Cái tết ngày thơ ấu (Phạm Ngọc Hiền)

Một năm vui nhất là dịp tết, cái tết đẹp nhất bao giờ cũng là tết xưa.

Ý nghĩa của tết xưa không chỉ thể hiện qua không khí của ba ngày tết mà còn được thể hiện ở tâm lý nao nức chờ tết từ một tháng trước đó. Việc gì người ta cũng hướng về tết. Nhà cửa, bàn ghế phủ bụi: hãy đợi đấy, tết đến sẽ lau chùi (vì sợ lau chùi trước thì đến tết sẽ cũ đi chăng ?). Vườn nhà cỏ mọc um tùm: cứ từ từ, tới tết sẽ dẫy. Người ta luôn tay chăm sóc từng chậu hoa, vun xới từng luống rau, cây quả... để phục vụ cho ngày tết. Cho nên, mãi tới 29 tháng chạp, mặc dù rau quả đã đầy bếp nhưng nhiều nhà vẫn ăn cơm với nước mắm. Những đứa trẻ không thể ăn thản nhiên như ngày thường mà ngồi thừ ra tưởng tượng đến những món ngon ngày tết.

Sáng 30 tết, gia đình tôi mới mổ heo để cúng tất niên. Nghe tiếng heo kêu eng éc, tôi bùi ngùi nhớ lại công lao cắp rổ đi hái rau heo suốt một năm trời. Nhưng nỗi buồn tiếc chỉ trong phút chốc, chúng tôi lại hăm hở giành nhau bong bóng heo, bơm cho thật căng rồi kéo ra ngõ đánh bóng. Mâm cỗ tất niên bày ra, ba tôi mời thêm các nhà hàng xóm đến ăn uống (những dịp này, không có khách thì coi như... không có tết).

Đêm giao thừa, tiếng chuông chùa vang vọng. Đủ các loại pháo tống, pháo trung, pháo chuột đua nhau nổ tưng bừng. Lũ trẻ chúng tôi kéo ra sân, nhà nọ ới sang nhà kia hỏi nhau đó là tràng pháo của ai, mua khi nào, ở đâu, nhãn hiệu gì, rồi trầm trồ khen những phong pháo nổ giòn giã nhất.

Sáng mùng một, không khí tinh khiết lạ thường. Hình như cái gì cũng mới tươm và trang trọng tuyệt vời. Chúng tôi mặc bộ quần áo mới thơm phức còn nguyên đường ly mới ủi, tươi cười ra chào đón mặt trời năm mới để lấy hên. Ông mặt trời cũng khoe nụ cười rực rỡ tỏa ánh nắng ấm áp bao trùm cảnh vật, quyện với mùi hương trầm ấm cúng thân thương. Trong không khí thiêng liêng của năm mới, người ta phải tuân thủ nhiều phép tắc lễ nghi truyền thống. Phải nói năng đàng hoàng, lễ phép, không được cãi lộn, nói tục, chửi thề, không được gây thương tật, đổ bể mất mát, không quét nhà, giặt đồ, mở tủ... Vì mỗi hoạt động của năm mới sẽ ảnh hưởng tới cả năm.

Trong ngày mùng một, chúng tôi chỉ được tới những người trong họ hàng, đặc biệt là ông bà nội ngoại. Ông nội tôi mặc áo dài khăn đóng, râu tóc bạc phơ, ngồi đạo mạo trên phản, uống nước trà, tiếp chuyện họ hàng, con cháu. Bây giờ, ông đã thành người thiên cổ nhưng mỗi độ tết đến, tôi có cảm tưởng như ông vẫn về quây quần cùng con cháu hôm nay.

Đó là những cái tết của tôi thời thơ ấu, những cái tết độc đáo không thể quên và không còn có được bây giờ.

PHẠM NGỌC HIỀN

Hiền đứng bên bàn thờ nhà ông nội. Hai bức vẽ mặt trước bàn và trên tam sơn
là do Hiền vẽ lúc còn học phổ thông

vu trung tung - (vào lúc: 16:02 - 02-20-2015)
Những dòng chữ của thầy đưa em về với tuổi thơ, về với mảnh đất quê hương thấm đẫm những kỉ niệm của thủa thiếu thời. Cái cảm xúc hổi hộp chờ đợi từng ngày chờ đón một năm mới sẽ đến của những đứa trẻ quê thật đẹp. Ở đó tuy cái nghèo vẫn đeo bám những con người chân chất nhưng chưa chan cái tình. Để rồi đi xa ma sao vẫn nhớ lạ.

Phamngochien.com - 22:47 - 18/02/2015 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận