TRỞ LẠI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC TIẾNG VIỆT TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Nghiên cứu - trao đổi

 

Trong những nội dung giáo dục ngôn ngữ ở nước ta hiện nay thì việc giảng dạy tiếng Việt cho học sinh phổ thông có tầm quan trọng hàng đầu. Điều đó là hiển nhiên, không cần phải tranh cãi. Vấn đề chính là ở khâu hiện thực hóa cái "có tầm quan trọng hàng đầu" ấy.

Liên quan tới vấn đề này, trong một báo cáo khoa học cách đây hơn 5 năm, chúng tôi có nhận xét: "Sự thực là hiện nay chúng ta chưa có, hay nói nhẹ hơn là thiếu chiến lược giáo dục tiếng Việt ở nhà trường phổ thông. Mà thiếu chiến lược là thiếu tư tưởng chỉ đạo, thiếu kế hoạch và biện pháp có tính toàn diện lâu dài, thiếu nền tảng để xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung môn học. Điều này thể hiện rõ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đối với môn Tiếng Việt.

Một là chúng ta không có một tổ chức và những con người đủ năng lực và trình độ mang tính chuyên nghiệp chăm lo nghiên cứu sâu những vấn đề đặt ra cho bộ môn Tiếng Việt ở nhà trường phổ thông, đặc biệt là những vấn đề thuộc phạm vi chiến lược giáo dục ngôn ngữ nói chung, giáo dục tiếng Việt nói riêng.

Hai là chúng ta ứng xử với việc xây dựng chương trình và viết SGK, những việc cực kỳ hệ trọng, theo kiểu thời vụ, "nước đến chân mới nhảy". Mặc dù những tác giả của chương trình và SGK là những nhà khoa học, nhà giáo có trình độ cao, giàu tâm huyết, nhưng công việc này đối với họ là việc làm thêm, ngoài nhiệm vụ chính, lại chỉ trong thời gian dăm bảy tháng (có khi dăm ba tháng) phải hoàn thành một chương trình, một bộ sách, thì cũng khó đạt chất lượng như mong muốn.

Ba là chương trình không được thiết kế theo lối xuyên suốt từ lớp đầu đến lớp cuối của bậc phổ thông mà lại cắt thành từng khúc, khúc tiểu học, khúc trung học cơ sở, khúc trung học phổ thông, thiếu cái nhìn toàn cục đối với một môn học (phải chăng chịu sự chi phối của các "dự án" trong cách chi tiền ?) [1].

Bây giờ đọc lại, chúng tôi thấy những nhận xét đó là xác đáng, còn nguyên giá trị, mang đậm tính thời sự. Ở đây, xin được nói thêm về điểm thứ ba. Cần ghi nhận rằng Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (ban hành theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 05 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo) là một bước tiến nhất định trong thiết kế chương trình theo lối xuyên suốt. Tuy nhiên, chương trình đó chỉ mới dừng lại ở việc đáp ứng đòi hỏi của Luật giáo dục (2005) chứ chưa chứng tỏ một sự đổi mới cần có trong nhận thức về chiến lược giáo dục tiếng Việt, chưa phải là chương trình mang tính tổng hợp từ chương trình xuyên suốt của ba phân môn Văn, Tiếng Việt, Làm văn. Trên thực chất, chương trình đó về cơ bản là sao chép lại chương trình hoặc mục lục SGK tiểu học, trung học cơ sở (đã sử dụng đại trà) và trung học phổ thông (đang thí điểm) vào thời điểm ấy, tức là vẫn chép các khúc khác nhau lại theo kiểu "khắc nhập, khác nhập" quen thuộc. Hơn nữa, chương trình đó ra đời không nhằm mục đích làm căn cứ để viết SGK mà chỉ "làm căn cứ cho việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức dạy học tại tất cả các trường trên phạm vi cả nước" [2]. Một chương trình được xây dựng và ban hành với mục đích hạn chế như vậy khó có sức thỏa mãn những yêu cầu của chiến lược giáo dục tiếng Việt trong trường phổ thông.

Môn Tiếng Việt (ở tiểu học) và phần tiếng Việt trong môn Ngữ văn (ở bậc trung học) thể hiện qua SGK mới, đến năm học này (2008 - 2009) đang được dạy và học ở tất cả các cấp từ lớp 1 đến lớp 12. Như vậy có thể xem lúc này là thời điểm thích hợp để chúng ta nhìn lại một cách khách quan, khoa học những vấn đề về giáo dục tiếng Việt trong triển khai thực hiện nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội khóa X, kỳ hợp thứ tám về đổi mới giáo dục phổ thông. Nhưng như trình bày ở trên, hiện nay chúng ta đang thiếu chiến lược giáo dục tiếng Việt ở trường phổ thông. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ra không có căn cứ thống nhất để đánh giá phần tiếng Việt trong chương trình và SGK hiện hành. Vì vậy, cần phải xác lập những tiêu chí làm căn cứ cho sự đánh giá đó.

Thiết nghĩ, trong việc xây dựng chiến lược giáo dục tiếng Việt ở trường phổ thông, việc xác định mục tiêu và nội dung môn học có vị thế đặc biệt trọng yếu. Để làm được điều đó, cần phải xử lý đúng đắn ba mối tương quan: thứ nhất, tương quan giữa cung cấp kiến thức (lý thuyết) về tiếng Việt với rèn luyện năng lực tiếng Việt; thứ hai, tương quan giữa rèn luyện năng lực tiếng Việt theo kênh chữ với rèn luyện năng lực tiếng Việt theo kênh lời; thứ ba, tương quan giữa rèn luyện năng lực chủ động về tiếng Việt với rèn luyện năng lực thụ động về tiếng Việt.

Trong tương quan thứ nhất, phải đặt việc rèn luyện năng lực tiếng Việt vào vị thế quan trọng đặc biệt, có tính chất chi phối. Nói một cách khác, rèn luyện cho học sinh các kỹ năng sử dụng thành thạo tiếng Việt phải là mục tiêu số một. Còn việc cung cấp những kiến thức lý thuyết về tiếng Việt chỉ nên dừng lại ở mức tối thiểu mà một người đạt trình độ học vấn phổ thông cần phải có, vừa đủ để làm chỗ dựa khoa học cho việc rèn luyện các kỹ năng sử dụng tiếng Việt một cách có ý thức. Chương trình và SGK cải cách môn Tiếng Việt cuối thế kỷ trước quá thiên về truyền thụ kiến thức lý thuyết nên thường bị phê phán là nặng tính "kinh viện", "hàn lâm". Điều đáng lưu ý ở đây là trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn công bố năm 2006, mục tiêu số một của môn học này là "cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về ngôn ngữ (trọng tâm là tiếng Việt)" [3]. Từ mục tiêu đó, nội dung chương trình tiếng Việt được thể hiện trong SGK thành nhiều bài mang tính chất Ngôn ngữ học và Việt ngữ học, trong khi những nội dung liên quan tới rèn luyện năng lực tiếng Việt thì không được quy định rõ ràng. Chính đây là duyên cớ để dư luận phê bình chương trình là "nặng", "quá tải". Tuy nhiên cũng cần ghi nhận rằng, các tác giả SGK mới có ý thức vận dụng uyển chuyển nội dung được chương trình quy định khiến phần kiến thức lý thuyết nhẹ đi, phần luyện tập năng lực tiếng Việt được tăng cường.

Đối với mối tương quan thứ hai, cần nhận thức đầy đủ rằng, rèn luyện năng lực tiếng Việt theo kênh chữ phải giữ vai trò chủ đạo trong trường phổ thông. Như mọi người đều biết, năng lực ngôn ngữ theo kênh lời hoàn toàn có khả năng hình thành và phát triển trong đời sống xã hội hằng ngày, không cần đến nhà trường. Một người bình thường, không bao giờ tới trường, vẫn có thể nói rất tốt, nghe rất tốt, có thể thành nhà thơ, nhà văn dân gian - người sử dụng thành thạo ngôn ngữ theo kênh lời. Trái lại để có được năng lực ngôn ngữ theo kênh chữ thì phải cần đến nhà trường, cần đến người dạy, phải đi học. Người Trung Quốc gọi đi học là "độc thư" (đọc sách), người Việt xem ai học nhiều, đỗ đạt cao là "hay chữ' (Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy). Quả vậy chỉ có nhà trường mới đảm nhiệm chức năng đặc thù rèn luyện năng lực ngôn ngữ theo kênh chữ cho người học. Nói như vậy không phải là phủ nhận vai trò của nhà trường trong việc rèn luyện năng lực ngôn ngữ theo kênh lời; nói như vậy để thấy mục tiêu này chỉ giữ vai trò thứ yếu. Chương trình tiếng Việt tiểu học 2000 - chương trình dùng để biên soạn SGK mới, được đưa vào dạy và học đại trà từ năm học 2002 - 2003 đến nay - đã xác định mục tiêu của môn học như sau:

"Môn Tiếng Việt ở trường tiểu học nhằm:

1. Hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi (...)".

Trong mục tiêu trên, nghe và nói đứng trước đọc và viết, tức là năng lực ngôn ngữ theo kênh lời được coi trọng hơn năng lực ngôn ngữ theo kênh chữ. Nếu dạy tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ cho người nước ngoài thì mục tiêu được định ra như thế có thể phù hợp. Nhưng ở trường tiểu học Việt Nam, chúng ta dạy tiếng Việt cho trẻ em bản ngữ, từ khi vào lớp 1, các em đã biết giao tiếp bằng kênh lời, chỉ thiếu các kỹ năng giao tiếp bằng kênh chữ. Xác định sai mục tiêu ắt dẫn đến chọn giải pháp thiếu thỏa đáng cho nội dung bài học trong SGK, chẳng hạn, chọn chữ e làm nội dung bài học đầu tiên cho lớp 1. Nên nhớ rằng, từ năm 1938, Hội truyền bá Quốc ngữ - một tổ chức do Đảng lãnh đạo - đã chọn chữ i làm chữ học đầu tiên, một giải pháp đúng đắn, phát huy hiệu quả có tính lịch sử trong công cuộc thanh toán nạn mù chữ sau Cách mạng tháng Tám. Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn - 2006 có lẽ đã nhận ra sai lầm đó nên điều chỉnh: kỹ năng đọc và viết được đưa lên trước kỹ năng nghe và nói. Nhưng tiếc rằng sự điều chỉnh ấy không phát huy tác dụng đối với SGK, vì sách đã được biên soạn hoàn chỉnh trước khi chương trình này ra đời.

Về tương quan thứ ba, cần khẳng định dứt khoát rằng, trong mục tiêu của môn học, việc rèn luyện năng lực chủ động về tiếng Việt phải được coi trọng hơn việc rèn luyện năng lực thụ động. Năng lực chủ động về ngôn ngữ còn được gọi là năng lực tích cực, gồm hai kỹ năng viết và nói, là năng lực sáng tạo, năng lực sản sinh văn bản (viết và nói). Rèn luyện năng lực này cũng có nghĩa là rèn luyện năng lực suy nghĩ, năng lực tư duy. Đứng ở bất kỳ giác độ nào (giáo dục học, tâm lý học, ngôn ngữ học...) đều thấy nhà trường phải ưu tiên cho việc giáo dục năng lực chủ động, tích cực. Trong giáo dục tiếng Việt cũng vậy. Khẳng định điều đó không hề có ý bỏ qua việc giáo dục những kỹ năng đọc và nghe - những kỹ năng mang tính thụ động. Nhưng trong Chương trình tiếng Việt tiểu học - 2000, kỹ năng nghe được xếp trên kỹ năng nói, kỹ năng đọc được xếp trên kỹ năng viết. Cũng tương tự như vậy, trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn - 2006 thì kỹ năng đọc được đặt trước kỹ năng viết, kỹ năng nghe được đặt trước kỹ năng nói. Điều đó cho thấy trong quan niệm của những người xây dựng chương trình, việc rèn luyện năng lực thụ động về tiếng Việt được đề cao hơn việc rèn luyện năng lực chủ động về tiếng Việt. Cách xử lý này chắc chắn có ảnh hưởng không tốt đến việc xác định nội dung môn học.

Bài viết này lấy nhan đề là Trở lại vấn đề giáo dục tiếng Việt trong trường phổ thông. "Trở lại" vì chuyện giáo dục tiếng Việt là câu chuyện rất xưa, bàn luận đã nhiều, tương tự như chuyện thực phẩm, chuyện môi trường... Lâu nay, chúng ta ứng xử với những vấn đề ấy theo kinh nghiệm, theo nếp cũ. Để giải quyết những vấn đề này, cần phải có cái nhìn mới, cách làm mới.

1. Cần đặt chiến lược giáo dục tiếng Việt vào trong chiến lược chấn hưng giáo dục, chiến lược phát triển con người. Nền giáo dục Việt Nam nhất thiết phải đào tạo ra những con người Việt Nam biết sử dụng thành thạo tiếng Việt, đặc biệt là phải biết viết và nói đúng tiếng Việt.

2. Cần phải có một tổ chức mang tính chuyên nghiệp, vừa am hiểu khoa học ngôn ngữ vừa am hiểu khoa học giáo dục chăm lo sự nghiệp giáo dục tiếng Việt trong trường phổ thông, tổ chức đó vừa biết huy động lực lượng các nhà khoa học và nhà sư phạm hữu quan tham gia, vừa biết tham khảo kinh nghiệm của các nước khác trong việc giáo dục tiếng mẹ đẻ.

3. Cần xã hội hóa và dân chủ hóa công tác thiết kế chương trình và viết SGK. Đã đến lúc phải nghĩ đến việc tổ chức thi thiết kế chương trình và từ chương trình được xác định cần viết nhiều bộ SGK khác nhau cho nhà trường phổ thông lựa chọn.

Chắc chắn trong dăm ba năm nữa lại bắt đầu một chu kỳ mới trong sự nghiệp đổi mới giáo dục phổ thông. Ngay từ bây giờ phải khởi động một cách căn cơ, chu đáo, toàn diện những khâu liên quan tới giáo dục tiếng Việt cho chu kỳ mới đó.

 

                                                                                                       HỒNG DÂN

 

(1) : Nhiều tác giả - Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Những vấn đề về sách giáo khoa môn Tiếng Việt tiểu học 2000 - Hội ngôn ngữ học TP. HCM và Viện nghiên cứu giáo dục tổ chức tại TP. HCM ngày 20/5/2003.

(2) (3): Bộ Giáo dục và đào tạo - Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn - NXB Giáo dục, 2006.

 


Phamngochien.com - 17:59 - 02/01/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận