Tạp văn "Ngôi nhà và con người"của Huỳnh Như Phương, Đọc văn gặp tình người, người tình

 

 

Đọc xong tạp văn của Huỳnh Như Phương, tôi cứ lật qua lật lại, xăm soi tập sách gọn gàng, nhã nhặn, mà băn khoăn rằng tại sao Huỳnh Như Phương lại đặt tên cho tập tạp văn của mình là "Ngôi nhà và con người". Phải có cái gì đó để Huỳnh Như Phương gởi gắm ?!



Thanh Thảo mua một ít đường phèn và mấy hộp cá bống sông Trà kho khô, nói: "Biết trong Sài Gòn không thiếu thứ chi, nhưng ráng cầm về chút quà quê nghèo". Thanh Thảo vốn ít khi có lời "nghiêm trọng", nhưng nhìn cái dáng bộ lóng ngóng, tôi biết anh đang nghiêm túc thực sự. Người Quảng Ngãi yêu quê hương mình.

Từ Quảng Ngãi về, Nguyễn Nhật Ánh, một cây tạp văn với các bút danh Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Anh Bồ Câu..., vốn thường ngày tếu, cũng nghiêm chỉnh, nói: "Có tập sách mới của Huỳnh Như Phương, ông đọc coi sao ?". Tình người Quảng Ngãi lan xa...

Quảng Ngãi- Thanh Thảo, Huỳnh Như Phương... Tôi thấy có sự gắn kết thú vị. Giữa những trận bóng World Cup 2006, đi Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, tôi đọc Huỳnh Như Phương và suy nghĩ. Nhớ hồi nhỏ, cứù vào ngày nắng mùa đông, mẹ tôi lại phơi hong áo quần, chăn màn... và cả cuốn Truyện Kiều. Tôi nhìn cuốn sách bay trong nắng mà thắc mắc sách kể chuyện gì mà mẹ tôi ngày nào cũng đọc, rằm nào cũng bói, rồi vui rồi buồn. "Ngôi nhà và con người" của Huỳnh Như Phương đọc một mạch thấy cái gì đó long lanh, gợi mở, khiến ta đọc nữa.

Tập sách của Huỳnh Như Phương được trình bày trang nhã và khiêm nhường. 172 trang với 36 tạp văn được chia ra các chủ đề mà tôi tạm gọi: Tạp văn chính luận, Tạp văn hoài niệm, Tạp văn chân dung văn học.

Mỗi bài tạp văn không quá 2.000 chữ, là tập hợp những bài báo Huỳnh Như Phương viết trên các báo của TPHCM như Văn Nghệ, Phụ Nữ TPHCM, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động và báo của ngành giáo dục... Bởi là những bài báo, nên chi, tạp văn của Huỳnh Như Phương nóng bỏng tính thời sự văn hóa qua những vấn đề thế sự, nhân vật văn hóa Việt Nam và thế giới. Tôi hiểu cái lý Huỳnh Như Phương đặt cuốn sách của mình. Điều thú vị là, khi đọc tập sách, cảm thấy có một chủ đề tư tưởng chặt chẽ, xuyên suốt.

Là một nhà giáo, là tiến sĩ ngữ văn, là nhà văn Huỳnh Như Phương luôn mong muốn nâng cao tầm vóc của chính mình, của quê hương, đất nước mình. Anh không gọi là cái nhà, căn nhà, mái nhà... mà là NGÔI NHÀ; anh không cho những nhân vật anh viết là đứa con - con trai con gái, là thằng cu, cái gái... mà là CON NGƯỜI. Có nghĩa là, Huỳnh Như Phương muốn những bài viết của mình có tầm khái quát. Và chính điều đó, tạo cho tập tạp văn của Huỳnh Như Phương đáng đọc và tạo nên nhiều điều thú vị bổ ích.

Huỳnh Như Phương nhắn nhủ ... "Ai cũng biết rằng người ta có thể sắm nhà chứ không thể sắm người, sửa nhà thì dễ chứ sửa người thì thật khó. Có một ngôi nhà thật đàng hoàng tử tế rất cần, nhưng việc còn cần hơn là làm thế nào để đặt vào ngôi nhà đó những con người đàng hoàng, tử tế... A. Seghers có lý khi bày tỏ niềm lo âu rằng có khi nhà cửa đã xây xong nhưng con người thì vẫn còn dang dở" (trang 9). Hay... "Đừng đành lòng làm kẻ vô tâm quá đỗi nếu còn xem thiên nhiên là bè bạn, đó là thông điệp mà những khoảng xanh kia muốn gửi đến những cư dân thành phố?" (trang 113). Hay ... " Cũng là món quà cho những ai không nguôi nỗi yêu thương khi đã một lần nghe một câu bài chòi mộc mạc hay giọng hò ba lý nhặt khoan trên vùng đất chua mặn..." (trang 172). Trong 36 bài tạp văn có 12 bài tạp văn chân dung văn học gồm: nhà văn Võ Hồng (Người báo hiếu cho quê hương), nhà văn Sơn Nam (Người đi bộ dọc đường thế sự), nhà văn Trang Thế Hy (Người bào chế thuốc giảm đau), nhà văn Nguyễn Nguyên (Một cuốn sách cho Nguyễn Nguyên), nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (Buổi chiều Vạn Hạnh), nhà thơ Hữu Loan (Màu tím hoa sim), nhà thơ Thu Bồn (Những bài thơ viết dưới sao trời), nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (Chàng du ca của tự do và tình yêu), nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ (Suy niệm hoàng hôn), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (Giấc mơ của gã tình nhân), cây viết trẻ Quốc Sinh (Quốc Sinh trong dòng thơ trẻ) và Trần Đình Thọ (Thơ cho mùa giêng). 

Nhà văn Huỳnh Như Phương quê Mộ Đức, Quảng Ngãi. Học Đại học Văn khoa Sài Gòn (trước 1975), Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau 1975). Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngữ văn. Dạy học tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM; Ủy viên BCH Hội Nhà văn TPHCM, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM.

Các tác phẩm chính: Dẫn vào tác phẩm văn chương (1986), Những trang viết, những nhịp cầu (đồng tác giả, 1986), Những tín hiệu mới (1994), Mỹ học đại cương (đồng tác giả, 1994), Lý luận văn học- vấn đề và suy nghĩ (đồng tác giả, 1995), Tuyển tập Lê Đình Kỵ (2006)...

Nếu tạp văn chính luận là áng văn xuôi sâu sắc, điềm tĩnh..., nếu tạp văn hoài niệm như những bài thơ văn xuôi trữ tình, lung linh, gợi cảm, thúc nhắc... thì tạp văn chân dung văn học là những bài lý luận - phê bình gọn ghẽ, chỉnh chu, chọn lọc.

Tôi là một kẻ thích các chân dung văn học, từng mê Gorki, Pautovski... phục văn chương của Plôbe (Pháp), Lỗ Tấn (Trung Quốc), Sêkhốp (Nga)... và văn Phan Tứ ..., đọc tạp văn chân dung văn học của Huỳnh Như Phương tôi thích cách chọn người và vẽ nên nét đăïc sắc của từng chân dung. Anh không bay bướm, quá lời mà điềm đạm, chân thành, trí tuệ.

Chân dung văn học của Huỳnh Như Phương thể hiện năng lực thâm nhậïp nhân vật và tác phẩm của từng người. Chỉ với 12 chân dung , Huỳnh Như Phương gởi gắm và thể hiện một phương pháp luận có cơ sở và thuyết phục. Anh luôn chọn và hướng về đối tượng trẻ, nhà văn có ảnh hưởng với giới trẻ và bạn đọc trẻ.

Tập sách của Huỳnh Như Phương là một tập sách đáng đọc, nó rủ rỉ, nhỏ nhẻ, ân tình, say mê vì có sức cuốn hút như một cuốn tự truyện - một sáng tác văn học nghiêm túc, của một nhà giáo tâm huyết, một nhà văn hướng thiện, một công dân trách nhiệm.

Đúng như Huỳnh Như Phương tâm sự: "Càng ngày tôi càng nghiệm thấy điều này, văn chương cũng có cách đền đáp của nó, mình bạc bẽo, thô lậu với nó thì nó sẽ bạc bẽo, thô lậu; mình tinh tế , chân thành với nó thì nó sẽ trả ơn bằng sự tinh tế, chân thành. Tôi tin rằng văn chương là cách nối dài sự hiện hữu của con người như một cá tính tự do. Và những khát vọng văn chương từ thời trẻ vẫn không ngừng nung nấu trong tôi một ý thức xã hội để không sa vào con đường của hư văn"!

VŨ ÂN THY

SGGP:: Cập nhật ngày 15/07/2006 lúc 16:42'(GMT+7)


Phamngochien.com - 21:15 - 06/01/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận