Người gieo trồng ký ức (Sơn Trần - Quảng Ngãi)

.

    Buổi sáng đánh thức, bắt ông Thiện rời giường bao giờ cũng là những tạp âm quen thuộc nghe mãi đâm chán. Đầu tiên là tiếng gọi con dậy đi học, nhiều khi thúc giục, gắt gỏng của vợ chồng con trai. Tiếp theo là tiếng rổn rảng va vào nhau của sợi xích và âm thanh khô khốc, vô cảm của chiếc khóa cổng to bằng bàn tay...Cô con dâu hoặc con trai hắng giọng nói vọng vào trong nhà rằng bọn con đi làm đây, tiếng chân chống "cạch" lên rồi chiếc xe máy vù đi, xa dần. Như thành lệ, ông Thiện nhổm dậy, chậm bước ra hiên, nơi đặt chiếc bàn thấp và mấy cái ghế con. Cô con dâu đã chuẩn bị sẵn bữa sáng, khi thì ổ bánh mì hay tô bún, lúc thì gói xôi... và một bình trà đậm. Có hôm thêm tờ báo mà nhân viên bưu điện nhét vội qua cổng sáng sớm.

   Ông Thiện từ quê lên ở với vợ chồng  con trai đến nay chừng nửa năm, sau khi mãn tang vợ. Lúc đầu ông không chịu,vì còn hương khói cho ông bà tổ tiên, rồi  vườn tược, con lợn và bầy gà nữa. Thấy các con thuyết phục mãi, lại có lý là tiện chăm sóc ông, khi chúng đều có công việc không thể về quê ở được, ông đành miễn cưỡng theo chúng. Mấy ngày đầu nhở quê, nhớ một khoảng không gian rộng rãi trước nhà là cánh đồng , dòng sông, gò bãi, nhớ mấy ông bạn xóm giềng, nhớ tiếng gà gáy, tiếng lợn kêu ông không tài nào ngủ được.Làm sao ông có thể quên mau khi đã gắn bó gần hết cuộc đời nơi chốn quê yên bình đậm tình người kia chứ. Mỗi sáng dậy là í ới mời nhau li trà hay những buổi trưa đi làm đồng, tránh nắng dưới hàng dừa đầu làng rôm rả chuyện đồng áng, chuyện con cái. Những bông lúa cong oằn hạt mẩy, những luống rau xanh mướt làm ấm lòng người dân quê chân chất thiệt thà. Rồi những đêm mưa gió, lũ lụt nữa, khi các con chưa về kịp, ông cũng được dân quân hay hàng xóm tới hỏi han, giúp buộc lại cái kèo, chèn lại cái chái bếp bị gió hất tung.Nằm một mình trong căn nhà cũ kĩ, nơi lần lượt ba đứa con ông chào đời ông thấy lòng ấm áp và nghĩ rằng không bao giờ xa chốn này được. Vậy mà giờ ông đã khó có dịp trở về, vì các con bận việc đi suốt. Hàng ngày ông thơ thẩn vào ra. Hết ngồi lại nằm.Cái ti vi màn hình phẳng thì nhiều nút, nhiều kênh ông lại không rành. Buồn lắm. Còn bàn thờ vợ ông thì được con trai mang lên, nhưng đặt trên gác ốp mái vì nhà chật. Muốn lên thắp hương ông phải đi hai chục bậc cầu thang, mà ông thì già rồi, chân run lại mỏi nữa nên khong thể lên xuống nhiều được. Nhiều lúc nhớ bà quá, ông bấm bụng lần từng bước để lên nói chuyện với bà. Ông thủ thỉ mọi chuyện,y như rằng bà còn sống,đang  đối diện với ông vậy. Có hôm ông lên thắp hương cho bà vào lúc trưa, mái tôn nóng rang, mồ hôi nhễ nhại, ông hỏi bà nóng như thế này bà chịu được không, hay là tui bảo tụi nó mang bà về quê cho mát. Đồng rộng,vườn xanh, sông mát tha hồ tận hưởng. Ở đây ngột ngạt quá tui cũng chịu không nỗi rồi.

   Mà làm sao ông chịu được khi suốt ngày bị giam trong ngôi nhà chưa đầy một trăm mét vuông này. Vợ chồng con trai  cũng vô lý, không cho ông tiếp xúc với ai cả. Hễ ai có việc gì cần liên hệ, cứ để họ đứng ngoài cổng, chứ không được mời vào nhà. Mà muốn vào nhà , ông cũng chả có chìa khóa mở cổng. Dạo mới lên thì ông được cô con dâu giao cho chùm chìa khóa và dặn đi dặn lại đủ điều. Ông hiểu cả và thực hành đúng trong mấy ngày đầu .Đến ngày thứ năm, buồn chân buồn tay ông lò dò mở cổng và lân la với mấy người hàng xóm đang ngồi nói chuyện ở quán nước cạnh nhà. Phải nói là ông rất vui vì được trò chuyện với mọi người. Họ thân tình, cởi mở hỏi thăm ông nhiều lắm. Không như mấy lời cảnh giác của cô con dâu, rằng họ thế này thế nọ. Con hẻm dài ngoằn, hơn trăm căn nhà san sát nhau, người ta sống chen chúc , mỗi người mỗi việc. Sáng sớm là kéo nhau đi,tản ra khắp nơi để mưu sinh, đến chiều tối mới về. Ồn ào chặp lát rồi ai về nhà nấy. Thành thử ông Thiện chỉ gặp mấy người già, có người cũng  từ quê lên trông cháu, coi nhà. Hôm ấy, ông định bụng về sẽ nói con trai mua bộ cờ tướng để ông với mấy ông bạn già mới quen giải khuây. Nhưng rồi, khi biết ông mở cổng ra ngoài, cô con dâu nhấm nhẳng, mặt nặng mày nhẹ với chồng. Đến bữa còn liếc mắt, bảo chồng nói gì đi chứ. Ông biết vợ chồng con trai không hài lòng nhưng chưa biết mở lời như thế nào thì cô con dâu đã rào trước đón sau làm ông giật mình, miếng ăn đang kề miệng như muốn chuồi xuống, rơi ra. Hôm nay chắc bố thấy vui lắm nhỉ? Câu hỏi đơn giản thôi nhưng giọng lưỡi của nó sao mà ngoa ngoét. Ông đặt đũa xuống mâm nhìn cô con dâu rồi dừng mắt thẳng mặt con trai, giọng ông nhỏ,từng tiếng một, uất ức. Bố biết các con không thích bố ra ngoài tiếp xúc với hàng xóm nhưng bố cũng nói thật,bố không thể bị cầm tù suốt ngày được. Bố không chịu được đâu, hãy cho bố vè quê! Về quê còn có bà con lối xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Ở đây, nói dại, khi các con đi làm, bố bị ngã hay bị bệnh thì biết làm sao? Hai mắt ông Thiện hoe đỏ. Người ta thường bảo, người già hay xúc động, mủi lòng. Ông Thiện cũng thế, nhưng đằng sau giọt nước mắt mà người già thường để rớt xuống, lăn dài trên hai gò má nhăn nheo còn là giọt nước mắt tủi hờn, đắng đót. Nói xong, ông bỏ chén đi vô phòng nằm.

   Từ hôm đó, ông Thiện thấy " dễ thở " hơn.Vợ chồng con trai cảm thấy có lỗi nhưng cũng dặn dò ông rất nhiều. Ông ậm ừ làm theo. Con trai còn mua cho ông bộ cờ tướng, thỉnh thoảng có mấy ông già qua đánh cờ, uống trà và chuyện phiếm. Một hôm ông qua nhà một người bạn mới quen, cách nhà mấy căn lại rẽ vô ngách nhỏ. Ông ồ lên như đứa trẻ được quà. Trong khoảng sân nhỏ, người bạn dành một phần rộng bằng đường bừa,chiều dài chừng dăm bước chân trồng rất nhiều loại rau từ mồng tơi,rau cải,xà lách đến hành,ngỏ,rau thơm. Mỗi loại một ô vuông như cái bàn cờ. Một màu xanh mướt mắt. Ông cảm thấy rưng rưng như tìm thấy cái gì đó từng thân thuộc đã vuột mất. Bà vợ người bạn đang  tỉa mấy cây rau cải chuẩn bị bữa trưa dừng tay khi thấy ông đứng sững nhìn khóm rau như thế. Có chừng này thôi, nhưng cũng cải thiện được bữa ăn ông à. Bà tươi cười, phân trần. Ông Thiện thì đang đuổi theo dòng suy nghĩ khác đang cuộn trào trong đầu.Về nhà, ông đi lui đi tới trong khoảng sân hẹp, rồi đo chỗ này ướm chỗ kia. Con trai thấy bố lạ quá, gặng hỏi. Ông cười, ánh mắt sáng lên lấp lánh. Suốt  cả buổi chiều nữa, ông Thiện chui vào cái góc xéo ở cuối nhà, cạnh phòng vệ sinh lục tung đồ đạc cũ, bị bỏ đi tìm mấy rổ rá rách, thùng xốp và khay nhựa hỏng. Tất cả được ông cọ rửa sạch sẽ rồi xếp ngay ngắn. Đêm ấy, sau khi thắp hương cho vợ, ông lên giường sớm, không coi bóng đá như mọi hôm. Con trai sợ bố ốm, hỏi thăm nhưng ông lắc đầu, quay mặt vào trong vách.

   Dù trằn trọc đến khuya mới ngủ được nhưng sáng đó ông dậy sớm hơn mọi ngày, khi cả nhà còn im ắng, lúc con hẻm ngoài kia cũng vừa vặn mình thức giấc.Ông ra hiên ngồi, nhìn ra đường, lác đác đã có người đi làm, những người bán hàng ăn cũng lướt qua mang theo tiếng rao hãy còn ngái ngủ.Ông cảm thấy yên bình và trong lành lắm. Hình như đêm qua trời mưa thì phải. Hay là sương nhiều? Ông Thiện ngước lên tán lộc vừng nơi góc tường, trên ấy những giọt nước còn đọng lại, long lanh. Mặt trời cũng vừa ló dạng, từng tia nắng rực rỡ tinh khôi buông nhẹ trước sân. Gió sớm cũng theo về, mang hơi lạnh của tiết giao mùa thật khẽ khàng.  Châm một bình trà đậm, ông Thiện rót vào chiếc ly be bé màu xanh ngọc. Màu vàng sánh của nước trà khiến mắt ông cũng ngời lên thích thú. Nâng chiếc ly ngang mặt, ông chưa vội uống mà như muốn tận hưởng làn hơi đang bốc lên nhè nhẹ...Có lẽ từ ngày lên đây,ông chưa có cảm giác thoải mái như vậy. Hai vợ chồng con trai bất ngờ và ngạc nhiên trước sự thay đổi của bố. Nhưng không ai dám lên tiếng cả. Cô con dâu lẳng lặng mở cổng đi mua đồ ăn sáng còn con trai thì làm mấy động tác thể dục cho xẹp bớt cái bụng ngày càng phưỡn ra trước khi dắt xe ra sân. Ông Thiện cũng không nói gì chỉ kín đáo đưa mắt nhìn...Chắc tụi nó cũng đang chột dạ lắm, nghĩ rằng đã làm phật lòng ông nên ông giận mà không nói năng gì cả. Cô con dâu nhẹ nhàng đặt bát cháo trên bàn, mời ông rồi quày quả vô nhà gọi con dậy đi học.

  Hì hục, bưng bê, san sớt gần một buổi, cuối cùng công việc đã xong.Ông Thiện lấy tay quệt mố hôi đang nhỏ từng dòng trên trán, chảy vào mắt cay xè. Ông không thấy mệt chút nào mà như khỏe ra. Nay mai từ những chiếc khay nhựa đươc xếp ngay ngắn cùng những thùng xốp, rổ rá rách nơi góc sân kia sẽ mọc lên không những rau cải, mồng tơi mà còn lúa, ngô nữa. Ông muốn mang không khí quê nhà vào chốn thị thành để vơi đi niềm khắc khoải nhớ nhung. Đã mấy ngày ông trăn trở và  đi tìm mua hạt giống về gieo. Biết là mấy đứa con, nhất là cô con dâu không ưng ý nhưng ông không thể không làm được. Chính vì không hài lòng  nên chiều hôm ấy đi làm về, cô con dâu đã há hốc mồm trước thành quả của bố chồng. Cô lật đật đi tìm ông lúc ông đang ngồi tâm sự trước di ảnh vợ trên gác. Con trai cũng kịp về nên mọi giận dữ cô con dâu đã trút hết sang chồng. Ngồi trên gác ông nghe rõ từng lời chì chiết mà cô con dâu tuôn ra. Con trai có lẽ sợ bố buồn nên ôn tồn hơn nhưng cái tính nhu nhược của nó bị át đi giữa những lí lẽ có phần thắng thế của vợ nó. Suốt bữa tối, không ai nói với ai một câu nào. Hai vợ chồng con trai cứ cúi gằm mặt mà ăn cho xong lượt. Cảm giác ngột ngạt vây lấy. Ông muốn nói gì đó lắm nhưng có điều gì oan ức, ngăn lại, khiến ông mở lời không được. Mà có gì đâu cơ chứ, ông trấn an, bố chỉ gieo trồng mấy loại hoa màu quen thuộc thôi mà. Các con biết đấy, chính những loại rau mà các con hay mua về nấu canh hay luộc  kia đã nuôi sống cả nhà ta lúc cơ hàn đấy. Hãy đợi xem, khoảng sân nhỏ sẽ tràn ngập màu xanh, những kỉ niệm tuổi thơ của con sẽ ùa về, vui lắm đẹp lắm... Ông Thiện đang đắm chìm trong dòng kí ức miên man thì thằng cháu nội học lớp ba đến bíu vai ông đòi kể chuyện cổ tích. Ông ậm ừ rồi dắt nó vào phòng. Nó cũng thích ngủ cùng ông lắm. Nó nói rất thương ông, muốn ông dắt đi chơi công viên như ông bà của bạn nó. Sao ông không được vui, ông không cười nhiều như mấy ông già bên hàng xóm. Họ hay nói,hay cười mà giọng nói tiếng cười của họ mới to ,mới sảng khoái làm sao. Thằng bé láu lỉnh hỏi ông nhiều lắm. Hè này nó muốn về quê chơi, chứ từ hồi giờ nó chưa biết quê là gì. Mẹ thì bảo quê nghèo lắm, buồn lắm, toàn muỗi với bùn lầy. Thằng bé còn hồ hởi, con thích nhất được xem mấy con trâu lưng trần đen bóng,đầm mình dưới ao như trong ti vi, con lại thích đi thả diều trên cánh đồng vừa gặt, thơm mùi rơm rạ có trong sách giáo khoa  mà cô giáo đã dạy. Nghe cháu nội nói vậy, ông Thiện đã khóc. Nước mắt ướt đầm đôi má nhăn nheo ,thấm qua bàn tay con trẻ đang lần tìm vuốt từng sợi râu bạc của ông. Thằng bé giật mình, hỏi sao ông lại khóc? Ông chỉ biết ôm chặt cháu vào lòng.

   Những mầm xanh từ các ô vuông, ô tròn kia đã nhú.Ông Thiện dậy sớm săm soi, ngắm nghía. Có khi còn chạm tay vào từng lá non mềm mại, rồi thật nhẹ nhàng ông vuốt từng chiếc một giống như đang nâng niu một cái gì quý giá. Mà không quý, không thương sao được. Đấy là một góc quê có cả vườn tược, ruộng đồng và dòng sông hiền hòa xanh vắt. Ông như đang thấy mình đi giữa những luống rau, vạch từng nách lá coi có sâu rầy hay không để kịp thời có cách phòng trừ. Rồi ông như  dạo xuống đồng, băng qua dòng kênh nhỏ, nối hai bờ bằng cây cầu khỉ lắt lẻo. Mùa hoa lục bình tím nở, liú ríu nối nhau trôi. Ông thấy lòng nhẹ lâng khi mắt chạm màu vàng ươm của lúa đang vào vụ gặt. Khắp chốn đâu đâu cũng rộn rã tiếng người, tiếng máy gặt, tiếng xe chở lúa về nhà...Ông dừng lại dưới hàng dừa như thể đợi ai đó đi qua bắt chuyện. Mấy chú bé chăn trâu đốt đồng, từng lọn khói bay lên, hòa vào đám mây ngũ sắc đang bồng bềnh về nơi xa lắc. Tiếng ai đó gọi, khiến ông giật mình quanh quất... Thì ra con trai ông, chuẩn bị đi làm dặn ông cẩn thận vì dạo này khu phố an ninh lỏng lẻo lắm. Nói xong là rồ ga.Tiếng xe đã phá tan hồi ức đẹp, đưa ông trở về thực tại. Ông vào ăn sáng rồi mang bộ cờ tướng ra, xếp  ngay ngắn đợi giờ xuất quân.

       Nhưng khi ông cùng mấy ông già hàng xóm đang rôm rả với những nước đi, lúc đó tầm nửa buổi thì con trai về, trông vẻ hớt hải. Mọi người cũng bất ngờ trước thái độ của nó. Thì ra dưới quê mới gọi điện báo tin có người bà con mất. Đó là bà Diên. Ông Thiện gọi là chị, phía ngoại. Cuộc vui tạm dừng, ông thu xếp đồ đạc về quê. Dĩ nhiên ông về cùng con trai và không quên gọi điện cho cô con dâu phải chăm sóc giúp ông những vạt rau đang nảy nhánh, xanh tốt.

    Sau đám tang,con trai về thành phố. Ông Thiện nán lại dọn dẹn nhà cửa và đi thăm họ hàng, bà con lối xóm.Ông đi nhiều nơi, gặp ai cũng tay bắt mặt mừng. Có người bảo sao ông không về quê mà ở trong khi ở trên ấy thiếu "không khí". Ông chỉ cười hiền nhưng lòng lại chạnh nghĩ, hay là mình ở lại quê không đi nữa. Ý nghĩ  này đến với ông khi ông đang khom người nhổ từng búi cỏ mọc lổn nhổn trên khoảng sân đất rộng. Những chiếc mo cau nằm tứ tung cũng được ông thu dọn, chất thành đống  sau bếp. Cái chum sành được cọ sạch, đổ đầy nước vào . Dọn dẹp xong, ông thấy nhà cửa quang quẻ, sạch sẽ làm sao. Mấy người hàng xóm thấy ông luôn tay quét tước, dọn dẹp cứ nấp nom ngoài bờ rào theo dõi, có người lên tiếng hỏi thăm, có người vào nói chuyện với ông dăm ba câu rồi ra đồng, ra bãi...

   Buổi tối ở quê thật thanh bình. Ông Thiện ngồi bệch xuống hè, tựa lưng vào cột, tay phe phẩy quạt nan. Hương cau phảng phất, mê đắm. Cái mùi hương quen thuộc phả vào ông cảm giác dịu êm. Ông hình dung được sáng ra khắp sân hoa cau ngập đầy. Bất giác ông ngước lên như muốn tìm trong tán lá đen ngòm kia một chùm hoa cau trắng ngà... Trăng hạ tuần tỏa ánh sáng bàng bạc khắp vườn. Tiếng côn trùng rỉ rả. Mấy cánh dơi nghe động bay loạn xạ. Có con bất cẩn va vào thân cau, rơi bịch xuống sân. Hình như giờ này mọi người đã yên giấc. Thỉnh thoảng vài tiếng chó sủa bâng quơ, đuổi nhau chạy dọc con đường bê tông hóa. Ông Thiện cứ ngồi như vậy, lòng chạm lắng bao suy nghĩ rằng ở lại quê hay lên lại thành phố sống với con, tiện cho tụi nó chăm sóc. Ở đây thì lủi thủi vào ra một mình nhưng có được sự bằng an, không nghĩ ngợi nhiều, lại được sống trọn cùng cái chốn quê ấm áp tình người. Nơi ông bà đã tạo dựng nếp nhà, vườn ruộng. Nơi còn phần mộ ông bà tổ tiên. Nơi có những hàng xóm tốt bụng. Còn lên trên ấy,ông sẽ được gần con cái. Chúng nó sẽ yên tâm làm việc, không lo lắng như lúc ông còn dưới quê trái gió trở trời, mệt mỏi biếng ăn. Nhưng chán lắm, suốt ngày tù chân không biết đi đâu. Lại không gian chật chội, lúc nào cũng váng vất mùi cống rãnh. Mọi tạp âm lại cứ xộc vào tai bất cứ lúc nào. Tìm một giấc ngủ yên bình khó khăn làm sao... Ông Thiện cứ lẩn thẩn nghĩ ngợi mãi cho đến khi gà bên hàng xóm vỗ cánh, nối nhau gáy rộ báo trời sắp sáng ông mới vô nhà nằm. Ông không đóng cửa, để mặc ánh trăng ùa vào. 

   Chạm trán bởi cảnh vật từng quen ông Thiện cảm thấy lòng khoan khoái dễ chịu. Tiếng chân người đi chợ, đi làm đồng. Có cả tiếng trẻ con í ới gọi nhau đi học. Ông Thiện bước ra sân, nhìn quanh quất. Cái chum nước, cái gáo dừa, cái chuồng gà, cái sân đất đã nhổ sạch cỏ và vườn cây... Những tia nắng sớm len lỏi trong vòm lá, lóng lánh những giọt sương đêm...Và tiếng chim nữa. Cứ thong thả rót thanh âm trong trẻo vào không gian yên bình chứ không giục giã như chim lồng... Thật sự, ông Thiện đã cảm nhận được những điều gần gũi nhất, thân thương nhất sau mấy tháng xa cách.

   Dễ chừng ông sẽ ở lại quê nếu con trai không về đón. Mấy ngày ngắn ngủi với ông sao mà vui quá,ý nghĩa quá. Ông được đi dự đám cưới của con người bạn chiến đấu làng bên, đi dự lễ khánh thành trường mầm non của xã rồi đi dự lễ mít tinh của cựu chiến binh. Ông còn được mời ăn, những bữa cơm đạm bạc của chốn quê dân dã. Ông đã nói điều này với con trai, nhưng nó cố tình lảng tránh, mà tiện chân đá trái dừa khô vừa rụng vào bờ rào. Suốt dọc đường lên thành phố ông Thiện lặng im...

   Ông Thiện ngã bệnh đã hai ngày rồi. Mấy ông bạn cùng hẻm phố không thấy ông ra ngồi trước hiên như mọi khi nên sốt ruột lắm. Nhưng không biết hỏi thăm ai. Cổng thì lúc nào cũng khóa, vợ chồng con trai thì đi làm từ sáng sớm.Không biết ông Thiện bệnh gì nhỉ? Trông ông khỏe mạnh, da dẻ hồng hào mà? Người ta xầm xì, đoán già đoán non như  thế. Rồi như thể không chịu được, họ đã gọi ông Thiện mở cổng. Đáp lại những lời thăm hỏi ân cần của mấy ông bạn già, ông Thiện chỉ lắc đầu, rồi đưa mắt ra ngoài sân, nơi ông gieo trồng những ô rau. Ông buồn lắm, mắt ông rưng rưng. Thì ra khi ông ở dưới quê, cô con dâu đã không chăm sóc  mà đã nhờ người mang đổ lên xe rác. Cô còn tru tréo với chồng ,để chỉ bẩn nhà bẩn cửa lại gây muỗi, sốt rét có ngày. Khi ông Thiện lên, thấy không gì nữa, đã khuỵu xuống và nằm mãi đến giờ. Ông không bệnh tật gì cả, chỉ thấy buồn và đau lắm. Ông thấy con cái xử tệ với ông, cắt mất nguồn vui tuổi già của ông. Ông tâm sự với vợ. Vợ ông nhìn ông, ánh mắt độ lượng nhân từ. Bà muốn tui phải chấp nhận, sống vì cháu vì con đúng không? Nước mắt chảy xuôi, cuộc đời là vậy. Tui hiểu mà. Cũng vì thương cha thương mẹ nên các con làm vậy thôi. Nhưng ác thay, chúng lại không hiểu được tâm tư của cha mẹ .Nhất là với ông, một người hoài cổ,hay sống bằng kỉ niệm. Gieo trồng những luống rau, nhánh lúa cũng là mong cho kí ức nảy mầm, để con cháu không được quên gốc gác, cội nguồn.Nói rồi, ông Thiện đã nấc lên. Nén hương ông vừa thắp, hừng hực cháy, cong vòng xuống , quện chặt vào nhau.

  Từ đó đến nay người dân ở con hẻm ồn ào này không còn thấy ông già hay mặc đồ bà ba, nói chuyện hóm hỉnh, cười hiền đâu nữa. Người ta nói  ông đã về quê ở. Lại có người bảo ông sang nhà thằng con thứ hai ở sau khi thằng cả đã hết thời hạn chăm sóc bố.

Sơn Trần


Phamngochien.com - 06:43 - 26/10/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận