Nhớ mùa mưa xa lắc (Lê Nguyên Phú)

Sài gòn năm nay mưa nhiều. Tiết trời đã chuyển sang đông, song vẫn cứ sụt sùi từng cơn. Do biến đổi khí hậu hay sao đấy mà mưa cứ mãi miết, khó tìm thấy dáng xưa của "Cơn mưa bất chợt" theo kiểu Sài thành. Chiều chủ nhật, chẳng biết làm gì, xem ti vi hoài cũng chán, lại mở cửa nhìn mưa, nhớ lại câu nói cửa miệng của dân làng quê mình:

"Ông tha mà bà chẳng tha

Làm ra cây lụt hăm ba tháng mười"...

Đối với người dân miền Trung nói chung và quê tôi nói riêng, ai nấy đều thuộc nằm lòng câu ca dao thời tiết nói trên để tiến hành nông vụ. Thu hoạch vụ lúa tháng tám xong, hầu như cả làng chẳng làm gì nhiều, ngoài việc nằm chờ đón mùa mưa bão. Nhà nào cũng xem lại mái, thay ngói hoặc chằng lại tấm tôn. Lúa thóc được chuyển lên cao hơn mực nước lụt năm lớn nhất, rồi mì tôm, thức uống, đủ loại dự trữ cho những ngày bất trắc có thể ập đến.

Tôi vẫn nhớ như in những tháng ngày mưa dầm gió bấc. Trẻ con mang áo mưa nhựa đi học, còn người lớn chủ yếu quàng áo tơi chằm bằng lá cọ đi ra đồng đơm lờ, thả câu đủ loại: câu giăng, câu cắm, câu thả, rồi đứng nhá - một loại ngư cụ trông hình thù như cái vó ở các tỉnh phía Bắc, nhưng lớn hơn nhiều. Người ta dùng các gọng tre gai buộc thành hình vòm để treo võng lưới sợi nhỏ hình gần tròn ở phía dưới. Khi sử dụng, phải dùng đến hai chân kẹp cây cần trên gọng nhá, còn hai tay đỡ cần từ từ thả xuống nước, rồi kéo lưới lên. Nhà nào ở cuối đồng, ruộng nằm dưới thấp thường chặn nước, làm đăng để đón khi nước rút, cá cũng trôi theo. Nghĩa là dân làng sử dụng mọi phương tiện thủ công để đánh, bắt cá, thường để cải thiện bữa ăn, nhiều thì muối, hoặc mang ra chợ bán...

Vào lúc gió nồm tháng ba, tháng tư, được mùa cá cơm, mực, cá nục, cá ồ,..., các bà nội trợ chờ khi giá rẻ như cho, mua về để muối trong các hũ sành đủ loại kích cỡ tùy theo số người trong nhà. Cá mực được bỏ từng lớp vào trong hũ, rồi rải lớp muối hạt vừa đủ, cứ thế đến khoảng hơn hai phần ba hũ một tí là thôi.

Sau khi thả cá, mực vào hũ sành, xong trát lên miệng lớp đất sét, rồi mang ra ngoài trời giang nắng phơi sương. Đến gần mùa mưa thì mẹ lại mang hũ vào nhà, làm thức ăn dự trữ.

Trời mưa mãi chẳng ai có thể đi ra đồng bắt được con cá, con tôm, hoặc lúc biển động, đi chợ chẳng thấy con cá biển nào, lúc đó mẹ tôi mới lấy hũ sành, cạy hết lớp đất sét ra để gắp lấy thức ăn muối đã chín tới. Đối với cá cơm, mực muối có thể ăn sống được mà chẳng cần phải đun lại. Chỉ cần ít đường, ít tỏi, ớt giã nhuyễn, vài lát khế, thơm hoặc có thể thêm trái cà dĩa được xắt lát bỏ vào chén, rồi trộn đều với cá, mực muối, ăn với cơm nấu trong nồi đồng cháy sém bên hông thì chỉ có nước thủng nồi mà thôi. Còn nếu bụng dạ không được yên bình lắm thì có thể chưng cách thủy, nghĩa là cùng cách chế biến như trên, nhưng bỏ tô nguyên liệu vào xoong nước, đậy nắp lại, đun riu riu lửa để thức ăn chín từ từ.

Ăn cá biển muối mãi cũng chán, cha tôi đi đánh lưới, có khi thả câu, đánh lờ. Mẹ tôi lại chế biến các món ăn quê truyền thống, canh ngọt cá diết, hoặc cá nhét, cá rô, cá sặt kho tương. Nấu với cá đồng các loại. Cho dù là kho hay làm canh, mẹ tôi đều nêm vài lá gừng bánh tẻ xắt nhỏ. Khi cá chín, mùi thơm như hòa quyện, lan tỏa khắp cả nhà. Chẳng hiểu vì sao, trời mưa lạnh lẽo chỉ ngồi nhìn nhau, chẳng phải làm gì, nhưng ăn xong thì lại đói ngay và thùng gạo như vơi nhanh hơn thường ngày. Đúng như người dân quê tôi có câu: Miệng ăn, núi lở.

Giờ, dẫu cho trời mưa hay nắng, cứ vào siêu thị thì thứ gì cũng có, từ món ăn dân giã như tương bần đến các loại cao cấp như hải sản, thịt bò trời tây. Tôi đi tha hương đã lâu, thử, nếm đủ món ngon vật lạ, từ hương vị ngọt ngào đến cay đắng của xứ người, nhưng lúc nào cũng nhớ đến mùi thơm của xoong cá đồng do cha tôi đánh lưới kho với tương đỗ mèo của mẹ tôi ủ. Nhớ đến món cá rô nướng dầm nước mắm ớt giã nhuyễn với ngò thơm, cay xé trong lưỡi, ăn ngon đến chảy nước mắt.

Giờ, món ăn xưa vẫn làm cay xé lòng người, nước mắt vẫn cứ chảy ra, có lẽ là vì nhớ quê, là vì ngon, song cái chính là vì cha tôi không còn nữa. Người đã đi xa hơn hai mươi năm, để lại những thùng dừa cảnh, lá gấm cảnh vàng vọt vì thiếu bàn tay ai chăm sóc, và phía bên trên trần, chiếc lưới sợi nhỏ làm nhá rách nát ngày nào sao vẫn còn sót lại, dẫu cho bao lần di chuyển nhà.

Tôi thẩn thờ nhìn hạt mưa cuối mùa, ngồi đếm thời gian chạy ngược, để nhớ về thời xưa - thời không bao giờ trở lại, rồi bất giác tay đưa gõ nhịp, miệng cứ ngân nga câu thơ cũ, nay chẳng còn biết của ai được nữa:

Trời buồn mưa mãi giăng sầu

Cảnh xưa còn đấy người đâu mất rồi...".

 


Phamngochien.com - 07:06 - 23/04/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận