Dạy học tích hợp: những vướng mắc cần tháo gỡ (Tống Duy Hải)

Dạy học tích hợp là một xu thế được các quốc gia trên thế giới và Việt Nam triển khai thực hiện, nhất là trong bối cảnh nước ta đang đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Dạy học tích hợp sẽ giải quyết được 3 vấn đề lớn của giáo dục nước ta hiện nay. Thứ nhất, dạy học tích hợp giúp thiết lập mối liên hệ giữa các khái niệm đã học trong cùng một môn học và giữa các môn học khác nhau, nó cũng giúp tránh những kiến thức, kĩ năng, nội dung trùng lặp khi nghiên cứu riêng rẽ từng môn học, nhưng lại có những nội dung, kĩ năng mà nếu theo môn học riêng rẽ sẽ không có được. Do đó, vừa tiết kiệm thời gian, vừa có thể  phát triển kĩ năng/năng lực xuyên môn cho học sinh thông qua giải quyết các vấn đề phức hợp. Thứ hai, thực hiện dạy học tích hợp giúp xác định rõ mục tiêu, phân biệt cái cốt yếu và cái ít quan trọng hơn khi lựa chọn nội dung. Thứ ba, thực tiễn ở nhiều nước đã chứng tỏ rằng, việc thực hiện quan điểm tích hợp trong giáo dục và dạy học sẽ giúp phát triển những năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp và làm cho việc học tập trở nên ý nghĩa hơn đối với học sinh so với việc các môn học, các mặt giáo dục được thực hiện riêng rẽ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nói trên thì không hề dễ dàng, ít nhất ngành giáo dục phải tính đến và vượt qua được các "rào cản" sau:

TÍCH HỢP HAY HỖN HỢP?

Tích hợp có nghĩa là sự hợp nhất, sự hòa nhập, sự kết hợp. Nội hàm khoa học khái niệm tích hợp có thể hiểu một cách khái quát là sự hợp nhất hay nhất thể hóa các bộ phận khác nhau để đưa tới một đối tượng mới như là một thể thống nhất trên những nét bản chất nhất của các thành phần đối tượng. Tích hợp khác với hỗn hợp là phép cộng giản đơn những thuộc tính của các thành phần ấy.

Thực tế cho thấy, nếu giáo viên còn nhầm lẫn hai khái niệm này thì không thể tìm được "địa chỉ" tích hợp cho mỗi chủ đề liên môn, cao hơn là không tạo ra được một bài học tích hợp đúng nghĩa. Tích hợp khiên cưỡng, gò ép rất dễ làm "méo mó", "biến dạng" tiết học. Cũng phải thừa nhận rằng, từ trước tới nay giáo viên chủ yếu "trông cậy" hết vào sách giáo khoa (SGK) trong việc giảng dạy. Nên khi chưa có SGK cụ thể, họ trở nên lúng túng và loay hoay đi tìm "địa chỉ" tích hợp.

KHÓ KHĂN TỪ ĐÀO TẠO

Qua thực tế triển khai dạy học tích hợp ở một số địa phương, vấn đề thường được giáo viên trăn trở nhất chính là vấn đề đào tạo của giáo viên. Họ cho rằng, giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng giờ lại phải dạy học liên môn, đa môn, thậm chí là xuyên môn. Trước kia để trau dồi năng lực chuyên môn chuyên biệt của mình giáo viên đã mất rất nhiều công sức, giờ họ sẽ phải bỏ ra không ít thời gian và sức lực để tìm hiểu kiến thức liên môn, nhất là những môn được cho là "chéo ban" như Ngữ văn với Hóa học, Sinh học; Vật lý, Hóa học với Công nghệ, Âm nhạc hay Mĩ thuật v.v... Việc không được đào tạo theo định hướng dạy học tích hợp để có thể áp dụng vào thực tế làm giáo viên thiếu tự tin trong đổi mới việc dạy học.

RẮC RỐI VỚI KHUNG CHƯƠNG TRÌNH

Hiện tại giáo viên đang bị trói chặt vào khung chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Rất khó cho giáo viên khi phải "lách" phân phối chương trình để dạy học các chủ đề liên môn. Nếu trước kia giáo viên còn "dễ thở" với việc lồng ghép dạy học tích hợp vào trong các tiết hoạt động ngoại khóa hay chương trình địa phương thì nay ngay cả các chương trình địa phương ít ỏi cũng đã có nội dung giảng dạy (hiện tại các Sở Giáo dục đã thực hiện dạy học chương trình địa phương bằng các tài liệu tự biên soạn). Như vậy, với khung chương trình hiện tại giáo viên sẽ không có thời gian để dạy học tích hợp. Trước tình hình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Hướng dẫn 791/ HD-BGDDT ngày 25/06/2013 để "gỡ rối" nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết triệt để vấn đề và chưa tạo được sự đồng thuận của xã hội.

KHẢ NĂNG HỢP TÁC

Trong những năm qua, giáo viên đã quen với cách dạy học truyền thống. Mặc dù những năm gần đây họ đã được trang bị phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực nhưng những phương pháp, kĩ thuật đó chủ yếu là dựa trên "cốt" chương trình sẵn có còn bây giờ, khi thực hiện dạy học tích hợp thì một vấn đề mới nảy sinh: giáo viên phải có sự tương tác để tạo nên nội dung giảng dạy, tức là việc tạo ra những chủ đề liên môn. Ai cũng biết, người Việt ta có tư duy làm việc độc lập rất cao nhưng khả năng hợp tác nhóm lại khá hạn chế. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân song việc ai cũng khư khư giữ "kẽ" - miếng võ phòng thân, khiến việc dạy học tích hợp cũng gặp không ít khó khăn.

RÀO CẢN TÂM LÝ

Có lẽ "rào cản" cuối cùng của dạy học tích hợp lại là tâm lý giáo viên. Một bộ phận không nhỏ giáo viên vì nhiều lí do, khách quan cũng có, chủ quan cũng có, đã quen với tư duy truyền thống, không thích sự xáo trộn, ngại sự thay đổi và thích ứng, v.v... Tất cả đã làm cho dạy học tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn gặp khó khăn khi triển khai đại trà trên cả nước.

 


Phamngochien.com - 08:22 - 27/01/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận