Một "tiểu thuyết mini" vỉa hè từ góc nhìn hiện đại (Mai Quốc Đạt)

Thần điêu đại hiệp còn bị chặt cánh tay nữa là...

Chuyện nghe hóng ở lề đường, nên không đầu không đuôi, không kết cấu thành truyện ngắn rõ ràng. Người đọc sẽ tự am hiểu và có thể suy diễn, viết tiếp một câu chuyện khác từ mẩu chuyện này.

Vào một ngày nọ, đang ngồi ăn hột vịt lộn bên lề đường, thì thấy hai vợ chồng từ xa đi lại, vừa đi vừa cãi vã ỏm tỏi.

Ông chồng đầy hơi men, gật gà gật gưỡng. Bà vợ nguýt ngó, trề môi dữ lắm. Tay bà cầm hộp cơm, nói như tát nước vào ông chồng:

-   Cơm nè, ăn đi cha nội.

Chắc chưa đã nư nên đế thêm một câu thòng:

-   Ăn đi, đồ quỷ quái yêu tinh không hà... Tối ngày ăn với nhậu!

Nói vậy chứ vẫn mở hộp cơm, xúc xúc trộn trộn, khều ra miếng tóp mỡ, chắc do ông chồng không ăn tóp mỡ hay chăng? Thuận tay đút muỗng cơm vào cái miệng vừa há ra để chửi rủa của ông chồng như mớm cơm cho con...

Ông này rề rà, gạt phắt tay bà vợ, làm đổ cơm xuống đất. Bà vợ nổi khùng, vung tay đánh bốp vào đầu ông chồng như đánh con. Say quắc cần câu nên cũng chẳng còn cảm giác, ông này chỉ gục gặc đầu theo cái đánh như trời giáng của mụ vợ mà thôi.

Rồi lại nghe ông chồng nhừa nhựa, làu bàu tiếng có tiếng không:

-   Thần điêu đại...

Chữ "đại" như cọng kẹo kéo bị kéo dài ngoằng cho đến khi đứt bựt từng khúc, rồi ông này mới dấm dẳng bỏ thêm chữ "hiệp". Nguyên câu:

-   Thần điêu đại hiệp còn chết nữa, huống chi là nó!

Đổ điên, bà vợ quát tợ bà La Sát lúc bị Tề Thiên lừa gạt lấy mất cây quạt ba tiêu:

-   Mày im cái miệng thúi hoắc lại đi. Nói chuyện lịch sử thì về nhà nằm ềnh ra tự giảng rồi tự nghe! Để yên cho tao ăn cho xong cái coi. Hột vịt nóng phỏng lưỡi, ăn mà cũng không yên được với mày nữa!

Mắng nhiếc vừa xong thì bà vợ bửa thêm vài nhát quạt ba tiêu nữa bằng mấy câu nghe trịch thượng hỗn hào hết sức:

-   Mày hay quá hé, biết đủ lịch sử. Vậy mày biết chữ "bựa" có nghĩa là gì không?

-   Là... [chửi tục] gì?

-   Mày có điên thì đi chết đi cho khỏe! Nhậu vào đầu óc mày chứa toàn là "bã đậu" biết không? Tao "bựa" mày thiệt rồi đó!

Không chịu thua, ông chồng nổi hung, hét tướng lên:

-   Vợ con gì như... [chửi tục]! Mày phải biết nghe lời chồng một chút chứ! Tao không thích bị vợ chửi, nghe chưa, con... [chửi tục] kia!

Mụ vợ nổi xung thiên, mắt lồi ra như hai trái nhãn, đang ngồi trên cái ghế con con và khoanh tay vào nhau, bỗng nhảy soạt dậy, tay chỉ thẳng ngay vào mặt thằng chồng trả lời tươm tướp:

-   Tao là vợ mày, tại sao tao phải sợ mày hả ? Mày về nhà mà chửi mẹ mày kìa.  Đừng chửi tao nghe chưa thằng... [chửi tục] kia!

Lời qua tiếng lại bằng những câu chửi rủa ớn da gà, làm ai nấy cũng phải ngó mắt nhìn, phần bực bội vì lời thô tục chạy vào lỗ tai, phần thì tò mò xem chuyện gì mà khiến hai vợ chồng cãi nhau.

Vừa múc miếng hột vịt lộn đưa vào miệng, vừa dỏng tai nghe, nóng phỏng lưỡi...

-   Tao đáng mặt anh hùng! Vào đi... vào đi, tao quýnh... [chửi tục]! Đất đai là của tao... Giả bộ vào lấy đất của tao à, giả bộ à?

-   Của mày quá hé! Ở trọ mãn đời mà nói chuyện trên trời. Mày mua cho tao được hai thước đất chôn thây ma của tao thì là anh hùng rồi đó, con à!

-   Mày ngu như bò! Để tao quýnh nó, cho nó chừa cái thói [chửi tục]... Rồi mới có đất mà mua chứ. Tao thề là tao mua cho mày cái biệt thự bên Quận 7. Dóc con mày liền!

-   V.v...

Rồi máu anh hùng bốc hỏa, nói liều:

-   Cỡ Thần điêu đại hiệp bên đó còn bị chặt cụt tay, có ngon qua đây thì tao chặt cụt luôn cái đầu!

 Bà vợ nổi đóa chửi đổng:

-   Đồ anh hùng rơm!

 

Một vài lời bàn:

Với quan điểm hậu cấu trúc luận, tác giả không là tác giả câu chuyện. Thay vì vậy, tác giả chỉ góp nhặt lời nói từ cuộc sống bên ngoài. Mẩu chuyện này chưa được kết cấu thành một truyện ngắn. Tuy vậy, độc giả là người quyết định cách tiếp cận câu chuyện với một vài ví dụ như sau:

Nếu dựa trên tổng thể câu chuyện, người đọc có thể thấy được những gì người say suy nghĩ và nói. Những hiểu biết của họ có được những người xung quanh và người thân của họ không luôn được xem tương ứng với hành động. Nhưng suy nghĩ và hiểu biết của chúng ta không tự dưng mà có, mà do sự tương tác với cuộc sống xã hội theo quan điểm tương tác xã hội. Trong sự tương tác đó, người chồng say này có đề cập đến "Thần điêu đại hiệp" ở Trung Quốc và ý chí "quýnh" một kẻ nào đó cướp đất của anh. Đặt trong bối cảnh hiện tại, độc giả có thể suy đoán rộng hơn việc uống rượu và cách nói chuyện ngông cuồng của anh ấy. Và cũng trong hướng tiếp cận này, hãy xem chị vợ đánh giá cách suy nghĩ và ý chí của anh ấy.

Nếu tiếp cận theo hướng hiện sinh của Martin Heidegger, người đọc có thể thấy được cách chúng ta tồn tại ở-trên-thế-giới (being-in-the-world) bằng cấu trúc quan tâm (care structure) có liên quan đến tính lịch sử của cá nhân và xã hội, trạng thái hiện tại và dự phóng tương lai. Sự quan tâm của vợ chồng này được hình thành từ sự tương tác của họ với thế giới xung quanh và cách họ tạo ra ý nghĩa cho sự tương tác này. Qua đó, độc giả có thể thấy được thêm vai trò của tác giả trong mẩu chuyện này và cách tác giả am hiểu câu chuyện theo quan điểm của riêng mình. Độc giả cũng sẽ có thể đồng ý hoặc không đồng ý với sự tồn tại trên thế giới của tác giả với cặp vợ chồng này.

Với cách tiếp cận nữ quyền (feminism), độc giả có thể thấy được vấn đề và quan hệ quyền lực (power issues and relations) của chị vợ và sự quan tâm của chị với cuộc sống của mình. Từ đó có thể thấy được tính bất đối xứng và đối xứng giữa sự quan tâm của chị vợ và anh chồng.

Giống như vậy, nếu sử dụng lý thuyết Marx-mới (neo-Marxism) như Michel Foucault, độc giả sẽ có thể phân tích được dòng chảy của quyền lực như mạng lưới mao mạch (capillary power) trong cuộc sống thường ngày. Theo đó, ai cũng có quyền lực, nhưng quyền lực nào mới được công nhận và có khả năng thực thi ?

Còn nếu độc giả sử dụng lý thuyết xã hội học của Pierre Bourdieu về trường, thói quen, các loại vốn (field, habitus, kinds of capital) và chiến lược sử dụng thói quenvốn trong từng trường cụ thể, độc giả có thể thấy cách những người bị cho là không có tiếng nói vẫn có thể sử dụng năng lực cá nhân (agency) để tham gia vào hoạt động xã hội dựa trên đẳng cấp xã hội. Theo đó, tầng lớp bị cho là dưới cùng của xã hội vẫn có cách ứng xử phù hợp vào cách đan xen vào các tầng lớp khác.

Nếu đặt câu chuyện trong khung lý thuyết đạo đức và văn hóa (ethical and cultural framework), độc giả ắt hẳn sẽ có cách phê bình hoặc/và ủng hộ những lời nói, suy nghĩ và hành động của cặp vợ chồng này.

Và còn biết bao nhiêu cách tiếp cận nữa? Độc giả sẽ là người quyết định.

  Mai Quốc Đạt

 


Phamngochien.com - 06:57 - 23/06/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận