Tính nhân văn trong truyện cổ tích "Thạch Sanh" và "Sọ Dừa" (Hồ Thị Bích Lài)

Một sáng tác văn học muốn được lưu lại trong tâm thức người đọc thì nhất định đó phải là một tác phẩm mang nội dung ý nghĩa sâu sắc. Có lẽ vì thế mà những sáng tác từ nghìn năm trước của cha ông ta vẫn luôn được thế hệ sau đón nhận. Chúng ta tìm thấy trong đó tính nhân văn đậm đà, hơi thở của dân tộc, của thời đại vẫn thấm đẫm trên từng trang sách, nó góp phần làm nên những giá trị cao đẹp trong tâm hồn người Việt.

Thuật ngữ "Nhân văn" cần được hiểu theo ý nghĩa của từng từ tố: "Nhân" là người, là đặc trưng, bản chất con người, "văn" là vẻ đẹp văn hóa, văn minh. "Nhân văn" có thể hiểu là những giá trị đẹp đẽ của con người. Một tác phẩm văn học có tính nhân văn là tác phẩm thể hiện con người với những nét đẹp tinh thần như trí tuệ, tình cảm, tâm hồn, phẩm cách...Tác phẩm đó hướng đến khẳng định, đề cao vẻ đẹp của con người.

Tính nhân văn được xem là cảm hứng sáng tác trong văn học ở rất nhiều đề tài, thể loại khác nhau. Trong bài viết này, người viết chỉ xin đi sâu tìm hiểu đôi nét về tính nhân văn qua hai câu truyện cổ tích trong văn học 6 "Thạch Sanh" và "Sọ Dừa".

1.  Khát vọng công lí

Dựng xây một cuộc sống hạnh phúc, đi tìm lại lẽ công bằng cho những con người có số phận bất hạnh là khát vọng bao đời của nhân dân ta. Nhân vật Thạch Sanh sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, cậu bé hiền lành có nhiều tài năng, nhiều phép lạ nhưng sống đơn độc trong túp lều nhỏ dưới gốc đa. Tưởng rằng cuộc sống của cậu cứ bình yên trôi qua, nhưng từ lúc gặp Lí Thông thì sóng gió nổi lên dồn dập. Cậu liên tục phải đối mặt với những thử thách một mất một còn. Gặp chằn tinh, gặp đại bàng, đối diện với dã tâm của người anh em kết nghĩa hay sự ganh ghét của các hoàng tử mười tám nước chư hầu, Thạch Sanh vẫn thể hiện khí phách của một người dũng sỹ. Chàng không lấy oán trả oán mà ngược lại "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo" (trích Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi). Với tinh thần đó, Thạch Sanh đã gặt hái vô số chiến công và thu phục nhân tâm của biết bao người. Chân lí nằm ở lẽ phải. Vì lẽ đó, người hiền sẽ được hưởng hạnh phúc, còn kẻ ác dĩ nhiên sẽ gặp sự trừng phạt.

Nhân vật Sọ Dừa vừa lúc lọt lòng mẹ đã mang hình hài vô cùng quái dị. Cậu không chân, không tay, mình tròn lông lốc. Người mẹ bất hạnh nhìn đứa con mà tủi phận mình. Nhưng lẽ đời vốn công bằng. Dù dị hình dị dạng, cậu bé sớm ý thức được trách nhiệm của bản thân. Không ngại khó, ngày ngày cậu chăn bò cho phú ông để đỡ đần cho mẹ. Hạnh phúc cũng đến với mẹ con cậu khi cậu được trở lại làm người bình thường, đỗ trạng nguyên và được cưới cô Út xinh đẹp, đoan trang về làm vợ. "Ở hiền thì lại gặp hiền/Người ngay thì gặp người tiên độ trì" (Chuyện cổ nước tôi - Lâm Thị Mỹ Dạ) là mơ ước muôn đời về lẽ công bằng của nhân dân ta.

2.  Ngợi ca tình nghĩa, đạo lí làm người

Nét đẹp tâm hồn in dấu bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian là tình cảm, thái độ cư xử giữa người với người. Là nghĩa tình làng xóm, là đạo lí phu thê, là tình anh em dòng tộc. Chúng ta tìm thấy trong truyện "Thạch Sanh" sợi dây tình cảm bền chặt trong mối lương duyên cảm động giữa chàng dũng sĩ Thạch Sanh và nàng công chúa xinh đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà từ khi được Thạch Sanh cứu sống rồi trở về cung vua, công chúa lại bị câm. Nỗi oan của Thạch Sanh nếu không có sự góp mặt của công chúa thì khó lòng được gỡ bỏ. Tiếng đàn thần kỳ như lời trần tình đầy cay đắng, xót xa có sức mạnh lay động lòng người, nó may mắn được công chúa đón nhận. Có duyên ắt có nợ, phải chăng mối lương duyên của Thạch Sanh và công chúa xuất phát từ món nợ ân nghĩa, từ sự trân trọng đạo lí làm người?

Với truyện "Sọ Dừa", để có được hạnh phúc, đôi vợ chồng cũng phải vượt qua nhiều thử thách, khó khăn. Vẻ đẹp trong con người họ tỏa sáng qua tấm chân tình mà họ dành cho nhau. Gặp gỡ trong tình huống trớ trêu: cô Út xinh đẹp, con nhà phú ông; còn Sọ Dừa sống nghèo khổ bằng nghề làm thuê, lại dị hình dị dạng. Bất chấp hoàn cảnh, bất chấp ngoại hình xấu xí, tình yêu vẫn nở hoa. Tình yêu thương chân thành và sự thăng hoa của hạnh phúc là chất xúc tác giúp Sọ Dừa thay đổi. Chàng trở thành một chàng trai thông minh, khôi ngô trước sự bỡ ngỡ, ngạc nhiên của bao người.

Đến với thế giới cổ tích, thế giới của những giấc mơ, nhưng ta không chỉ được mơ mà còn học được cho mình nghĩa tình và đạo lí làm người mà người xưa gửi gắm qua những phép màu. Sống chân thành, sống lương thiện, không mang nặng mối thù hằn mà nhẹ nhàng cho đi, nhẹ nhàng thứ tha để có thể ngước mắt lên bầu trời với cái nhìn sáng trong, ấm áp.

3.  Cái nhìn khoan dung đối với con người

Truyện cổ tích thường chỉ có hai tuyến nhân vật: nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Bên cạnh tuyến nhân vật chính diện mang phẩm chất tốt đẹp thì nhân vật phản diện lại đại diện cho các xấu và cái ác. Chúng ta phẫn nộ trước hành động lừa lọc, xảo trá, bất nhân, bất nghĩa, bất chấp đạo lí làm người mà Lí Thông đã làm cho người em kết nghĩa. Mặc dù bị mẹ con Lí Thông năm lần bảy lượt tìm cách hãm hại, nhưng Thạch Sanh vẫn không oán hận, mà xin tha chết cho họ. Rồi quân sĩ mười tám nước chư hầu, vì ganh ghét mà đem quân sang gây chiến. Bằng tài năng của mình, chàng khiến cho tất cả phải tâm phục khẩu phục. Một lần nữa, dũng sĩ họ Thạch lại thể hiện tấm lòng khoan dung, độ lượng hiếm có. Chàng không những tha chết mà còn khoản đãi những người trước vốn là kẻ thù. Chính bản chất lương thiện đó đã giúp Thạch Sanh nhận được hạnh phúc lớn lao của đời mình.

Hai cô chị trong truyện cổ tích "Sọ Dừa" cũng là những kẻ vô cùng độc ác. Vì lòng tham, họ bất chấp tình nghĩa chị em ruột thịt để đẩy cô em út vào chỗ chết hòng chiếm giữ hạnh phúc mà cô Út vất vả mới có được. Họ trâng tráo, hãnh diện với cái niềm hạnh phúc mà họ nghĩ đã chắc chắn nằm trong tầm tay mình. Nhưng cô Út vẫn bình yên trở về. Hai vợ chồng cô Út không vì thế mà trừng phạt họ, ngược lại, họ cư xử vô cùng độ lượng. Hai cô chị chỉ vì xấu hổ mà tự trừng phạt mình, bỏ đi biệt xứ. Sự khoan dung, độ lượng là dấu hiện rõ nét thể hiện tinh thần nhân văn cao quý trong tâm hồn người Việt. Nó là động lực giúp mỗi chúng ta ngày càng hướng thiện hơn.

Có thể khẳng định rằng, tinh thần nhân văn trong truyện cổ tích là ước mơ, khát vọng bao đời mà nhân dân ta muốn gửi gắm. Chất nhân văn qua từng tác phẩm là cây cầu nối nâng đỡ, thanh lọc tâm hồn biết bao thế hệ xưa, nay và mai sau. Bởi vậy, những câu truyện cổ dù có lai lịch từ rất xưa nhưng  đến hôm nay, mỗi khi đọc lại chúng ta vẫn thấy thấm thía bởi vẻ đẹp nồng hậu, giản dị toát lên từng trang sách.                                                                                                

Hồ Thị Bích Lài

Giáo viên trường THCS Duy Ninh - h.Quảng Ninh - t.Quảng Bình

                                                            


Phamngochien.com - 06:36 - 23/02/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận