Phương Nam (truyện ngắn đoạt giải thưởng báo Văn nghệ)

 

Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (2011 - 2013) 

 

DANH SÁCH CÁC TÁC PHẨM ĐƯỢC GIẢI

 

GIẢI NHẤT:

Chùm truyện ngắn của Lê Thanh Kỳ:

- Bạn khách

- Sợi dây

- Mồng chín tháng Tám

GIẢI NHÌ:

1. Gia phả mùi rơm rạ - Thu Trân

2. Ma núi rắn - Nguyễn Đức Lợi

3. Lá bùa bỉ ngạn hoa - Vũ Thị Thanh Huyền

GIẢI BA:

1. Hồng trần - Chu Thị Minh Huệ

2. Đêm dài qua - Nguyễn Tiến Bình

3. Chùm truyện ngắn của Văn Chinh: Thị, Chị Mỵ làng Minh Quang

4. Hàng xóm - Chu Thùy Anh

5. Phương Nam - Phùng Hy

6. Người đàn bà ở bến xe thành Rôm - Nguyễn Đăng An

GIẢI KHUYẾN KHÍCH:

1. Trong đám tang của mình - Uông Triều

2. Mười hai chiếc bánh Flan - Phạm Thanh Thúy

3. Suối nguồn - Phan Đình Minh

4. Đất tụ long - Nam Ninh

5. Phật ngoài khơi xa - Nhụy Nguyên

6. Người chợ Kệ - Dương Đức Khánh

7. Bữa tiệc ly - Lê Hoài Nam

8. Seo Ly - Chu Văn Nghiêm

 

Phùng Hi tên thật Nguyễn Phi Hùng, giáo viên ở huyện Phú Hòa - Phú Yên. Anh là một trong "Bốn ông giáo lạ ở trường huyện": Đào Tấn Phần - Nguyễn Văn Giác - Nguyễn Phi Hùng - Phạm Ngọc Hiền. Phùng Hi dạy toán nhưng lại thích nghiên cứu triết học Lão Tử. Anh lại còn sáng tác truyện và xuất hiện thường xuyên trên nhiều tờ báo lớn. Vừa qua, truyện ngắn Phương Nam của Phùng Hi được đoạt giải Ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2011 - 2013). Như vậy, sau Ngô Phan Lưu (giải Nhất năm 2007), Phùng Hi lại tiếp tục mang về cho tỉnh nhà một giải thưởng văn học lớn. Phamngochien.com xin giới thiệu bạn đọc truyện ngắn Phương Nam của Phùng Hi.

Phạm Ngọc Hiền - Nguyễn Văn Giác - Phi Hùng (Phùng Hi) - Đào Tấn Phần

 

Phương Nam

(Giải ba Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2011-13)

PHÙNG HI

(Huyền thoại: Năm 499 trước công nguyên, nhà Chu suy thoái,

Lão Tử cưỡi trâu xanh đi về phía tây. Kết cục ra sao không ai biết)

 

Mùa xuân năm 499 trước công nguyên. Cỏ cây dưới đất đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa. Mây trắng trên trời rủ nhau bay từng đàn về phương nam. Khí trời dịu lạnh. Nắng vàng tươi như mật rót. Đất trời đẹp vậy nhưng lòng người nhà Chu tao loạn.

Lão Tử 81 tuổi. Cuộc đời trần thế của Lão vừa đúng thời gian Lão nằm trong bụng mẹ. Kỳ lạ, Lão thấy mình chưa già. Sống dài, trông mãi, nghĩ hoài cũng chán, Lão lo mình thọ hơn Bành Tổ. Nửa đêm nọ Thượng Đế cưỡi mây vàng sáng lòa, ghé tệ xá lệnh cho Lão đầu thai kiếp nữa để độ thế chúng sinh. Lão Tử mỏi, có ý chống:

- Chúng sinh có cần đến Nhĩ này đâu? Làm cho dân ở Chu thuần phác, sống cõi đời thật, quá sức ta rồi.

Thực lòng Lão chẳng muốn về trời với đám thần tiên nhàn cư vô vị, cũng không muốn hóa nhi bằng cách đầu thai. Cần phải làm một điều gì đó! Lão Tử bèn nhuộm đen cả tóc và râu, búi tó ra sau, trông như một nông phu cường tráng ở tuổi trung niên. Sáng ngày kia Lão mắc Thanh Ngưu vào cỗ xe, chạy như trốn về phía tây của Chu. Quan cửa khẩu chặn lại soát, nói:

- Luật nhà Chu không cho mang sách ra khỏi nước.

Lão Tử vui vẻ bỏ lại bản thảo cuốn Đạo đức kinh, viết trên năm ngàn thẻ tre. Lão tháo cả xe quăng, cưỡi lên lưng Thanh Ngưu phất tay chào tên quan lại cuối cùng của triều đình. Ôi mới thanh thản làm sao. Thanh Ngưu lắc cặp sừng, cất tiếng:

- Ông vừa bỏ đạo?

- ồ thật thú vị, ngươi biết nói sao?

- Tôi nói được khi ra khỏi Chu. Kìa ông trả lời tôi đi chứ.

Lão Tử ngoảnh lại phía sau thoáng buồn, thoáng vui:

- Đạo có khắp nơi. Cái ta bỏ lại không phải đạo, chữ là phương tiện bất đắc dĩ của đạo.

Thanh Ngưu hỏi:

- Tôi sẽ đưa ông đi đâu?

- Xuôi nam theo bóng cánh chim Bằng.

- Ông thật lạ, lúc đầu sao không đi về nam.

- Ngươi muốn biết nhiều rồi đó. Chim Bằng khi vỗ cánh dời nam thì nó liệng sang tây lấy đà, sải cánh như đám mây che lấp cả mặt trời. Ta thuận cánh chim Bằng, trốn ánh mắt người nhà trời mà đi.

Thanh Ngưu mọc cánh cất mình khỏi mặt đất, nương mây ngàn bay qua Ba Thục, qua những cánh rừng, những bờ bãi, những núi đồi, những dòng sông muôn dặm trùng trùng. Trên cao ngàn trượng nhìn xuống mặt đất bao la, nhớ đến những chiêm nghiệm về vũ trụ, cái lớn cái nhỏ, cái trong cái ngoài qua nhúm chữ đã viết, Lão Tử, thấy cái mình biết chẳng đáng bao nhiêu.

Con Thanh Ngưu hát điệu Nam Xuân rền như sấm động:

Dời nam ...(xang) dời nam.

Theo bóng chim Bằng (xàng)

Trở về... (xê) nguồn cội (liu)...

Hồi cố... (xề) đất xưa (lìu)...

Lão Tử cười vang trên bầu trời, hỏi trâu xanh:

- Tại sao ngươi bảo "trở về nguồn cội"?

- Chẳng phải có lần tôi nghe ông bảo tổ tiên của ông là người Bách Việt từ miền nam lên chinh phục phương bắc đó ư.

- Ngươi có trí nhớ quá tốt. - Lão Tử khen.

Qua Hồ Động Đình, Thanh Ngưu bay dọc biên cương nước Văn Lang, bờ nam sông Dương Tử, hướng về đông. Đến núi Gấm, Thanh Ngưu thu cánh hạ mình xuống nghỉ chân. Lão Tử gác đầu lên đá trông xa tít biển Đông mù khơi, trời nước hòa một, vô chung vô thủy. Thanh Ngưu gặm cỏ gần đó, hỏi:

- Ông từng nói người thông thái không cần đi mà vẫn nhận thức được. Bây giờ ông thấy sao?

- Vấn đề ở chỗ đi thì biết thêm. Chẳng hạn ta đâu ngờ ngươi biết nói, ngươi có thể bay và còn có thể làm bạn cùng ta nữa.

- Thưa, không dám.

Bỗng thấy toán cướp năm bảy người trói gô một cô gái, vắt ngang lưng ngựa, phi nước đại từ rừng ra. Lão Tử cưỡi thanh ngưu đón đầu, choán cả lối đi, hỏi lớn:

- Cô gái ấy tội gì?

Tên cầm đầu người Hoa Hạ hung hãn, dữ dằn nhưng bỗng chờn. Tại sao con trâu xanh kềnh càng kia lướt nhanh hơn ngựa xích thố của hắn.

- Ta bán cô này. Ngươi có vàng thì đưa đây, bằng không tránh ra, lôi thôi ta chém.

Lão Tử giơ thỏi vàng, ra hiệu cởi trói cô gái. Cô gái phương nam da trắng, tóc dài, mặt mũi thất thần hoảng sợ, sụp lạy ơn cứu mạng. Đẹp quá hóa nguy đây mà, Lão Tử lẩm bẩm đỡ cô gái đứng dậy. Cái đụng chạm xác thịt đàn bà đầu tiên trong đời Lão, rung động đến từng chân lông. Cô gái xưng tên Xuân Hoa. Nàng đi giày đan bằng sợi đay, mặc xiêm điểm hoa vàng, áo chàm ngắn đến bụng, bên trong yếm đỏ che ngực, cổ áo rộng khoe một phần bờ vai trắng ngần. Trông nàng như một con ong xinh xinh nhiều màu sắc. Nàng Hoa khóc nấc, kể chuyện đi vào rừng hái măng thì gặp bọn cướp.

- Thật tệ, cướp cả đàn bà con gái đem bán. Bây giờ nàng đưa ta về nơi nàng ở.

Lão Tử nâng bổng nàng lên lưng Thanh Ngưu. Lão ngồi sau, hai tay choàng tới trước vịn dây cương, ôm trọn bờ vai Xuân Hoa. Thân thể đàn bà kì diệu thế này sao? Mềm - thơm - ấm - dịu dàng. Một vùng thần tiên nơi trần thế, Lão chưa hề biết. Thanh Ngưu bay theo sự chỉ dẫn của cánh tay nàng Hoa thon dài, xinh xắn. Đôi tay nhiều lông măng của nàng còn hằn đỏ vết trói bằng dây da, nhìn xót thương.

Kìa là núi Hồng nơi cha mẹ nàng sinh sống. Trên cao nhìn xuống ngút ngàn màu xanh ruộng lúa, ruộng dâu, ruộng mía. Thấp thoáng những nếp nhà tranh yên bình dưới bóng dừa, bóng cau. Nghe trong gió xuân hương đồng phảng phất. Thanh Ngưu hạ cánh bên bờ sông Lĩnh. Chiều đang buông trên sông, hơi nước bốc lên tụ thành sương như khói. Lão Tử cùng nàng Hoa sánh đôi đi trước, trâu xanh đi sau như vợ chồng vừa thăm đồng về. Trên con đường đất rộng rãi, sạch sẽ, thanh bình của buổi chiều vàng, nhiều phụ nữ mặc váy áo màu sáng, lưng gùi củi khô hay cỏ tươi cho gia súc. Đàn ông tóc búi, áo nâu bỏ vạc bên trái vác cày, dắt trâu. Các cô cậu bé nhảy chân sáo theo cha mẹ, ánh mắt trong veo, nụ cười rực sáng. Họ hoan hỉ mừng Xuân Hoa mất tích nay trở về.

Lão Tử được cha mẹ nàng Hoa gả con gái. Thanh Ngưu nói:

- Ông có ý định trọ nhờ ở ân?

- Ta thích nơi này.

Lão Tử theo đúng thế tục chàng rể Lạc Việt, vô núi Hồng đào sâu xuống lòng núi lấy đất sét trắng xắt mỏng phơi khô thành thứ bánh quí để hỏi vợ.

Trời phương nam xanh hơn, mây phương nam trắng hơn, cây phương nam tốt hơn, nước phương nam trong hơn, người phương nam đẹp, hồn hậu và chan hòa hơn. Ngày ngày Lão Tử cùng trâu xanh cày ruộng, trồng lúa, trồng bông. Nàng Hoa dệt vải, quay tơ, nấu cơm, nấu nước chè xanh chờ chồng. Cuộc đời mới lạ xảy đến, nó chưa hề có trong triết thuyết của Lão. Sự ngây thơ như cây cỏ của nàng Hoa bắc nhịp đạo vô vi của Lão Tử thành lẽ sống giản đơn, an hòa.

Một hôm Thanh Ngưu hỏi ý Lão:

- Ông có nên ra mắt vua Hùng?

Lão Tử vuốt chòm râu cằm được nhuộm đen bằng tinh dầu hà thủ ô:

- Chắc phải đi một chuyến.

Hôm sau, Lão Tử ngồi trên lưng Thanh Ngưu thong thả đến kinh đô Bạch Hạc, thủ phủ nước Văn Lang. Lão Tử lấy làm lạ rằng khá nhiều người dân kinh thành ăn mặc lối nhà nho phương bắc, đầu đội mũ tròn ra vẻ biết trời, chân đi giày vuông tỏ ra hiểu đất, lưng đeo vòng quyết để làm bộ rằng việc đến không từ. Lão rất ghét. Đám hủ nho đã đến đây ư? Quan lễ tân vào báo:

- Tâu bệ hạ, Lão Tử người nước Chu muốn ra mắt.

Vua Hùng Vương Thứ Mười Lăm cười rằng:

- Thầy Già đó sao, lại muốn bày ta trị quốc như Khâu chứ gì. Mời vào.

Vua Hùng cao lớn, mặt vuông cằm bạnh, đầu đội mũ rồng, áo lụa đỏ, quàng cổ dải lông chim phượng, dây lưng da beo tạc chim Lạc chạy quanh, chân đi hia dát đồng sáng choang, ngự triều buổi sáng.

Lão Tử quì trước sân rồng. Hùng Vương nói:

- Quì gối là lễ của kẻ làm tôi. Quan dân nước ta tuyệt không lễ với vua kiểu đó, mong ngài đứng dậy cho.

Lão Tử đứng dậy, cung kính:

- Nhĩ này giờ là thần dân của bệ hạ.

- ồ, ta nghe người ta tả ngài râu tóc trắng xóa, hình hài cổ quái, sao nay trông tráng kiện, đẹp đẽ thế kia. Ngài có điều chi muốn nói với quả nhân?

Lão thưa:

- Hình có lạ nhưng tâm nào có tổn, quên hình là theo được hình. Thần được biết bệ hạ cầm quyền mà thảo dân Văn Lang không để ý đến sự tồn tại của bệ hạ, sống yên vui, hòa hợp cùng thiên nhiên. Bệ hạ là bậc thánh nhân!

Hùng Vương:

- Ngài có quá lời chăng? Thời thầy Khâu bị dồn đuổi ở Ba Thục, sang ta tạm lánh. Khâu cặm cụi làm nhân, dày công làm nghĩa, xong xóc làm danh, sậm sột làm nhạc, khúm núm làm lễ nên quan trong triều ta bắt đầu cạnh khóe, bắt bẻ, thích khôn, tranh lợi, khoe tài, nêu đức. Cái tốt ngài thấy trong dân là nhờ tinh thần Đạo Việt của tộc Lạc Việt ta đó. May mà thói hư của quan chưa kịp lan tới dân.

Lão Tử ngửa mặt than:

- Khâu sinh sau ta nhưng ảnh hưởng trước ta rồi. Dám hỏi tinh thần Đạo Việt bệ hạ vừa nói thế nào?

Hùng Vương cho bãi triều, gọi rượu nếp ủ với mật ong, đàm đạo cùng Lão Tử:

- Đạo Việt của Lạc Việt đó là đạo an vi, không vô vi lánh đời, không hữu vi giành giựt, sống tích cực, tận lực cho mục đích hướng thiện, theo lẽ an nhiên, hợp với sự vận hành của vũ trụ. Đó là tham thiên lưỡng địa, sống là phát triển, vũ trụ vận hành đi lên với ba phần dương, hai phần âm. Đó là nhân chủ, thái hòa, tâm linh; trong quan hệ thiên - địa - nhân này con người là chủ, giữ vị trí tôn quý. Và đó là bình sản, cơ sở tồn tại xã hội.

- Nhĩ này xin mười phần kính phục. Thiên hạ an vui và hạnh phúc biết bao nếu tâm hồn mọi người thấm đẫm tinh thần Đạo Việt. Phải chăng nên gọi là minh triết Việt.

Hùng Vương dò ý Lão Tử:

- Ta làm gì với công hầu khanh tướng của ta đang bị "nhân, nghĩa" của Khâu gây tổn?

Lão Tử thưa:

- Nhốt "nhân nghĩa" của Khâu lại. Bệ hạ tạm lấy của cải làm lồng tất nhốt được kẻ tham giàu, lấy danh vị làm lồng tất nhốt được kẻ tham danh, để chờ ứng biến.

Lão Tử cáo lui. Hùng Vương nhắc:

- Ta thường đi săn ở núi Hồng nơi ngài ở, thuận tiện ta sẽ ghé thăm ngài. Phần ngài, tiện khi nào đều có thể đến với ta. Chắc ngài rõ ta với ngài cùng là con dân Bách Việt?

Lão Tử ra, Thanh Ngưu hỏi:

- Ông bàn gì với vua Hùng?

- Lo gỡ bỏ cách làm đạo của Khâu. Ôi xứ phương nam xa xôi, hiền hòa này mà Khâu cũng đã đến đây gieo họa. Hắn là ai đòi ôm lấy cái lo muôn đời, thiệt là hợm hĩnh. Kể về chỗ dụng tâm, hắn hơn gì kẻ bất nhân tham giàu vậy.

Sau mười ngày, một sáng tinh mơ lều tranh của Lão còn chìm trong sương núi, vua Hùng tách khỏi đám tùy tùng trên đường vô rừng trúc, một mình một ngựa đến thăm Lão. Lão Tử ra ngoài lều tranh nghênh đón, đưa nhà vua ra thăm ruộng dâu khi ánh nắng đầu tiên trong ngày vừa rọi đến. Vua nói:

- Tổ tiên ta trí tuy trùm thiên hạ mà không tự nghĩ, tài năng tuy cùng trong bể mà không tự làm, công đầy nhân gian mà không tự biết. Khâu đến bày ra nào nhân, nào nghĩa, nào lễ mới có kẻ giả nhân, giả nghĩa, giả lễ.

Lão Tử nói:

- ồ, xảy đến bất nhân, bất nghĩa, bất lễ chỉ còn là tiệm tiến. Cho dẫu có kẻ thật nhân, thật nghĩa, thật lễ mà vô kỷ (không quên mình) đều là đầu mối của loạn.

Hùng Vương nói:

- Quả nhân xử thế nào với đám quan triều đình

- Trở lại cái thường nhiên. Cái vẹo không cần uốn, cái thẳng không cần nảy mực, cái tròn không cần khuôn, cái vuông không cần thước, bó buộc mà không cần dây nhợ.

- Có dễ chăng? - Vua Hùng thở dài.

Đám tùy tùng nhà vua khó chịu khi thấy chủ tỏ ra quí mến và sủng ái Lão Tử, sợ Lão sẽ theo vua về triều đình cản đường lợi danh của chúng. Trong khi vua Hùng và Lão Tử tiêu dao, luận bàn minh triết Việt, chúng bày mưu giết con trâu xanh để bó chân Lão khỏi về với triều đình.

Thanh Ngưu đang ăn cỏ trên bờ sông Lĩnh. Gió bấc đầu thu thổi nhẹ ngược dòng chảy, sông Lĩnh nổi sóng vỗ bờ, ăm ắp nước. Kẻ thủ ác nghe tiếng đồn trâu thần phi nhanh hơn ngựa, sợ không giết được, nguy thân. Chúng bèn tẩm độc các mũi tên, giương cung cùng lúc, hạ thủ xong liền trốn chạy. Thanh Ngưu trúng tên tẩm thuốc, ngã lăn ra trảng cỏ xanh. Lão Tử đến nơi kêu khóc:

- Thanh Ngưu, ngươi bỏ ta sao?

Nó thưa:

- Là người, tôi chưa sống. Là vật, tôi chưa chết. Tôi không còn lo cái ăn cho hình xác, chẳng phải tốt hơn sao. Không cần truy kẻ bắn cung. Ông chẳng từng nói, coi một sống với chết, xem bằng phải với trái. Ông lấy cặp sừng tôi mà đem về.

Lão Tử đem cặp sừng Thanh Ngưu treo ở vách chỗ mình nằm. Cặp sừng nói:

- Ông cần đi xa thì cầm lấy cặp sừng, tôi vẫn có thể bay đi.

Nàng Hoa thấy vua Hùng thường ghé lều cỏ bàn chuyện trị nước với Lão Tử. Nhất là chuyện nhà vua muốn vời Lão ra làm quan, còn nói: "Phu nhân của khanh về kinh thành, khó có ai bì kịp nhan sắc, khanh cũng nên nghĩ cho nàng ấy". Xuân Hoa nghe cứ xốn xang, rộn ràng trong lòng. Nàng bảo:

- Phu quân sao không nghe vua cho thiếp được nhờ.

Lão Tử hỏi:

- Nàng bảo nhờ gì ta không hiểu? Ta là dân thường, dệt mà mặc, cày mà ăn. Giản dị thì dễ nuôi, không cậy nhờ thì không trả nghĩa.

Nàng Hoa phụng phịu, nhíu mày, xinh xắn lạ thường:

- Chàng thiệt là. Chàng làm quan, thiếp theo về kinh thành được mặc đẹp, ăn cao lương...

- ồ kỳ lạ, nàng ở nơi thâm sơn cùng cốc này nghe ai, theo ai, xem ai mà lòng sậm sột, triết thuyết của ta sai sao?

Lão Tử nghĩ cho cùng, ước vọng của vợ cũng thường tình. Nghe vợ, Lão nhận chức quan tri huyện Liên Trì, vùng ven phía tây thành Bạch Hạc. Lão cũng muốn thử triết thuyết vô vi xem sao, nên không muốn nhận chức quan Ngự sử túc trực trong triều, can gián việc quan quân. Dân Liên Trì hiền lành, thân thiện cùng thiên nhiên, sống với nhau hòa đồng nhân ái. Lão làm quan mà như không làm.

Nàng Hoa lo lắng:

- Sao phu quân không làm gì cả. Không sổ sách, không xét xử, không họp bàn?

- Ta không làm mà việc gì chẳng làm. Vì không làm trái tự nhiên nên nàng không thấy đó thôi.

Nàng Hoa thường thấy hào kiệt, nhân sĩ đến ra mắt Lão Tử, giữ lễ của kẻ học đạo, kính trọng hết mực. Nàng bảo với phu quân:

- Nghe thiên hạ bảo chàng là thầy của các bậc thầy, sao chàng không mở lớp dạy học?

- Trò của trò ta là trò của ta. Trò ta dạy tức là ta đã dạy. Ta cũng vừa dạy xong và trò đã đi, sao nàng bảo ta không dạy. Có trường lớp, có sách vở thì đâu còn dạy nữa, đó là nơi chỉ cách học, cách làm, chỉ cách sống chung, cách sáng tạo mà thôi.

Xuân Hoa ù tai với Lão Tử. Cái nàng cần giản đơn là danh, phận và lợi. Một hôm nàng dỗi:

- Chàng chết quách đi.

- Sống đó mà chết, chết đó mà sống. Nàng biết gì về lẽ sống chết, sinh diệt trong vũ trụ này?

Xuân Hoa bĩu môi, hờn:

- Thiếp điên mất kiểu lý sự của chàng.

Nàng hờn dỗi lại càng xinh đẹp, đáng yêu lắm. Dễ chừng Lão Tử điên chứ không phải nàng Hoa điên. Xuân Hoa thường cùng gia nhân về kinh thành Bạch Hạc mua sắm, gặp gỡ các mệnh phụ sang trọng, các quan lại hào hoa. Nàng choáng ngợp những lời tán tỉnh, những phỉnh nịnh mỹ miều. Nàng chỉ là vợ quan tri huyện nhưng vua Hùng quí trọng Lão Tử, mến mộ nhan sắc của nàng nên vẫn thường vời nàng vào cung dự tiệc, xem hát.

Ngày kia công tử Thục dẫn quân chinh phạt giặc phương bắc, ca khúc khải hoàn trở về Bạch Hạc. Hắn gặp Xuân Hoa đang thử yếm ở tiệm vải. Hắn xuất hiện hiên ngang, oai vệ. Nàng Hoa thất thần, chết lặng với cái nhìn của hắn. Cô nàng kiều diễm giữa chốn kinh thành này sao hắn chưa biết nhỉ? Hắn quyết tâm ve vãn.

Nàng Hoa bỏ Lão theo công tử Thục, con vị quan tể tướng trong triều. Nàng tưởng rằng sự sung sướng còn có thể tìm thấy nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Quan trong triều hỉ hả trút được cái tức bấy lâu: "Nếu Lão làm Ngự sử trung tán, cận kề nhà vua thì công tử Thục có mọc tám sừng cũng không dám làm càn. Đạo của Lão chưa cao, chưa thâm". Nói xong họ cùng cười to, nhạo báng.

Tể tướng từng cho Thục theo đòi nhân nghĩa của Khâu nên hắn mới sinh trí trá, khoe công, tự đắc. Hắn quyến rũ nàng Hoa nhưng tự cho mình là trí, là hiệp. Hắn lấy nàng Hoa làm tì thiếp nhưng tự cho mình là nhân, là nghĩa. Ôi chao, đạo nhân nghĩa của Khâu là đầu mối của loạn, là gốc của mất đức, là nguồn của mất nước. Công, danh, lợi, vị kỷ thấm sâu trong hắn rồi.

Hùng Vương bắt Thục trị tội. Lão Tử can:

- Nhĩ này với nàng Hoa như cá ở cạn. Hà hơi, thấm dãi, thương nhau như thế, nhưng than ôi, đành quên nhau về với sông hồ vậy. Tội không phải ở Xuân Hoa, ở Thục mà là ở Nhĩ ta.

Lão Tử hẫng hụt thất vọng từ quan:

- Tâu bệ hạ, bệ hạ bỏ lỗi, đạo của Nhĩ vừa đủ để tu thân, tự trị, hợp với tuổi già, không hợp số đông. Đạo có dư ra đâu mà tề gia, trị quốc. May còn Đạo Việt của bệ hạ.

Lão Tử ngảnh mặt phương bắc, than: "Khâu kia, ngươi làm ta khốn từ Chu sang đất Văn Lang này". Lão Tử rũ tay áo, cầm sừng Thanh Ngưu, theo bóng chim Bằng đi tiếp về phương nam, kết cục ra sao không ai biết.

Dời nam...(xang) dời nam.

Theo bóng chim Bằng (xàng)

Trở về... (xê) nguồn cội (liu)...

Hồi cố... (xề) đất xưa (lìu)...

Người ta tính Lão Tử ở Văn Lang được năm năm. Cái Lão Tử làm được lúc đó là góp công cùng vua Hùng nhốt "đạo" của Khâu quanh quẩn trong quan lại triều đình, ngăn không cho lan ra dân lành Lạc Việt.

 

Bài được đăng trên báo Văn nghệ (TW) số 23 / 4 / 2011

 


Phamngochien.com - 19:03 - 05/05/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận