Trương Vĩnh Ký và Gia Định báo (Phần 1 - Trần Xuân Tiến)

 Trần Xuân Tiến

Trương Vĩnh Ký là nhà văn hóa lớn, là người trí thức đầu tiên của Việt Nam dùng chữ quốc ngữ để làm báo và in sách. Ông đã để lại một công trình đồ sộ, hàng trăm cuốn sách gồm sách dịch thuật, khảo cứu, sáng tác bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Ông có một văn nghiệp lớn lao nhưng cuộc đời lại nhiều lần trở ngại và bị hiểu lầm đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ rằng, hơn lúc nào hết, ngày nay chúng ta đã có đủ điều kiện để nhìn nhận một cách đúng đắn nhất, công bằng nhất về sự nghiệp văn hóa, văn học của Trương Vĩnh Ký. Chính vì những lẽ trên, mặc dù còn nhiều khó khăn và hạn chế nhưng chúng tôi - với niềm cảm phục và yêu mến nhân vật lịch sử này - mạnh dạn thực hiện đề tài Tìm hiểu đôi nét về Trương Vĩnh Ký và Gia Định báo. Qua đó, chúng tôi hy vọng phần nào phác hoạ đôi nét về chân dung nhà văn hóa lớn, nhà ngôn ngữ học lỗi lạc Petrus Ký, cùng với tờ báo đầu tiên của nền báo chí quốc ngữ và ghi nhận những đóng góp của ông cho sự đổi mới và phát triển nền học vấn Việt Nam hiện đại.

1. Lược sử đánh giá về Trương Vĩnh Ký và Gia Định báo

Trải qua những thăng trầm của lịch sử đất nước, giới học giả có những cách đối xử khác nhau đối với Trương Vĩnh Ký với nhiều ý kiến trái chiều phong phú và đa dạng. Song nhìn chung có thể tóm gọn trong hai khuynh hướng chính là biểu dương và phê phán. Nếu như phái biểu dương (đứng từ điểm nhìn thuần văn chương học thuật) nhất mực đề cao và ngợi ca những đóng góp to lớn của Trương Vĩnh Ký với nền học thuật, văn hóa, văn học đương thời thì phái chê - nhìn nhận vấn đề từ góc độ chính trị - không những hoàn toàn phủ nhận vai trò, đóng góp của ông, mà còn quy kết cho ông rất nhiều tội trạng. Trong một vài năm trở lại đây, cũng như nhiều nhân vật lịch sử khác (Hồ Quý Ly, Phạm Quỳnh, triều Nguyễn...), vấn đề Trương Vĩnh Ký được xem xét lại từ nhiều góc độ đã tạo nên một luồng đánh giá khách quan và chân xác hơn.

Để phần nào hiểu rõ vấn đề phức tạp này, chúng tôi tập hợp và xin lược thuật sau đây một số ý kiến tiêu biểu nhất từ mỗi giai đoạn lịch sử.

 

 

1. 1. Trước 1945

Nhìn chung, xuyên suốt khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ này, tài năng bác học và những cống hiến cho nền văn chương nước nhà của Trương Vĩnh Ký được đánh giá cao. Ngay từ khi ông còn sống, tiêu biểu trong cuốn Mười năm du hành ở Trung Hoa và Đông phương, Thomsom kể lại việc đã gặp Petrus Ký, ghi lại tiểu sử của ông và khen ông nói tiếng Anh rất giỏi. Đến khi ông mất (năm 1898), với sự tiếc thương và trân trọng vô hạn, các báo Tuần báo Nam Kỳ, Lục tỉnh Tân văn... lần lượt cho in các bài viết ngợi ca sự nghiệp văn hóa, văn học của ông.

Riêng về giá trị của Gia Định báo, Vũ Ngọc Phan viết: "Chẳng hạn như tờ Gia Định Báo đã mở đường cho báo chí ở trong miền Nam nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Vì so với miền Bắc thì miền Nam được biết báo chí bằng quốc ngữ sớm hơn 40 năm. Ở miền Bắc, năm 1892 chỉ mới có tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo viết bằng chữ Hán và phải chờ đến năm 1905 mới có tờ báo đầu tiên bằng quốc ngữ bên cạnh những bài bằng chữ Hán là tờ Đại Việt Tân Báo". [18]

Tuy vậy, cũng có một sự thật là, dư luận chống chế, bài xích họ Trương đã xuất hiện từ rất sớm. Khởi đầu cho làn sóng phê phán này là bài viết mang tên Văn sĩ và Thi sĩ Việt Nam đối với bài đố của sự sống của tác giả Thạch Lan đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 10.1933. Dựa vào cái lý "Bất cượng, chớ cượng làm chi" do Trương Vĩnh Ký sáng tác năm 1882, tác giả Thạch Lan kết luận: "Ông Trương Vĩnh Ký là phái đầu tiên truyền bá cái phương pháp, cái luân lý hàng phục trong xã hội Annam".

1. 2. Từ 1945 đến 1975

Đứng trên quan điểm lập trường chính trị của dân tộc và nhân danh chủ nghĩa yêu nước, nhiều tác giả như Nguyễn Anh, Mẫn Quốc, Tô Minh Trung, Nguyễn Sinh Duy, Phạm Long Điền... liên tiếp viết bài lên án Petrus Ký đăng trên các báo Nghiên cứu lịch sử (miền Bắc), và Bách khoa (miền Nam). Tất cả đã tạo nên một làn sóng chống đối kịch liệt nhất - phủ nhận sự nghiệp văn hóa lớn lao mà Trương Vĩnh Ký đã cống hiến cho dân tộc.

Trong số này, gây chú ý nhiều nhất là bài Trương Vĩnh Ký trong quỹ đạo xâm lăng văn hóa của thực dân Pháp của Phạm Long Điền đăng trên Bách Khoa số 418 - 1974. Bài viết có đoạn: "Cuộc đời của Trương Vĩnh Ký tự bản chất đã nói lên mưu đồ thâm độc của thực dân trong chánh sách và kế hoạch xâm lăng văn hóa của họ. Cho nên, bài học Trương Vĩnh Ký là bài học của người trí thức không thấy rõ mưu đồ đen tối của ngoại bang, không có lập trường dứt khoát trước một thái độ phải chọn: Hợp tác hay không hợp tác với ngoại bang".

Tuy nhiên, bằng cái nhìn thân thế và sự nghiệp Trương Vĩnh Ký một cách khách quan khoa học, văn học sử với cuốn Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (Nxb Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1960) và Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ (Nxb Quốc Học Tùng Thư Huế, 1965) vẫn ghi nhận những gì mà Trương Vĩnh Ký đem lại cho nền văn học nước nhà.

Dương Quảng Hàm cho rằng: "...một cách đào luyện tiếng Nam theo quy củ hai nền văn rất sung túc là văn Tàu và văn Pháp, khiến cho tiếng Nam có thể dùng để viết văn, thứ nhất là văn xuôi là một lối văn vốn xưa ta chưa có". [10, 396]

Phạm Thế Ngũ khẳng định: "Điều ai cũng phải chú ý khi coi lại tiểu sử Trương Vĩnh Ký là ông có thể tự hào là người trí thức Việt Nam đầu tiên có học thức quảng bác mở rộng sang Tây phương... Ông lại tự coi mình như có bổn phận làm trung gian giữa hai phe xô xát hầu lấy lại tình hòa hiếu, lập lại sự an ninh, mưu sự thịnh vượng cho đất nước. Tóm lại, ở ông ta thấy thái độ thích đáng, công minh của một bậc trí thức trung thực và tự trọng, không thấy cái xu phụ, mù quáng của thứ tẩu cẩu ngoại nhân. Con người ấy thực ra ở trí sáng suốt, óc chừng mực, tác phong tao nhã, vẫn cốt yếu là một đồ đệ Nho giáo. Và trái tim ông vẫn đập về phía đất nước, đồng bào". [16, 70 - 73].

1. 3. Từ 1975 đến nay

Tiếp tục những ý kiến phê phán có: Xuất và Xử trong cuộc đời chính trị của Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đắc Xuân, 2001); Tư tưởng phương đông gợi những điểm nhìn tham chiếu (Cao Xuân Huy)... Song, với tình hình chính trị ổn định, đặc biệt là từ những năm đổi mới, Trương Vĩnh Ký lại được tôn vinh. Tiêu biểu có các ý kiến: Địa Chí Văn Hóa TP.HCM (Nxb TP.HCM, 1987); Trương Vĩnh Ký, nhà nghiên cứu bác học (Việt Chung, tạp chí Văn nghệ TP.HCM số 650, 1990); Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký (Bằng Giang, Nxb Văn học, Hà Nội, 1993), Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa (Nguyễn Văn Trung, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1993), Trương Vĩnh Ký, con người và sự thực (Nguyễn Văn Trấn, Ban KHXH Thành ủy Tp.HCM), Cá tính miền Nam (Sơn Nam, Nxb Trẻ, 1997), Trần Ngọc Thạch (1999), Petrus Trương Vĩnh Ký - Nhà Bác học đa năng, nhà ái quốc khả kính, Sydney, Úc châu; Trương Vĩnh Ký bi kịch muôn đời (Hoàng Lại Giang, Nxb Văn hóa và thông tin, Hà Nội, 2001); Kiến Hòa xưa (Huỳnh Minh, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2001); Về nhân vật Trương Vĩnh Ký: đôi điều trăn trở mới trên một công trình biên khảo cũ (Trần Thanh Đạm, 2002); Từ điển Văn học - bộ mới (Nguyễn Huệ Chi, Nxb Thế giới, 2004); Vài ý nghĩ về sĩ phu Petrus Trương Vĩnh Ký (Phạm Văn Minh); Tuyển tập hiện tượng Trương Vĩnh Ký (Vũ Ký, 2005); Nhân vật Trương Vĩnh Ký nhìn từ góc độ Phật giáo (Minh Chi, 2009); Một nhà văn hóa lớn, một nhà bác ngữ học lỗi lạc Thái Quang Vinh;  Bảng lược đồ văn học Việt Nam, quyển hạ, Thanh Lãng (không ghi năm xuất bản), Nxb Trình Bày, Sài Gòn; Trương Vĩnh Ký - Nhà bác học (Huỳnh Công Tín, Báo Cần Thơ)...

Như vậy, nếu như giai đoạn trước 1945, cao trào hơn là giai đoạn từ 1945 đến 1975, phần đông dư luận phê phán Trương Vĩnh Ký thì từ 1975 trở đi (mà chủ yếu là sau thời kỳ đổi mới 1986), người ta bắt đầu nhìn nhận Trương Vĩnh Ký và những đóng góp của ông cho văn hoá, văn học nước nhà. Điều này cũng dễ hiểu khi mà việc đánh giá, nhìn nhận nhân vật lịch sử này còn chịu nhiều ảnh hưởng từ quan điểm chính trị, thậm chí nặng về suy diễn chủ quan. Khi có độ lùi của thời gian, tình hình chính trị, xã hội ổn định, dư luận đã có thể bình tâm suy xét giải quyết vấn đề dưới ánh sáng của tư duy mới, hoàn thiện hơn. Khi đó, Trương Vĩnh Ký được hiểu là một nhân vật tiêu biểu cho những sĩ phu cũng yêu nước, cũng có tinh thần dân tộc, nhưng do không nhận rõ sức mạnh của nhân dân mà chỉ thấy sức mạnh của súng ống của chủ nghĩa tư bản nên không đủ dũng khí đứng dậy cầm vũ khí kháng chiến. Ông sợ đánh nhau sẽ gây nhiều chết choc, đau thương cho nhân dân, cho đồng bào nên chủ trương điều đình, hợp tác với Pháp để tranh thủ thời cơ làm việc có lợi cho dân, cho nước. Và ông đã dồn tâm lực của mình vào hoạt động văn hoá nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc có lợi cho Việt Nam.

 

2.  Gia Định báo

Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, được ra mắt ngày 15.04.1865 tại Sài Gòn. Thực tế trước đó, tại miền Nam Việt Nam đã có ba tờ báo tiếng Pháp và chữ Hán. Đó là các tờ: Le Bulletin Officiel de l'Expédition de la Cochinchine; Le Bulletin des communesLe Courrier de Saigon. Tuy nhiên, ba tờ báo này đều không được dân chúng tiếp nhận và ủng hộ vì gặp khó khăn trong vấn đề bất đồng ngôn ngữ.

Khi Kerguda sang làm Thống đốc Nam Kỳ, ông đã mời Trương Vĩnh Ký ra làm quan. Nhưng Trương Vĩnh Ký từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định báo. Lời yêu cầu của Trương Vĩnh Ký được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 01.04.1865, nhưng không phải ký cho Trương Vĩnh Ký mà lại ký cho một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ tên Ernest Potteaux. Và phải đến ngày 16.05.1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm giám đốc.

Vừa nhận nhiệm vụ chủ nhiệm kiêm chủ bút, Trương Vĩnh Ký liền cho thay đổi về hình thức lẫn nội dung của tờ Gia Định báo. Trong suốt 4 năm (1869 - 1872) quản trị tờ Gia Định báo, Trương Vĩnh Ký luôn luôn khuyến khích các công chức Việt Nam viết bài vở hoặc gởi tin tức về cho tờ báo nhằm giúp họ tập luyện viết văn bằng chữ quốc ngữ và tập làm báo. Tờ Gia Định báo được tài trợ bởi Thống Súy Phủ nên được phát miễn phí cho các làng, xã và trường học. Nó đã được sự ái mộ của dân chúng, rất nhiều người chỉ mong đợi cho tới kỳ phát báo để lấy báo đem về nhà đọc, có khi họ còn đọc to lên để cho người không biết chữ cùng nghe.

Và trong Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (l865 - 1932) (1992, TP.HCM), Bùi Đức Tịnh đã nhận định: "Trong chức vụ chánh tổng tài Gia Định Báo, ông đã tìm một phương hướng để thực hiện cuộc duy tân (...). Từ trước và khi bắt đầu Pháp thuộc vẫn tiếp tục theo đà có sẵn, người trí thức chỉ mong thi đỗ để làm quan. Khuyến khích và tạo điều kiện tập tành cho các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập viết báo, viết văn, thật sự Trương Vĩnh Ký đã gây một cuộc Minh Tân nhỏ trong giới văn học trước khi những người chủ trương Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn "mở cuộc Minh Tân" trong lãnh vực kinh tế" [23, 37 - 38].

Đến năm 1897, Gia Định báo chấm dứt hoạt động sau 32 năm(?). Tuy nhiên, trong buổi Hội thảo khoa học kỷ niệm 140 năm ngày thành lập Gia Định Báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên của Việt Nam nhà nghiên cứu Lê Nguyễn lại cho rằng Gia Định báo tồn tại đến ngày 31.12.1909 (tức là 44 năm), và chính thức đình bản vào 01.01.1910 (?) [27].

Sau Gia Định báo, nhà cầm quyền Pháp cũng cho phép phát hành một số báo tư nhân khác ở Nam Kỳ thuộc địa như Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1910).

2.1. Hình thức

Gia Định báo được phát hành số đầu tiên vào ngày 15.04.1965 (?), bên trên cùng có dòng chữ "REPUBLQUE FRANCAISE" (cộng hòa Pháp), phía dưới là dòng chữ to in đậm GIA ĐỊNH BÁO. Thời gian đầu, Gia Định báo ra mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 15 hàng tháng. Sau báo ra mỗi tháng 2 kỳ, rồi mỗi tuần 1 kỳ. Tuy ra mỗi tuần 1 kỳ, nhưng Gia Định báo lại không có ngày ra cố định, khi thì thứ ba, thứ tư, lúc lại thứ bảy. Việc in ấn Gia Định báo thường tập trung tại các dinh quan, khi ở dinh quan Thượng Lạt ở Saigon, lúc ở dinh quan Hiệp lý Nam kỳ, hoặc ở các phòng thông ngôn.

Gia Định báo có khổ báo không đều, nhưng kích thước trung bình là 24x31. Số trang thì tuỳ theo lượng bài vở mà tăng giảm bất thường. Ví dụ như báo có 4 trang số ra ngày 10/06/1882, 8 trang số ra ngày 11/01/1882, hay các số ra các ngày 20/01/1882 và 25/11/1882 lần lượt là 16 trang và 12 trang [13, 22]. Cách đánh số trang "liên tục từ số 1 ở trang đầu, số báo đầu tiên mỗi năm đến trang cuối cùng của số báo cuối năm đó" [13, 22].

Giá tiền của Gia Định báo ban đầu được tính bằng tiền francs Pháp. Kể từ số 21 ra ngày 24 Juin năm 1882, giá báo được tính bằng đồng bạc Việt Nam và tăng dần theo thời gian.

2.2. Chủ trương

Thống soái Nam Kỳ thời gian đó (tức khi tờ Gia Định báo mới ra đời - chúng tôi chú thích) là phó đề đốc Roze đã có nhận xét như sau: "Tờ báo này (Gia Định báo) có mục đích phổ biến cho dân bản xứ các tin tức đáng cho họ lưu ý và cung cấp cho họ "một số hiểu biết thông thường liên quan đến các vấn đề phát triển nông nghiệp"[1]. Đây cũng là một trong những mục đích ban đầu của Gia Định báo. Ngoài ra, báo còn là nơi đăng những thông tin thông báo của chính quyền pháp để nhân dân được biết:  đăng tải các sắc lệnh, nghị định, thông tư, đạo lệnh, chỉ dụ...

Khi Trương Vĩnh Ký về làm chủ bút, Gia Định báo có thêm 3 chủ trương khác. Đó là: Cổ động cho một lối học mới; phát triển chữ quốc ngữ và khuyến khích dân chúng học chữ quốc ngữ. Về điều này, tác giả Vũ Ngọc Phan nhận định:"Cũng như một số văn sĩ sinh ra ở miệt vườn phương Nam, nhà báo họ Trương chủ trương dùng một thứ chữ dễ dãi, như tiếng nói thường ngày, không một chút chải chuốt, sang sửa, viết như nói, không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng có ý thức giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ dân tộc, nhưng không dung tục, thực dụng, ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh, mà là ngôn ngữ của những người bình dân tự trọng, có văn hóa" [18].

2.3. Nội dung của Gia Định báo

Gia Định báo trở lên phong phú hơn về nội dung khi Trương Vĩnh Ký giữ chức chủ biên. Ngoài phần chính là mục công vụ, tạp vụ, Gia Định báo còn có các mục thứ vụ, quảng cáo. Nội dung các mục này là những lời cáo dưới dạng thông báo, nhắn tin, bố cáo, cáo phó ... và những lời rao vặt như trên các báo Pháp thời đó.

Phần công vụ là phần chuyên về chính trị, pháp lý và công quyền. Phần này có nhiệm vụ đăng tải các sắc lệnh, nghị định, thông tư, đạo lệnh, chỉ dụ.... của chính quyền bảo hộ Pháp và triều đình Nguyễn; những tin về cấp bằng, thuyên chuyển công tác, thăng chức, hạ chức, bãi chức, biên bản các cuộc họp của Hội đồng Quản hạt, hoạt động quân sự, những tin "dây thép" của hãng Hanas.

Phần tạp vụ đề cập nhiều đến kinh tế, tôn giáo, văn hoá, xã hội... với các mục như lời dặn, rao giảng, khuyến cáo mang tính tuyên truyền hành chính; những tin liên quan đến lạm phát, sưu thuế, giá cả, các báo cáo về tình hình canh nông, kỹ nghệ, thương mại, địa chính .v.v... Có cả một số bản tường thuật về lễ đón, lễ hội, cuộc chiêu đãi, đám tang... Về sau phần tạp vụ mở rộng thêm, và nhanh chóng trở thành phần có giá trị và sức cuốn hút nhất của Gia Định báo. Đây là phần khảo cứu, nghị luận về văn hóa, đạo đức, phong tục, lễ nghi, thơ văn, tư tưởng, lịch sử .v.v... Các bài đăng ở phần này có thể chia làm 3 loại: Truyền bá khoa học thực nghiệm - từ y tế, vệ sinh, kỹ thuật đến vật lý, hóa học, tự nhiên học; Luận thuyết nhằm cải tiến xã hội - từ tư tưởng, triết học, đạo đức, lịch sử đến tôn giáo, thần học, chiêm tinh; Phổ biến khoa học ngôn ngữ - gồm những sáng tác, sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật từ tiếng Hán, Pháp, Anh; những chuyên luận, bình giảng thơ văn cổ, tìm hiểu chữ Nôm, truyền thuyết, tục ngữ, ca dao, cổ tích, ngụ ngôn...

Tuy còn nhiều điểm hạn chế như: chưa phân biệt rõ văn phong nói và viết nên tính chất nôm na, khẩu ngữ khá đậm nét, hình thức mỹ thuật chưa đẹp... nhưng với nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phổ biến, cổ vũ chữ quốc ngữ, cung cấp những kiến thức, thông tin mọi mặt cho nhân dân, Gia Định báo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, xứng đáng là tờ báo tổng hợp có giá trị cao và tạo tiền đề cho báo chí Việt Nam phát triển.

(còn nữa)


[1] Dẫn theo Đặc San Petrus Ký 1998 (Số Đặc Biệt kỷ niệm giỗ 100 năm Nhà Bác Học Petrus Ký), Liên Hội Ái Hữu Petrus Ký Bắc và Nam Cali, tài liệu lưu hành nội bộ, chương 11.

 


Phamngochien.com - 15:58 - 11/06/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận