Kiểu truyện con vật tinh ranh - những nẻo đường tiếp cận

 

KIỂU TRUYỆN CON VẬT TINH RANH - NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TIẾP CẬN

 

NCS. ĐẶNG QUỐC MINH DƯƠNG

Đại học Văn Hiến, TP. Hồ Chí Minh

 

Với khoa học thế giới, thuật ngữ "truyện cổ tích động vật" không còn là điều mới lạ nữa. Theo PGS. Chu Xuân Diên, nhà bác học Nga O. Mile là người đầu tiên xem truyện loài vật là một tiểu loại. Đó là năm xuất bản bộ sách Truyện cổ tích dân gian Nga của Aphanaxiev (vào các năm 1855 - 1864). Cách phân loại này đã được Aphanaxiev sử dụng có điều chỉnh cho lần xuất bản thứ hai bộ sách của ông (1873)[1]. Bên cạnh lớp truyện gắn với tín ngưỡng, tô tem giáo của người nguyên thủy và lớp truyện đồ chiếu quan hệ xã hội loài người vào các quan hệ loài vật (có xu hướng ngụ ngôn hóa), tiểu loại truyện loài vật còn có nhóm truyện phản ánh đặc điểm của loài vật, qua đó con người truyền lại cho nhau những tri thức tự nhiên nhằm chinh phục nó, sử dụng nó phục vụ cho đời sống con người. Trong lớp truyện này nổi lên là kiểu truyện về con vật tinh ranh. Đây là kiểu truyện kể về các mưu kế, mánh lới của con vật tinh ranh. Kiểu truyện này đề cao tư duy duy lý.

Trên thế giới, từ những năm đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu cũng đã bắt đầu đặt vấn đề nghiên cứu về kiểu truyện này.

1.  Năm 1910, Bảng chỉ dẫn về các kiểu truyện[2] đầu tiên do Anti Aarne (Phần Lan) được công bố. Sau này, S.Thompson dịch sang tiếng Anh, bổ sung và biên soạn lại. Tác giả đã chia các kiểu truyện thành năm cụm lớn: Truyện cổ tích động vật; những truyện kể thông thường; Truyện vui và giai thoại; Truyện kể theo công thức và Những truyện còn lại chưa phân loại. Trong các type truyện từ 1 - 99 (Động vật hoang dã), A. Aarne và S. Thompsom lại phân cấp và gọi tên các type truyện từ 1 - 69 thành tiểu nhóm con vật thông minh (the clever animal). Trong tiểu nhóm này, nhà nghiên cứu đã thống kê được 138 type truyện và type truyện mở rộng của vùng phủ sóng (truyện cổ Phần Lan, một phần của các nước Bắc Âu, các nước Nam châu Âu, Đông Nam châu Âu và Ấn Độ). Trong công trình Motif - Index of Folk - Literature[3], S. Thompsom cũng đã dành chương K - Deceptions để giới thiệu hơn 2300 motif về các trò lừa dối, các mưu mẹo, các mánh khóe lừa bịp của con vật tinh ranh. Đây là hai công trình có giá trị thực tiễn, có tính ứng dụng cao. Nhưng do công trình chỉ hướng đến mục đích giúp cho việc "tra cứu" (index) được nhanh chóng, thuận tiện chứ không nhằm khảo sát, mô tả về nhân vật, cốt truyện nên tác giả vẫn chưa giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về kiểu truyện này. Hơn nữa, với một công trình có mục đích bao quát nội dung lớn như vậy thì khó lòng đi sâu tất cả các vấn để cũng là chuyện dễ hiểu và thông cảm được.

2.  Nhà nghiên cứu người Pháp, Claude Bremond lại có thiên hướng tìm hiểu về các mưu kế trong truyện kể Châu Phi. Trong bài viết Mưu mẹo: những nguyên tắc tra cứu (Principes d'un index des ruses)[4], nhà nghiên cứu lần lượt tìm hiểu các vấn đề như: mục tiêu của bẫy (les fins du piège), chiến lược bảo vệ (stratégies de protection), bẫy trung gian của bẫy (le piège moyen d'un piège), cơ chế bên trong của bẫy (mécanisme interne du piège)... Với cách làm trên, ông đã phân loại các bẫy (mưu mẹo) dựa vào mục đích mà nó hướng đến. Sau khi phân loại, ông đã "sắp xếp các mưu mẹo tùy theo thể loại, theo hình dạng một cây phân nhánh, tương ứng với các mục tiêu và phương thế riêng của chúng"[5]. Đây là một bài viết có giá trị học thuật cao, có ích cho những người nghiên cứu về những kiểu truyện có tính duy lý. Chỉ tiếc rằng, bài viết đang dừng lại tìm hiểu mưu mẹo chứ chưa tìm hiểu các vấn đề khác của kiểu truyện như nhân vật, kết cấu, motif... Cũng nói về Truyện kể dân gian châu Phi[6], khi giới thiệu các tập truyện kể của châu lục này, nhà nghiên cứu người Nga, E. X. Kốtlia đã nhận thấy rằng "Truyện kể về loài vật chiếm một vị trí rất lớn trong văn học dân gian các dân tộc châu Phi"[7] và ở một chỗ khác ông kết luận rằng kiểu truyện con vật tinh - ranh là "hình thức cổ điển của thể loại này, là một chuỗi khá đầy đủ các chủ đề truyện cổ xoay quanh một nhân vật phổ biến: kẻ láu cá (ranh mãnh, lừa đảo, bịp bợm), truyện kể các cuộc phiêu lưu và thủ đoạn của nhân vật này. Nhờ có sự láu cá và khôn khéo mà nhân vật này đã thắng cuộc trong các tình huống khác nhau"[8]. Cả hai công trình nghiên cứu và đánh giá về kho tàng truyện kể châu Phi đều là những gợi mở, những mách bảo rất đáng quý để chúng tôi tìm hiểu kho tàng truyện kể của châu lục này.

3.  Khi nghiên cứu về truyện dân gian Nga, A. M. Nôvicôva nhận thấy rằng: "Trong loại truyện kể về loài vật ở Nga, các truyện cổ tích về con cáo nhiều hơn cả"[9]. Gắn liền với con cáo là một chuỗi các motif mẹo lừa của các nhân vật này. A. M. Nôvicôva đã nhận thấy tính hai mặt của nhân vật tinh ranh mà theo ông là "không phải tiêu biểu với phônclo". Ông cho rằng: "Trong tất cả các truyện, con cáo đều được miêu tả là khéo léo, giỏi giang, nhanh trí, mưu mẹo - đó là những tính cách không thể không thán phục. Song đồng thời con cáo cũng được miêu tả là một tên dối trá, trộm cắp, tính toán, hay thù oán, tàn nhẫn... Thái độ hai mặt đối với nhân vật không phải là tiêu biểu đối với phônclo, vì phônclo mang tính chuẩn mực rất chặt chẽ và có khuynh hướng bộc lộ thái độ hết sức phân minh"[10]. Những nhận xét của A. M. Nôvicôva không chỉ đúng cho riêng truyện kể dân gian Nga mà nó phù hợp với kiểu truyện con vật tinh ranh ở nhiều quốc gia, khu vực khác.

Trước đó, trong công trình Truyện cổ tích Nga, V. Ia. Propp đã dành nguyên một chương - chương VI để bàn về Truyện cổ tích loài vật. Theo Propp, ở Nga thời Trung đại đã từng tồn tại một dòng văn học về loài cáo. Bàn về thể loại này, Propp tìm hiểu các vấn đề như tính đa dạng, tính quy tắc, nguồn gốc, cách phân loại của truyện loài vật Nga. V. Ia. Propp nhận định rằng "Trung tâm của thể loại truyện cổ tích về loài vật là những con vật khôn ngoan, hay có thể gọi là tinh ranh, và bao giờ cũng là kẻ chiến thắng nhờ ưu thế vượt trội đó của mình"[11]. Nhận xét về các mưu kế của nhân vật này, ông cho rằng: "Sự lừa dối ở đây thể hiện ưu thế vượt trội của kẻ khôn ranh so với người ngu đần hay nhẹ dạ, cả tin. Theo quan điểm của chúng tôi, sự lùa dối thường bị phán xét về mặt đạo đức. Nhưng trong truyện cổ tích về loài vật, ngược lại, sự lừa dối lại tạo sự thán phục, như là một hình thức thể hiện sự khôn ngoan vượt trội của kẻ yếu so với kẻ mạnh"[12]. Bên cạnh đó, trong khi trình bày các luận điểm của mình, ông đã có những so sánh về loại truyện này ở Nga và các nước phương Tây. Đây là những công trình rất có giá trị cho những ai nghiên cứu tìm hiểu về truyện loài vật nói chung - kiểu truyện này nói riêng.

4.  Với truyện kể Mã Lai - Inđônêxia, thì con can - chi (Kancil, pê lan duk, mang lửa, hươu, hoẵng) là con vật tiêu biểu của trí thông minh, ranh mãnh. GS. Nguyễn Đức Ninh trong bài viết "Truyện cổ tích Mã Lai - Inđônêxia" đã có những giới thiệu sơ bộ về nhóm truyện này. Theo nhà nghiên cứu, đây "là con vật nhỏ bé nhưng thông minh, lanh lợi, nhanh nhẹn. Đây là hình tượng nhân vật đại diện cho trí thông minh của nhân dân. Biết mình nhỏ bé, yếu sức nên con can - chi đã phát huy trí thông minh để giải thoát mình trong những tình huống sống còn, khi phải đối mặt với những kẻ mạnh, hung dữ, tàn ác"[13]. Tuy nhiên, với dung lượng của một bài viết ngắn, người đọc cũng không thể nào đòi hỏi một sự giải quyết toàn vẹn, thấu đáo hết về về những vấn đề cốt truyện, motif của nhóm truyện này.

5. Trong quan niệm dân gian của Ấn Độ, vẹt lại được xem là một con vật thông minh, khôn ngoan. Trong Lời giới thiệu về Truyện cổ dân gian Ấn Độ, GS. Nguyễn Tấn Đắc cũng đã có những khái quát về chùm truyện con vẹt. Ông cho rằng: "Trong truyện dân gian Ấn Độ có khá nhiều mẩu chuyện kể về những con vẹt thông minh, khôn ngoan như vậy, biết cách đối phó trong những cảnh ngộ cực kỳ khó khăn: có con vẹt bị nhốt trong lồng biết giả chết để thoát thân, có con vẹt tuy bị hại, biết nín nhịn để hòa giải cho hai vợ chồng chủ nhà, có con vẹt biết cách lấy được lòng tin cậy của nhà vua, để tạo thời cơ trốn thoát"[14]. Ở một bài viết khác, khi giới thiệu về "Truyện dân gian Campuchia"[15] nhà nghiên cứu lại nhắc đến chùm truyện về con thỏ của đất nước này. Bên cạnh những nét chung về tính cách tinh ranh của con vật này, ông còn phát hiện ra ở lớp truyện này đặc điểm "không còn yếu tố thần kỳ nào cả, mà chỉ có trí tuệ. Trí tuệ dân gian đã bịa ra hay nói đúng hơn là đã sáng tạo ra tình huống oái ăm, lắt léo, khó gỡ, những "tình huống câu đố", rồi trí tuệ dân gian lại tự mình gỡ giải những tình huống đó một cách bất ngờ, dễ dàng, gây hứng thú đặc biệt cho người nghe. Cái hứng thú ở đây còn có do tính hài hước, tinh nghịch gây ra"[16].

Tình hình nghiên cứu kiểu truyện này ở Việt Nam có vẻ chậm hơn.

Một thời gian dài, hầu hết các giáo trình văn học dân gian vẫn chưa xem truyện loài vật một tiểu loại của truyện cổ tích. Có thể lý giải cho thực tế này là vì tình hình sưu tầm truyện cổ tích loài vật lúc đó chưa đủ số lượng để tạo nên "vấn đề" cho các nhà nghiên cứu tách riêng tìm hiểu. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình có vẻ được cải thiện. Trong các giáo trình, bài viết của mình, GS. Lê Chí Quế[17], Hoàng Tiến Tựu[18], PGS. Võ Quang Nhơn[19] đều xem truyện cổ tích loài vật là một tiểu nhóm trong truyện cổ tích. Trong giáo trình nêu trên, GS. Lê Chí Quế đã có những nhận định gợi mở rất đáng quý cho chúng tôi về kiểu truyện này. Theo tác giả: Điển hình nhất trong những chuyện về con vật thông minh là hệ thống truyện thỏ của người Việt và của các dân tộc ít người trên đất nước ta. Kết cấu phổ biến của những câu chuyện về con vật thông minh (đôi khi láu cá) là sự chiến thắng của con vật bé nhỏ hơn so với con vật lớn hơn không phải bằng sức lực mà bằng trí. Từ nhận định chung đó, tác giả đề cập đến kiểu truyện con thỏ tinh ranh mà theo ông là điển hình của cả những câu truyện về con vật thông minh. Nhận xét về nhân vật con vật này, ông cho rằng "con thỏ bé nhỏ nhưng nhanh nhẹn, thông minh đã lập mưu lừa được cả voi, hổ, cá sấu là những con to khỏe và độc ác"[20]. GS. Lê Chí Quế cũng cho rằng con thỏ không những là con vật xuất hiện nhiều trong truyện dân gian Việt Nam mà còn là con vật tiêu biểu trong truyện dân gian của Campuchia vùng Đông Nam Á và nhiều nước khác trên thế giới. Nhưng với một giáo trình văn học dân gian, tác giả chưa có điều kiện đi sâu vào từng kiểu truyện, từng nhân vật như mong đợi của chúng ta được.

Năm 2000, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS. TS. Nguyễn Trường Phát đã được Vụ Giáo viên ủy quyền biên soạn tài liệu Thi pháp văn học dân gian (sách bồi dưỡng thường xuyên chu kì 1997 - 2000 cho giáo viên tiểu học) cũng có nhắc đến nhân vật con thỏ tinh ranh. Do mục đích là "phục vụ yêu cầu giảng dạy, hướng dẫn các lớp bồi dưỡng" và với phương pháp tiếp cận là "thi pháp", nhà nghiên cứu đã lần lượt giới thiệu các nội dung như: nhân vật, xung đột, kết cấu, không gian và thời gian trong truyện cổ tích loài vật. Khi tìm hiểu về tiểu loại truyện cổ tích loài vật, nhà nghiên cứu lưu ý đến "nhân vật con thỏ nổi tiếng tinh khôn, hiểu biết về nhiều lĩnh vực trong truyện của các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc ở miền núi Trường Sơn và các dân tộc Khơ me Nam Bộ, Chăm..."[21]. Đây là những trang viết có chiều sâu, có nhiều tìm tòi vể tiểu loại truyện loài vật ở Việt Nam mà chúng tôi từng được tiếp cận.

Gần đây, dưới sự chủ trì của Viện Khoa học xã hội Viêt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa đã lần lượt cho ấn bản bộ Tổng tập Văn học dân gian người Việt (19 tập, 20 quyển) và bộ Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (23 tập). Bên cạnh nội dung chính là các truyện kể, PGS. TS. Nguyễn Thị Yên và PGS. TS Nguyễn Thị Huế đã có những bài tổng thuật, giới thiệu về tình hình sưu tập, nghiên cứu truyện cổ Việt Nam từ trước đến nay. Trong bài Dẫn luận truyện cổ tích các dân tộc thiểu số Việt Nam - PGS. TS. Nguyễn Thị Yên đã có những nhận định mang tính tổng kết đầu tiên về tiểu loại này trong kho tàng truyện cổ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ở đây, tác giả chú ý đến tính đối lập của các đối thủ của con vật thông minh: "Đặc điểm tính cách của loài vật cũng được đưa vào nhóm truyện về những con vật thông minh như thỏ, khỉ, cáo mà đối lập với nó là những loài vật to xác nhưng hữu dũng vô mưu như hổ, sư tử, sói, cá sấu và đôi khi còn có cả voi mà ở mỗi dân tộc lại có những sáng tạo riêng"[22]. Cái mới của công trình này theo PGS. TS. Nguyễn Thị Yên là: "bộ sách đầu tiên tập hợp được số lượng lớn truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số dưới các dạng song ngữ" và "được sắp xếp theo các tiểu thể loại"[23]. Còn PGS. TS. Nguyễn Thị Huế khi giới thiệu về tiểu loại này đã có nhận xét xác đáng khi cho rằng kiểu truyện này "không có nhân vật lý tưởng, không có kết thúc có hậu, không có công thức và mang tính chất hiện thực"[24].

Năm 2005, trong luận văn Thạc sĩ, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS. Chu Xuân Diên, chúng tôi đã nghiên cứu đề tài "Kiểu truyện con thỏ tinh ranh trong truyện cổ Việt Nam"[25]. Qua công trình này chúng tôi đã phác thảo chân dung về kiểu truyện này ở Viêt Nam và nhận định rằng: kiểu truyện con thỏ tinh ranh là tập hợp những truyện kể về các mưu mẹo, mánh lới của con thỏ - nhân vật chính của kiểu truyện. Trong kiểu truyện này, thỏ luôn đóng vai là kẻ chủ động đánh lừa, chơi khăm các nhân vật to lớn, có sức mạnh hơn nó. Phần thắng lợi trong những lần "chạm trán" này thường thuộc về thỏ. Tuy nhiên, với số lượng bản kể có hạn lúc đó (58 truyện) và chỉ hạn trong đất nước Việt Nam nên công trình của chúng tôi vẫn chưa thể bao quát hết được kiểu truyện này trên thế giới.

Một vài phân tích ở trên cho thấy hướng nghiên cứu kiểu truyện con vật tinh ranh trong truyện dân gian là có triển vọng mà bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc đặt vấn đề.

Đ. Q. M. D


CHÚ THÍCH:

[1] Chu Xuân Diên, Văn hóa dân gian (Folklore) và phương pháp nghiên cứu liên ngành, Nxb Đại học tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh, 1995, tr.241.

[2] Aarne A & Thompson S, The Types of the Folktale (A Classification and Bibliography), Helsinki, 1973

[3] Thompson S, Motif - Index of Folk - Literature, Bloomington, Indiana University Press, 1995

[4] Claude Bremond, "Principes d'un index des ruses", Cahiers D' É tudes africaines, 60, XV - 4, pp. 601 - 618.

[5] Claude Bremond, "Principes d'un index des ruses", Cahiers D' É tudes africaines, 60, XV - 4, pp. 602.

[6] E.X. Kốtlia, Truyện kể dân gian châu Phi, Trần Nho Thìn, Nguyễn Thị Hảo dịch, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1986.

[7] E.X. Kốtlia, Truyện kể dân gian châu Phi, Trần Nho Thìn, Nguyễn Thị Hảo dịch, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1986, tr,29.

[8] E.X. Kốtlia, Truyện kể dân gian châu Phi, Trần Nho Thìn, Nguyễn Thị Hảo dịch, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1986, tr,29.

[9] A. M. Nô vi cô va (Đỗ Hồng Chung - Chu Xuân Diên dịch), Sáng tác thơ ca dân gian Nga, Tập 1, Nxb Đại học và TCCN, H, 1983, tr.277, 278.

[10] A. M. Nô vi cô va (Đỗ Hồng Chung - Chu Xuân Diên dịch), Sáng tác thơ ca dân gian Nga, Tập 1, Nxb Đại học và TCCN, H, 1983, tr.277, 278.

[11] V. Ia. Propp, Truyện cổ tích Nga, Trường Đại học tổng hợp Leningrad - leningrad, 1984.

[12] V. Ia. Propp, Truyện cổ tích Nga, Trường Đại học tổng hợp Leningrad - leningrad, 1984.

[13] Đức Ninh (chủ biên), Về một số vấn đề văn hóa dân gian (folklore) Đông Nam Á, Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.92, 2008.

[14] Cao Huy Đỉnh..., Truyện cổ dân gian Ấn Độ, Nxb. Thanh Niên, Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr.25.

[15] Nguyễn Tấn Đắc, Vài nét tinh hoa văn học, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2009.

[16] Nguyễn Tấn Đắc, Sđd, tr.392.

[17] Lê Chí Quế, Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, H, 1990.

[18] Hoàng Tiến Tựu, Văn học dân gian Việt Nam, tập hai, Nxb. Giáo dục, H, 1990.

[19] Nguyễn Thị Yên (chủ biên), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 14, Truyện cổ tích, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2010.

[20] Lê Chí Quế, Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, H, 1990, tr.116, 117.

[21] Đức Ninh (chủ biên), Về một số vấn đề văn hóa dân gian (folklore) Đông Nam Á, Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.92, 2008, tr.61.

[22] Nguyễn Thị Yên (chủ biên), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 14, Truyện cổ tích, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2010, tr.62, 80.

[23] Nguyễn Thị Yên (chủ biên), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 14, Truyện cổ tích, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2010, tr.62, 80.

[24] Nguyễn Thị Huế (chủ biên), Truyện cổ tích thần kỳ, (tập 6), thuộc bộ Tổng tập văn học dân gian người Việt, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2004, tr.33.

[25] Đặng Quốc Minh Dương, Kiểu truyện con thỏ tinh ranh trong truyện cổ Việt Nam - Luận văn Thạc sĩ, Thư viện trường Đại học Khoa học xã hộ và Nhân văn, Tp. Hồ Chí Minh, 2005.

 


Phamngochien.com - 17:20 - 12/07/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận