Thúy Kiều có điển hình cho phụ nữ Việt Nam ? (Phạm Ngọc Hiền)

Truyện Kiều là một kiệt tác của văn học Việt Nam. Người ta đã khen nó quá nhiều, thậm chí khen qúa lời như Phạm Quỳnh "Truyện Kiều còn, nước ta còn" và xem nó như là "quốc túy", "quốc hồn" ... Từ đó, làm cho nhiều người có thói quen suy nghĩ rằng: Việt Nam là Kiều, Kiều là Việt Nam. Còn riêng nhân vật Thúy Kiều, không ít người cho rằng cô là "tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam", "Thúy Kiều tiêu biểu cho tâm hồn và trái tim Việt Nam", "Nguyễn Du muốn xây dựng Thúy Kiều thành một con người lý tưởng, một con người ưu tú, một Con Người viết hoa (nói như chúng ta ngày nay), tượng trưng cho cái đẹp, cái tinh hoa của con người". Một nhà thơ phát biểu "Chạnh  thương cô Kiều như đời dân tộc" và cũng có nhà phê bình xem nàng như là cô Tấm của Việt Nam v.v... Vậy, Thúy Kiều có thực sự điển hình cho người phụ nữ Việt Nam hay không ?

Trước hết, ta hãy tìm hiểu quốc tịch Thúy Kiều. Nàng quê ở Bắc Kinh, sống vào thời Gia Tĩnh, triều Minh, như vậy, nàng là người Trung Quốc chứ không phải người Việt Nam. Nhưng lâu nay, xuất phát từ suy nghĩ: Truyện Kiều là của Nguyễn Du và vì quá yêu Kiều nên mọi người đã cho nàng nhập tịch Việt Nam tự bao giờ, "Cô Kiều hóa Việt trội làng Ngô" (Văn Phong). Tuy nhiên, cụ Huỳnh Thúc Kháng cảnh tỉnh: "Sách dạy ngày nay đĩ đứng đầu / Xúm nhau sùng bái gái nhà Ngô /(...) Ai ơi gọi cụ Tiên Điền dậy / Đừng để non sông chịu tiếng vu /(...) Phật nhà không lạy, lạy người Tàu" (4). Sau này, Hoài Thanh cũng nhắc nhở: "Ta không nên quên là Nguyễn Du viết theo quyển truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Ta chớ cố đi tìm ở đây những chi tiết cụ thể về xã hội Việt nam thời trước, ví dụ về tình hình trong các nhà chứa đĩ" (2). Như vậy, Kiều không sinh ra ở Việt Nam, cũng chưa từng sống ở Việt Nam thì không thể gọi nàng là điển hình cho người phụ nữ Việt Nam được.

Nếu xét về thành phần xuất thân, ta thấy Kiều cũng không hiện thân cho quần chúng nhân dân lao động. Theo giới thiệu của Nguyễn Du thì nàng xuất thân trong một gia đình "Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung". Nguyễn Bách Khoa coi nàng là hình ảnh của người đàn bà quý phái thời đó. Nàng sống phong lưu, no đủ, lúc ở nhà chỉ lo làm thơ, đánh đàn (thơ cổ có câu: "Gia trung hữu cầm, nữ tử tất dâm"). Lúc ở với Hoạn Thư nàng chỉ làm công việc đánh đàn giải khuây cho chủ. Những năm ở lầu xanh thì lo ân ái với khách làng chơi (đĩ điếm không phải là một nghề chính đáng). Thời gian sống với các ông chồng thì mọi việc trong nhà đã có các tôi tớ lo. Nàng không bận tâm tới việc nội trợ, không phải lao động trí óc, cũng chẳng biết buôn bán như bà Tú, vợ của Tú Xương... Nàng cũng không biết làm nông và chưa từng lao động tay chân. Như vậy, không thể coi nàng là hình ảnh tiêu biểu cho phụ nữ một nước mà nông dân chiếm tuyệt đại đa số được.

Tiếp theo, ta hãy xem thử hành động và tính cách của Thúy Kiều có giống với đa số phụ nữ Việt Nam hay không. Đầu tiên là hành động bán mình chuộc cha (thực ra là lấy chồng giàu để có tiền lo việc gia đình, giống như phong trào lấy chồng ngoại hiện nay). Nhiều người cho đây là hành động hợp lẽ, bởi Kiều coi trọng chữ hiếu hơn chữ tình. Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận như vậy. Ngô Đức Kế cho rằng, Kiều bán mình là vì: "Hiếu vờ may gặp cơn gia biến / Nhân hão vì tham cái lễ to" (Kiều cũng rất sắc sảo trong việc "Cò kè bớt một thêm hai"). Nguyễn Công Trứ cho rằng hành động đĩ điếm của nàng là một lời sỉ nhục cha mẹ: "Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu / Mà bướm chán ong chường đến thế / Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa / Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm / (...) Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai". Kiều không nhất thiết phải bán mình cho chàng Giám Sinh "Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao" (đẹp trai, có học thức, giàu có, giống như mấy chàng Việt kiều hoặc Hàn Quốc, Đài Loan...). Nàng có nhiều cách xoay xở để  giúp cha. Theo  Phan Văn Trị, nàng phải kiện đến nơi đến chốn để được minh oan "Ví dầu Viên Ngoại oan vu lớn / Sao chẳng Đề Oanh sớ sách tâu" (1). Còn Nguyễn Thị Hồng Vân thì bày cách "Sao không bán ruộng bán nương / Ít nhiều liệu khất, mong đường minh tra / Án dù còn chút mập mờ / Lao tù luống chịu cho qua tháng ngày / Mẹ con ở mướn vá may / Rồi ra khổ tận có ngày cam lai" (4). Rõ ràng là không phải người phụ nữ nào gặp gia biến cũng đều vội vàng lấy chồng giàu, mà họ có thể kiện tụng hoặc làm lụng khổ cực để trả nợ.

Lần theo lai lịch tình ái của Thúy Kiều, ta thấy khó ai bì kịp nàng về số lượng nhân tình. Nàng đến với Kim Trọng quá nhanh và quá bạo dạn. Sau khi gặp Kim Trọng trong tiết thanh minh, hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân thảo luận xem ai sẽ yêu chàng Kim là hợp lẽ (ở ngoài đời không có chị em nào công khai bàn chuyện đó). Ngoài miệng thì Kiều nói  rằng Vân hợp với chàng hơn nhưng trong bụng thì muốn giành cho mình (Bản của Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN) (3). Và nàng lập kế đến với Kim Trọng trước. "Ai bảo rằng cô một gái lành / Con nhà nề nếp giống trâm anh / Động tình lập kế chim Kim Trọng ..." (Nguyễn Mạnh Bổng) (1). Sau khi chàng Kim dính câu, Kiều liền "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" đến thề thốt yêu đương. Trước miếng ngon  dâng sẵn, chàng Kim đã "Xắn tay mở khóa động đào / Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai". Nhiều người căn cứ vào câu này mà cho rằng Thúy Kiều đã mất trinh từ đêm đó. Hành động trao duyên của Kiều cũng rất lạ trong cái xã hội vốn rất coi trọng tôn ti trật tự trong gia đình. Có người chị nào lại nhờ em lấy người yêu của mình. Rồi cái việc sau này, nàng quay lại nhận làm vợ bé cho em rể cũng cho thấy bóng dáng của sự loạn luân: "Toan làm vợ lẽ cô em vậy / Cô thật khôn ngoan đủ thập thành / (...) Ngứa nghề trở lại toan làm bé / Đời vẫn khen em hiếu với tình" (Nguyễn Mạnh Bổng) (4).

Kiều hơn tất cả những người phụ nữ Việt Nam đoan chính ở chỗ, nàng đã ăn nằm với vô số khách làng chơi trong những năm tháng sống ở lầu xanh. Nàng đã nhận lời cầu hôn với Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Thúc Sinh, Bạc Hạnh, Từ Hải, Thổ Quan, Kim Trọng. Ngoài ra, còn phải kể thêm Hồ Tôn Hiến nữa. Trong bữa tiệc mừng việc đánh bại Từ Hải, Hồ Tôn Hiến nói với Kiều "Ta sẽ cùng khanh bách niên giai lão". Nàng nhìn vào mặt Hồ một lúc như để xem thử ông ta có thực lòng không, rồi thưa: "Tiện thiếp là kẻ phạm phụ vong mạng, đâu dám mong được hầu hạ thượng quan" (có nghĩa là muốn nhưng sợ ông ta không nhận). "Nàng cúi đầu nhận lấy chén rượu, các tướng tá đứng dậy làm lễ chức mừng" (bản của TTTN). Kiều là người đa tình, nên  hễ có ai cầu hôn, chỉ trong phút chốc là nàng gật đầu ngay. Nguyễn Bách Khoa đã từng thử bắt mạch khám bệnh cho Kiều và kết luận, nàng bị mắc bệnh "ủy hoàng" (chlorose) "cơ quan sinh dục luôn náo động trong thời kỳ phát triển". Và chứng "ưu uất" (hystérie) "luôn bị những cảnh ái ân ám ảnh và luôn hứng tình, chỉ khao khát những vỗ về của người đàn ông" (1). Dẫu rằng kết luận trên không có cơ sở nhưng cũng nên tham khảo. Từ khi hứa với Tú Bà "Tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa", Kiều  dường như dứt bỏ mình ra khỏi sự ràng buộc của lễ giáo và ngụp lặn thỏa thê trong thế giới dâm dục. "Khéo là mặt dạn mày dày / Kiếp người đã đến thế này thì thôi". Khi biết mình bị lừa vào lầu xanh lần hai, nàng không hề tỏ ra buồn bã, coi đó là chuyện bình thường, thậm chí còn tỏ ra mình đã dày dạn trong việc "Đưa người cửa trước, rước người cửa sau" và bắt tay cùng với mụ chủ mới lo việc "làm ăn". Nàng nghĩ  "Người đến mua vui thì mình cũng mượn đó mà khiến hứng, ca ngâm suốt sáng, đàn địch thâu đêm" (3). Với bản tính của Kiều như vậy, chẳng trách gì cụ Huỳnh Thúc Kháng và nhiều người khác gọi nàng là "con đĩ Kiều". Và như thế, không thể coi nàng là kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam được.

Những người bênh vực Kiều cho rằng, do xã hội bất công xô đẩy chứ nàng đâu có muốn như vậy. Thực ra, trong xã hội xưa nay cũng không thiếu  gì người gặp tai ương nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã để giữ gìn phẩm giá của mình. Nếu không biết cách chiến thắng hoàn cảnh thì có lẽ chị Dậu (Tắt đèn) cũng đã bị sa ngã vài lần, sau đó chị biện bạch "Tại do hoàn cảnh khó khăn nên mới ăn nằm với các quan, chứ  tôi vẫn chung thủy với anh Dậu nhà tôi". Rồi chị  cầm chữ trinh về nói với anh Dậu "Chữ trinh còn một chút này". Và tất cả các cô gái điếm ngày nay cũng biện bạch lý do "hoàn cảnh bất công xô đẩy" để khẳng định mình là gương sáng cho cả dân tộc noi theo hay sao (!) Lại có  người uyên thâm Nho giáo cho rằng, cứ theo luật "Bỉ sắc tư phong" thì số phận Kiều đã được định đoạt rồi. Nàng có tài sắc hơn người thì ắt sẽ bị trời "đày vào kiếp phong trần" ("Chữ tài liền với chữ tai một vần"). Nàng không thể cưỡng được: "Cũng liều nhắm mắt đưa chân / Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu".  Người am hiểu về Phật giáo thì cho rằng: Kiều khổ là do sự chi phối của luật Nhân - Quả, kiếp luân hồi. "Kiếp xưa đã vụng đường tu / Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi". Đáng lẽ kiếp này nàng phải cố tu cho tốt để rũ sạch nợ kiếp trước và tạo cuộc sống tốt đẹp ở kiếp sau, nhưng nàng cứ ôm lấy chữ "dục" (là nguyên nhân của nỗi khổ chúng sinh). Sư Tam Hợp đạo cô nhận xét: "Lại mang lấy một chữ tình / Khư khư mình buộc lấy mình vào trong". Còn độc giả nhận xét như sau: "Mấy độ lầu xanh còn chửa chán / Bao lần quy Phật cũng không thành" (Nguyễn Mạnh Bổng). "Đa mang thân thế nương nhà thổ / Còn trách cha ông vụng kiếp tu" (Huỳnh Thúc Kháng) (4). Kiều khổ là do bản chất của nàng.

Ngoài chuyện dâm dục ra, Kiều còn có nhiều hành vi rất đáng bàn. Trước hết là việc uống rượu. "Kim Vân Kiều tân truyện" kể tỉ mỉ rằng: Lúc còn mới sơ giao với Kim Trọng, nàng đã mang rượu và đồ nhắm lẻn sang nhà trai. Sau trở lại nhà, thấy cha mẹ chưa về, nàng lại tiếp tục lấy thêm rượu và đồ nhắm mang sang. "Nàng bèn rót tuần rượu khác, hai bên chén tạc chén thù, rất là vui vẻ", "Đương khi chuếnh choáng hơi men, cảm thấy hồn thơ lai láng, nàng nhận lời ngay". Còn những năm ở lầu xanh, nàng phải uống rượu thâu đêm suốt sáng với khách làng chơi là chuyện thường tình. Nhưng lạ nhất là trong thời gian đi tu, Kiều cũng uống rượu với vãi Giác Duyên ở cầu Thăng Tiên, hai người đàn bà tu hành chuếnh choáng hơi men. Thử hỏi, phụ nữ Việt Nam truyền thống có ai làm đệ tử của Lưu Linh như nàng ? Đi tu nhưng nàng cũng biết nói dối rất tinh vi. Để vãi Giác Duyên cho nương nhờ cửa Phật (cũng là để trốn tránh Hoạn Thư), nàng bịa lý do mình là tiểu đồ của sư phụ Hằng Thủy, vì lạc thầy nên một mình tới đây. Nàng cũng biết ăn cắp, những đồ mà nàng ăn cắp ở nhà Hoạn Thư trị giá 200 lạng vàng (gần bằng một nửa giá Mã Giám Sinh mua Kiều). Mỗi lần ai mua Kiều, nàng cũng biết cò kè từng đồng rất rành mạch. Nàng hỏi chủ lầu xanh thứ hai là đã mua nàng giá bao nhiêu, rồi nàng trả lời tỉnh bơ: Như vậy là đắt gấp 10 lần giá gốc mà Bạc Hạnh mua tôi (!) Trong màn báo oán, nàng tỏ ra quá tàn nhẫn, vượt ngoài khả năng cư xử của một phụ nữ bình thường. Bạc Hạnh bị cưa thành 100 đoạn, đem trộn với cỏ cho ngựa ăn, Tú Bà bị đốt thành ngọn đuốc, Mã Giám Sinh bị căng da, moi gân quẳng ra bể cho cá nóc ăn, Sở Khanh bị lột da, chết một cách thê thảm (Bản của TTTN) (3). Nguyễn Du viết: "Máu rơi thịt nát tan tành / Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời". Những nạn nhân đó, trước kia có cùng lắm thì chỉ đánh nàng bằng roi. Nay nàng không dùng gươm đao mà dùng những thứ khủng khiếp hơn cả gươm đao để trả thù. Vậy ai nói nàng Kiều là dịu dàng, rộng lượng ? Cụ Huỳnh Thúc Kháng bình: "Muôn ác tà dâm ấy sự đầu (...) Thiện chẳng thấy bày, bày những ác" (4).

Vào những năm đầu thế kỷ XX, giới báo chí văn nghệ sĩ trong nước có tranh luận về việc có nên đưa Truyện Kiều vào dạy trong nhà trường hay không. Nhiều người cho rằng Truyện Kiều là truyện phong tình  "quyết không thể nào đem ra làm sách dạy đời được" (5). Trong một bài viết trên báo Hữu Thanh, số 21, ra ngày 01/9/1924, cụ Ngô Đức Kế nói: "Ngày trước, các cụ tiền bối thường cấm con em xem Truyện Kiều, trong xã hội, ai hay đọc Truyện Kiều nghêu ngao thì cho là kẻ đàng điếm (...) thế mà ngày nay, đức văn sĩ ta  biểu dương Truyện Kiều lên để khai hóa cho quốc dân, đem Truyện Kiều làm sách Quốc văn giáo khoa (sách dạy), làm sách sư phạm giảng nghĩa (sách thầy) (...) Than ôi, Kim Vân Kiều mà cai trị nước Việt Nam  thì xã hội nước Việt Nam không nói cũng biết rồi" (tức là sẽ hư hỏng như Thúy Kiều). Sau đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng cho rằng xã hội Việt Nam thời đó hư hỏng là do người ta mê Kiều, "Hiện xã hội ta ngày nay mà diễn ra những tuồng thương phong, bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít" (báo Tiếng Dân, ngày 17/9/1930) (1). Không chỉ có các nhà Nho lên án mà dân gian cũng có câu "Đàn ông chớ kể Phan Trần / Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều". Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng ngạc nhiên không hiểu sao người Việt Nam lại ca ngợi hết lòng một cô gái đĩ (chẳng lẽ nghề đĩ là tốt đẹp và phổ biến ở Việt Nam ?)

Nếu Kiều không tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam thì nhân vật văn học nào sẽ ở vị trí đấy ? Có lẽ nàng Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu là ứng cử viên sáng giá nhất. Bởi vì, cốt truyện "Lục Vân Tiên" là do Nguyễn Đình Chiểu sáng tạo ra dựa trên cuộc đời thực của tác giả. Như vậy, Nguyệt Nga là gái bản địa, nàng kết tinh những phẩm chất tốt đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam: "Công, dung, ngôn, hạnh", "Trung, hiếu, tiết, nghĩa". Vì chung thủy với người yêu đã chết nên nàng cự tuyệt không lấy con quan tể tướng. Nàng biết chống chọi lại với hoàn cảnh chứ không phải buông xuôi rồi rên rỉ: "Kim Liên ơi hỡi Kim Liên / Xin em hãy lấy Vân Tiên làm chồng". Vì trung với nước nên nàng chấp nhận xuống thuyền đi cống Hồ nhưng rồi lại để Kim Liên thay mình rồi tự vẫn. Lúc trôi dạt vào nhà Bùi Kiệm, mặc cho hắn dụ dỗ, nàng vẫn trốn đi (không ăn cắp thứ gì của Bùi ông mang đi cả). Ở với bà lão trong rừng, nàng cũng chăm chỉ quay tơ dệt sợi, lao động tay chân như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Trải bao sóng gió cuộc đời, nàng vẫn giữ trọn tấm lòng trinh bạch với người tình mà nàng nghĩ đã chết rồi. Nguyệt Nga xứng đáng là nhân vật điển hình cho phụ nữ Việt Nam.

Nhưng trên đời này có biết bao nghịch lý. Nguyệt Nga tốt nết hơn Thúy Kiều nhưng thiên hạ lại biết Thúy Kiều nhiều hơn Nguyệt Nga. Vì ngưỡng mộ tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du mà người ta ngộ nhận rằng, bất cứ đứa con nào do thiên tài sinh ra cũng đều tốt nết cả. Thúy Kiều không toàn mỹ nhưng Truyện Kiều vẫn cứ là kiệt tác. "Truyện Kiều" cùng với "Số đỏ" là hai đỉnh cao đại diện cho hai thời kỳ văn học trung đại và hiện đại. Đó là hai tác phẩm rất hay, nhưng ...

Rằng hay thì thật là hay

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào

 

PHẠM NGỌC HIỀN

 

* Tài liệu tham khảo

 

1) Nguyễn Du - Về tác gia và tác phẩm - Trịnh Bá Đĩnh (chủ biên). NXB Giáo dục - 1998

2) Nguyễn Du - Vũ Tiến Quỳnh - NXB Tổng hợp Khánh Hòa - 1991

3) Truyện Kiều đối chiếu - Phạm Đan Quế - NXB Hải Phòng - 1999

4) Bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều - Phạm Đan Quế - NXB Hải phòng - 2000

5) Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3 - Phạm Thế Ngũ - Quốc học tùng thư - S - 1965.

6) 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều - Lê Xuân Lít (tuyển chọn) - NXB Giáo dục, H. 2005.

 


Phamngochien.com - 15:13 - 13/12/2009 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận