Hiến pháp 17 điều của Nhật Bản

HIẾN PHÁP 17 ĐIỀU (1)

Người dịch: Ngô Trần Trung Nghĩa

Dẫn nhập:

Năm 587, Thiên Hoàng Yōmei (Dụng Minh) băng hà, hai gia tộc lớn là Soga (Tô Ngã) và Mononobe (Vật Bộ) nhân đó phát động chính biến, nhằm tranh giành quyền lực. Sau cùng, tộc Soga chiến thắng, thủ lĩnh Soga no Umako (Tô Ngã Mã Tử), người đang giữ chức Ōomi (Đại thần) trong triều, lập Thiên Hoàng Sushun (Sùng Tuấn).

Tuy nhiên, Soga no Umako lại chuyên quyền, thâu tóm hết quyền lực của nhà vua, đến năm 592 thì ám sát Thiên Hoàng Sushun. Trước tình hình đó, Thái tử Shōtoku (Thánh Đức Thái tử) đã tôn Nữ Thiên Hoàng Suiko (Thôi Cổ) lên ngôi, nhằm ngăn chặn âm mưu soán vị của tộc Soga, đồng thời ông cũng nắm giữ chức Kanpaku (Quan bạch, tức chức quan nhiếp chính) và trực tiếp trông coi việc triều chính.

Lúc bấy giờ, xã hội Nhật Bản tồn tại nhiều mâu thuẫn.

Về mặt chính trị, đó là mâu thuẫn giữa hoàng gia Nhật Bản và các gia tộc đang không ngừng lớn mạnh, có ý lấn lướt Thiên Hoàng.

Về mặt tư tưởng, đó là mâu thuẫn giữa phe tôn sùng Phật giáo (tôn giáo ngoại nhập) và phe đề cao Thần đạo (tín ngưỡng truyền thống).

"Hiến pháp 17 điều" ra đời chính là để góp phần giải quyết các mâu thuẫn đó. Thái tử Shōtoku ra sức dung hòa ba luồng tư tưởng Nho - Phật - Thần, hình thành nên văn hóa đặc trưng của Nhật Bản, phát triển đến tận ngày nay.

Trong hiến pháp, quan điểm của Nho giáo được thể hiện rất rõ, như "chính danh" (vua ra vua, tôi ra tôi), hay "dùng lễ trị thiên hạ",... Những quan điểm đó đã có tác dụng rất lớn trong việc ổn định xã hội đương thời, là nền tảng giúp "Cải cách Taika" đi đến thành công, đưa nước Nhật chính thức bước vào thời kỳ phong kiến.

 

Hiến pháp 17 điều

Triều Thiên Hoàng Suiko

Năm thứ 12 (604)

Mùa hạ, tháng Tư, Bính Dần, ngày mồng một, Mậu Thìn, Thái tử Shōtoku (2) bắt đầu soạn thảo Hiến pháp gồm 17 điều.

Điều 1: Quý trọng sự hòa mục, căn bản là không làm điều ngỗ nghịch.

Người người đều kết giao bè đảng nhưng ít kẻ hiển đạt, cho nên hoặc trái mệnh vua, cãi lời cha, hoặc xâm phạm đến làng xóm lân cận. Nếu trên dưới hòa mục, cùng nhau luận sự thì mọi chuyện tự thông suốt, việc gì mà chẳng thành?

Điều 2: Dốc lòng phụng kính Tam bảo.

Tam bảo, tức là Phật, Pháp, Tăng vậy. Đó là cứu cánh của Tứ sinh (3), gốc rễ của thiên hạ. Đời nào, người nào mà chẳng quý trọng pháp ấy? Con người đâu phải hạng cực ác, có thể giáo hóa, khiến họ phục tùng. Nhưng nếu không quy thuận Tam bảo thì lấy gì để uốn nắn?

Điều 3: Kính cẩn vâng chiếu.

Vua là trời, bề tôi là đất. Trời che đất, đất chở trời. Nhờ đó bốn mùa luân chuyển đúng quy luật, muôn khí được lưu thông. Nếu đất muốn che trời thì mọi thứ đều đi đến sụp đổ. Cho nên: vua nói thần nghe, trên hành xử thế nào thì dưới noi theo như vậy. Khi nhận chiếu phải thận trọng, bất cẩn chỉ tự khiến mình bại vong.

Điều 4: Quần thần bá quan, lấy lễ làm gốc.

Căn bản của việc trị dân, cốt nằm ở lễ. Trên mà thiếu lễ thì dưới không thể chỉnh tề. Còn dưới mà thiếu lễ thì tất mang tội vạ. Cho nên, vua tôi mà giữ lễ thì ngôi thứ không loạn. Trăm họ mà giữ lễ thì đất nước tự an.

Điều 5: Chấm dứt hưởng thụ, lìa bỏ ham muốn, đối với việc tố tụng phải xem xét công minh.

Việc thưa tụng của bách tính, một ngày có cả ngàn việc. Một ngày đã nhiều như vậy, huống chi để tích lũy nhiều năm. Kẻ trông coi việc kiện tụng, được lợi là chuyện thường, cứ nhận hối lộ rồi thăng đường phán quyết. Vậy kẻ có tiền đi kiện (dễ) như ném đá xuống nước, người không tiền đi kiện (khó) tựa vẩy nước lên đá. Dân nghèo biết trông cậy vào đâu? Đạo làm quan hỏi sao không thiếu sót?

Điều 6: Trừng phạt việc ác, khuyến khích điều thiện. Đó là điển phạm tốt đẹp từ xưa.

Cho nên không giấu diếm điều thiện của người, thấy việc ác tất phải chỉnh sửa. Siểm nịnh, dối trá là lợi khí làm nghiêng đổ đất nước, là dao bén giết hại nhân dân. Cũng chính những kẻ nịnh nọt, ton hót, đối với người trên thì bợ đỡ và không dám chỉ lỗi, gặp phải kẻ dưới thì phỉ báng và soi mói sai lầm. Hạng người như thế, hết thảy đều bất trung với vua, bất nhân với dân, là nguồn gốc của đại loạn vậy.

Điều 7: Mỗi người đều chấp chưởng nhiệm vụ riêng, không nên lạm quyền.

Người hiền làm quan thì được lời ca tụng, kẻ ác làm quan thì họa loạn khôn cùng. Trên đời ít ai sinh ra đã hiểu biết, phải nghiêm khắc, chuyên tâm thì mới thành bậc thánh nhân. Việc thì không phân lớn hay nhỏ, hễ được người (giỏi) thì tất sẽ trị yên. Thời gian không có gấp hay hoãn, nếu gặp được hiền tài thì tự khắc ung dung. Do vậy nên đất nước trường tồn, xã tắc không nguy khốn. Cho nên bậc thánh vương thời xưa lập chức quan để cầu người, chứ không vì người mà cầu đến chức quan.

Điều 8: Quần thần bá quan, lên triều sớm, trở về muộn.

Việc công giám sát tốt, cuối ngày cũng khó giải quyết xong. Do đó, nếu lên triều muộn thì không theo kịp sự cấp bách, còn trở về sớm thì công vụ chẳng thể xong xuôi.

Điều 9: Tín là căn bản của đạo nghĩa. Phải giữ chữ tín trong mọi việc.

Là thiện hay là ác, việc thành hay là bại, đều cốt yếu ở chữ tín. Nếu vua tôi cùng nhau giữ chữ tín thì việc gì mà chẳng thành? Còn vua tôi không ai giữ chữ tín thì mọi việc hết thảy đều thất bại.

Điều 10: Chấm dứt phẫn nộ, lìa bỏ thù hằn. Không giận người trái mình.

Người người đều có suy nghĩ riêng, trong suy nghĩ mỗi người đã có sẵn chấp kiến. Họ cho là đúng thì ta bảo là sai. Họ bảo là sai thì ta cho là đúng. Ta đâu phải thánh, họ chẳng phải ngu, đều là phàm phu cả mà thôi. Lý lẽ thị phi, ai có thể phân định được? Hiền ngu quấn lấy nhau, như cái vòng không có đầu mối. Cho nên, nếu người kia nổi giận thì chưa biết chừng bởi ta sai. Cũng có khi một mình ta đúng, nhưng cứ làm theo với mọi người.

Điều 11: Công tội phải xem xét nghiêm minh, thưởng phạt phải cho thật xứng đáng.

Gần đây, người ta thưởng chẳng do công, phạt không vì tội. Quần thần khi chấp sự, nên thưởng phạt rạch ròi.

Điều 12: Các Kokushi và Kokuzō (4) không được vơ vét bách tính.

Nước không thể có hai vua, dân không thể có hai chủ. Hết thảy sĩ tốt và muôn dân đều coi nhà vua là chủ. Kẻ đảm nhận chức quan là nô bộc của vương thất, sao dám lợi dụng thuế công để vơ vét nhân dân?

Điều 13: Những người làm quan cần biết rõ về chức vụ mình nắm giữ.

Nếu mắc bệnh hoặc đi sứ thì sẽ có việc bị bỏ trống. Đến ngày trở lại, phải cân bằng và xử lý ổn thỏa như đã biết mọi chuyện, chớ để trở ngại đến công vụ bởi không nghe không thấy.

Điều 14: Quần thần bá quan không được có lòng đố kỵ.

Ta đố kỵ với người thì người cũng đố kỵ lại ta. Cái họa đố kỵ ấy biết đâu là kết thúc? Trí vượt hơn mình thì không vui, tài cao hơn mình thì ganh ghét. Bởi vậy mà sau năm trăm năm mới gặp một người hiền, cả ngàn năm cũng khó được một vị thánh. Không có thánh hiền thì lấy ai trị nước đây?

Điều 15: Chí công vô tư, đó là đạo của kẻ làm bề tôi.

Phàm con người thì hẳn có lòng riêng, có lòng riêng thì tất có thù hận, có thù hận thì tất không kiên định, không kiên định thì sẽ lấy tư hại công. Thù hận nổi lên thì dẫn tới vi phạm và đổ vỡ pháp chế. Cho nên chương đầu nói phải trên dưới hòa mục, cũng chính bởi sự thật này đây.

Điều 16: Dùng dân theo thời. Đó là điển phạm tốt đẹp từ xưa.

Cho nên, giữa những tháng mùa đông thì có thể dùng dân. Còn từ mùa xuân tới mùa thu là lúc làm ruộng, trồng dâu, không thể sai khiến dân chúng. Bởi không làm ruộng thì lấy gì mà ăn, không trồng dâu thì lấy gì để mặc?

Điều 17: Phàm đại sự thì không thể độc đoán, phải bàn bạc với mọi người.

Việc nhỏ đơn giản, không cần thiết phải nói với nhiều người. Riêng với việc lớn, đôi khi sẽ mắc sai lầm. Cho nên phải cùng bàn bạc với mọi người thì mới có quyết định đúng đắn.

 

Chú thích:

(1) Văn bản này được trích từ quyển 22 của bộ sách "Nhật Bản thư kỷ" (Nihon Shoki), chép về triều đại của Nữ Thiên Hoàng Suiko, được viết bằng chữ Hán. "Hiến pháp 17 điều" là hiến pháp thành văn đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Nhật Bản.

Trong sách "Quốc Ngữ", phần "Tấn ngữ" của Tả Khâu Minh thời Xuân Thu đã có nhắc đến hai chữ "hiến pháp": "Thưởng thiện phạt gian, quốc chi hiến pháp dã" (Ban thưởng điều thiện, trừng phạt điều gian, đó là hiến pháp của một nước vậy). Tuy nhiên, "hiến pháp" ở đây không giống với cách hiểu của chúng ta bây giờ.

Sang thời Cận đại, chính người Nhật Bản đã dùng hai chữ "hiến pháp" của tiếng Hán để dịch từ "constitutio" trong tiếng Latin.

(2) Thái tử Shōtoku (574 - 622) là con trai của Thiên Hoàng Yōmei và là cháu gọi Nữ Thiên Hoàng Suiko bằng cô. Những chính sách của ông được coi là tiền đề cho "Cải cách Taika" (Đại Hóa cải tân) được thực hiện dưới triều Thiên Hoàng Kōtoku (Hiếu Đức) sau này. Lúc trước, hình của ông được in trên tờ giấy bạc 10.000 yên của Nhật.

(3) "Tứ sinh" là thuật ngữ Phật giáo, chỉ bốn phương thức sinh sản của các loài trong chúng sinh, gồm "thai sinh" (sinh từ bào thai), "noãn sinh" (sinh từ trứng), "thấp sinh" (sinh do nóng lạnh hòa hợp) và "hóa sinh" (sinh do biến hóa).

(4) Kokushi (Quốc ty) là chức quan hành chính đứng đầu một Ryōseikoku (Lệnh chế quốc, tức đơn vị hành chính tương đương một tỉnh) ở Nhật Bản thời xưa.

Kokuzō (Quốc tạo) là chức quan địa phương ở Thời kỳ Kofun (Cổ Phần, 250 - 538) và Thời kỳ Asuka (Phi Điểu, 538 - 710), được đặt ra bởi Vương triều Yamato (Đại Hòa).

Người dịch: Ngô Trần Trung Nghĩa

ngotrantrungnghia@gmail.com


Phamngochien.com - 21:04 - 12/12/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận