Góc nhìn lạ của HS lớp 6 về truyện "Trí khôn của ta đây" (+ lời bình của Hiền)

1. Thưa cô giáo, đây có phải là một câu chuyện cổ tích lạ không. Anh nông dân đang cày ruộng. Thấy con trâu làm lụng vất vả lại còn bị quật roi, con hổ hỏi làm sao con trâu khỏe thế mà lại chịu khổ sở và còn để bị người đánh đập. Trâu trả lời vì người có trí khôn. Cọp lại hỏi, và muốn xem cái trí khôn của anh nông dân ra sao. Anh nông dân nói trí khôn của anh để ở nhà. Muốn xem thì phải chịu trói lại chờ anh về lấy, và nếu cần anh sẽ cho hổ một ít. Hổ đồng ý. Anh nông dân trói hổ vào gốc cây rồi chất rơm đốt. Vừa đốt vừa quát: Trí khôn của ta đây. Trâu thích chí cười lăn, va vào đá rụng mất hàm răng trên. May nhờ lửa cháy đứt dây trói nên hổ mới chay thoát được vào rừng, về sau trên lưng luôn có vằn đen. Nội dung câu chuyện là thế. Nếu như đây là câu chuyện nói về nỗi khó khăn khổ ải, và cả cái giá phải trả trong hành trình đi tìm trí khôn, thì quả thực là một câu chuyện hay. Cũng như ông Brunô đã bị giáo hội trung cổ thiêu trên giàn hỏa trong hành trình đi tìm trí khôn để biết Trái Đất quay quanh Mặt Tròi chứ không phải ngược lại như lời Kinh thánh dạy.

2. Nếu không đúng như vậy, thì đây là một câu chuyện khó hiểu đối với một học sinh lớp 6 như em. Vì sao con hổ lại đáng bị đối xử như vậy? Nó chỉ muốn biết một sự thật mà nó không hiểu. Nó tò mò, nhưng biết đâu là vì lòng trắc ẩn trước một con trâu đang khốn khổ. Vì sao anh nông dân lại đốt con hổ, một con hổ đáng yêu, muốn học hỏi, ham hiểu biết? Vì sao anh nông dân lại lừa con hổ, một con hổ rất thân thiện và ngây thơ? Vì sao lại dùng bạo lực để làm trực quan sinh động trả lời cho một câu hỏi rất hoà bình? Vì sao còn trâu lại cười trước cảnh khổ đau của hổ? Một nụ cười vô cảm vô tri. Đó có phải con trâu vốn khoan hoà, từ ái, là người bạn đường nhân hậu ngàn đời của người nông dân vai lấm chân bùn của nông thôn ta đấy không? Và cuối cùng, đó có phải là trí khôn của anh nông dân không? Em nghĩ là không! Đó là sự lừa gạt. Một câu chuyện lạc loài trong dòng chảy cổ tích thường có hậu của nhân loại chăng?

3. Dĩ nhiên, anh nông dân này không biết gì về sách đỏ, không biết bài học môi trường, không biết bảo vệ động vật hoang dã. Câu chuyện này xảy ra lâu lắm rồi. Ở đó, con người mới tách ra khỏi môi trường thiên nhiên với cuộc đấu tranh sinh tồn nghiệt ngã, một mất một còn. Vậy thì, phải chăng đây là một câu chuyện cổ tích quá đát, đã hết hạn sử dụng, thưa cô?

.

Lời bình của Hiền Chấm Cơm

Dạo này, cư dân mạng xôn xao về một bài viết đưa ra cách nhìn khác về truyện cổ tích "Trí khôn của ta đây". Có mấy vấn đề làm bà con công nông mình bàn tán như sau:
1. Liệu đây có phải là bài viết của học sinh lớp 6 (hay là học sinh lớp 16 ?)
2. Là học sinh, sao dám chất vấn cô giáo, dám cãi lại SGK, dám đưa ra quan điểm của riêng mình (là học sinh hư)
3. Do trình độ học vấn còn thấp, chưa đạt chuẩn và chưa hiểu đặc trưng của truyện cổ tích nên nói vớ vẩn như vậy
4. Nhưng cũng có một số bà con cho rằng, đây là một học sinh giỏi, sẽ thành một trí thức tài năng trong tương lai.

Theo quan điểm cá nhơn của tui thì bài viết này hay, đưa ra một cách nhìn mới mà những kẻ hàn lâm như Hiền Chấm Cơm không nghĩ ra được. Mặc dù không nghĩ tới những ý hay như vậy nhưng Hiền tui vẫn vui vẻ tiếp thu phát kiến của người khác chứ không quá bảo thủ như... những người không giống tui. Bài viết này của học sinh lớp 6 hay tú tài Tây, hay cử nhơn nội địa là không quan trọng. Miễn là nó ném một cục đá xuống ao làm cho nước kêu "ùng" nghe vui tai hơn tiếng con vẹt ca thánh thót là được rồi.

Theo tui, cả anh nông dân và con trâu đều đáng trách. Anh nông dân làm ra vẻ mình có "trí khôn" nhưng đó là dạng khôn lỏi, lừa đảo một con vật ngây thơ. Ca ngợi anh nông dân nghĩa là ca ngợi sự khôn lỏi kiểu như "nhận phong bì đi trước, làm việc nước đi sau". Con trâu có sức khỏe nhưng cả đời làm tôi tớ cho kẻ khác là ngu. Nó cười trên nỗi đau khổ của đồng loại mình cũng là "ngu như... trâu". Noi gương con trâu, ngày nay, có biết bao nhiêu người quanh năm suốt tháng cứ thích thú mở tiệc ăn mừng trên nỗi đau của người khác.

Con cọp tỏ vẻ thương con trâu và vì muốn hiểu biết rõ những bất công ngang trái nên mới bị lừa. Nó chỉ muốn tìm hiểu sự thật nhưng con đường dẫn đến chân lý rất phũ phàng. Kể ra, con cọp cũng có nhiều nhược điểm, vừa ngu vừa hiền. Ngu là để cho anh nông dân lừa. Hiền là sau khi thoát dây trói, cọp đã không dùng phương pháp bạo lực để trả thù, không dùng thịt của anh nông dân và con trâu để làm tiệc ăn mừng chiến thắng. Nó quên mất quá khứ và phóng thẳng về tương lai.

Túm lại, bài "Trí khôn của ta đây" dạy học trò rằng: Để tránh bị tai họa như con cọp thì tốt nhứt là nên sống ngu dốt và chấp nhận làm thân trâu bò cho kẻ ngu. Đừng thắc mắc, nghi vấn chuyện gì, cứ nghe ai nói sao thì tin vậy. Thế là được vinh thân phì gia cả đời.

HIỀN CHẤM CƠM

.

Nguyễn Lê Phương Anh - (vào lúc: 22:05 - 05-23-2014)
theo e. câu chuyện này là một dạng đề mở. chứ ko như ngày xưa học theo khuôn khổ. 1 đề thi cần có 1 cách chấm thoáng. cũng giống như câu chuyện trên cần có những suy nghĩ về mọi mặt đối với câu chuyện.  
E rất tán thành với những câu nói của thầy dưới đây : "bài "Trí khôn của ta đây" dạy học trò rằng: Để tránh bị tai họa như con cọp thì tốt nhứt là nên sống ngu dốt và chấp nhận làm thân trâu bò cho kẻ ngu. Đừng thắc mắc, nghi vấn chuyện gì, cứ nghe ai nói sao thì tin vậy. Thế là được vinh thân phì gia cả đời".
Phan Thanh Long - (vào lúc: 10:03 - 03-23-2014)
"Khôn ngoan đối đáp người ngoài.
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau."

Bản chất của chuyện dân gian ngụ ngôn là gợi ý để suy nghĩ. Đó là bài tập về sự suy nghĩ có lý lẽ, bài tập về sự khoan hòa (khoan dung, hòa thuận). Trong rất nhiều cái để suy nghĩ, tại sao không nghĩ về những điều tốt đẹp trước, những điều nhân văn trước ?

1. Có người đã lớn rồi mà lại có sở thích mang toán cấp 1, cấp 2 ra giải rồi tự cho ta đây là giỏi lắm ?! Còn nếu đây là cách suy nghĩ của học sinh lớp 6 thì quả là lạ. Cách dùng từ như: lòng trắc ẩn, trực quan sinh động, khoan hoà, từ ái, lạc lỏng giữa dòng chảy cổ tích ? Ôi ôi ! Học sinh lớp 6 gì mà già chết đi được.

Xin thưa rằng , nếu đã lớn rồi thì hãy giải quyết các vấn đề của người lớn nhé. Đi chỗ khác cho con nít nó chơi !

2. Học sinh chất vấn cô giáo, cãi lại sách giáo khoa không phải là việc hiếm. Sự thật là sách giáo khoa vẫn còn không ít chỗ cần thắc mắc, và không phải thầy cô giáo nào cũng đủ kiến thức và tâm lý để trả lời tất cả các câu hỏi.

3,4 không phải bàn nữa.

Đỗ Hà - (vào lúc: 21:01 - 01-18-2014)
Thực sự em cũng không nghĩ đây là góc nhìn mới lạ. Ý kiến trái chiều này đã được thể hiện trong bài viết " Đừng coi truyện này là một định nghĩa về trí khôn" ở trang 197 do tác giả Thủy Liên viết, in trong cuốn " Thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích ( lâm Quế Phong chủ biên) mà sách này ra năm 1998 rồi ạ. Băn khoăn của " học sinh lớp 6" này cũng không phải là đầu tiên...
HẢI ÂU - (vào lúc: 11:01 - 01-10-2014)
Có thật sự có cái nhìn mới không thầy, ngẫm ra có nhiều triết lý sống! Họ hỏi thầy nhiều nữa thầy ơi!

Phamngochien.com - 06:26 - 28/12/2013 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận