Mã văn hóa và mã lịch sử trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986

MÃ LỊCH SỬ VÀ MÃ VĂN HÓA TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM
SAU 1986 
(MỘT TIẾP CẬN TỪ LÍ THUYẾT LIÊN VĂN BẢN)

NGUYỄN VĂN HÙNG

"Không có gì là ngoài văn bản" (Jacques Derrida)

"Lịch sử là thầy dạy của cuộc đời - Historia, magistra vitae" (Cicero)

Liên văn bản (tiếng Pháp: Intertextualité; Anh: Intertextuality) là một trong thuật ngữ cơ bản trong việc phân tích tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại. Nó không chỉ được dùng như một phương tiện phân tích văn bản văn học mà còn để xác định cảm quan về thế giới và bản thân con người đương đại, đó là cảm quan hậu hiện đại. Một mặt, liên văn bản được hiểu như một thủ pháp văn học xác định (trích dẫn, ám chỉ, bình giải, nhại, bắt chước, vay mượn). Mặt khác, liên văn bản còn được hiểu như là thuộc tính bản thể của mọi văn bản ("bất kỳ văn bản nào cũng là liên văn bản", R. Barthes)[1]. Chính vì vậy, khi xếp chồng lên nhau các văn bản, cho phép người nghiên cứu tìm thấy những mã văn bản: mã văn hóa, mã lịch sử, mã diễn ngôn... mà trung tâm của nó là mã của hình tượng văn học.

1. MÃ LỊCH SỬ TRONG MỐI TƯƠNG TÁC LIÊN VĂN BẢN

Tiểu thuyết lịch sử là loại hình tiểu thuyết lấy đề tài lịch sử làm nội dung chính. Viết về quá khứ đã qua, công việc của nhà viết tiểu thuyết lịch sử là làm sống lại lịch sử bằng việc phục hiện lại các sự kiện, biến cố lịch sử, khám phá những bí ẩn, khuất lấp, lí giải lịch sử từ số phận cá nhân và tìm ra sợi dây liên hệ giữa quá khứ với đời sống hiện tại. Lẽ cố nhiên, nhà văn phải dựa trên một phông nền, một khung cảnh lịch sử nhất định, dù đó chỉ là phương tiện, là cái "đinh" để treo những bức tranh mà thôi. Hơn thế, người ta vẫn thường nói đến cái gọi là "sự thật lịch sử", "tính chân thực lịch sử", "hằng số lịch sử" như thời đại, văn hóa, phong tục tập quán, chiến tranh... khi bàn đến bất kì một tự sự về lịch sử nào. Vấn đề đặt ra cho các nhà tiểu thuyết là sẽ lựa chọn giai đoạn lịch sử nào, với cảm thức lịch sử và quan niệm nghệ thuật ra sao? Và thời điểm lịch sử ấy có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện ý đồ sáng tạo cũng như trong giá trị nối kết với hiện tại?

Từ đặc trưng thể loại cùng với thực tiễn sáng tác của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986, chúng ta nhận ra rằng, mỗi tác phẩm viết về đề tài lịch sử luôn chứa đựng trong nó những mã lịch sử, mã văn hóa, mã diễn ngôn của thời đại. Tác giả là người xây dựng nên văn bản - tiểu thuyết lịch sử bằng cách khai thác các mảnh vỡ của những "tiền văn bản". Các "tiền văn bản" này có thể là những trứ tác lịch sử, các bộ thông sử theo lối biên niên (chính thống và không chính thống), các giá trị văn hóa tâm linh, cũng có thể là những câu chuyện được lưu giữ trong kí ức dân gian (dã sử, giai thoại, truyền thuyết, huyền thoại...). Nhà văn trước khi bắt tay vào công việc, ắt hẳn đã phải đầu tư tìm tòi, nghiên cứu, nghiền ngẫm, thậm chí cả nghe ngóng rất kĩ lưỡng những tư liệu về thời đại, sự kiện hay nhân vật lịch sử mà mình quan tâm. Người viết tìm thấy ở đó những điểm níu giữ, những chất liệu chân thực, từ đó dùng trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và hư cấu của mình để phục dựng lại quá khứ, tái hiện những nhân vật lịch sử. Soi rọi từ góc nhìn liên văn bản, người đọc sẽ gọi dậy những kí ức về văn hóa, lịch sử, nhằm kiến tạo và thụ hưởng quá khứ theo cách riêng của mình. Nhìn vào bức tranh tổng thể của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986, chúng ta dễ dàng nhận ra có rất nhiều xu hướng cùng tồn tại. Mặc dù trong mỗi xu hướng sáng tạo có cảm thức lịch sử, quan niệm nghệ thuật, mục đích riêng, nhưng các nhà văn vẫn gặp nhau ở điểm chung, đó là tìm thấy trong lịch sử, văn hóa nguồn chất liệu và cảm hứng cho sự tự do sáng tạo văn chương.

Từ những thôi thúc phải viết một cái gì đấy về lịch sử, cả những "điều kì diệu lẫn đau khổ xưa của cha ông", để cho con cháu hiểu được cội nguồn, tổ tiên, dân tộc, Hoàng Quốc Hải đã miệt mài tìm tòi, trăn trở và kết quả là sự ra đời hai bộ trường thiên tiểu thuyết về nhà Trần và nhà Lí. Trong Bão táp triều Trần, tác giả không viết theo lối thông sử biên niên của các triều đại, mà lựa chọn "lát cắt ngang" trong những thời điểm lịch sử gay cấn nhất làm nền phát triển cốt truyện (cuộc chuyển giao triều đại Lí - Trần trong Bão táp cung đình, ba lần đánh đuổi quân Nguyên - Mông trong Đuổi quân Mông Thát, Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng, xác lập tư tưởng triết học và đường lối bang giao trong Huyền Trân công chúa, 60 năm suy thoái và sụp đổ trong Vương triều sụp đổ). Từ những cuộc thử lửa cam go đó, nhà văn đã truy tìm và giải mã sức mạnh, bản lĩnh của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần tự tôn trong mỗi người con đất Việt. Cũng với cảm thức ấy, Tám triều vua Lí (gồm: Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật, Bình Bắc dẹp Nam, Con đường định mệnh) đã tái hiện cả một giai đoạn lịch sử kéo dài 216 năm, kể từ khi Lí Công Uẩn lên ngôi hoàng đế năm Kỉ Dậu (1009) và kết thúc vào năm Ất Dậu (1225) khi nữ vương Lí Chiêu Hoàng bị ép nhường ngôi cho Trần Cảnh. Hoàng Quốc Hải đã dám mạo hiểm xông vào một địa hạt vô cùng trống vắng nguồn sử liệu. Để phục hiện lại bức tranh lịch sử vô cùng rộng lớn ấy, tác giả đã bỏ đến hai mươi năm để sưu tầm, nghiềm ngẫm tài liệu với một tinh thần kiên trì đáng khâm phục. Chính sự dung hòa hợp lí giữa chính sử, dã sử, giai thoại, huyền thoại, truyền thuyết dân gian cùng với trí tưởng tượng phong phú, tác giả không những đã tái hiện một cách chân thực, sâu sắc không khí xã hội, văn hóa mà còn tạo nên những hình tượng nhân vật giàu sức sống, đậm cá tính.

Cũng như Hoàng Quốc Hải, trong các sáng tác của mình, Nguyễn Mộng Giác và Nguyễn Xuân Khánh đã bám sát vào các sự kiện, nhân vật lịch sử dựng nên những bức tranh vô cùng sinh động về quá khứ. Để tái hiện lại toàn cảnh giai đoạn lịch sử thế kỉ XVIII từ chốn triều đình đến thân phận những người dân cùng đáy như mục đích đặt ra khi bắt tay vào viết bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác đã tìm đọc tất cả các tài liệu lịch sử liên quan đến thời Tây Sơn. Ở tiểu thuyết này, ông đã sử dụng khá nhiều văn bản của các văn kiện lịch sử, ngày tháng xảy ra sự kiện và phần nào đó tôn trọng những gì lịch sử đã ghi chép về các nhân vật (Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh, Đỗ Thế Long, Lý Trần Quán). Các nhân vật chính như Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc một mặt vẫn dựa vào Hoàng Lê nhất thống chí, mặt khác bằng cách khắc họa rất sâu sắc thế giới nội tâm và tấn bi kịch trong tâm hồn con người, nhà văn đã lấp đầy "khoảng trắng" mà lịch sử bỏ quên. Với Nguyễn Xuân Khánh, ông luôn tâm niệm, tiểu thuyết lịch sử phải dựng nên bối cảnh chân thực của không khí thời đại. Bối cảnh của Hồ Quý Ly được xây dựng dựa trên những sự kiện đầy biến động của giai đoạn cuối Trần đầu Hồ thế kỉ XIV-XV, cốt truyện xoay quanh chân dung của một trong những nhân vật phức tạp, đa diện bậc nhất trong lịch sử - Hồ Quý Ly. Thông qua việc lựa chọn lịch sử đó, nhà văn muốn khắc sâu vào sự khủng hoảng, bế tắc của nhà Trần, đưa ra một tình thế phải "thay máu" để chấn hưng đất nước, đồng thời đối thoại, "tranh luận" với lịch sử và con người hiện tại về ý nghĩa "thời thế" của nhân vật Hồ Quý Ly trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.

Bên cạnh việc khai thác những tư liệu chính thống được ghi trong chính sử, các nhà văn đã chú ý hướng cái nhìn lịch sử vào những câu chuyện dã sử, truyền thuyết, huyền thoại, giai thoại...vốn được lưu truyền trong dân gian. Ở hầu hết các sáng tác về đề tài lịch sử của các nhà văn sau 1986 đều có sự pha trộn, đan xen giữa yếu tố lịch sử và dã sử, chính thống và không chính thống, hiện thực và huyền thoại. Nhờ vậy, quan niệm về thể loại được mở rộng biên độ. Lúc này, tiểu thuyết lịch sử bao hàm cả dã sử, huyền sử, thậm chí là phản lịch sử, là sự dung hợp nhiều chủ đề, nhiều tuyến nhân vật.

Trong các sáng tác của mình, Nam Dao đã sử dụng nhiều những "phần lịch sử được hình thành qua trí tưởng tượng, óc phán đoán, và cao hơn nữa là sự cảm nhận từ quá khứ những vấn đề của con người và xã hội" (Lời giới thiệu Đất trời). Các biến cố, sự kiện lịch sử đã được soi rọi dưới lăng kính dân gian, miệng thế, sau đó được nhà văn nhào nặn lại theo tư duy và quy luật nghệ thuật trở thành tiểu thuyết. Đất trời được kết cấu thành hai phần (phần 1: Đất cao, phần 2: Trời thấp), dựng lại một giai đoạn trong thời kì Minh thuộc vào thế kỉ XV. Với nhà văn, lịch sử đó là lịch sử sống, soi rọi vào những vấn đề xã hội và thân phận con người là một cách đi tìm sự sống ẩn tàng trong lịch sử. Viết về triều Lí vốn rất ít tư liệu lịch sử, với nguồn sử liệu từ chính sử và đặc biệt từ dã sử, Võ Thị Hảo và Bùi Anh Tấn đã dày công tưởng tượng, hư cấu, thiết kế lại quá khứ, tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng, bồi đắp nên da thịt liền mạch cho đời sống quá khứ. Trong Giàn thiêu, nhà văn đã dựa vào những cứ liệu lịch sử của giai đoạn 1088 - 1138, dưới triều đại Lý Thần tông, một triều đại vốn không để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Tác giả đã dựa vào những sự kiện được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư và tận dụng những truyền thuyết, huyền thoại tôn giáo về Từ Đạo Hạnh trong Thiền uyển tập anh, An Nam chí lược, Đại Nam nhất thống chí, Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn), Việt điện u linh, Việt sử tiêu án, Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ). Còn Bùi Anh Tấn trong Bí mật hậu cung đã phục dựng nhiều biến cố xoay quanh các nhân vật lịch sử có thật trong triều đại nhà Lí thế kỉ XI. Điểm nhấn trong bức tranh xã hội rộng lớn ấy là cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược của vua tôi nhà Lí. Đặc biệt, hai nhà văn đã đưa ra những "giả thuyết" mới mẻ về nhân vật lịch sử và cũng là nhân vật truyền thuyết Từ Đạo Hạnh và anh hùng dân tộc Lí Thường Kiệt. Qua đó, tác phẩm đã gửi gắm những triết lý nhân sinh ở tầm phổ quát.

Bên cạnh những tác phẩm tái hiện theo chiều dài lịch sử của triều đại, có những tác phẩm lại lựa chọn khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử. Hội thề của Nguyễn Quang Thân viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, với không gian hẹp là thành Đông quan và vùng Kinh Bắc, trong một thời gian ngắn khoảng dăm bảy ngày trước sau trận Xương Giang lịch sử. Trong một "lát cắt lịch sử" đó, tác giả tập trung viết về cuộc đấu tranh của nội bộ tướng lĩnh nghĩa quân trước "kế lạ xưa nay chưa từng có" của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, cuộc tranh giành ngôi vua và quyền bính đã âm ỉ ngay cả trong những ngày khói lửa, thân phận chiếc bách giữa dòng của người trí thức giữa những mưu đồ chính trị khắc nghiệt. Bức huyết thư (Bùi Anh Tấn) lại dựa vào hai sự kiện thời kì "hậu Nguyễn Trãi" được ghi trong Đại Việt sử kí toàn thư làm nền cho sự khai triển cốt truyện mang phong cách Kim Dung rất hấp dẫn của mình. Câu chuyện mở ra trước mắt người đọc sự xung đột khốc liệt của các thế lực trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, kéo theo những hệ lụy lớn lao liên quan đến vận mệnh nhiều nhân vật lịch sử.

2. MÃ VĂN HOÁ TRONG MỐI TƯƠNG TÁC LIÊN VĂN BẢN

Ngoài mã lịch sử, "văn hoá của nhân loại cũng được coi như một thứ "liên văn bản" mà đến lượt mình, nó đóng vai trò tiền văn bản cho bất cứ văn bản nào xuất hiện tiếp theo". Bởi suy cho cùng, bất cứ trích dẫn nào, cho dù nó mang tính chất gì đi nữa, đều bị "ràng buộc" bằng "tấm lưới văn hoá" mà không một kẻ nào có khả năng thoát ra khỏi"[2].

Tôn giáo là thành tố đan dệt nên bức tranh văn hoá của dân tộc, vì vậy nó trở thành yếu tố liên văn bản trong các sáng tác văn chương. Trong nhiều sáng tác của các nhà văn có sự xếp chồng của nhiều lớp trầm tích: lịch sử, huyền thoại, tôn giáo... Các kinh điển, truyền thuyết, huyền thoại của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo... xuất hiện với mật độ khá dày trong hầu hết các tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử sau 1986. Tinh thần ấy được nhiều nhà văn chuyển tải khá tinh tế vào hình tượng các nhân vật. Tư tưởng Thiền, tâm linh Phật với phương chân từ bi hỉ xả, bác ái, yêu thương con người quán xuyến đạo trị nước của các vị vua nhà Trần và nhà Lí (Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lí, Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng). Thậm chí, trong nhiều tác phẩm, yếu tố văn hóa tâm linh trở thành nguồn cảm hứng để tác giả tổ chức cấu trúc văn bản tự sự. Văng vẳng trong hơn 500 trang của tiểu thuyết Giàn thiêu là những lời Kinh cầu hồn, Kinh Đại bi sám pháp, Vãng sinh tịnh độ thần chú, Lời nguyện, các bài kệ của thiền sư.... Hầu hết các nhân vật của câu chuyện đều hơn một lần dùng ngôn ngữ nhà Phật trong cách diễn đạt để bộc lộ quan niệm, suy nghĩ và tính cách của mình. Trong 25 chương của tác phẩm, có nhiều chương được đặt tên bằng các khái niệm của nhà Phật như: chương XI. Niệm xứ, chương XII. Đoạ xứ, chương XV. Nghiệp chướng, chương XVI. Hành cước, chương XVII. Báo oán, chương XVIII. Thiền sư, chương XX. Đầu thai, chương XXI. Giải thoát...

Chọn kinh điển, triết lý tôn giáo làm nhân sinh quan, thế giới quan nhưng ở mỗi nhân vật lại luôn sẵn sàng đối thoại, chiêm nghiệm, phân tích về nó. Các tư tưởng, triết lí luôn bàng bạc trong nhiều tác phẩm nhưng đó không phải là thứ triết lý tĩnh, mà nó luôn luôn động, bởi được đặt trong sự va chạm với cuộc đời, với những thử thách của dân tộc, và trong sự chiêm nghiệm với con người trước những khát vọng rất nhân bản (Giàn thiêu, Hội thề, Nguyễn Trãi, Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lí, Hồ Quý Ly, Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng...).

Cùng với tôn giáo, tín ngưỡng dân gian cũng được các nhà văn phục hiện lại một cách sinh động và độc đáo. Sinh động bởi lẽ nhà văn đã lột tả hết tinh thần và đời sống tâm linh của người Việt được gửi gắm trong các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán và độc đáo do nhà văn đã không nhìn ở một chiều thuận mà luôn đặt vấn đề trong cái nhìn "giải thiêng", "ngược sáng". Nguyễn Xuân Khánh trong Mẫu Thượng ngàn đã nỗ lực tìm kiếm một yếu tố mang tính nền tảng bền vững, một hằng số có khả năng kiến tạo văn hóa Việt, có sức cố kết cộng đồng, mang sức mạnh vượt thoát qua bao cuộc chìm nổi, thăng trầm của lịch sử dân tộc từ xa xưa cho đến tận ngày hôm nay. Ông đã "giải phẫu" sức sống văn hóa Việt trong văn hóa làng xã (lễ hội, tín ngưỡng đa thần, huyền thoại dân gian) và đặc biệt qua tín ngưỡng thờ Mẫu đậm chất bản địa. Võ Thị Hảo trong Giàn thiêu, bằng sự pha trộn lịch sử với truyền thuyết, với huyền thoại tôn giáo, đã đặt văn hoá trong sự phân tích và phê phán. Bên cạnh phục dựng nhiều lễ hội mang đậm tín ngưỡng, văn hoá phồn thực, Võ Thị Hảo đã "giải thiêng" các lễ hội khiến ý nghĩa của nó một phần nào đó mang màu sắc của những ám ảnh bi kịch, của sự bất an và những hồi kết không trọn vẹn.

Dường như chưa bao giờ, sự đòi hỏi khả năng nắm bắt cái hằng số lịch sử và văn hóa trên tinh thần nhân bản, triết học lịch sử lại trở nên ráo riết với người viết tiểu thuyết lịch sử như vậy. Nếu như trong Đất trời, Nam Dao đi tìm lẽ sống còn của dân tộc qua ca dao, tục ngữ, các làn điệu dân ca quan họ, ví dặm, thì với Gió lửa nhà văn lại đặt văn hoá trong sự xung đột để lý giải về cội nguồn sức sống của dân tộc, tìm ra mẫu hình văn hoá chung trong tâm thức người Việt. Ở một nẻo đường khác, tác giả Trần Thu Hằng trong Đàn đáy, qua những ngón đàn mê hoặc, tiếng hát tài hoa không những đã tái hiện số phận một giáo phường hát ca trù nổi tiếng khắp kinh kì mà còn khám phá nỗi đau thế thái nhân tình, thân phận éo le, mong manh của người nghệ sĩ trong cơn giông bão của thời cuộc. Rõ ràng, chưa bao giờ số phận dân tộc, thân phận con người trước những va xiết của lịch sử lại không thôi ám ảnh các nhà văn.

Nhấn mạnh mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, hữu thức và vô thức, người viết lẫn người đọc luôn chú ý sức lan toả tiềm tàng và bền bỉ của các cội nguồn văn hoá thông qua việc khám phá, truy tìm hệ thống cổ mẫu (archetype, archétype). Nó hiện diện như là chuỗi biểu tượng tương tác từ văn bản này sang văn bản khác. Trong đó, có những cổ mẫu có giá trị phổ quát chung của nhân loại và có những cổ mẫu riêng của cộng đồng người Việt thoát thai từ truyền thuyết, huyền thoại dân gian. Từ những nhận thức sâu sắc sức lan tỏa tiềm tàng của nguyên lí Mẫu trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt, Nguyễn Xuân Khánh đã làm một cuộc hành trình khám phá, lí giải cội nguồn bản sắc văn hóa Việt qua tín ngưỡng thờ Mẫu đậm chất bản địa trong Mẫu Thượng ngàn. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn tiểu thuyết này đông đúc nhất, và cũng đẹp nhất, hay nhất, đậm nhất, mê nhất vẫn là những nhân vật nữ. Họ không những mang vẻ đẹp của sự thánh thiện, trinh khiết, hoàn mĩ mà còn là vẻ đẹp của sức sống, sự mơn mởn, của khát khao cháy bỏng đẫm màu phồn sinh, phồn thực. Tác giả tô đậm vẻ đẹp ấy ở làn dađôi vú, biểu tượng thiêng liêng cho thiên chức tái tạo, sinh sôi, duy trì nòi giống (Bà Tổ cô, Nhụ, bà ba Váy, cô Mùi, thím Pháo). Vẻ đẹp tự nhiên đó không chỉ mang lại sức cám dỗ, gợi tình mạnh mẽ mà còn ẩn chứa một sức mạnh có thể cảm hóa, thức tỉnh con người, sâu xa hơn là biểu tượng cho sự bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa trước sự xâm lấn của các yếu tố văn hóa ngoại lai. Hơn thế nữa, hình tượng người phụ nữ còn biểu tượng cho sự cứu rỗi, thanh tẩy tâm hồn (Bà Tổ cô, Mùi). Ngoài ra, trong Mẫu Thượng ngàn còn xuất hiện hệ thống các biểu tượng hướng về tính Nữ vĩnh hằng, nguyên lí tính Mẫu (Trăng như một sự soi chiếu làm lộ ra vẻ đẹp huyền bí của người phụ nữ, rừng, núi đồi, cây cối mang biểu tượng của sự nuôi nấng, che chở và vẻ huyền bí, nước là nguồn nuôi dưỡng tinh thần cho biết bao thế hệ con người ở Cổ Đình, đặc biệt, nguồn sữa như là sự cứu rỗi, tái sinh những kiếp người....)[3]. Vừa mang những nét chung của nhân loại trên phương diện loại hình, tính chất, vừa có những bồi đắp, sáng tạo riêng về sắc thái, biểu hiện, các cổ mẫu được các tác giả sử dụng trong tiểu thuyết của mình mang một sứ mệnh lớn lao trong việc chuyên chở những suy tư, cảm thức, khát vọng, mặc cảm... của người Việt từ cổ sơ cho đến hiện tại. Giàn thiêu của Võ Thị Hảo có thể nói là một trong những tác phẩm thể hiện rất sâu sắc các cổ mẫu, đặc biệt là cổ mẫu Lửa, Nước, Hang đá... Cổ mẫu Lửa biểu tượng của sự hận thù, dục vọng thấp hèn, khát vọng nhân bản sống hơn một kiếp người trong cõi trần, là nỗi ám ảnh của sự hủy diệt và chết chóc, biểu tượng cho tình yêu, sự thức tỉnh và chính khí... Cổ mẫu Nước xuất hiện dày đặc với nhiều không gian và trạng thái mang những ý nghĩa tượng trưng cho nguồn sống, sự thanh tẩy, hóa giải, tái sinh, cho dòng chảy của một đời người, ranh giới của sự lựa chọn.[4]

Như vậy, lịch sử, văn hóa như là nguồn cảm hứng vô tận trong hành trình sáng tạo văn chương nghệ thuật của các nhà văn. Đến lượt mình, cộng đồng diễn giải hôm nay bằng những "kênh" khác nhau sẽ kiến tạo lại quá khứ, nối kết với hiện tại, giải mã và thụ hưởng lịch sử, văn hóa trên tinh thần nhân văn hiện đại.

3. KẾT LUẬN

Soi rọi tác phẩm dưới góc độ tương tác liên văn bản, thông qua "trò chơi" xuyên văn bản, cho phép gợi dậy trong người đọc những kí ức lịch sử, văn hóa của một thời đại đã qua. Người đọc, ở những "cách chơi" khác nhau, sẽ kiến tạo lại lối viết của nhà văn, phục sinh những "vết tích" của tiền văn bản..."[5]. Khai phá, giải mã các lớp trầm tích lịch sử - văn hóa - huyền thoại ấy, người đọc không những được sống lại trong không khí xã hội, văn hóa thời kì ấy, trải nghiệm cùng bao nỗi suy tư, trăn trở của cha ông, nếm trải những vinh quang, cay đắng của lịch sử, mà còn có thể lắng nghe bản thân mình, nối kết để tìm ra sức mạnh của cộng đồng, cùng những thành tố kết tinh trong nhân cách.

Chú thích:

[1] LP. Rjanskaya: "Liên văn bản - sự xuất hiện của khái niệm về lịch sử và lý thuyết của vấn đề", Ngân Xuyên dịch, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7/2007.

[2] Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh  (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lý thuyết, NXB. Hội Nhà văn, H.

 [3] Xem thêm Nguyễn Quang Huy, "Những miền mơ tưởng Mẫu tính và Nữ tính vĩnh hằng trong Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh" (Một tiếp cận từ lí thuyết Cổ mẫu), in trong Lịch sử và văn hóa - cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh, NXB. Phụ nữ, H., 2012.

[4] Xem thêm Nguyễn Văn Hùng, "Yếu tố liên văn bản trong tiểu thuyết Giàn thiêu", Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 8/2012, H.

[5] Dẫn theo, Trần Huyền Sâm, Intertextualité, lược dịch từ nguồn:  www.fabula.org/transtextuelles.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. M.Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn  Nguyễn Du, H.

2. Ngô Sĩ Liên (2011), Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb Văn hóa - Thông tin, H.

3. Nhiều tác giả (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng.

4. Nhiều tác giả (sưu tầm và biên soạn), Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, Nxb Hội Nhà văn, H.

5. Ngô Đức Thịnh (2012), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.


Phamngochien.com - 09:17 - 09/11/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận