Tính hiện đại trong nghệ thuật kể chuyện cổ tích của Nguyên Hương

                                                                   Đào Thuỷ Hậu

1. NGUYÊN HƯƠNG - NGƯỜI THỢ MAY CÓ DUYÊN VỚI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT, "NGƯỜI THÍCH CHƠI VỚI THIẾU NHI"
Nguyên Hương vốn làm nghề thợ may rất lâu trước khi viết văn. Con đường đến với nghệ thuật của bà êm đềm như chính những câu chuyện cổ tích mà bà đem đến cho bạn đọc trẻ. Đọc truyện cổ tích Nguyên Hương, có lẽ ấn tượng mà ai cũng có được chính là những bồi hồi, những hoài niệm về một thời ấu thơ, về một thời xa rồi để nhớ.
Đến với văn chương, Nguyên Hương là người đầu tiên đoạt giải Nhất Cuộc thi Văn học tuổi hai mươi, đạt giải tư Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi 2011-2012 do Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch tổ chức có chủ đề "Bí mật của tôi" và nhiều giải thưởng khác. Chính chất văn chương trong con người chị đã hun đúc nên một tài năng trẻ: con gái của chị là Vũ Hương Nam năm 2011 cũng đã đoạt giải Nhất cuộc thi về văn học thiếu nhi với tác phẩm Vỏ ốc diệu kỳ. Nguyên Hương chính là người đem lại tình yêu văn học và khả năng sáng tác văn chương đến với người con yêu dấu.
Sáng tác nhiều văn học thiếu nhi, đặc biệt truyện cổ tích, Nguyên Hương đã thổi vào văn học hiện đại nước nhà một luồng gió mới. Những câu chuyện cổ tích của bà in đậm dấu nét đẹp của văn học truyền thống - văn học dân gian, nhưng cũng đậm đà hương vị của cái mới, tính hiện đại của cuộc sống, của phong cách nhà văn Nguyên Hương. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến những nét mới mẻ ấy, một cách bao quát, trên nhiều phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật của truyện cổ tích Nguyên Hương. Hi vọng những phát hiện này sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm, yêu thêm nhà văn, thấy được những giá trị giáo dục, thẩm mỹ, ... mà tác phẩm của bà mang lại. Bởi ai cũng đã trải qua một thời niên thiếu chứa đầy những ước mơ, hoài bão; ai cũng nuối tiếc một thời vô tư, hồn nhiên, ăm ắp những nỗi niềm cổ tích kì diệu, nên văn Nguyên Hương dễ dàng đi vào lòng người đọc, vào tận sâu những ngõ ngách tâm hồn để tác động, để cảm hóa, để yêu thương, ...
2. VÀI NÉT VỀ TRUYỆN CỔ TÍCH NGUYÊN HƯƠNG
Truyện cổ tích Nguyên Hương có những giá trị to lớn về nội dung và hình thức nghệ thuật. Về nội dung, truyện cổ tích Nguyên Hương thể hiện những vấn đề cuộc sống có ý nghĩa giáo dục tuổi thơ về đạo lý làm người. Bà viết về những vấn đề đã có trong văn học truyền thống như mối quan hệ giữa người với người, lòng yêu thương con người, ... Bà đem đến những triết lí về cuộc sống như về lòng kiên trì nhẫn nại sẽ đem đến thành công và hạnh phúc (Tấm thảm bay), lòng dũng cảm cần có của con người khi quê hương đối mặt với nạn xâm lăng (Nàng Út ống Trúc), hay những kẻ tham lam độc ác sẽ luôn phải gặp quả báo (Những nàng tiên cá), ... Về nghệ thuật, văn Nguyên Hương hấp dẫn người đọc bởi giọng văn nhẹ nhàng, dí dỏm, nghệ thuật kể chuyện rất có duyên, chủ động hướng sự chú ý của độc giả vào tác phẩm của mình ngay từ đầu. Và đặc biệt là những nét hiện đại trong nghệ thuật kể chuyện, trong cách xây dựng nhân vật, ở phần mở đầu và kết thúc, ... đã khiến những câu chuyện cổ tích của bà gần gũi hơn, thực tế hơn với cuộc sống hiện đại.
Và trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một vài nét cơ bản về tính hiện đại ở một số phương diện của truyện cổ tích Nguyên Hương
3. TÍNH HIỆN ĐẠI CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH NGUYÊN HƯƠNG QUA MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN
3.1. Nhật vật
3.1.1. Cách xây dựng nhân vật
Trước hết là ở tên gọi nhân vật. Văn học dân gian với những câu chuyện cổ tích ưa chuộng những cái tên giản dị, bình dân như anh Khoai (Cây tre trăm đốt), chàng Sọ Dừa (Sọ Dừa), chàng Lía (Truyện chàng Lía), cô Tấm và cái Cám (Tấm Cám), ... Đó là những tên gọi gắn liền với màu sắc dân gian, mang hơi thở dân gian, mà khi đọc lên người đọc thấy ngay phong vị cổ tích. Truyện cổ tích Nguyên Hương có những câu chuyện sử dụng chất liệu cũ nhưng lại cải biến đi thành những tên gọi mới mẻ như: Thục Sanh, Lý Thanh (gợi nhớ tới tên gọi Thạch Sanh, Lý Thông). Có những câu chuyện chỉ gọi tên nhân vật đơn thuần là người anh, người em (Chữ A và chữ E), vợ chồng tiều phu (Nàng Út ống trúc), lão phú hộ (Vịt đẻ trứng vàng). Còn lại hầu hết truyện cổ tích Nguyên Hương gọi tên nhân vật bằng những tên gọi hiện đại như chàng Linh (Tấm thảm bay), nàng Lan - chàng Trung (Sự tích nấm hương), chàng Huy (Những chiếc đèn thần), chàng Lâm (Lá thần), chàng Vinh (Ai xứng đáng), ... Những tên gọi này đã có ở những thời xa xưa, tuy nhiên, để dùng trong văn học dân gian thì thật khó bắt gặp. Tuy nhiên, Nguyên Hương đã không ngần ngại đưa vào trong tác phẩm của mình những tên gọi này, như nhắn nhủ với bạn đọc trẻ: cổ tích gần gũi lắm, như chính những tên gọi của những người xung quanh em.
Nghề của nhân vật trong truyện cổ tích Nguyên Hương cũng có những nét hiện đại. Trong truyện cổ tích dân gian, nhân vật thường làm nông, đốn củi, mò cua bắt tép, ... - những cái nghề gắn với đặc điểm của một đất nước gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, với làng quê bình dị. Trong truyện cổ tích Nguyên Hương, nhà văn đã tạo ra những nhân vật có những nghề rất mới mẻ, hiện đại như nghề làm bánh (Con mèo đi guốc), đục đá (Hai điều ước), nghề may (Sự tích cầu vồng, Viên ngọc bùa mê, Chiếc mũ bốn mùa), họa sĩ (Mèo Mun), thợ bạc (Viên ngọc bùa mê) ... Và rõ ràng, nghề may, nghề của chính tác giả xuất hiện rất nhiều lần trong các câu chuyện, gắn với những nhân vật nữ hiền lành giỏi giang, nhân hậu (nàng Cúc trong Chiếc mũ bốn mùa, nàng Vân trong Sự tích cầu vồng). Chính những cái nghề rất đỗi bình thường này lại chính là những mấu chốt quan trọng để tác giả bộc lộ được quan điểm cuộc sống của mình về con người, bởi như dân ta thường nói: Bạc vạn cho vay không bằng trong tay có nghề; Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, ...
Một nét nữa rất nổi bật thể hiện tính hiện đại trong truyện cổ tích Nguyên Hương là ngôn ngữ nhân vật. Ở đây, ta thấy tác giả không ngần ngại để nhân vật tự biểu thị cụ thể trạng thái cảm xúc (khác với trong truyện cổ tích dân gian - ít có những chi tiết rõ về trạng thái cảm xúc nhân vật). Có thể viết ra những dẫn chứng: "Ồ ồ ồ - Trưởng làng lắc đầu - đã thấy phiền rồi kìa" (Vì sao con nhện có 8 chân); Ồ, rất nhiều việc, lúc nào cũng nghĩ ngợi tính toán mệt cả đầu (Sáu lần biến hóa); Nàng Ly bối rối không biết trả lời sao, bèn ngượng ngùng hỏi thỏ trắng và hươu (Nàng Ly và quái vật) ... Cách biểu lộ cảm xúc này cũng khiến cho nhân vật gần gũi hơn với bạn đọc, sinh động hơn để phù hợp với nhận thức và sự hiếu động của trẻ thơ. Trẻ thơ vốn luôn muốn khám phá thế giới xung quanh, luôn thường trực những câu hỏi như "ai?", "Vì sao?", "Thế nào?", ... Cho nên cách biểu thị cụ thể trạng thái cảm xúc ấy càng giải thích rõ hơn cho đối tượng bạn đọc này, kích thích trí tò mò và ý thức tìm hiểu của các em.
Truyện cổ tích Nguyên Hương còn sử dụng cả một hệ thống từ ngữ hiện đại, khẩu ngữ quen thuộc mà trẻ thời hiện đại thường hay sử dụng. Người ta dễ dàng bắt gặp trong bất cứ truyện nào những từ ngữ như thế. Đó là: té lăn cù mèo (Bịt mắt bắt kẻ nói dối), lương (Hai điều ước), thực phẩm (Thử giày), loạn xà ngầu (Mèo Mun), ngộ nghĩnh - ngặt nghẽo (Con mèo đi guốc)... Và đặc biệt là sự xuất hiện nhiều ngôn ngữ đối thoại, khác với ngôn ngữ kể trong truyện cổ tích xưa. Khi miêu tả về một cuộc đối thoại giữa hai nhân vật, truyện cổ tích dân gian thường sử dụng ngôn ngữ kể, diễn tả lại những suy nghĩ, lời nói, hành động của nhân vật. Có thể kể đến trường hợp truyện cổ tích "Tám Cám": "Lên bờ, thấy giỏ trống không, Tấm ôm mặt khóc nức nở. Bụt hiện lên hỏi, Tấm liền kể hết sự tình. Bụt bảo lấy con cá bống còn sót trong giỏ về nuôi dưới giếng, mỗi khi cho ăn thì gọi: "Bống bống bang bang, Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, Chớ ăn cơm hầm cháo hoa nhà người."" Truyện cổ tích Nguyên Hương lại sử dụng những đoạn đối thoại, rõ ràng cả về nội dung và hình thức trình bày văn bản:
"Người anh kêu lên:
- Sao lại vậy hả? Chia kiểu như vậy thì phần em có cái gì?
- "Con mèo" có một chữ E cho nên nó là của em. Nhưng đường xa bất tiện, nhờ anh nuôi mèo giúp em nhé."
(Chữ A và chữ E)
"Bầy Đom Đóm háo hức:
- Phần thắp nến là của bọn tớ.
Sóc góp ý:
- Nên có quần áo mới!
- Đúng đúng đúng ... Dự hội thì phải có quần áo mới! - Tất cả tán thành."
(Mèo Mun)
Chính hình ảnh của những đoạn đối thoại này trong truyện cổ tích Nguyên Hương là biểu hiện rõ cho tính hiện đại trong tác phẩm của bà. Bởi đặc điểm này thấy nhiều ở truyện ngắn, tiểu thuyết, những thể loại văn xuôi hiện đại. Đặc điểm này khiến truyện cổ tích Nguyên Hương dù gọi là "cổ tích" nhưng vẫn như là những tác phẩm truyện ngắn hiện đại. Và theo chúng tôi, nếu để cho trẻ thơ yêu thích hơn, "thấm" tác phẩm, người ta thường dùng cách cho diễn lại bằng các hoạt cảnh, bằng những vở kịch có sự biên kịch lại thì đối với truyện cổ tích Nguyên Hương, việc làm này dễ dàng hơn, có thể đem lại hiệu quả giáo dục cao. Bởi với những câu chuyện cổ tích dân gian, người viết kịch bản phải dày công viết lại từ bối cảnh đến lời thoại nhân vật, mà đặc biệt là lời thoại nhân vật thì truyện cổ tích Nguyên Hương gần như có sẵn. Và theo quan sát, ta có thể thấy những đoạn hội thoại trong truyện cổ tích Nguyên Hương có phong thái vui tươi, gọn, rất gần với ngôn ngữ trẻ thơ nên sức cuốn hút rõ ràng sẽ nhanh hơn với trẻ con thời hiện đại. Điều đó rõ ràng là một lợi thế của truyện cổ tích Nguyên Hương.
Một đặc điểm nữa đi kèm với sự xuất hiện nhiều ngôn ngữ hội thoại trong truyện cổ tích Nguyên Hương chính là việc bộc lộ rõ tâm lí nhân vật. Điều này cũng là một biểu hiện của tính hiện đại. Nhân vật trong truyện cổ tích dân gian chỉ được khóc, cười một cách đơn thuần. Còn trong truyện cổ tích Nguyên Hương là: Phù thủy trố mắt sượng sùng (Sự tích nấm hương), Cô bé tròn mắt ngạc nhiên (Sự tích đèn ngôi sao), Chàng Linh há hốc miệng kinh ngạc (Công chúa ngủ trong vườn), .... Dễ nhận ra một công thức để cho nhân vật bộc lộ rõ cảm xúc: tên nhân vật + cụm từ, từ biểu hiện cảm xúc + lời thoại nhân vật. Đó là một công thức quen thuộc của truyện hiện đại, khiến truyện hấp dẫn hơn, cuốn hút hơn.
3.1.2. Các tuyến nhân vật
Cũng giống như truyện cổ tích dân gian, nhân vật trong truyện cổ tích Nguyên Hương chia làm hai tuyến: Nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Nhân vật chính diện như: công chúa, cá vàng, Tiên Nhỏ, Tiên Già, chàng Linh, Thần May Mắn, Thần Đèn Hoa Hồng ... Nhân vật phản diện xuất hiện là Phù Thủy, phú hộ, vua độc ác, ...Nhìn chung, biểu hiện của "chính diện" và "phản diện" là như nhau nhưng trong truyện cổ tích Nguyên Hương, mức độ "phản diện" có thấp hơn, chỉ đơn thuần là xấu, là "hơi ác", không ở những mức độ "độc ác" như trong truyện cổ tích dân gian. Phù Thủy trong truyện "Sự tích nấm hương" ban cho nàng Lan sự xinh đẹp và lấy chồng giàu có. Điều đó sau này dẫn đến cái kết đáng buồn là cái chết của nàng Lan. Tuy nhiên, Phù Thủy không thắng, mà Phù Thủy cuối cùng đã "sượng sùng" khi nhìn hậu quả mình gây ra vẫn đi kèm món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng: tai nấm thơm ngào ngạt - là nấm hương mọc lên quanh mộ nàng Lan. Như vậy, Phù Thủy đã có sự lay chuyển giữa cái thiện và ác, có sự hồi tâm và "suy nghĩ lại". Phù Thủy không ác độc như trong truyện cổ tích xưa mà chỉ là có những hành động nhằm chứng tỏ mình, trong những lúc tức giận. Đặc biệt là nhân vật phù thủy Xí Xọn, ban đầu khi đến học nghề ở làng Lụa thì hung hăng, đe dọa sẽ biến cả làng thành cóc nhái nếu không được dạy nghề. Nhưng sau đó, được sống trong tình yêu thương của mọi người, đặc biệt là nàng Dương nhân hậu, Xí Xọn đã trở thành con người bình thường, quên mình là phù thủy (cũng co giò chạy nhanh khi bị chó rượt đuổi chứ không hóa phép làm cho chó rụng hết răng như trước đây). Nhà văn Nguyên Hương dường như muốn đêm đến cho chúng ta những bức thông điệp về tình yêu thương: tình yêu thương làm cho người và người xích lại gần nhau hơn, quên đi hận thù, tránh xa những điều ác, ...
3.2. Sự vật, sự việc, chi tiết, ...
Đọc trang cổ tích Nguyên Hương, người ta có thể mỉm cười bởi những sự vật sự việc, những chi tiết thú vị, mang phong vị tuổi thơ, gần gũi với mỗi con người. Ai cũng đã từng một thời ăn quả chấm muối ớt, chơi tạt lon: Thợ may xinh đẹp thích ăn táo xanh chấm muối ớt... (Ăn táo trả vàng); Trò chơi tạt lon (Đôi hài vạn dặm). Và những món ăn chỉ có ở thời hiện đại như gỏi, các động tác làm bếp đã có từ xa xưa nhưng đến giờ mới xuất hiện trong truyện cổ tích như kho, xào: Nhà thì kho, nhà thì xào, nhà thì trộn gỏi, ... (Nàng Út ống trúc); Vua hứa xây trường học và bệnh viện cho người nghèo (Cây bút kì diệu)
3.3. Mở đầu và kết thúc
Nguyên Hương không mở đầu bằng "Ngày xửa ngày xưa" như trong truyện cổ tích dân gian mà bắt đầu như một truyện hiện đại. Cách vào truyện như vậy đem đến cho người đọc cảm nhận mới mẻ, đi vào truyện nhẹ nhàng như đang chứng kiến những việc đời thường. "Tấm thảm bay" mở đầu bằng một sở thích của nhân vật: "Chàng Linh thích rong chơi đây đó ...; "Khăn xanh khăn đỏ" bắt đầu bằng đặc điểm rất giống nhau của hai chị em: "Hai chị em rất giống nhau nên mẹ may cho hai cái khăn trùm đầu màu xanh màu đỏ mới phân biệt được"; hay truyện "Nàng Ly và quái vật" mở đầu bằng chi tiết "Nàng Ly hiền lành hay bị bắt nạt..."; ... Rõ ràng, Nguyên Hương muốn thổi một luồng gió mới ngay từ đầu vào tác phẩm, để thu hút người đọc, để bạn đọc thấy được ẩn đằng sau mỗi câu chuyện là một điều đáng quan tâm trong cuộc sống.
Kết thúc truyện cổ tích Nguyên Hương đôi lúc cũng chứa đựng những yếu tố bất ngờ, không đẹp lung linh như cổ tích: Công chúa ngủ trong vườn, ... mang ý nghĩa hiện đại. Kết thúc chưa phải là kết thúc như trong truyện Cây bút kỳ diệu - Công chúa thẹn thùng và chẳng biết nên chọn ai). Cái ác giảm đi thành cái xấu (giảm những hành động ác độc, hình thức xử phạt (nhân vật phản diện cũng nhẹ hơn...): Người anh tiếc rẻ lăn ra bất tỉnh, phải vắt nước cốt mười ba trái táo chua xoa khắp người anh ta mới lờ mờ hồi sức lại, ... (Ăn táo trả vàng). Kết thúc thể hiện những ý nghĩa thực tế, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Trong"Hai điều ước", người anh chọn cho mình gia đình hạnh phúc, vợ đẹp con ngoan thay vì chọn tài năng nghệ thuật (đục đá); trong "Con mèo đi guốc", chú mèo Khoang hoài nghi về tình yêu, niềm tin với con người, cuối cùng đã được gở bỏ những hoài nghi ấy bởi tình yêu và sự ấm áp của cô chủ (nàng Hồng). Kết thúc nhiều câu chuyên đem lại những bài học lí thú, có tác dụng giáo dục cao: "Bài học cho Tiên nhỏ" cho bài học "chọn bạn mà chơi", "Tấm thảm bay" nói với chúng ta "con đường đến với tình yêu đích thực phải trải qua những phong ba bão tố, đòi hỏi con người kiên nhẫn, biết được giá trị thực của hạnh phúc, tình yêu, giá trị của con người".
3.4. Tên và cốt truyện: có sự cải biến từ tên và cốt truyện dân gian theo hướng mới: Nàng công chúa ngủ trong vườn, Bịt mắt bắt kẻ nói dối, Gương thần, Cây bút kì diệu ... Có những truyện có tên gọi khá mới: Chữ A và chữ E, Bài học cho Tiên Nhỏ, ...Có những truyện sử dụng motip quen thuộc nhưng cách xây dựng nhân vật, cốt truyện khác: Vùng đất bị phù phép - tham thì thâm, tham về thời gian để rồi kết thúc là mất đi tất cả. Hai viên ngọc ước - Sự nhầm lẫn của tiên nhỏ trước hình dạng của con người đã gây hậu quả nghiêm trọng với con người ở thế gian (lão vua ác độc được giúp đỡ) ...
4. KẾT LUẬN
Truyện cổ tích Nguyên Hương với tính hiện đại trong nghệ thuật kể chuyện đã thể hiện tấm lòng nhân ái, bao dung của nhà văn trước cuộc sống, con người. Qua tác phẩm của bà, ta nhận ra một người phụ nữ đầy những trải nghiệm về cuộc sống, là người phụ nữ có những kinh nghiệm sống trước cuộc đời đầy những bon chen, lọc lừa. Trong bà luôn vang vọng những hoài niệm về tuổi thơ, tuổi đẹp nhất của đời người. Và bà muốn đem đến cho người đọc những thanh âm trong trẻo nhất của cuộc đời, để mỗi người tự nhìn lại chính mình, tự soi xét, tự chiêm nghiệm và tự vươn lên. Truyện cổ tích Nguyên Hương đã thể hiện một tư duy cổ tích hiện đại trước cuộc sống quá phức tạp với trẻ thơ.
Tuy nhiên, chính vì bà muốn đem đến những hơi hướng hiện đại cho tác phẩm bằng những gì gần gũi nhất nên đôi khi trong tác phẩm của bà, người đọc bắt gặp những ngôn từ vụng về, quá "khẩu ngữ" (con vịt đang lắc mông liên hồi và sỏi đá bắn ra khắp nơi - "Vịt đẻ trứng vàng", Bỗng Phù Thủy nhí vò cái đầu mình cho rối bù lên, tự cào xé quần áo của mình bị rách te tua rồi chen về phía trước và lảo đảo huơ chân múa tay lè nhè - "Bài học cho Tiên Nhỏ" ... ) Điều này ảnh hưởng ít nhiều tới trẻ thơ khi chúng cần tìm những áng văn chuẩn mực về cả nội dung và hình thức để "học theo, bắt chước theo".
Tóm lại, để đánh giá đúng giá trị truyện cổ tích Nguyên Hương còn là cả một quá trình. Hi vọng truyện của bà đến nhanh hơn và nhiều hơn với bạn đọc, người nghiên cứu văn học để sớm phát hiện ra những giá trị mới về giáo dục, thẩm mỹ, nhận thức. Có như vậy mới khích lệ được tinh thần viết văn, đặc biệt là viết cho trẻ thơ hiện nay.

Đào Thuỷ Hậu

Tài liệu tham khảo
I. Tác phẩm của nhà văn Nguyên Hương:
Nguyên Hương (2014), Truyện cổ tích Nguyên Hương (6 tập), Nhà xuất bản trẻ.
II. Tài liệu tham khảo:
1. http://www.baodaklak.vn/channel/3522/201503/co-tich-nguyen-huong-thu-vi-va-hap-dan-2378122/
2. Vũ Ngọc Phan (1998), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội.
3. http://tailieu.vn/tag/truyen-co-tich-tam-cam.html


Phamngochien.com - 09:34 - 18/09/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận