Đôi bàn tay của mẹ (Mai Quốc Đạt)


(Dâng tặng Mẹ)

Mẹ lấy chồng năm vừa mười bảy tuổi. Hai bên nội ngoại đều nghèo, cha mẹ lại đông con nên cuộc sống gia đình lắm hồi rơi vào cơ cực. Đôi tay yếu mềm với những bông hoa sữa trên lòng bàn tay thời thiếu nữ của mẹ giờ đã không còn nữa. Thay vào đó là những vết chai sần hằn theo năm tháng do phải làm quần quật ngoài ruộng và chăm chút bầy con.
Tôi thương mẹ tôi, thương chai sạn sần sùi trong lòng bàn tay mẹ. Khi tôi còn nhỏ luôn được mẹ vỗ về trong những giấc ngủ thật ngon. Trong giấc ngủ bình yên đó, tôi thích áp má mình vào bàn tay nóng hổi chai sần của mẹ đã cố sức che chở phong ba cho đàn con. Hai mươi mấy tuổi đầu mà đôi khi lại thèm được cọ má vào dấu vết của gục ngã phong ba nằm chai lì trong bàn tay của mẹ. Phong ba đó mẹ giấu ở trong lòng, chứ không sao giấu được qua bàn tay thô ráp với cuộc đời nhưng rất đỗi dịu dàng trên đôi má của con. Thời gian khổ đã tạm đi qua, nhưng phong trần mấy độ còn mơ hồ đâu đó trên bàn tay mẹ, mà mỗi khi nhìn đôi bàn tay ấy, tôi lại khắc khoải nhớ về nỗi gian truân mà chúng tôi đã vượt qua. Nếu Lưu Quang Vũ tha thiết ngợi ca đôi bàn tay của vợ với Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả, để cả đời ông tin cậy giao trọn cả trái tim; thì tôi cũng xưng tụng bàn tay chai sần của mẹ bằng tình yêu da diết của tôi dành cho gia đình.
Tôi thương gia đình tôi, yêu căn nhà mái lá dột xiêu mà khi mua mưa tới chúng tôi phải hối hả chặt những tàu lá dừa nước để che tạm bợ những chỗ dột trên nóc nhà. Chúng tôi đốn tre làm nạng để chống đỡ khi mùa giông bão kéo về. Giữa mùa giông bão tháng tám, căn nhà lắc lư như thằng say rượu. Bàn tay mẹ lại vững vàng mở rộng đón từng đứa chúng tôi vào lòng, mẹ cong người dồn chúng tôi vào một góc, dù chỗ nào cũng ướt nhẹp nước mưa. Tôi thương bàn tay mẹ xoa lên đầu ướt bẹp tóc của tôi để làm khô đi giọt lệ trời làm lạnh mướt đứa bé đứng run run vì sợ hãi tiếng trời gầm và ánh sét từ xa. Tôi lại cảm thấy bình yên, lâu lâu ngóc đầu ra khỏi vòng tay mẹ, mạnh dạn lén dòm thử xem sét có đánh rớt đọt cây cau trước nhà hay không. Trong vòng tay của mẹ, tôi bỗng dạn dĩ khác thường vì tôi biết rằng mẹ đã quay lưng che đi ánh chói lòa của sét. Hai mươi mấy năm trường, tiếng trời gầm đã bị giam cầm trong đôi bàn tay bao dung của mẹ.
Tôi thương bàn tay mẹ xoa dịu dàng trên sống lưng tôi mỗi chiều ngồi cạnh bờ ao gội mớ tóc xơ xác vì bị nổi cức trâu của tôi. Nghe người già chỉ vẽ, mẹ lò dò đi hốt lá tre tàu ở bên kia xóm để về nhà đốt thành tro dành gội đầu cho tôi. Khi nước tro lỡ rớt vào mắt tôi cay xè, mẹ vội vàng nâng mặt của tôi lên để vuốt nước cho trôi đi vết tro làm xót lòng của mẹ. Vậy mà ban tối tóc của tôi đã xẹp xuống, đầu óc cảm thấy nhẹ te. Đấy là lúc tôi nghe thương thương tiếng lò dò đập muỗi của mẹ, nghe như tiếng sư ngoài chùa Khơ-me gõ một hồi nhật tụng. Lắm khi bây giờ nằm ngủ một mình nửa đêm sực tỉnh vì bị muỗi đốt mà nhớ nhà muốn khóc. Tôi thèm được vỗ về an ủi những lúc chập chờn đêm khuya, tưởng như lúc nào cũng có người nằm bên cạnh chở che, dẫu là những điều mỏng manh nhất. Đôi khi nửa đêm nghe tiếng kinh đều đều của bà hàng xóm mà lòng lại khát khao được quay về miền ký ức, được ngủ vùi trong những tháng ngày êm đềm bên mẹ. Giấc ngủ nửa đời không ngờ lắm nỗi đơn côi, mà mình phải tự ru mình bằng ký ức kể từ khi sống xa mẹ.
Tôi thương mưa nắng hai mùa đã hiện rõ hình hài lao nhọc trong từng đường gân xanh trên bàn tay của mẹ. Đôi bàn tay có cả những vết thẹo thâm thâm mà mẹ không bao giờ để ý. Cái thì do liềm giựt miếng thịt lúc mỏi lưng gặt lúa ngoài đồng, cái thì bị dao xước da khi mệt mỏi chẻ thuê chục buồng cau vào chập tối. Dẫu là kiếm chác chẳng là bao, vậy mà cũng đủ tiền mua thêm lon gạo, đủ để làm rạng rỡ nụ cười của các con trong bữa cơm chiều.

 

.
Bây giờ đôi khi có chút rủng rỉnh tiền, bạn bè rủ rê vào nhà hàng gọi hải sản chấm muối ớt chanh. Tôi tự nhiên nghe nghèn nghẹn ở cổ, nhìn chén muối ớt mà nhớ hoài những tháng ngày mưa dầm dề ngập lụt mùa nước rong cuối tháng mười ở Tiểu Cần. Tôi nhớ không khí đầm ấm khi cả nhà ngồi xúm xít chấm rau luộc với muối cục dằm ớt cay cay. Vị cay cay mằn mặn cuộc đời dù là khó nuốt nhưng nhọc nhằn lại thấm đẫm những ký ức mà không bao giờ chúng tôi có thể quay trở lại thuở đoàn viên sau những lần phiêu bạt ly hương. Đám bạn vô tình khen tôi biết cách ăn uống kiêng khem, chỉ gắp toàn rau chấm muối. Tôi cứ cười trừ với họ, mà đôi buồn hắt buồn hiu không ai biết được. Tôi thèm được một lần mời mẹ bước vào nhà hàng, chi ra vài trăm ngàn để gia đình được ăn món ngon của lạ. Vậy mà khi nhìn chén muối này, thế nào bàn tay chai sần của mẹ cũng sẽ san sẻ những món ngon đó cho tất cả chúng tôi, và mẹ lại sẽ chấm rau với muối. Mẹ đã quen đói khổ. Nhưng nỗi cực khổ đó luôn được đền bù bằng sức lớn phổng phao của chị em chúng tôi và sự vô tư điềm nhiên bước vào gian khổ như lẽ tất yếu của cuộc đời.
Khi tôi được hai tuổi thì gia đình lại có thêm hai thành viên mới. Chắc giống mẹ nên anh chị em chúng tôi đều có má lúm đồng tiền. Tôi là người có đồng tiền sâu nhất khi cười. Bàn tay mẹ luôn vuốt ve trên lúm đồng tiền của tôi, mà sau này tôi chợt nghĩ thì ra đôi má lúm đồng tiền của các con chính là gia tài của mẹ. Cả đời mẹ chưa biết được một chỉ vàng là chi, thì nói chi việc sống đời hưởng thụ. Cả đời mẹ không biết mặt chữ là gì, phải đánh dấu thập hoặc ký tên bằng chữ X. Cả đời mẹ không biết bon chen, lại càng không biết du lịch là gì. Thế giới của mẹ chỉ là đồng ruộng, đàn heo, bầy vịt, và căn nhà lá rách nát tả tơi. Trong thế giới nhỏ nhoi nghèo nàn ấy, đôi bàn tay mẹ đã gói ghém khó khăn về phần mình, tất bật cấy cày gian truân để gieo mầm hy vọng cho đám con.
Vì nhà quá đông miệng ăn mà chỉ có hai người bươn chải, gia đình tôi phải kiếm thêm công việc khác để làm. Cha quyết định theo nghề nuôi vịt. Ông bà hay nói Muốn giàu thì nuôi cá, muốn khá thì nuôi heo, muốn nghèo thì nuôi vịt. Dù biết vậy, nhưng đó là cách sinh nhai dựa dẫm vào đất trời, chứ không cần vay vốn từ các quầy tín dụng hay đi hỏi bạc góp đóng tiền lời rất cao. Lúc này tôi đã gần năm tuổi, cũng đã biết cầm cây bẹo để giữ vịt. Tôi lớn lên cùng với bầy vịt càm cạp quanh quẩn bên chân, như những người bạn luôn tò mò nhìn tôi say sưa hát mấy bài nhạc trữ tình nghe lóm lúc hàng xóm bật cát-xét vào sáng sớm.
Tôi rất thích hát nhạc trữ tình. Loại nhạc sến này đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Hình như những lời ca oán than hay tự sự với cuộc đời làm tôi dễ rung động hơn bao giờ hết. Có khi nghe bài ca trách người tham sang phụ khó mà tôi buồn da diết. Nỗi buồn đó thấm sâu vào máu thịt, tựa như là đồng cảm với những ai có cùng số phận hơn là than thở cho số phần long đong của riêng mình. Tuy vậy, trong nỗi niềm buồn tủi về kiếp bần hàn thì tôi bao giờ cũng tìm thấy niềm an ủi từ sự sum vầy của gia đình tôi. Gia đình tuy đông con và không dư ăn dư để, nhưng cha mẹ vẫn nuôi dạy và cho con cái đi học, dù chẳng dám sánh bằng ai. Chị lớn nhất thì học được tới lớp năm, sau thấy gia đình vất vả nên đành bỏ học để các em có điều kiện đi học tiếp. Chị ba học được lớp chín, chị tư học được lớp bảy, còn chị năm học được lớp sáu thì cũng nghỉ giữa chừng.
Người dưng không hiểu thì cười cợt mỉa mai. Người này nói thấy tội quá, người khác thì hỏi nửa thật thà nửa ngây ngô, vậy chứ có biết viết tên của mình hay không? Mẹ dặn dò chúng tôi đừng bao giờ buồn tủi vì số kiếp nghèo hèn kém học. Riêng phần mẹ thì ai cũng biết mẹ mù chữ. Vẫn tỉnh rụi chấp nhận nó như một điều mặc nhiên, mẹ cười cười nói rằng người ta ăn cơm uống nước chứ có bao giờ nhai chữ nuốt sách bao giờ đâu. Đó là cách mẹ lấp liếm bản thân dốt nát để dành phần cưu mang miếng ăn giấc ngủ cho chúng tôi, thay vì đi học xóa mù chữ mỗi buổi tối. Mẹ muốn ban hôm được ngồi đâu đó với đám con, ôm mấy đứa nhỏ khóc nhè khi trời vừa lóe sét và hay mắc tật đái dầm, làm chiếc chiếu âm ẩm khai rình. Đó là lúc mẹ lọ mọ ẵm thằng nhỏ lên và thay bằng tấm đệm đan bằng dây lát còn âm ấm hơi nóng mặt trời mẹ phơi lúc ban chiều. Đó là khi nó bỗng cảm thấy như được cả mặt trời nằm khe khẽ dưới lưng, ru giấc ngủ êm đềm không mộng mị trong nỗi sợ sấm sét mơ hồ.

.

.

Cũng có khi mẹ chỉ ngồi quạt phành phạch xua muỗi dưới chân để đám con đang ê a đọc thuộc lòng một bài văn tả cảnh hay bảng cửu chương. Khi con được đi học thì bàn tay mẹ phải chai sần thêm mấy vết nữa khi phải băng đồng lội ruộng đếm từng trứng vịt đẻ rớt bên góc đìa, cẩn thận đếm từng tờ tiền ướt nhẹp để dành đóng tiền học phí và đồng phục cho con. Người đời vô tình, cười cợt vào cái áo đồng phục ngả màu cháo lòng mà chúng tôi chuyền nhau mặc từ chị đến em. Mẹ lại cười, nói rằng sắc đẹp được đo từ đầu cho tới đỉnh trời, chứ không phải từ chân cho đến đỉnh đầu.
Nhưng đến ngày chủ nhật, mẹ lại qua nhà hàng xóm xin ít thuốc tẩy về để giặt trắng lại cái áo vá đầy mạng nhện bên nách và mép gáy bị sờn. Sau đó mẹ cẩn thận thêu lại cái tên trên ngực áo của con. Chỉ tội cho mẹ, đám con phải vẽ giúp cho mẹ cái tên của thằng con đang mặc cái áo của chị. Tên của con thì mẹ biết, nhìn mặt chữ tên con thì mẹ biết ngay, nhưng mẹ không thể tự mình viết tên của con. Đôi khi tôi thấy mắt mẹ buồn hiu khi thấy mẹ của bạn tôi cười cười, nói nói trong cuộc họp phụ huynh rồi lúi húi ký tên đóng góp cho quỹ bảo trợ học sinh nghèo. Mẹ không biết chữ, mẹ cũng không thể dự phần vì chúng tôi thuộc dạng trợ cấp từ học bổng đó. Trên đường về, mẹ phủ đôi bàn tay trên mái tóc của tôi, và chúng tôi im lặng đi giữa mùa nắng xứ biển Trà Vinh nóng quéo da đầu. Mẹ cầm cánh tay ốm tong teo như cây sậy của tôi và ép sát vào lòng của mẹ để che đi mùa nắng quái ác đang chờn vờn bên con. Tôi nghe thoang thoảng trong gió tiếng thở dài nhè nhẹ, tuổi lên mười bỗng nhẹ như một giấc mơ trôi.
Năm đó tôi được mười tuổi, cái tuổi mà phải được vui đùa, khám phá và làm những việc mà trẻ thơ nên làm. Còn đối với tôi thì ngược lại. Hoàn cảnh gia đình không cho phép tôi làm như vậy. Tôi phải làm những việc của người lớn như cuốc đất, làm cỏ bờ, đánh đường nước để dọn sạ. Khi học xong tôi phải đi chăn vịt. Đôi khi thấy bầy vịt con vừa mới mua về không có mẹ kêu khản cổ não lòng, tôi chợt muốn ôm chầm từng con và vỗ về những tiếng khóc nức nở lúc mồ côi. Chắc chúng thèm hơi mẹ, thèm được nằm im gục đầu vào đôi cánh của mẹ để lắng nghe mùa mưa về trên những tán ô môi. Tôi lại ao ước có được đôi bàn tay thần kỳ âm ấm của mẹ, đôi bàn tay đó có thể xoa dịu những oan ức trần gian, có thể dỗ dành những khi buồn tủi, và có thể nâng đỡ tôi khi bước qua bờ đê ở ngoài ruộng.
Và bàn tay đó đưa tôi đi đến trường, băng qua những bờ cơm nếp trên cánh đồng không tên lúc gà gáy cuối hôm. Mẹ phải thức dậy từ thật sớm và chuẩn bị món cơm chiên tóp mỡ mà tôi rất thích. Mấy năm trường tôi đâm ghiền cơm chiên của mẹ có nêm một ít đường, bột ngọt, muối và nước mắm. Sau này cũng bắt chước chiên cho mình một tô cơm theo cách mẹ làm, lại bỏ thêm vào đủ thứ món thịt thà rau củ, nhưng ăn cho no chứ không thấy thèm. Chắc thèm tình thương của mẹ chăm chút trong từng miếng ăn giấc ngủ của con. Thèm được ngồi chồm hổm nhìn mẹ cặm cụi bó con cúi lá dừa cho tôi vào ban chiều. Bàn tay mẹ siết chặt từng cọng lá dừa như bó hy vọng vào tương lai rạng rỡ cho đàn con. Bó đuốc lá dừa đã đi theo suốt tuổi học trò ngây ngô của tôi, mà lắm khi cứ ngỡ bó đuốc ấy đã rọi sáng chặng đường học làm người của tôi. Và tôi cứ đi, đi miết theo con đường đời có nhiều ánh đèn soi sáng, cho đến khi nhận ra rằng mình đã xa mẹ xa quê.
Bây giờ mỏi gối chồn chân, tôi lại mơ được quay về căn nhà cũ, áp má mình trong đôi bàn tay của mẹ. Bàn tay của mẹ đã không còn sần sùi cứng ngắc, mà lại thô ráp và mềm xèo trong đôi bàn tay chai sạn mạnh mẽ phong trần của con. Tôi sẽ nằm thật ngoan trong bàn tay trổ đồi mồi của mẹ, và từ từ đọc hết bài viết này cho mẹ của tôi nghe. Dù bên ngoài bão giật cấp mười ba, tâm tôi bình lặng chẳng chút gì bão giông. Mẹ đem giông bão cất trong lòng, tay mang lửa mặt trời mẹ thiêu rụi ánh sét lấp lóe đến từ xa.

Mai Quốc Đạt (Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh)

.

Đỗ Hà - (vào lúc: 22:10 - 10-13-2013)
Tác giả viết bài hay và cảm động quá, chợt nhớ tới câu " mẹ là người yêu con vô điều kiện trong khi người ta phải có điều kiện gì thì mới yêu con" . tác giả làm em nhớ đến mẹ mình. Mẹ chưa đầy 40 mà nhìn mẹ như già trước tuổi, da mặt đen sạm, chân tay chai sạn.... Nhưng mẹ em, cũng như mẹ tác giả và nhiều nhiều những bà mẹ tuyệt vời khác đã hi sinh sức trẻ, nét thanh xuân...cho chồng cho con...yêu mẹ nhiều.
" con dù lớn vẫn là con của mẹ
đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con"- Chế Lan Viên

Phamngochien.com - 15:10 - 11/10/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận