GIÁO DỤC SỨC KHỎE VỊ THÀNH NIÊN THỜI HỘI NHẬP (Trương Thị Mỹ Hương)

 

Ngày nay, cùng với quá trình hội nhập, sự giao thoa văn hóa Đông - Tây đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nên nhiều thay đổi trong cách sống, cách suy nghĩ của giới trẻ. Nhiều bậc cha mẹ, nhất là những người có con đã qua lứa tuổi mầm non thường băn khoăn tự hỏi: khi nào mình sẽ bắt đầu giáo dục giới tính cho con và sẽ giáo dục như thế nào? Không ít người vẫn nghĩ rằng cần phải giấu giếm, bưng bít thông tin về sinh lý, về các biện pháp tránh thai đối với lứa tuổi vị thành niên... Vì họ cho rằng làm như thế là "vẽ đường cho hươu chạy".

Ngày nay, trẻ em, nhất là trẻ vị thành niên có điều kiện tiếp xúc rất sớm với các phương tiện truyền thông đại chúng và nhiều nguồn thông tin khác. Các em đã sớm tiếp xúc với các hình ảnh về sex, bạo lực, uống rượu, ma túy... Các buổi biểu diễn thời trang, thi hoa hậu... cũng mang tính khêu gợi cao, làm cho trẻ tò mò muốn được thỏa mãn. Những truyện tình lãng mạn hằng ngày trên phim ảnh cũng tác động không nhỏ tới giới trẻ, làm cho các em cũng có mong muốn "yêu thử" cho biết. Và một hậu quả khôn lường xảy ra: mang thai ngoài ý muốn.

Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế, có đến 50% người vị thành niên chưa có tri thức đầy đủ về sinh lý tuổi dậy thì và các vấn đề tình dục, mang thai, 90% không biết cách áp dụng một biện pháp phòng tránh thai nào. Trong khi đó, tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân ở lứa tuổi này ngày một tăng. Điều đó dẫn đến sự gia tăng các bệnh lây qua đường tình dục, các biến chứng liên quan đến nạo thai (nhiễm trùng, tổn thương đường sinh dục, vô sinh, tử vong...). Tỷ lệ người vị thành niên trong tổng số người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam đã tăng từ 5% (năm 1997) lên 9,4% (năm 2001). Nhiều triệu trẻ em trên thế giới bước vào tuổi hoạt động tình dục với nguy cơ có thai ngoài ý muốn, AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Rất nhiều người lớn không chấp nhận một thực tế là con cái họ đang ở tuổi hoạt động tình dục, mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy rằng bất chấp ràng buộc về văn hóa, tập tục, tôn giáo, phần lớn thiếu niên đều bắt đầu có hoạt động tình dục dưới các hình thức khác nhau. Ở hầu hết các quốc gia, trường học, chính phủ và bố mẹ vẫn chưa cung cấp cho trẻ vị thành niên những thông tin cần thiết để chúng có thể có những quyết định và hành vi đúng đắn, để khỏi ảnh hưởng đến tương lai về sức khỏe sinh sản.

Một số quan điểm lo ngại rằng nếu cung cấp cho trẻ vị thành niên những thông tin và giúp chúng phòng ngừa có thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ vô tình thúc đẩy trẻ có hoạt động tình dục sớm và bừa bãi. Tuy nhiên, thực tế giáo dục giới tính ở nhiều nước cho thấy hoàn toàn ngược lại. Tổ chức y tế thế giới đã khảo sát 19 chương trình giáo dục giới tính trường học ở nhiều nước, tất cả đều cho thấy trẻ vị thành niên có hoạt động tình dục trễ hơn, giảm hoạt động tình dục, biết cách sử dụng các biện pháp ngừa thai một cách hiệu quả, và hoàn toàn không thúc đẩy trẻ có hoạt động tình dục sớm và nhiều hơn. Nên thực hiện giáo dục giới tính trước khi trẻ bước vào tuổi hoạt động tình dục. Các bước tích cực này sẽ giúp khuyến khích trẻ không hoạt động tình dục sớm và biết cách sinh hoạt tình dục một cách an toàn, giảm thiểu thai ngoài ý muốn ở các em.

Để thật sự giúp đỡ thiếu niên ngăn ngừa có thai ngoài ý muốn, cần phải tạo điều kiện cho trẻ hiểu biết về tình dục, về nguy cơ có thai, cách thức ngăn ngừa có thai ngoài ý muốn, và biết những nơi có thể tham vấn về tình dục trước khi chúng bắt đầu sinh hoạt tình dục. Việc cung cấp dịch vụ ngừa thai cần được tổ chức để có thể đến được đối tượng thanh niên trẻ. Tình trạng có thai sớm ngoài ý muốn phần lớn có thể dự phòng và giảm đáng kể nếu chúng ta chấp nhận rằng vị thành niên là đối tượng bắt đầu hoạt động tình dục và cung cấp cho các em đầy đủ thông tin và phương tiện để ngừa thai. Bằng không, việc có thai ngoài ý muốn và tình trạng phá thai ở thiếu niên sẽ tiếp tục gia tăng với những hệ lụy nguy hiểm cho từng cá nhân và xã hội.

Giáo dục giới tính bao gồm nhiều nội dung: sự phát triển của giới tính, sức khỏe sinh sản, các mối quan hệ cá nhân, tình cảm, về ngoại hình, về vai trò của giới. Giáo dục giới tính giúp trẻ vị thành niên có một quan điểm tích cực về tình dục, đồng thời cung cấp các thông tin và kỹ năng để trẻ vị thành niên có được thái độ và hành vi đúng, hiểu biết và có trách nhiệm về những quyết định của mình. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên sẽ hướng các em đến những suy nghĩ, đánh giá, lựa chọn đúng đắn trong tình bạn, tình yêu để tiến đến hôn nhân khi cơ thể đã hoàn toàn trưởng thành, có đủ điều kiện về sức khỏe, vật chất, được chuẩn bị về tinh thần cho việc sinh con và nuôi con trong điều kiện tốt nhất. Chính điều này sẽ là nền tảng để xây dựng nên những gia đình hạnh phúc, đóng góp vào sự ổn định và phồn vinh của xã hội.

Các chương trình giáo dục giới tính cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Cha mẹ, thầy cô, y bác sĩ, đoàn thể thanh niên, thông tin đại chúng là những đối tượng sẽ phối hợp một cách tích cực trong các chương giáo dục giới tính cho trẻ. Vì hầu hết người lớn chưa có được những kỹ năng để tham vấn chính xác và có hiệu quả, cần có những chương trình huấn luyện cho các đối tượng trên về các vấn đề liên quan đến tình dục ở trẻ vị thành niên, biết cách giao tiếp một cách cởi mở, chân thành, tôn trọng và có hiệu quả với trẻ. Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên là một công việc phức tạp và tế nhị, vì vậy đây không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà đòi hỏi cả xã hội, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình cùng phối hợp thực hiện.

Cuộc sống hoàn toàn không dễ dàng đối với trẻ vị thành niên, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế xã hội hiện nay, đặc biệt đối với những trẻ không được chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với các vấn đề đặc thù của lứa tuổi. Thực trạng hiện nay đã và đang cho thấy điều đó. Nếu chúng ta mong đợi trẻ vị thành niên những quyết định đúng đắn, có trách nhiệm trước những cạm bẫy và thách thức của xã hội, chúng ta phải đảm bảo trẻ vị thành niên được cung cấp đầy đủ thông tin, kỹ năng và phương tiện để quyết định và các giá trị chúng cần tôn trọng và thực hiện. Chúng ta cần nhận thức rằng đã đến lúc để đặt kế hoạch cho tương lai và chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó.

Giáo dục cho trẻ những kiến thức về sự thay đổi về thể chất cũng như tinh thần, cảm xúc, những kiến thức về quá trình sinh sản, nghĩa vụ vợ chồng, vai trò làm bố mẹ... chính là sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai khi các em thực sự trưởng thành,  trong đó cần chú trọng vào công tác tư vấn về tình yêu - hôn nhân và gia đình bao gồm cả tư vấn qua điện thoại để trẻ vị thành niên có nơi được đón tiếp, khuyên nhủ kịp thời. Bên cạnh đó, tổ chức và phát triển nhiều nơi vui chơi lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao giúp trẻ vị thành niên có điều kiện vận động phát triển thể chất, giảm thời gian nhàn rỗi, buồn chán dễ dẫn đến ý thức và hành vi tiêu cực. Như vậy, công tác giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản là hết sức cần thiết, vì rằng thà "vẽ đường cho hươu chạy đúng" còn hơn để các em tự suy diễn, tìm tòi, và có khả năng bị ảnh hưởng bởi những nguồn thông tin không đáng tin cậy.

 

BS. TRƯƠNG THỊ MỸ HƯƠNG

 

 


Phamngochien.com - 21:28 - 10/02/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận