian làm luận văn giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc nghiên cứu phê bình sau này. Tháng 11 năm 2001, tôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.

Bảo vệ luận văn thạc sĩ tại trường ĐHSP Huế

VIThời nghiên cứu sinh

Năm 2004, tôi ra Hà Nội thi nghiên cứu sinh. Học và thi ngoại ngữ tại ĐHSP Hà Nội, thi môn chuyên ngành và bảo vệ đề cương nghiên cứu tại Viện Văn học. So với các thí sinh khác thì địa vị công tác của tôi không cao, tuy nhiên, tôi cũng gặp những may mắn không ngờ. Tôi đỗ đầu trong số 10 người thi tuyển vào Viện Văn học ! Môn chuyên ngành: 9.5 điểm, môn ngoại ngữ: 6.3 điểm (chỉ dùng để xét điều kiện), đề cương nghiên cứu được đánh giá Tốt. Người hướng dẫn chính là Viện trưởng Phan Trọng Thưởng, hướng dẫn phụ là cô Tôn Phương Lan. Mọi công việc liên quan tới thủ tục, tôi liên hệ với cô Tôn Thảo Miên (Trưởng phòng Đào tạo) và thầy Trương Đăng Dung (Viện phó). Công việc chuyên môn thì liên hệ phòng Lý luận văn học do thầy Nguyễn Ngọc Thiện đứng đầu (sau này là thầy Trịnh Bá Đĩnh). Ngoài ra, tôi có mối quan hệ tốt với hầu hết các thầy cô, anh chị ở Viện Văn học.  

Tôi đi khắp 13 thư viện lớn trong cả nước để sưu tầm gần 200 cuốn tiểu thuyết cách mạng thời kỳ chiến tranh. Đọc một khối lượng khổng lồ sách báo về văn học VN hiện đại, thể loại tiểu thuyết, sử thi VN và thế giới, về thi pháp học... Tôi tải sách báo về nhà rồi tập trung tư tưởng ngồi viết. Hơn hai năm trời, cách ly gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài, tôi không biết gì về thời sự thế giới và VN, không hề hay biết bão lụt đang đổ về chỗ mình ngồi. Tôi phải trả giá biết bao thứ. Rồi luận án được Bộ gửi đi phản biện kín, may mắn thay, hai phản biện kín tán thành luận án. Thế là một buổi sáng thứ 7, ngày 7, tháng 7, năm 07 (ở tuổi 37), tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: "Thi pháp tiểu thuyết sử thi Việt Nam 1945 - 1975". Cuộc đời tôi bước sang một trang mới.

Danh sách trúng tuyển Nghiên cứu sinh Viện Văn học khóa 2004
Người đầu tiên chuyến tiếp, còn tôi đỗ đầu trong số những người trực tiếp thi

.

Tôi đã trải qua một chặng đường học tập dài tới... 20 năm. Con đường ấy nhiều quanh co khúc khuỷu gập ghềnh, vừa kém may mắn lại vừa may mắn. Tôi cố vươn lên để tạo những may mắn bằng chính năng lực của mình. Xin cảm ơn những người đã giúp đỡ tôi trên những bước đường học tập.

Bùi Tiến Dũng - (vào lúc: 19:11 - 11-30-2018)
very good thầy ạ
Bích Hà - (vào lúc: 22:07 - 07-06-2016)
Đọc xong bảng thành tích, quá trình học tập, rèn luyện và phấn đấu của thầy, em thật khâm  phục, ngưỡng mộ con người thầy. Tự nhiên em thấy mình sao lại bé nhỏ và tầm thường quá. Em chúc mừng những thành công của thầy. Cố lên thầy nhé!
Nguyễn Xuân Truyền - (vào lúc: 08:05 - 05-08-2015)
 Tình cờ, khi tìm kiếm tài liệu về "Chiếc lá cuối cùng", đã đưa tôi đến gặp được Thầy. Tôi đọc bài viết về "Mùa hoa dẻ",  "những trường lớp tôi đã học" của Thầy, ký ức tuổi thơ  tôi với những tháng năm nơi quê cũ ùa về. Những người yêu quý văn chương khi gặp nhau trên trang viết cũng đủ để làm lòng ta xốn xang hạnh phúc. Cảm ơn Thầy về sự tri ngộ!
Phương Anh - (vào lúc: 22:06 - 06-28-2014)
20 năm 1 chặng đường. Đó là 1 thành công lớn đối với thầy. Không có gì là đơn giản cả. "ĐƯỜNG ĐI KHÓ. KHÔNG KHÓ VÌ NGĂN SÔNG CÁCH NÚI. MÀ KHÓ CHỈ VÌ LÒNG NGƯỜI NGẠI NÚI E SÔNG"
 em chúc mừng thầy
Lien Hoa - (vào lúc: 21:12 - 12-28-2013)
Co cong mai sat co ngay nen kim! Ban xung dang la mot tri thuc the he moi cua dat nuoc. Vang tran cua ban la mot niem kieu hanh cho gia dinh, dong ho va nhung nguoi quy trong tri thuc. Bai viet cua ban ve Mua hoa de cua nha van Van Linh that hay, that sau sac. Chuc ban gap nhieu may man, thanh dat va thang tien! Hay tiep tuc chay len de cang toa sang!. 

Phamngochien.com - 15:05 - 04/01/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận