Nhớ cụ Tú Xương và "Ba thứ lăng nhăng..." (Yên Lê - Hà Nội)

.

Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được thứ nào hay thứ ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà !

Nói đến Tú Xương ai mà không biết đến những bài thơ nổi tiếng, đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Việt Nam như: Thương Vợ, Chúc Tết, Chữ Nho, Đi Thi, Buồn Thi Hỏng.....vv

Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870, ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (hiện nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định). Ông xuất thân từ một nho gia. Tuy nhiên đường khoa cử của Ông lận đận, đi thi từ năm 15 tuổi nhưng mãi đến 24 tuổi Tú Xương mới đậu tú tài, mà lại là tú tài thiên thủ (lấy thêm) nên Ông có bút danh là Tú Xương. 

Năm 1907 Tú Xương đột ngột qua đời, để lại bao nuối tiếc cho văn đàn thi ca Việt Nam, năm đó Ông mới 37 tuổi.  Cuộc đời của Tú Xương là những tháng ngày buồn chán, bi thương nhất, cái  bi thương củaTú Xương không phải vì nghèo khổ về vật chất mà cao xa hơn, là vì cái sự học hành chưa đỗ đạt. Có lẽ vì thế mà, trong nền văn học cận đại, chỉ có Tú Xương mới cảm nhận được tận cùng cái đau đớn, xót xa của kẻ sĩ bị thất bạị trong thi cử:

              Buồn Thi Hỏng
Bụng buồn còn muốn nói năng chi?
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì !
Được gần trường ốc vùng Nam Định
Thua mãi anh em cánh Bắc Kỳ.
Rõ thực nôm hay mà chữ tốt
Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui

Xã hội  Việt Nam lúc bấy giờ rất coi trọng bằng cấp , học hành nhưng cái bằng tú tài thì thuộc loại dang dở, dở dang, muốn làm quan cũng không được mà làm lính cũng chẳng xong. Thế nên Ông Tú đã phải dày công khổ luyện đi thi, mục đích đậu được cử nhân. Nhưng rồi thời thế, thế thời đã đưa đẩy ông, một con người có tài, có tâm, có chí lớn, muốn giúp nước giúp dân phải ôm hận tang bồng.  Có lúc Tú Xương thấy chán ngán cái sự học hành, chán đến mức ông phải thốt lên những lời đầy cay nghiệt:

              Chữ Nho
Nào có ra gì cái chữ nho !
Ông nghè, ông Cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm ông Phán
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò !

Bàn về Tú Xương  trước hết ta phải minh định một điều rằng, Ông là  một nghệ sĩ tài năng, xuất chúng, không những thế Ông còn là một trí thức phong kiến, có những tư tưởng canh tân.

Thơ Tú Xương phản ánh một một bức tranh  với những gam màu xám xịt, dường như chỉ có tệ nạn, đau buồn. Đó cũng là tâm trạng đau đớn, bi quan của một trí thức bất đắc chí, bất lực trước hoàn cảnh của đất nước, trong buổi giao thời khi người Pháp vừa hoàn thành xong quá trình xâm lược Việt Nam, khi nền tảng đạo đức xã hội ngày càng suy đồi, khi những giá trị tốt đẹp của xã hội cũ bị mất uy tín và mai một dần. Điều này được ông phản ánh rất chân thực qua khổ thơ cuối cùng của bài thơ Chúc Tết:

Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.

Một điều đặc biệt hơn nữa trong thơ Tú Xương đó là hình ảnh người vợ mà cụ thể là Bà Tú được thể hiện vô cùng chân thực nhưng không kém phần chua chát. Chính Tú Xương đã phải khóc than  thay cho thân phận nổi trôi của vợ mình:

                  Thương Vợ
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không!

Nhớ cụ Tú Xương ta lại liên tưởng đến thực tại của xã hội ngày nay. Chắc chắn không hiếm gặp những con người như Tú Xương, cũng có tài năng đấy, có đức độ đấy nhưng đứng trước thời buổi " giao thoa" của đất nước, trước cái cũ và cái mới, trước lợi ích kinh tế và thể chế chính trị, trước cái thật và cái giả.....

Biết làm sao được! Thôi thì đành chấp nhận vậy!  Bởi vì:

"Cái học nhà nho đã hỏng rồi, 
Mười người đi học, chín người thôi "

YÊN LÊ

 


Phamngochien.com - 08:41 - 08/06/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận