Tình thu trong thơ Lệ Thu (Lê Công Phượng - Bình Định)

Trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì mùa thu mang lại cho con người xúc cảm đặc biệt nhất. Vào thu, tiết trời hiu hiu se lạnh, rừng cây thay lá, làn nước tĩnh mịch trong veo, cảnh vật đẹp, thơ mộng nhưng đượm buồn khiến cho lòng người xao động. Chính vì thế, mùa thu luôn là đề tài bất tận của thi ca. Tuy sáng tác không nhiều về đề tài mùa thu nhưng quý hồ tinh hơn quý hồ đa, mùa thu trong thơ Lệ Thu đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. 

Thả tâm hồn mình vào thu để tìm kiếm những nét đẹp của mùa rồi nhào nặn với chất liệu ngôn từ, Lệ Thu đã hiến dâng cho đời những bức thi họa tuyệt đẹp. Khác với hình ảnh mùa thu trong các tác phẩm thi ca xưa, cảnh thu trong thơ Lệ Thu không hề trang hoàng lộng lẫy, tráng lệ bởi những rừng phong, rừng thu trăng rọi, lá ngô đồng phấp phới hay rặng liễu lơ thơ rủ mặt hồ...mà chỉ có:  Thu vàng dạ Cúc ngẩn ngơ mây (Trích: Mùa đi)

Ngắt sắc vàng của hoa Cúc làm áo khoác cho mùa Thu, lấy cái hồn của loài hoa để đặc tả thần thái ngẩn ngơ, ngây ngất của tầng mây, thi nhân đã nhẹ nhàng di sâu khơi gợi những nét đẹp ẩn giấu bên trong linh hồn của sự vật - cái mà mắt thường không thể thấy. Vì vậy nên bức tranh mùa thu của thi nhân hiện lên trước mắt chúng ta rất giản dị, trong trẻo, nhẹ nhàng, tình tứ, nên thơ. Vẻ đẹp ấy chỉ có thể cảm nhận, khó diễn tả hết bằng lời. Đây chính là nét tài hoa của ngòi bút Lệ Thu.

Nói đến mùa thu không thể nào không nhắc đến hình ảnh vầng trăng. Sinh thời, Xuân Diệu đã từng khẳng định: Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.(trích: Cảm xúc)  Tìm đến với vẻ đẹp của ánh trăng Thu, Lệ Thu đã lưu lại cảm nhận của mình:        

Ánh trăng gieo vàng cả mặt sân

Sương đêm vời vợi dải sông ngân

Tình Thu trong vắt trăng mười bốn

Giá chậm sang Đông bớt bão gần

(Trích: Trăng thu)

Đứng trước cảnh đẹp, con người thường cảm thấy xao lòng. Nói về trạng thái ấy, cổ nhân có câu Đối cảnh sinh tình. Nghĩa là khi đối diên với cảnh vật thơ mộng, tâm hồn con người thường dễ nảy sinh tình cảm, cảm xúc. Trong cổ thi, ánh trăng luôn sóng bước cùng tao nhân như một đôi bạn tâm giao tri kỷ, để nhân vật trữ tình chia sẻ nỗi niềm riêng. Vậy nên như một điều cố hữu, ánh trăng xuất hiện thường gieo vào lòng người nỗi buồn man mác. Xưa, thi tiên Lý Bạch đã từng một mình uống rượu dưới trăng:

Hoa gian nhất hồ tửu
Độc chước vô tương thân
Cử bôi du minh nguyệt
Đối ảnh thành tam thân
Nguyệt tức bất giải ẩm
Ảnh tùng tùy ngã thân
Tạm bạn nguyệt tương ảnh
Hành lạc tu cập xuân

Dịch nghĩa:

Vườn hoa với bầu rượu
Không bạn, uống mình ta
Mời trăng cùng nâng chén
Với bóng nữa thành ba
Trăng nào đâu biết uống
Bóng theo ta mặn mà
Cùng trăng bên cạnh bóng
Vui xuân thật thiết tha)

(Trích: Nguyệt Hạ Độc Chước - Một Mình Uống Rượu Dưới Trăng)

Mặc dù uống rượu với ánh trăng mùa xuân, mùa tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, niềm hạnh phúc tràn đầy nhưng nhân vật trữ tình trong thơ Lý Bạch vẫn chìm trong trạng thái cô đơn, hiu quạnh. Ánh trăng xuân còn khiến cho lòng người buồn đến vậy, huống chi là ánh sáng của trăng Thu. Thế nhưng khi đến với đêm Trăng thu của thi sỹ Lệ Thu, chúng ta lại cảm thấy sương thu không lạnh, ánh trăng thu không buồn, ngược lại trong lòng còn rạo rực, vui tươi,... Phải chăng niềm vui ấy bắt nguồn từ những hình ảnh tròn trịa, đã đầy, non tơ của cảnh vật: gieo vàng cả; vời vợi dải sông ngân; trong vắt trăng mười bốn, cũng như tâm trạng luyến tiếc cái đẹp của nhân vật trữ tình: Giá chậm sang Đông bớt bão gần. Tứ thơ gợi cho ta nhớ đến câu Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du: "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"

Thật vậy, trong thi ca, nét buồn vui của cảnh đều bắt nguồn từ tâm hồn của con người, do tâm trạng của con người chi phối. Tìm đến thơ Lệ thu, có những lúc chúng ta bắt gặp hình ảnh mùa thu rất lạ. Thu đôi khi không còn là mùa của thiên nhiên mà trở thành mùa của lòng người.   

Anh đi rồi

Trống trải cả không gian

Ngày thắm thiết còn vương trên khăn áo

Mùa thu hết

Ngoài trời như có bão

Em một mình đối diện với cơn mưa

(Trích: Sang sông)

Anh ra đi và mùa thu cũng hết. Hai sự việc xảy ra song song với nhau vô tình nhưng thật hữu ý. Thiên nhiên dường như cũng hiểu, đồng cảm và chia sẻ nỗi buồn với con người. Tuy nhiên không vì thế mà cảm giác tái tê, hụt hẫng trong lòng nhân vật trữ tình lắng dịu, ngược lại nó còn dâng lên gấp bội, như những cơn bão dội vào tâm hồn. Tất cả sự cô đơn, nỗi đau chia cách ấy được bóc trần bởi hình ảnh: Em một mình đối diện với cơn mưa. Hình ảnh thơ gợi cho chúng ta nhiều cảm xúc. Em nhỏ bé, ấm áp mà cơn mưa thì rộng lớn, mịt mờ, mênh mông và lạnh lẽo quá. Để nhân vật trữ tình một mình đứng trước cây cầu mưa vắt ngang qua hai mùa Thu - Đông, thi nhân đã đẩy nỗi buồn, sự cô đơn của em lên đến tột cùng.  

Trạng thái của nhân vật trữ tình gợi cho ta sự liên tưởng đến hình ảnh của người thiếu phụ trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn:"Sương như búa bổ mòn gốc liễu / Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô".  Trong thi ca, chuyện sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình là điều khá quen thuộc xong ở mỗi tác giả lại có cách thể hiện riêng. Mượn mùa thu để tả thực trạng tình cảm của con người, thi nhân viết:

Tình ai như lá mùa thu trước

Rụng xuống hồn ta vết lệ nhòa

(Trích: Lá mùa thu trước)

Tình cảm của con người được ví với lá mùa thu nhưng không phải mùa thu nay mà là mùa Thu trước. Tại sao? Theo quy luật của tạo hóa, năm nào cũng vậy,  khi trời vào thu, lá đều rơi vào trạng thái héo mòn, tàn úa và chết dần theo từng bước chuyển của thời gian. Tuy vậy trong tứ thơ, lá của mùa thu trước và lá mùa thu này lại có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Bởi nếu chiếc lá kia là của mùa thu trước thì lẽ đương nhiên nó đã rụng và chết hẳn rồi. Vậy nên tình cảm của ai với nhân vật trữ tình ta được ví với mùa thu trước, nghĩa là giờ đây nó đã không còn tồn tại. Sự thật phũ phàng ấy rụng xuống tâm hồn đã vô tình đẩy nỗi đau trong trái tim em lên đến đỉnh điểm, để rồi vỡ bung ra thành vết lệ nhòa trên gò má. Hình ảnh thơ thật nhẹ nhàng sâu lắng, xót xa.

 Đưa mùa thu vào thi ca, có lúc thi nhân diễn tả vô cùng sâu sắc lắng đọng, nhưng đôi khi chỉ nhẹ nhàng lướt qua như một dấu ấn thời gian:

Ta đi qua bao mùa xuân, mùa thu

Ta đi qua bao niềm vui, nỗi nhớ

Ơi mảnh đất đã cùng ta chia lửa

Năm tháng đau thương

Năm tháng nặng ân tình

(Trích: Nhớ quê kết nghĩa)

Mùa thu được đơn giản hóa hết mức, cô đọng và gói gém lại thành những khúc đoạn của cuộc đời. Mùa thu đã trở thành những ký ức xa xôi với biết bao niềm vui, nỗi buồn. Vậy là tác giả đã biến khái niệm của tự nhiên thành điểm đến của tình yêu quê hương, làm nền cho nỗi nhớ dâng trào.

Với ngòi bút tài hoa và trái tim nhạy cảm của người nghệ sỹ, Lệ thu đã mang đến cho đời những nét chấm phá đẹp về mùa thu - mùa của tạo hóa, của lòng người da diết yêu thương.  


Phamngochien.com - 11:30 - 24/09/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận