Nhật ký họp lớp Văn K13 - ĐHSP Quy Nhơn nhân kỷ niệm 20 năm ra trường

NHẬT KÝ HỌP LỚP VĂN K13 - ĐHSP QUY NHƠN

NHÂN KỶ NIỆM 20 NĂM RA TRƯỜNG

Hằng năm, vào dịp hè, cựu sinh viên các khóa, các ngành của trường ĐHSP Quy Nhơn tấp nập trẩy về "thành phố ba bề sóng vỗ" để kỷ niệm ngày ra trường. Có khi là kỷ niệm 5 năm,10 năm, 20 năm... hoặc năm nào cũng hội họp để gặp bạn bè, đi du lịch vui chơi giải trí. Năm 2014 này, sinh viên các ngành Toán, Lý, Sinh, Văn, Sử khóa 13 đều tổ chức họp mặt nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Lớp Văn khóa 13 đã chuẩn bị cho ngày hội lớn này khá chu đáo.

Từ năm trước, một số thành viên của lớp đã nhắc lướt qua kế hoạch tổ chức kỷ niệm 20 năm. Nhưng không khí họp mặt chỉ bắt đầu râm ran trên mạng internet từ hồi tháng 5 năm nay trên facebook của lớp do bạn Thu tạo lập ở địa chỉ:  https://www.facebook.com/groups/483870555052686/. Đây là nơi lý tưởng để các cô "tám" với nhau về mọi sự trong lớp. Thế là, không cần gặp trực tiếp hoặc điện thoại, chỉ cần vào face là bàn chuyện thỏa mái. Danh sách dự kiến đưa lên mạng, các thành viên của face góp ý bổ sung. Vừa dân chủ, công khai lại vừa tiện lợi.

Công việc đầu tiên của họp lớp là phân công nhóm trưởng các tỉnh thông báo và cung cấp thông tin, nơi công tác, số điện thoại, email của từng thành viên. Sau khi có địa chỉ rồi thì gửi email về kế hoạch họp lớp cho từng người. Tuy nhiên, có nhiều bạn bị mất liên lạc, không biết ở đâu, đang làm gì. Nhiều người nhận được thông báo nhưng bận việc cơ quan, gia đình không đi dự được. Kết quả, chỉ có 40 / 65 bạn có mặt trong ngày hội ngộ kỷ niệm 20 năm ra trường.

Từ thứ sáu ngày 25 / 7, lớp trưởng Nguyễn Hải Hà và bí thư Nguyễn Thị Tố Tâm cùng một số bạn ở Quy Nhơn đã lo công việc tiếp đón. Tối đó, một cuộc họp mặt nhỏ đã diễn ra. Sáng thứ bảy ngày 26, các bạn từ 7 tỉnh Nam Trung Bộ đổ về. Tiểu đội Sài Gòn có 7 người nhưng chỉ đi được 3, hoành tráng nhất là vợ chồng Dung - Toàn, cống hiến cho lớp một chiếc xe con giúp cho việc đi lại dễ dàng, nhanh chóng. Tiểu đội Phú Yên cũng thuê một chiếc xe 7 chỗ ngồi, cứ làm như đi công tác không bằng. Cộng với mấy cái xế hộp của các bạn Gia Lai nữa thì đúng là quá tiện lợi.

Cả lớp hội tụ về khách sạn Hải Âu. Khách sạn này đã có từ thời chúng tôi còn sinh viên. Thuở đó, nó là khách sạn lớn nhất Quy Nhơn. Mỗi buổi chiều đi dạo biển ngang qua khách sạn, lũ sinh viên chúng tôi không ai dám mơ có ngày sẽ bước vào trong đó. Vậy mà bây giờ, cả lớp mình ăn ngủ tại khách sạn để biến điều không mơ ước thành hiện thực. Dĩ nhiên, có nhiều bạn đã từng đến các khách sạn sang trọng hơn nhưng cũng có những bạn thấy 4 sao là cao ngất ngưởng. Nhưng không sao, 20 năm chỉ có một lần...

Có những bạn không gặp nhau trong suốt 20 năm, nay gặp lại phải nặn óc để nhớ ra bạn mình tên gì. Nhớ chậm một chút là bị giận hờn. Những bạn không đi chuyến này thì không biết đến bao giờ mới gặp nhau. Trái đất vẫn cứ xoay mà bạn của ta ở đâu ? Gặp nhau rồi thì ai cũng muốn xáp lại với nhau mà tâm sự. Vừa mới gỡ mình ra khỏi nhóm này thì bị dính vào nhóm kia, quên mất giờ giấc quy định của Ban tổ chức. Lớp trưởng Hà nổi cáu vì ra lệnh mãi mà không ai tuân lệnh. Lịch trình của lớp cứ bị lệch vẹo không theo dự kiến ban đầu.

Lúc 9 giờ 30 sáng, cả lớp kéo về văn phòng khoa Ngữ văn. Chao ôi, nó nằm ở tầng 7 rộng rãi và hứng gió trời lồng lộng chứ không còn là một văn phòng khoa chật hẹp nằm dưới mặt đất như ngày xưa. Đón tiếp lớp, có thầy Chủ nhiệm khoa Nguyễn Văn Đấu và phó Chủ nhiệm khoa Trần Xuân Toàn. Đại diện lớp nói lời tri ân và tặng quà lưu niệm cho Khoa. Thầy Đấu cũng xúc động hỏi han từng người. Thầy cũng thừa nhận mình là phụ huynh của nhiều bạn trong lớp.

Cả lớp kéo xuống sân chụp hình lưu niệm. Anh thợ chụp ảnh muốn lấy cảnh tòa nhà cao tầng như muốn khẳng định một sự đổi mới sau 20 năm. Nhưng chúng tôi thì muốn tìm lại lối xưa để chụp hình lưu niệm. Ký túc xá vẫn còn đó với những hàng sứ mơn mởn như thiếu nữ 18 tuổi mơ màng đứng dựa lan can mỗi chiều hoàng hôn nhớ nhà. Nay, ký túc xá chỉ còn là một khu nhà vắng lặng vì đã chuyển sang làm phòng thí nghiệm. Nhưng trong tim chúng tôi, nó vẫn là nơi lưu giữ sự sống đầy ắp. Ước chi, nó cứ mãi là ký túc xá.

Buổi trưa, chúng tôi tụ về căn tin của trường nhưng không phải là căn tin của ngày xưa đâu nhé. Thời gian này, sinh viên nghỉ hè nên căn tin vắng ngắt. Thức ăn không có gì nên Ban tổ chức phát cho mỗi người một hộp cơm khô với quy định: nam thì một người một suất, nữ thì hai người một suất, cũng giống như ngày xưa thôi. Nhưng chỉ khác là lần này không có canh toàn quốc nước mắm đại dương. Trong hộp cơm có nguyên một miếng thịt sườn to tướng nhìn thấy bằng mắt thường chứ không cần dùng đến kính hiển vi như thời trước.

Cũng trong ngày, đại diện của lớp tới viếng nhà các thầy đã qua đời: thầy Nguyễn Văn Giai, Võ Lý Hoà, Huỳnh Văn Trứ , Bùi Văn Lợi. Gia đình thầy Giai còn tặng cho mỗi thành viên trong lớp cuốn sách "Xécgây Alêcxanđrôvich Exênhin - Một thế giới thơ trữ tình" tập hợp những bài dịch thuật của thầy Giai về nhà thơ Nga Exênhin. Buổi chiều, cả lớp đi viếng mộ bạn Thanh Hương. Ai cũng bùi ngùi thương tiếc. Buổi tối, anh Tôn Thanh Xuân (chồng của Hương) có gửi đến lễ tiệc một lẵng hoa chúc mừng ngày hội ngộ của lớp.

Sau 5 giờ chiều, lễ tri ân và hội ngộ bắt đầu. Đến dự buổi tiệc của lớp Văn K13, có các giảng viên trong khoa và một số khách mời khác. Mọi người lặng im nhìn lại những hình ảnh 20 năm trước trình chiếu trên màn hình lớn. Những hình ảnh này còn được lưu vào đĩa CD tặng mỗi người một cái kèm với tấm hình chụp tập thể. Người dẫn chương trình của buổi lễ tiệc là cô sinh viên lớp phó đời sống năm nào, nay là người đẹp xứ trầm hương: Nguyễn Hoàng Hà.

Anh Nguyễn Hải Hà đại diện hai lớp phát biểu cảm tưởng, ôn lại kỷ niệm xưa. Thầy Nguyễn Văn Đấu đại diện giảng viên trong khoa phát biểu chúc mừng ngày hội ngộ của đại gia đình Văn khóa 13. Giảng viên gây sự chú ý nhiều nhất là thầy Nguyễn Xuân Nhân. Năm nay, thầy đã 83 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, tự lái xe máy đến dự buổi gặp mặt của một lớp đã để lại cho thầy nhiều ấn tượng trong chuyến đi thực tế sưu tầm văn học dân gian ở Sông Cầu.

Sau phần "lễ" là phần "tiệc", xen kẽ những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn. Dường như không mấy ai quan tâm tới thức ăn mà chỉ lo thăm hỏi, chuyện trò sau 20 năm xa cách. Các giảng viên cũng ngồi xen kẽ với sinh viên, thầy trò hàn huyên tâm sự tới khuya. Sau hiệp 1, một vài nhóm lại kéo nhau đi hiệp 2 với cà phê, karaoke... Dù mệt mỏi nhưng ai cũng muốn tranh thủ thời gian để giao lưu với bạn bè, cuộc vui bất tận.

Sáng 27, mọi người ăn sáng, uống cà phê ở sảnh buffet. Từng nhóm lại tụ nhau tâm sự suốt hai tiếng đồng hồ. Xa xa, biển Quy Nhơn vẫn vỗ sóng rì rầm như ngày nào cách đây 20 năm. Bạn của mình vẫn là người của 20 năm trước dù bây giờ đã xuất hiện một vài nếp nhăn trên trán và đuôi mắt, tóc đã lốm đốm vài sợi bạc. Nhưng các bạn vẫn vui vẻ, trẻ trung, sôi động, chưng diện áo váy sặc sỡ để bù lại một thời thiếu thốn của 20 năm trước.

Buổi trưa, chúng tôi đến thăm tháp Đôi, di tích văn hóa Chăm. Mặc dù đã từng sống trên đất Bình Định bốn năm nhưng nhiều người cũng mới tới đây lần đầu. Rồi cả đoàn ghé vào một nhà hàng gần đó để ăn bánh ít lá gai và bánh xèo Bình Định. Mọi người hàn huyên tâm sự lần cuối rồi sau đó tùy nghi di tản. Có người vội ra bến xe để lên Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, ra Quảng Ngãi. Có người vội ra sân ga để vào Khánh Hòa, Sài Gòn cho kịp ngày mai đi làm. Có người về khách sạn chờ đợi chiều tối mới đi. Còn đoàn Phú Yên ghé thăm cầu Thị Nại - cây cầu bắc qua biển dài nhất Việt Nam chụp vài pô để khoe với những người chưa đến rồi mới tà tà về lại Tuy Hòa.

Nhìn chung, theo ý kiến của các thầy cô và bạn bè thì lần gặp mặt này đã thành công tốt đẹp. Để có được một buổi hội ngộ lý thú như vậy, phải nhờ đến công sức của rất nhiều người, nhất là Hải Hà, Tố Tâm, Hoàng Hà, Xuân Duyên, Thùy Chi, Lệ Thủy, Hải Yến, Kim Trung và một số bạn Quy Nhơn. Đây là lần tổ chức hội ngộ lớn nhất trong 20 năm qua và hy vọng những lần gặp sau cũng hoành tráng không kém, nhất là các lần kỷ niệm 25 năm, 30 năm ra trường. Hẹn gặp lại lần sau !

PHẠM NGỌC HIỀN

Xem video Những mảnh ghép kỷ niệm của lớp Văn K13

.

Văn K13 - (vào lúc: 08:07 - 07-31-2014)
Tổng hợp bình luận trên facebook của lớp:
Lê Gia Diễm Phương: Bài viết thật hay! Đọc thật xúc động. Mình cảm thấy mắt cay cay. Cảm ơn" hiền thi sĩ".

Lê Thị Thu: Cảm ơn bạn Hiền đã nói được tiếng lòng của chúng tôi!

Khanh Vuong: Tui thich su moc mac trong bai viet cua Hien thi si. Gap lai thay co nguoi con nguoi mat, nhat la su tre trung mai mai cua Huong lam chung minh cang tran trong cuoc gap go quy gia nay. Cam on thay co va cac ban vi tat ca.

Nguyễn Thị Tố Tâm: Văn thơ song toàn bạn Hiền ơi. Cám ơn sự trải lòng của bạn, tất cả Vk13 đều hạnh phúc khi ngày trở về đầy ắp niềm vui. Riêng mình thấy ấm lòng vì góp được một phần nho nhỏ cho thành công chung của buổi hội ngộ nhớ đời này.

Ng Le Kim Trang: Tuyệt quá. Cám ơn tất cả. K nói nên lời.

Phượng Lê: Lop van 13 co 1 Pham Ngoc Hien cung duoc!

Huỳnh Thị Hiền: Cảm ơn Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền đã "thay lời muốn nói" giúp các bạn Văn 13.Cảm ơn các bạn trong Ban tổ chức cuộc hội ngộ đã dày công, để lưu mãi những ấn tượng tuyệt đẹp trong lòng mỗi người. Ko quên đâu, Văn 13 ơi!

Hong Nguyen: Hong k tham du cung cac ban trong lop nhung sao doc bai viet cha H minh nhu thay dc gap lai ban be thay co cua 20 nam ve trc. Cam on ban da da ghi lai khong khi cua ngay hop mat. Ai k co mat that la mot thiet thoi.


Phamngochien.com - 09:24 - 29/07/2014 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận