Gặp nhà văn làm tương ở đất làng cổ Đường Lâm (Lê Nguyên Phú)

Tác giả (phải) bên cổng làng Đường Lâm (Sơn Tây)

Cuối tháng Tám vừa rồi, trong dịp đi công tác Hà Nội, tôi về Trung Sơn Trầm của Sơn Tây thăm nhà của bố một đồng nghiệp đang sống một mình. Đó là một người đàn ông tám mươi, tốt bụng, vui tính và điều đáng để nhớ mãi là, ông như từ điển sống của làng với bao nhiêu chuyện vui - buồn trong khoảng gần tám mươi năm trở lại đây.

Hôm sau, cụ đưa tôi về thăm nhà cổ ở làng Đường Lâm nổi tiếng. Một ngôi nhà cổ theo đúng nghĩa của nó, có cổng, nhà khách, nhà chính và sân rộng đầy chum vại phơi tương. Nhìn mà thấy nhớ quá, vì mẹ tôi cũng đã từng làm việc này. Đó là ngôi nhà của cháu cụ, cùng họ Hà. Hai người đang ngồi tràng kỷ, uống trà. Một người đeo kính, mặc áo ba lỗ, quần sọt, khuôn mặt xương xương, râu ria ít được chăm sóc đứng dậy bắt tay. Tôi nghĩ chắc là chủ nhà rồi. Trên bàn nhỏ bên cạnh, thấy có xếp mấy cuốn sách, như Tam Quốc chí, sách chữ Hán cũng có.

- Sách này bản dịch của Phan Kế Bính, bản dịch gốc đây, còn sau này có bản của Mộng Bình Sơn nữa. Tôi nói.

Có lẽ nghe giọng nói của tôi, nên bác ấy hỏi:

- Quê anh hình như ở miền Trung.

- Em ở Phú Yên.

- Mình vừa đi Phú Yên về, công tác với Hội Văn nghệ, làm việc với nhà văn gì đó mà tôi chưa biết tên. Bác ấy nói.

À ra vậy, nhà văn nông dân như Ngô Phan Lưu ở quê tôi đây. Nghĩ thầm, may quá, mình chưa nói điều gì thất lễ.

- Dạ, em chỉ biết Huỳnh Thạch Thảo, Phạm Ngọc Hiền, hoặc nhà báo như Lê Thiếu Nhơn, nhưng cũng chỉ biết trên mặt báo mà thôi. Tôi kể đại những người nổi tiếng ở quê tôi. Em xa quê lâu quá rồi. Thưa bác, cho em hỏi, bác viết với bút danh gì vậy?

- Mình không có bút danh, khi viết đều ghi tên thật, mình là Hà Nguyên Huyến. Hiện cùng nhà thơ Nguyễn Đức Mậu phụ trách trang Văn, Thơ của Tuần báo Văn Nghệ.

- Không biết cơ duyên nào mà em được gặp bác, em là fan hâm mộ của bác đấy từ khi đọc Thung mơ, Hạc trắng, Thím tôi,... Em làm biên tập cho Báo Khoa học của trường, cũng có liên quan một tí đến văn chương. Cũng viết lung tung, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến tờ báo của bác. Tôi nói trong sự thán phục, ngưỡng mộ.

 - Không sao, anh cứ viết đi khoảng hai ba ngàn từ gì đó thôi, nếu có làm thơ thì gửi chùm thơ vài bài. Thế nào mình cũng sẽ xem và biên tập, nếu được sẽ đăng trên trang Văn của Tuần báo. Viết về người mẹ làm tương của anh đi. Anh nói động viên, mình có phải là dân Văn, dân Khối A mà, học Triết, có học gì về văn chương, mà cũng viết, có sao đâu. Học lý luận để phê bình, nhưng chưa chắc là sáng tác hay được. Khuôn mẫu sẽ làm mất đi tính sáng tạo.

Tôi lại nhớ đến TS. Ngữ văn Trần Minh Hường, cũng nói y hệt như vậy, khi tôi hỏi mượn sách Lý luận Phê bình Văn học để học viết văn.

Chả là, khi nhìn ra sân đầy chum vại tương của bác, tôi có nói, mẹ em là một trong số ít người trong làng quê em còn biết làm tương. Tương quê em không làm bằng đậu nành, vì đắc tiền, thuộc hàng cao cấp, mà làm từ đỗ mèo, một loại đỗ dây leo hoang dại thường mọc bờ rào đình làng. Với em, tương đỗ mèo là ngon nhất, vì do mẹ em làm, có cả loại đỗ nơi em được sinh ra, em vốn ngụ ở đó nhiều năm mà, nên có cả hồn làng trong ấy. Có lẽ do cách nói chuyện hơi "dở người" của tôi do không biết anh là nhà văn, nên bác ấy quý hay sao đấy.

- Dạ, em sẽ viết và gửi cho bác, nhưng chắc là đề tài khác.

- Không, không sao cả, gì cũng được.

Bác hỏi số điện thoại, tên đầy đủ, địa chỉ mail và viết tên tôi bằng chữ Hán. Khi viết đến tên, bác ấy bảo phải thay chữ Thạnh bằng chữ Thành thôi, và phân tích từng bộ một.

Cảm động thật, tôi nghĩ và thầm cảm ơn những người bạn trẻ đồng nghiệp đã cho tôi một mùa bội thu, cả về "Bánh mì" lẫn "Hoa hồng".

Vội vàng vơ chiếc áo sơ mi trên giá, chưa kịp cài đủ nút, bác bảo phải chụp ảnh với nhà giáo mới được.

Chia tay nhà cổ, chia tay nhà văn quen trên giấy đã lâu, giừ mới gặp, thật bịn rịn và cảm động. Tôi nghĩ, suy cho cùng, ngoài cái duyên còn cốt ở cái tình. Bác ấy cứ cầm tay tôi, lắc lắc và nhắc mãi, chú cứ gửi, cứ gửi chú nhé!.

Một vài ghi chép, như là lời tri ân sự nhiệt thành với nhà văn làm tương ở làng cổ, chứ với tôi, chắc là chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện gửi bài cho Tuần báo danh giá của giới văn chương.

Rồi ngẫm lại, mình có quyền mơ đến điều ấy chứ, có ai đánh thuế vào những ước mơ bao giờ đâu!

Lê Nguyên Phú

Tác giả và nhà văn Hà Nguyên Huyến


Phamngochien.com - 08:06 - 01/09/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận