Ký ức về xe ngựa - ngựa xe (Lê Nguyên Phú)

1. Làng quê miền Trung những năm sáu mươi của thế kỷ trước thật yên bình, tĩnh lặng. Sáng sớm, tiếng vó ngựa vọng lại những âm thanh "lóc cóc, lọc cọc" trên con đường rải đá, như báo hiệu, ngày mới sắp bắt đầu. Xe ngựa là phương tiện giao thông chủ yếu, vận chuyển hàng hóa và cả việc đi lại. Xe gồm càng, nơi xà ích ngồi, và thùng xe. Thùng xe như công trình nghệ thuật, trang trí tùy theo ý chủ. Mái cong, che mưa nắng, hai bên thùng là hai hàng ghế dựa vào thành xe có những thanh gỗ bào nhẵn, dành cho khách ngồi. Ở giữa là khoảng trống, để đồ lặt vặt và hành lý. Phía sau có tấm chắn. Cuối xe có các móc sắt, để thúng gióng, hoặc các loại hàng cồng kềnh, và bên dưới thường hàn nhô ra một tí, để cho khách lên, xuống. Người xà ích cũng thường là chủ xe ngồi trên tấm gỗ nhẵn thín đặt trên đôi càng xe đè lên vai ngựa bằng miếng da to bè, hoặc có khi ngồi vắt vẻo lên càng xe. Lúc ấy, người xà ích trông thật oai phong, vừa vung roi, huơ huơ trên lưng ngựa, giả vờ hăm dọa để đảm bảo giờ giấc của chuyến hành trình. Cũng chỉ là dọa thôi, chứ cũng chẳng thấy đánh đập bao giờ. Chuyến xe quen thuộc, hành khách quen thuộc, chủ yếu là chuyển sản vật của vùng trung du về xuôi, rồi đưa hàng thiết yếu như muối, vải vóc, thuốc tây trở lại. Và hầu như, mọi việc đều giao hết cho chú ngựa điều hành.

Thời đó, chỉ vài nhà khá giả mới có tiền sắm xe đạp, còn xe máy thì hiếm hoi, chỉ thấy lượn qua lượn lại trên phố, nên ai có xe ngựa là cũng được liệt vào loại khá giả rồi. Tôi nghĩ vậy, chẳng biết có đúng hay không, vì chưa thấy ai bàn đến. Làng quê tôi, có hai chiếc, một của gia đình họ Đinh ở trước mương dẫn thủy bên đường lộ, còn một nữa của anh Năm ở gần nhà. Tuy gần thế, nhưng tôi chẳng mấy khi gặp, vì sáng sớm anh đã đi rồi, đến tối mịt mới về. Thi thoảng, anh phải nghỉ ít hôm, dẫn chú ngựa hồng đến lò rèn - một loại cơ sở sản xuất nông cụ thủ công thời bấy giờ để đóng lại móng ngưa.

Phải chạy thường xuyên trên đường đá, sỏi, nên móng chân ngựa không thể nào chịu nổi; do vậy, người ta phải rèn một loại móng bằng kim loại, đục lỗ, sau đóng vào dưới chân ngựa. Cho dù thế, nhưng vẫn bị mòn, nên lâu lâu, họ lại tháo ra để lắp lại cái mới. Tôi nghĩ, mỗi lần đóng móng như vậy, chắc phải đau đớn lắm, nhưng nhìn mặt chú ngựa, thấy vẫn bình thản như chẳng hề hấn gì cả.

Lũ trẻ tụi tôi khoái nhất là dành phần tắm ngựa cho anh Năm, rồi xung phong đi cắt cỏ non, trộn với cám gạo, đường đen, khuấy đều với nước để bồi dưỡng cho chú tuấn mã. Thích nhất là khi tắm xong, chú nghếch nhìn, rồi lắc lắc chiếc bờm, trông đáng yêu làm sao. Sau này, tuy được làm quen với chú nhiều lần, nhưng tôi cũng chỉ dám sờ nhẹ vào dưới cổ thôi. Muốn sờ vào bờm lắm, nhưng kiễng chân, nhỏm người lên, vẫn chẳng tới. Các anh lớn hơn thì được ưu tiên, dắt ngựa đi lòng vòng, nhưng không được leo lên lưng ngựa, sợ nguy hiểm. Anh Năm hứa, khi nào mấy đứa lớn lên, cao bằng anh thì sẽ được cỡi ngựa, phi nước đại trên quãng đường vắng. Tôi cũng mong vậy, nhưng rồi chẳng bao giờ làm được điều ấy.

Cuộc chiến đã mở rộng ra, người miền trên bắt đầu tản cư về làng. Súng đạn vẫn nổ rền đâu đó trên đường lộ. Một hôm, xe của anh Năm bị vướng mìn khi đi về một xã vùng bán sơn địa để chở hàng khi trời chưa tỏ mặt người. Cả người và ngựa đều chết. Làng tôi lúc đó không hiểu vì sao lại không ăn thịt ngựa, mang xác cả anh và chú ngựa hồng về chôn sau gò hoang cuối xóm. Tôi thẩn thờ nhiều hôm, cứ nhìn thấy bãi cỏ non trên thửa đất nổi giữa đồng, lại nghe như có tiếng "lóc cóc, lọc cọc" ngày nào, và đâu đây, như còn thấy bóng dáng của anh Năm đang hươ roi thúc chú ngựa hồng phi nước đại.

Chiến tranh đã làm hỏng cả giấc mơ tuổi thơ của tôi, cho đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Cứ nghĩ đến là nhớ, nhất là mỗi khi về đến ngã ba Cây Bảng, đường xuống xã ven biển Hòa Hiệp, trông vài chiếc xe ngựa lẻ loi giữa dòng người tấp nập. Tự nhiên, thấy buồn da diết mà chẳng hiểu vì sao!

2. Thời ấy, khi học lên lớp Đệ thất, thuộc bậc Trung học đệ nhất cấp, tức là từ lớp Sáu đến lớp Chín hiện nay thì nam sinh phải mặc đồng phục quần xanh đen, áo trắng; cũng có trường buộc mặc quần trắng áo trắng. Nữ sinh thường là mặc áo dài trắng, quần trắng vào sáng thứ hai, còn các hôm khác thì có thể mặc áo dài màu khác. Hầu như các bạn nhà xa đều phải ở nhà trọ gần trường để tiện cho việc học, riêng tôi thuộc loại dở dở, nghĩa là chẳng gần, cũng không xa nên đi bộ là chủ yếu. Nếu hôm nào có điều kiện, ra Tỉnh lộ Năm là có thể đi xe lam - một phương tiện vận tải mới xuất hiện trong thời gian gần đây.

Đó là loại xe ba bánh, môt bánh trước ở đầu xe và hai bánh ở giữa hai bên thùng xe, có cabin chủ yếu dành cho tài xế và thùng xe dành chở khách. Xe được điều khiển bằng ghi đông, sử dụng số tay. Mỗi lần chở được khoảng mười đến mười hai người, tám đến mười người ở thùng xe và hai người nữa ngồi bên cạnh tài xế. Thường là các bạn nữ xã trên nhà tôi đi học bằng xe lam là tiện nhất, vì ăn bận áo dài mà đi xe đạp, lỡ gặp trời mưa, ướt át trông chẳng giống ai! Đến giờ, tôi chẳng nhớ, giá tiền mỗi lần đi là bao nhiêu, nhưng chắc là không rẻ bằng xe ngựa, vì nghe nói giá chiếc xe lam thời ấy khoảng chừng ba mươi cây vàng, còn xây một ngôi nhà ở nông thôn khoảng năm mươi mét vuông chỉ có khoảng trên dưới mười cây mà thôi!

Có thời, phái nữ ngồi trên xe DD đỏ, rồi sau này là Dylan, SH,... được xem như là biểu tượng cho sự sang trọng, quý phái. Còn riêng với tôi, hình ảnh cô nữ sinh trung học từ trên xe lam bước xuống, nghiêng nghiêng vành nón lá bài thơ, rồi khẽ đưa tà áo dài lên một chút cho khỏi vướng cạnh thùng xe, trông đẹp và lãng mạn thật. Và điều quan trọng hơn cả là bức tranh nói trên chỉ còn trong tâm tưởng của những người cùng thời với chúng tôi mà thôi.

Xe lam cũng đã đi vào đời sống âm nhạc, với bài hát Chuyến xe lam chiều của nhạc sĩ Vinh Sử. Chuyện kể rằng, hai người không quen, rồi lại quen nhau, tình yêu nảy nở bắt đầu từ chuyến xe lam đông người, chật chội. Nhưng cuộc tình như đám lục bình trôi, rồi cũng chẳng đâu vào đâu cả.

Sự xuất hiện của xe lam đã chia sẻ bớt lượng khách, nhưng không thể thay thế hoàn toàn xe ngựa được. Hai loại xe vẫn song hành, vẫn có hành khách của riêng mình, vẫn ngược xuôi trên từng chuyến hành trình, mặc cho bao đổi thay của dòng đời.

Chiến tranh chấm dứt, xăng dầu hiếm hoi, xe lam dần dần biến mất trong đời sống dân quê. Thời gian sau, nhà nước cấm lưu hành, nên xe lam số tay hầu như không còn nữa. Hiếm hoi, vẫn thấy một vài chiếc xe loại này, chủ yếu là vận chuyển nước giải khát hoặc hàng tạp hóa ở cự ly ngắn. Tất nhiên là không được nhà nước cho phép lưu hành rồi.

Thi thoảng, nghe tiếng xe nhà ai bị ngộp xăng, kêu thét lên, "phành phành", "phành phành", tôi lại nhớ đến âm thanh của chuyến xe lam ngày nào, của ngày xưa, nhưng mà có xưa gì đâu!

3. Khoảng sau năm hai ngàn gì đó, sau khi Tỉnh lộ  - con đường nối liền thị trấn huyện tôi với phố "bụi' được bê tông nhựa xong, cũng là lúc tuyến xe buýt đầu tiên được khai trương. Buổi lễ được tổ chức thật trịnh trọng, gồm nhiều quan chức địa phương, Sở Giao thông Vận tải và đơn vị khai thác là Công ty Vận tải Ô tô của tỉnh. Sau khi tuyên bố xong, các đại biểu còn được ngồi trên xe buýt một đoạn với áo đồng phục của đơn vị tổ chức. Lich sử ngành vận tải hành khách của huyện đã sang trang, mang lại nhiều niềm vui cho nhiều người, song cũng có một ít người buồn, đó là các chú xe ôm.

Ngày đầu hành khách chưa quen với việc lên xuống đúng trạm, và nhất là không chịu được thái độ hách dịch của lái xe. Tôi biết, lái xe Công ty Ô tô ở độ tuổi trên năm mươi đều là lính Trường Sơn, hoặc là diện 5 C (CCCCC), nên rất trịch thượng. Hơn nữa, từ việc vi vu đường dài, thích đâu nghỉ đấy, khi thì "Cơm Dục Mỹ, ...", lúc thì ghé thăm các bạn buôn chuyến một thời gắn bó, vui vẻ tràn trề; giờ chuyển sang giờ giấc chặt chẽ, thắng "kít" liên tục, nên bực bội cũng là lẽ thường tình. Được cái tiện là, nếu trước đây có việc đi họp trên phố, thì việc đi lại thật là bất tiện. Giờ chỉ cần dậy sớm, đi chuyến đầu tiên, rồi đi bộ thêm một đoạn nữa là xong.

Cùng cơ quan có anh Nam hay tâm sự, mình vừa qua tuổi bốn mươi, cũng chẳng làm chức vụ gì to tác, song tớ ngộ ra một điều đơn giản là, người ta chẳng thiếu vài chục ngàn ăn sáng, cũng chẳng phải không có năm, mười ngàn đi xe buýt, nhưng quen rồi, sáng chờ tiếng còi xe trước cửa, rồi ăn xong có người trả tiền. Bỗng một ngày chợt đến, không còn tiếng còi thúc giục nữa thì sẽ bị hẫng hụt biết nhường nào. Quyền lực cũng là một dạng thuốc phiện, gây nghiện mọi người cơ mà!

Có lẽ vì thinh thích chuyện đó hay sao mà sau này nếu đi công tác, dù ở cánh Bắc huyện cách xa trung tâm vài chục cây số thì tôi vẫn chọn xe buýt, dẫu cho mất hai chặng đường. Xuống Trạm, điện thoại anh em nhân viên sở tại ra đón. Thế lại hay. Cũng có người chẳng thích, nói tôi dở hơi, sướng không muốn lại thích khổ, hay là muốn chơi trội đây. Tôi lại nghĩ khác, sướng khổ do mình cảm nhận, biết thế nào là sướng, thế nào là khổ đây!

Sau này khi chuyển về Sài Gòn, đi làm cách nhà hơn hai mươi cây số, tôi vẫn chọn xe buýt là phương tiện đồng hành với mình trên những chặng đường. Một ngày, ba giờ ngồi trên xe cho hai chặng đi - về, nên hình như mọi suy nghĩ, ý tưởng cho mọi việc đều xuất phát từ những lần đung đưa khi xe thắng "kít" ấy. Những câu chuyện chắp vá từ hành khách, rồi thái độ "giật mình" của tiếp viên, tài xế, dù hay, hoặc chưa hay đều rất cần thiết, như nguồn tư liệu bổ sung cho những sáng tác nghiệp dư của tôi.

Như lẽ thường tình, xe ngựa đi, rồi ngựa xe đến theo nghĩa chung nhất, gắn bó với tôi đến suốt cả cuộc đời...


Phamngochien.com - 07:49 - 04/09/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận