Dạy tác phẩm Văn học dân gian trong nhà trường THPT (Trần Thị Lệ Thủy)

                          Thạc sĩ Trần Thị Lệ Thủy (Phú Yên)    

  Văn học dân gian (VHDG) nói riêng và văn nghệ dân gian (VNDG) nói chung là những giá trị tinh thần quý báu mà cha ông  đã để lại cho chúng ta. Nó chính là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn Việt, nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Đối với Nhân dân lao động, VHDG vừa là cuốn sách bách khoa của đời sống, vừa là một trong những phương tiện giáo dục những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người như: Tình yêu Tổ quốc, lòng dũng cảm, tinh thần lạc quan, lòng ngay thẳng, ý thức về điều thiện và tinh thần đấu tranh chống điều ác ... Đối với các bộ môn khoa học xã hội, VHDG là  nguồn tài liệu vô giá cho việc nghiên cứu đời sống và thế giới quan nhân dân trong các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Gần đây đã có rất nhiều công trình chuyên đề, hội thảo, nghiên cứu bàn về vấn đề đổi mới phương pháp dạy học văn trong nhà trường. Song vấn đề còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là lối dạy chay thiên về việc truyền thụ kiến thức lý thuyết, nặng thuyết giảng. Dạy tác phẩm VHDG nhưng không minh hoạ, không sinh hoạt ngoại khóa, không tổ chức sưu tầm, biên soạn. Đó là lối dạy nghèo nàn, tẻ nhạt, ngại đổi mới, không sáng tạo, các thầy cô chưa chịu khó đầu tư, chưa dụng công, chưa mạnh dạn xây dựng tổ chức những hình thức giảng dạy sinh động, phù hợp với đặc thù môn học. Dạy một bài ca dao trữ tình, giai điệu bài thơ dân gian ngọt ngào là vậy nhưng nếu chỉ thuyết giảng suông về nội dung và trò cứ ghi chép một cách máy móc thì khó thấm vào nội tâm người học. Dạy tác phẩm VHDG nhưng không tái hiện lại được môi trường sinh hoạt VNDG; không thành lập được câu lạc bộ VHGD, không "sống lại" cuộc sống và những sinh hoạt tinh thần muôn màu, muôn vẻ của nhân dân lao động nên hiệu quả giờ dạy không cao, tiết dạy không tạo được niềm say mê hứng thú cho HS, cái đọng lại trong các em sau khi học xong chuyên đề VHDG không là gì ngoài những kiến thức lý thuyết và những văn bản khô khan.Về phía HS, các em cũng chưa có tâm huyết với môn Văn. Học văn  để cảm nhận cái hay, cái đẹp trong văn chương. Học để yêu con người, yêu cuộc sống hơn. Học để tìm lại sự đồng cảm, chia sẻ, để thanh lọc tâm hồn. Dĩ nhiên sự thẩm thấu này không dễ có trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể đánh giá, cảm nhận kết quả ấy qua thái độ và biểu hiện của các em; qua những bài viết thu hoạch, lời phát biểu và cả những hành vi, thái độ học tập của các em. Sự phát triển của cơ chế thị trường; sự du nhập của những luồn văn hóa ngoại lai thực dụng, đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy lối sống, cách cảm nhận của các em. Các em cắt nghĩa hình ảnh nghệ thuật một bài ca dao theo cách cảm nhận trần trụi, khô khan, với những liên tưởng tản mạn... Đọc truyện "Tấm Cám" đã có em nhận xét: Tấm sung sướng từ đầu đến cuối, lúc nào cũng có Bụt hiện lên giúp đỡ, Tấm cũng rất độc ác, Tấm đã phạm tội giết người. Như vậy nh cô Tấm trong cảm nhận của các em, không phải là một người con mồ côi đã từng chịu đựng bao khó khăn, tủi nhục, không phải là một cô Tấm dịu hiền. Các em đọc truyện cổ tích, kể chuyện cổ tích đoạn nhân vật chính gặp hoạn nạn, các em vẫn cứ vô cảm vô hồn, thậm chí có em còn phát lên tiếng cười vì cho rằng đó là những tình tiết vô lý ....

Vấn đề đặt ra ở đây là với đặc thù bộ môn VHDG, với một thời lượng tiết học có hạn và với một kho tàng VHDG vô cùng phong phú mà cha ông ta đã để lại thì chúng ta phải có một phương pháp giảng dạy VHDG như thế nào cho phù hợp và có hiệu quả. Dạy như thế nào để các em yêu hơn câu hát dân ca, hiểu hơn những lời ru của Mẹ. Dạy như thế nào để góp phần gìn giữ kho tàng VHDG, gìn giữ nền văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Văn trong nhà trường THPT. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được đua ra một hướng giảng dạy chuyên đề VHDG Việt Nam. Đó là dạy tác phẩm VHDG Việt Nam kết hợp với việc minh họa và công tác sưu tầm.  

SGK Ngữ Văn 10 - chương trình cơ bản định nghĩa VHDG như sau: "VHDG là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể nhằm phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. Đặc trưng cơ bản của VHDG chính là tính truyền miệng và tính tập thể. VHDG tồn tại và lưu hành theo phương thức truyền miệng. Trong khi văn học viết được lưu giữ bằng chữ viết thì VHDG lại được truyền miệng từ người này sang người khác, qua nhiều thế hệ, nhiều địa phương khác nhau. Nói đến truyền miệng là nói đến quá trình "diễn xướng dân gian" hào hứng sinh động. Người ta có thể nói, kể, hát, diễn tác phẩm VHDG . Nếu như văn học viết là sáng tác của cá nhân thì VHDG là kết quả của quá trình sáng tác tập thể. Quá trình sáng tác tập thể diễn ra như sau: lúc đầu 1 người khởi xướng, tác phẩm hình thành và được tập thể tiếp nhận. Sau đó những người khác tiếp tục lưu truyền và sáng tác lại làm cho những tác phẩm biến đổi dần. Tác phẩm cũng trở nên hoàn thiện hơn về nội dung và hình thức. Và dần dần tác phẩm VHDG ấy trở thành tài sản chung của tập thể. Mỗi người đều có thể tiếp nhận, sử dụng và sửa chữa, bổ sung tác phẩm VHDG theo quan niệm và khả năng nghệ thuật của mình. Có thể thấy tính truyền miệng và tính tập thể là những đặc trưng cơ bản, xuyên suốt quá trình sáng tạo và lưu truyền tác phẩm VHDG, thể hiện sự gắn bó mật thiết của VHDG với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. "Cuộc sống của VHDG không phải là cuộc sống dưới hình thức văn bản, cuộc sống của VHDG là cuộc sống gắn liền với một môi trường sinh hoạt nhất định của VHDG. Do đó cuộc sống của VHDG được biểu hiện ra thành vô số hình thức sinh hoạt, những hình thức sinh hoạt này cũng phong phú, đa dạng như bản thân những hình thức sinh hoạt trong đời sống thực tiển của nhân dân" (Văn học dân gian NXBGD - 1997).

Với đặc trưng như vậy, có thể thấy việc tổ chức dạy học tác phẩm VHDG Việt Nam kết hợp với việc minh hoạ và tổ chức sưu tầm là một trong những phương pháp giảng dạy phù hợp với bộ môn. Ông cha ta sáng tác và lưu hành VHDG theo phương thức truyền miệng, phương thức đó gắn với quá trình diễn xướng dân gian, lời thơ trong ca dao được hát theo những làn điệu dân ca, một vở chèo khi trình diễn bao gồm lời, nhạc, múa và diễn xuất. Nếu chúng ta tổ chức tốt việc minh hoạ, tổ chức tốt những buổi sinh hoạt câu lạc bộ VHDG, thì các em sẽ hứng thú, say mê hơn với môn học của mình, cảm nhận sâu hơn tác phẩm VHDG. Việc sáng tác và lưu truyền bằng con đường truyền miệng khiến tác phẩm VHDG dần dần trở thành tài sản chung. Song cũng sẽ có rất nhiều dị bản được lưu truyền trong dân gian ở các vùng miền khác nhau, mặc khác kho tàng VHDG còn lưu truyền ở dân gian rất phong phú. Việc tổ chức cho HS sưu tầm tác phẩm VHDG sẽ giúp các em tiếp cận thêm những văn bản khác nhau của tác phẩm VHDG, cảm nhận sâu sắc hơn về sự độc đáo và đa dạng của VHDG, những giá trị tinh thần quý báu của nhân dân ta.

Chúng tôi xin phép phân tích từng bước như sau:

 Bước 1: Dạy lý thuyết kết hợp với minh họa và tái hiện trên lớp

Ở bước này, người thầy vừa tổ chức, hướng dẫn các em tìm hiểu những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm VHDG, vừa giới thiệu, minh họa trực tiếp những hình ảnh, những tài liệu ngoài văn bản có liên quan bài học.

Ví dụ: Dạy 1 bài ca dao - Để giúp các em hiểu rõ hơn những đặc điểm của ca dao; Mối quan hệ giữa ca dao và dân ca. Thầy giáo có thể hát cho các em nghe một vài làn điệu dân ca quen thuộc. Dĩ nhiên với hình thức này đòi hỏi người thầy phải có ít nhiều tố chất nghệ sĩ, phải biết hát dân ca. Tuy nhiên nếu người dạy không có khả năng trên thì có thể sử dụng những hình thức khác như: cho các em nghe băng, đĩa hoặc soạn giáo án điện tử đưa những hình ảnh, những làn điệu dân ca vào.... Đối với những tác phẩm Truyện kể, Sử thi, Tuồng ... Khi dạy cần giới thiệu những hình ảnh, tài liệu liên quan đến tác phẩm và trong phần đọc văn bản, nên phân vai để các em thể hiện. Hướng dẫn các em đọc diễn cảm, đọc theo vai nhân vật.

Dù biết rằng thời lượng giờ học là có hạn, chuyện văn chương lại vô cùng, việc sử dụng đồ dùng dạy học để minh họa cho bài dạy đối với môn văn cũng không thuận lợi như các môn học khác. Song, không phải không làm được. Môn văn cũng có thể làm được nhiều đồ dùng dạy học. Có điều với đặc thù bộ môn, chúng ta phải hết sức linh động và sáng tạo trong việc làm và sử dụng đồ dùng dạy học. Với môn văn, đồ dùng dạy học có khi không phải là những đồ vật cụ thể mà nó là những phi vật thể, có khi chỉ là một lời ca, một lời ru, một giọng kể xúc động. Song nếu biết sử dụng đúng lúc thì lại trở thành những phương tiện giảng dạy hữu hiệu. Điều này hoàn toàn phù hợp với việc dạy những tác phẩm VHDG. Thiết nghĩ nếu chúng ta áp dụng tốt những hương pháp này thì giờ học Tác phẩm VHDG sẽ rất sinh động, các em có thể sẽ cảm nhận đúng đắn và sâu sắc hơn những gì mình đang học. Tiết học cũng sẽ tạo được niềm say mê, hứng thú trong học sinh và từ đó sẽ khơi gợi sự tìm tòi, sáng tạo của các em.

Bước 2. Dạy tác phẩm VHDG gắn kết với việc tổ chức sinh hoạt ngoại khóa - sinh hoạt câu lạc bộ VHDG

Đây là một hoạt động ở tầm rộng, quy mô. Để tổ chức tốt hoạt động này, trước nhất Tổ Văn trong nhà trường phải thành lập "Câu lạc bộ VHDG" - Công việc này phải tiến hành từ đầu năm. Đối tượng tham gia câu lạc bộ (CLB) là toàn thể học sinh trong nhà trường. Trong quá trình giảng dạy tác phẩm VHDG, các thầy cô giáo triển khai các em viết những bài viết thu hoạch, trình bày những cảm nhận của mình về VHDG. Đồng thời tổ chức hướng dẫn các em chuyển thể, biên soạn những tác phẩm, đoạn trích VHDG rồi tập luyện thành những tiết mục văn nghệ ở những thể loại khác nhau như: Múa dân gian, Diễn kịch, Chèo, Đọc vè, Tấu, Hò, Hát dân ca - đối đáp v.v... Tạo dựng những hoạt cảnh, minh họa dưới hình thức sân khấu dân gian. Quá trình tập luyện cần có sự gia công của giáo viên. Chú ý khuyến khích khả năng sáng tạo của các em nhưng cũng phải quan tâm nhắc nhở, tổ chức, hướng dẫn các em tập luyện cho tốt. Cô Tấm trong câu chuyện kể là một cô Tấm nết na, thảo hiền thì trong kịch bản trên sân khấu cũng phải thể hiện rõ những phẩm chất tốt đẹp đó. Cô Tấm trong truyện cổ tích, không phải là một cô Tấm đanh đá, đua đòi, hip hop... Nếu các em có những cách thể hiện sai lệch tính cách nhân vật trong tác phẩm thì đây cũng là dịp để chúng ta kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh. Hướng dẫn các em đến với những cảm nhận đúng đắn về hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, khám phá những giá trị đích thực của tác phẩm VHDG... Hoặc với thể loại dân ca - cần giúp các em phân biệt đâu là những bài hát dân ca thuần túy và đâu là những ca khúc hiện đại mang âm hưởng dân ca. Cũng cần giới thiệu cho các em tập luyện những làn điệu dân ca đặc trưng từng vùng miền (dân ca Bắc Bộ, dân ca Nam Bộ, dân ca Trung Bộ, dân ca quan họ Bắc Ninh). Cái khó ở đây là không phải giáo viên nào cũng am hiểu về âm nhạc, về các làn điệu dân ca... thầy giáo - nào đâu phải nhạc sĩ hay ca sĩ. Song thầy giáo dạy Văn đôi lúc cũng là một nghệ sĩ. Nếu không có ít nhiều tố chất nghệ sĩ thì cũng phải học tập, nghiên cứu tìm hiểu thêm vì đó là những kiến thức liên quan đến chuyên môn. Sau khi tập luyện xong tiến hành tổng duyệt và chọn ra những tiết mục tiêu biểu tiếp tục tiến hành trình diễn. Cùng với những tiết mục văn nghệ, trong số những bài viết thu hoạch về VHDG, chọn ra những bài có cảm nhận tốt cho các em cùng trình bày trong buổi sinh hoạt văn nghệ. Về thời điểm tổ chức sinh hoạt, nên chọn thời điểm sau khi các em học xong phần VHDG. Trong phạm vi trường học, nếu tổ chức tốt hoạt động này - sinh hoạt ngoại khóa  câu lạc bộ VHDG thì chắc chắn sẽ cải thiện được nhiều vấn đề trong việc dạy học Văn nói chung và dạy tác phẩm VHDG nói riêng.  Hiện nay ở trong tỉnh ta có một số địa phương đã thành lập được các câu lạc bộ VHDG và cũng đã có những hoạt động rất tích cực như: lạc bộ VHDG ở huyện Phú Hòa, các địa phương phường Phú Đông, phường Phú Thạnh hàng năm có tổ chức hò Bá Trạo, cúng cá ông. Ở tỉnh ta cũng có Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển, gần đây Nhà hát cũng đã có rất nhiều chương trình biểu diễn, diễn theo những làn điệu dân ca Phú Yên như Ba Lý Duyên Tình, Hò Bá Trạo...

Bước 3. Tổ chức sưu tầm tác phẩm

Tiếp theo, tổ chức hướng dẫn các em làm công tác sưu tầm tác phẩm VHDG đang lưu lạc và lưu truyền trong dân gian để bổ sung vào kho tàng VHDG, làm tư liệu phục vụ học tập và nghiên cứu. Thời gian và đối tượng tham gia sưu tầm: Triển khai từ khi các em bắt đầu học phần VHDG. Đối tượng tham gia: Toàn bộ học sinh ở khối lớp 10. Nội dung sưu tầm: Tất cả các thể loại VHDG ở địa phương các em (lưu ý đặc trưng từng vùng, miền - ví dụ ở làng ven biển thường có những điệu hò như Hò kéo chài, kéo lưới...). Thu nhận kết quả sưu tầm của các em - nhận xét, đánh giá, biên soạn và đóng thành tập lưu giữ trong thư viện nhà trường để làm tư liệu dạy học và nghiên cứu. Việc tổ chức cho các em sưu tầm tác phẩm VHDG ở địa phương, thiết nghĩ đây cũng chính là một khâu trong quá trình dạy học tác phẩm VHDG, góp phần nâng cao chất lượng dạy học Văn trong nhà trường, góp phần  giữ gìn nền VHDG của dân tộc.

Được biết, hiện nay ở Khu phố Phước Thịnh, Thị trấn Phú Thứ, Huyện Tây Hòa có một cụ bà trên 95 tuổi nhưng hằng ngày vẫn làm công việc ghi chép lại những bài ca dao dân ca mà thời trẻ cụ đã thuộc. Cụ vừa hát, vừa ngâm nga, vừa chép lại theo trí nhớ của mình. Cụ ghi chép trong những cuốn vở học trò, hiện cụ đã ghi chép được 6 quyển và thư viện Hải Phú đang lưu giữ một số quyển của cụ. Cụ là Lê Thị Lẫy - cụ là một địa điểm sinh động để những người làm công tác sưu tầm VHDG tìm đến và cũng là một hình ảnh tiêu biểu về lòng say mê nghệ thuật, yêu nghệ thuật, yêu câu hát dân ca.

Văn học  dân gian là phần nền của văn học nghệ thuật một quốc gia. Bởi tính chất truyền khẩu, VHGD không có những tác phẩm lớn nhưng bù lại nó có sự cô đọng súc tích nơi chiều sâu và giá trị đích thực đã được gàn lọc qua bao nhiêu năm tháng để tồn tại. Nếu văn hóa là cái còn lại khi người ta quên hết tất cả, thì văn nghệ là cái đã được thử thách qua quy luật đào thảo khắc nghiệt, để thành ra cái còn lại ấy, VHDG vì vậy là phản ánh lịch sử, là truyền thống. Theo ý nghĩa đó thì việc tìm hiểu VHDG cũng chính là tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu cội nguồn truyền thống của dân tộc, là góp phần gìn giữ bảo tồn nền văn hóa của dân tộc. Việc dạy tác phẩm VHDG trong nhà trường theo quy trình dạy lý thuyết kết hợp minh họa, tổ chức sinh hoạt CLB văn học dân gian và tổ chức sưu tầm VHDG - thiết nghĩ đây là một hướng đi đúng, phù hợp và có hiệu quả.

Đất nước đã và đang hội nhập sâu, rộng trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, hội nhập nhưng vẫn phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Song song với mục tiêu phát triển kinh tế là xây dựng nền văn hóa tiên tiến nhưng đậm đà bản sắc dân tộc. Việc dạy tốt và học tốt chuyên đề VHDG trong nhà trường là một trong những việc làm thiết thực, mang nhiều ý nghĩa. Với vị trí và thế mạnh riêng trong chương trình của trường THPT, môn Văn trước hết giúp người đọc tiếp xúc với vẻ đẹp kỳ diệu và phong phú của tiếng mẹ đẻ, tiếp xúc với vốn văn hóa dân tộc để bồi dưỡng tâm hồn, góp phần hình thành và phát triển toàn diện nhân cách HS. Mỗi giờ Văn luôn hàm chứa những thách thức, nghề nghiệp và đòi hỏi nhiều năng lực sáng tạo đặc thù của GV và HS. Câu chuyện đổi mới PPDH Văn trong nhà trường THPT vẫn tiếp tục được đặt ra, đòi hỏi mỗi nhà giáo dục, mỗi giáo viên Văn phải tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, tiếp tục trải nghiệm, nghiên cứu, học tập để cùng tìm ra những hướng đi phù hợp, tìm ra những giải pháp sư phạm tối ưu./.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách giáo khoa môn Ngữ Văn ban cơ bản lớp 10 - Tập 1 - NXB GD 2006.

2. Sách giáo khoa môn ngữ Văn CT nâng cao lớp 10 - Tập 1 - NXB GD 2006.

3. Văn học dân gian VN - NXB GD 1997.

4. Phương pháp dạy học Văn (Phan Trọng Luận) - NXB - ĐHQG 1998.

5. Ca dao dân ca trên vùng đất Phú Yên - 1994.

6. Truyện kể về Tuy Hòa.

7. Đổi mới giờ học tác phẩm văn chương ở nhà trường THPT - Trương Dĩnh 1999.

8. Nếp cũ người xưa - Toàn Ánh - 2010.

9. Văn học dân gian Phú Yên - Nguyễn Định chủ biên.

 

 


Phamngochien.com - 07:52 - 07/12/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận