THẾ GIỚI DỊ THƯỜNG TRONG TRUYỆN NGẮN NGÔ PHAN LƯU (Phạm Ngọc Hiền)

Để khẳng định chỗ đứng trong lòng bạn đọc, mỗi nhà văn thường chú trọng phát huy một thế mạnh nào đó của mình và cố gắng không lặp lại người khác. Có nhà văn dùng ma lực của câu chữ để cuốn hút lòng người, có nhà văn thì khai thác yếu tố bất ngờ gây kịch tính của cốt truyện... Còn Ngô Phan Lưu lại đi theo một hướng khác, ông dựng lên một thế giới dị thường, lạ lẫm để thu hút sự tò mò của độc giả. Và chính điều này đã làm nên sức hấp dẫn trong các truyện ngắn của ông.

Lạc vào thế giới nghệ thuật của Ngô Phan Lưu, ta bắt gặp những cảnh vật và con người quen mà lạ. Quen là bởi vì tác giả lấy bối cảnh cho các câu chuyện ngay trong thời hiện đại, tại các làng quê rất đỗi quen thuộc với mọi người dân Việt Nam. Nhưng trên cái nền hiện thực đó, cây cọ vẽ siêu thực Ngô Phan Lưu đã chấm phá vào những nét vẽ gân guốc, phủ lên những sắc màu hư ảo, làm cho sự vật mang hình dáng và tính cách dị thường. Tác giả đã thổi linh hồn vào những vật vô tri vô giác: "Chuỗi thời gian với hàm răng cá sấu của nó, đã nhai vụn, khạc vào hư vô, quên lãng". Đứng trước sự vĩ đại của vạn vật, con người chỉ là một sinh linh nhỏ bé đáng thương và luôn bị đe dọa sẽ bị nhận cái tát tai của biển: "lưu ý... Biển sẽ tát vào mặt anh, nếu nhìn nó mà hồn anh không biết trẻ". Thiên nhiên như có con mắt, biết theo dõi từng sự việc của con người. Khi nhìn thấy anh Phách đánh dã man con bò Bĩnh: "Buổi sáng nín thở". Con chó Ki cũng phải thốt ra tiếng người để can thiệp "Đó là một con người hoàn chỉnh tên Ki" (Sự việc trong vài phút). Vào những vùng quê yên tĩnh đó, ta cũng gặp nhiều vật dụng lạ lùng, như một giàn câu Kiều có 500 lưỡi câu. Hoặc cái nia đặc biệt của lão Lạng "Không hình tròn mà hình tam giác". Bạn đọc sẽ tự hỏi: Những vật dụng ấy có thật hay chỉ là bịa? Nếu có thật, nó xứng đáng được đưa vào viện Bảo tàng. Còn như bịa thì phải tìm hiểu ngầm ý của tác giả. Cũng trong truyện "Người không giăng câu Kiều" có đoạn: "Giàn câu Kiều của lão trói móc một con cua Đinh to bằng cái mẹt và một con Chinh bông to bằng bắp chân". Những con vật trên đáng ghi vào sổ kỷ lục Ghi-nét, nhưng còn xứng đáng hơn là con Cua Đinh Xe Tăng; "Nó to bằng cái nia, mốc xì như xe tăng, cổ bằng bắp chân, chĩa ra như nòng đại bác". Tác giả đã phóng đại sức mạnh phi thường của nó lên đến mức, có khả năng "chở lão Tư Cua trên lưng" và nực cười thay, để hạ sát con cua đó, người ta phải dùng tới "sáu tiếng súng M.16".

Trong miêu tả con người, tác giả cũng tung hoành thủ pháp "lạ hóa". Chân dung của các nhân vật rất dị thường: "Ông có đôi mắt sáng như đèn pin hết pin", "Một chất giọng đã lọc sạch tình cảm của loài người, bay mùi nhang khói, nghe buốt sống lưng", "Tiếng ngáy đục ngầu va chạm vào tiếng khóc trong veo, chúng cứ choảng nhau, tung tóe những nỗi buồn vô danh, vô chủ". Diện mạo của nhân vật không bất biến mà thay đổi tùy vào đôi mắt của kẻ đa tình. Như ông Răng khi yêu bà Chín Tốt thì thấy "Bà có nét quyến rũ của giường nệm, chăn gối và cơn ngủ, của sạch sẽ và cả sự mệt nhoài". Nhưng sau khi bà Chín Tốt phụ tình thì chân dung bà dưới con mắt ông Răng là "Xấu dưới xấu đến chín lần. Mặt ấy trắng toát như tờ giấy tính tiền, mà những tàn nhang là những chữ số". Nhưng có lẽ kinh dị nhất là gã hớt tóc trong truyện "Ảo giác": "Một người cao lớn, dễ chừng trên 2 mét, hình dung cổ quái, râu ria lởm chởm như kẽm gai, tóc hất ngược ra sau để lộ cái trán kỳ lạ, thấp đến nỗi gần giáp tới lông mày. Ông ta có đôi mắt lấp lánh lân tinh, hai tay đầy lông mọc xuống đến móng (...) phơi hai hàm răng nhọn, trắng đến ghê người. Tiếng cười vang lên, có tính chất của kim loại va chạm (...) Hắn ta ăn thịt người chắc?". Mới ủi được ba đường trên sọ, gã hớt tóc đã vào trong lấy dao. Nhân cơ hội đó, anh Pha bung người chạy. Hậu quả là từ đó về sau "ba đường xa lộ do tay thợ hớt ma quỷ ủi sát, tóc nơi ấy không mọc. Cái đầu anh trông kỳ dị quái gở". Trong ví dụ trên, có yếu tố huyền thoại, và ta cũng gặp cái huyễn tưởng trong nhiều truyện khác, nhất là "Quyền lực". Đây là hình ảnh một con điên: "mắt đỏ như hòn than, mồm vầu ra hai cái răng cửa dùng để cắn người". Và hành động của nhân vật cũng lạ thường như thần thoại, khi cô Ná đổ nước quanh người con điên "Lạ thay, con điên chợ Đũi không dám ra khỏi vòng, cứ ngồi đấy phơi nắng đến xế, đợi vòng nước bốc hơi khô đi, nó lật đật chạy biến".

Cái dị thường còn thể hiện qua ngôn ngữ các nhân vật trong "Duyên hội ngộ". Có hai người nói với nhau bằng thứ tiếng lạ không ai hiểu nổi. "Bà Xảo xổ ngay một tràng súng liên thanh: "í hông lước ơn phàm xưa trái dìn xin rin vo chưng hề chăng thò choái ngạu!". Còn ông Kiều Hí trả lời không vấp: "Dây trên cừa chai hai tró lạ trái dừa trẻ lên bèo tanh không rủi". Hoặc trong "Đối ẩm trong sương", ta bắt gặp lão Lạng ngâm những bài thơ "Liên hiệp quốc", do lão lắp ghép những câu thơ "đầu Ngô mình Sở" mà thành: "Một giọng ngâm thơ lê thê, ướt nhẹp, bò trườn trong đêm yên tĩnh, nghe thật não nùng: "Sao anh không về chơi thôn Vỹ / Lác đác bên sông chợ mấy nhà /(...). Cha mẹ thói đời ăn ở bạc / Đình tiền tạc dạ nhất chi mai". Những bài thơ kỳ lạ đó không phải là không có hồn, bằng chứng là: "chú Dành ngồi nán nại để khóc, khóc xong, chú đứng dậy, chạy về nhà, chú chạy nhanh vì Thơ đuổi theo (...) Thơ cứ vướng vào chân và chú Dành té ngã, chú nằm đấy khóc luôn". Sự việc trên cũng là bịa, nhưng là bịa một cách nghệ thuật làm cho bạn đọc thích thú.

Để tạo ra sự khác lạ, bên cạnh sử dụng thủ pháp nghịch dị, tác giả còn sử dụng thủ  pháp nghịch lý. Tức là cho nhân vật phát biểu những câu triết lý theo phương pháp ngụy biện, như thời cổ đại, Aristote đã dựa vào những giả thuyết phi lý để lập luận. Trong truyện "Bí phương công bố", tác giả dẫn người đọc vào một ma trận chữ nghĩa, khó phân biệt được đúng hay sai, kiểu như: "Đối với A, tuy không phải là A mà là A". Ông Hầu bị chứng mất ngủ, lão Nô bày vẽ vòng vo. Mỗi lần ông Hầu nói "Tôi hiểu rồi" thì lão Nô phủ định "Anh chưa hiểu đâu ! Diệu pháp không dễ gì hiểu ! (lặp bốn lần). Đại khái lão khuyên nên "viết văn" (thực ra viết văn rất dễ mất ngủ), lập luận của lão như sau: "Anh phải "nỗ lực trí tuệ để viết một bài văn siêu hay xưa nay chưa từng có mà óc anh lại không biết bài gì, thậm chí thơ, văn hay kịch... cũng chẳng rõ" (sao kỳ lạ vậy?) "Diệu pháp này thực ra không phải viết, mà sắp viết. Bài văn trong diệu pháp này là bài sẽ có, chứ không phải bài đang có" (nghĩa là thế nào?) "Chính xác hơn nữa, trọng tâm của diệu pháp này là sự tìm kiếm cái không thể có, nên không bao giờ gặp". Lão còn dặn nếu mất bút thì phải đọc bản thảo (không có chữ) và phải đọc sao cho ra chữ. Nhưng càng về sau, ta càng nghi ngờ rằng hình tượng cây bút, tờ giấy trắng và việc viết văn không chỉ dừng lại ở nghĩa hiển ngôn mà có thể ám chỉ một điều gì đó, khi lão nói "Chữ nghĩa ít, thậm chí không biết chữ, thì cầm bút hiệu nghiệm tột bực". Đặc biệt là khi lão hỏi về vợ ông Hầu và thú nhận rằng chính mình "Bút hết mực rồi ! Chỉ đọc bản thảo thôi". Vâng, ta đã thực sự lạc vào thế giới mơ hồ của chữ nghĩa với những lý lẽ lạ thường mà ngoài đời không ai nói như thế cả.

Ngoài ra, còn nhiều truyện khác cũng thể hiện tinh thần của chủ nghĩa phi lý. Có thể tìm thấy hình ảnh của con người bơ vơ, lạc lõng không hiểu được mình đang làm gì trong truyện "Bà thánh của hai người". Ông khách cứ bảo anh xích lô vòng tới vòng lui giữa hai nơi: nghĩa địa và thành phố. Đầu tiên, ông bảo "Chở ta đến thành phố" nhưng lại bắt vòng ra nghĩa địa ("Thành phố không chết"). Rồi lại "Đạp quay trở về. Lòng ta đã sẵn một nghĩa địa rồi... không đi kiếm đâu xa". Rồi "chạy xe lại ... Chở ta đi nghĩa địa". Rồi "Chở ta về thành phố". Rồi "Quay xe lại nghĩa địa". Rồi "Quay xe lại thành phố"... Ta bỗng liên tưởng đến nhân vật K. trong tiểu thuyết "Lâu đài" của Kafka - Ngọn đồi có lâu đài đang ở trước mặt anh nhưng mỗi lần tìm đến gần nó thì con đường lại rẽ sang hướng khác, anh không sao đến được lâu đài, cứ lang thang quẩn quanh mãi như thế, không ai tiếp nhận anh và anh cũng không hiểu vì sao cả...

Ngôn ngữ của người kể chuyện cũng lạ thường, không theo logíc biểu đạt thông thường. Thể hiện ở cách chuyển hóa nghĩa của từ: "Tôi quyết không cho mình té vào cái cười bất hủ ấy", "tôi nói, mắt đậu trìu mến vào anh ta", "Tôi thả đề nghị", "Rất vâng", "Trong ánh chiều tà, tuổi đời cứ rớt lả tả trong ầm ào biển khơi"... Đó là loại ngôn ngữ trào phúng và đầy chất trí tuệ. Không thể lấy các chuẩn mực ngữ pháp trong sách giáo khoa để đánh giá Ngô Phan Lưu. Chính những câu văn lệch chuẩn, ngắn ngủn và tưng tửng ấy đã tạo nên sự hấp dẫn bạn đọc: "Lão Nô lại cụng ly, lại đốt thuốc, lại nói tiếp", "Bà Bảy Sít. Miệng có quai xách, loại I-nốc","có một hôm, cũng lâu (bao lâu cũng được)"... Hoặc một đoạn văn trong "Bộ răng của ông Răng": "Kết quả đạt được sau khi trồng răng: - từ gia đình: Đồ mắc dịch. Cưa sừng làm nghé. Nhiều cái cau mày; - Từ quê hương: Cái tên mới là Rụng. Nhiều tiếng cười giỡn". Rõ ràng là văn Ngô Phan Lưu khó có thể lẫn lộn được với các nhà văn khác đương thời.

Đi vào thế giới ngôn từ của Ngô Phan Lưu, ta có cảm tưởng như đang ngồi trên chiếc xe bò lộc cộc trên con đường gồ ghề dẫn vào vườn cổ tích. Tuy cũng vất vả nhưng bù lại, được chiêm ngưỡng một thế giới kỳ thú và đầy ắp tiếng cười. Nhiều người cho rằng, văn Ngô Phan Lưu thuộc dạng khó bắt chước. Nếu điều này đúng thì bản thân nhà văn cũng trở thành một hiện tượng kỳ diệu như các nhân vật của ông.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Phamngochien.com - 20:09 - 10/04/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận