ĐA TÌNH CON MẮT PHÚ YÊN (Mang Viên Long)

Tôi mượn ý thơ của thi sĩ Tản Đà để làm cái tựa cho bài tiểu luận nầy, đồng thời, cũng nhìn từ đó, để đề cập, dẫn chứng cho cái quan niệm riêng tư của mình, về tính chất đa tình, lãng mạn, hay gì gì đó của người con gái Phú Yên, đã được xác nhận (bằng thơ Tản Đà, ca dao, phong dao, hay thơ của Quách Tấn, Lam Giang, Huy Lực) nhưng hoặc chỉ là cái ca ngợi, cái nồng nhiệt riêng tư ; hoặc được ngắm nhìn, và phát biểu với sự lừa dối (vô tình, hay hữu ý) khiến cái khía cạnh rực rỡ nhất, chói sáng nhất trở nên lu mờ, hoen ố.

Cho tới nay tôi cũng chưa tìm thấy một tài liệu chính xác nào cho biết thi sĩ Tản Đà đã ghé lại Phú Yên vào năm tháng nào trong mấy chuyến xuôi ngược Bắc Nam của ông từ năm 1926 (sau khi làm được 10 số báo An Nam tạp chí, số đầu tiên ra ngày 1/7/1926) ở lại Phú Yên bao lâu, để được hưởng mùi vị của cước cá và sò hào " lấy chi vui với thu tàn, Phú câu cước cá, Ô Loan miếng hào". Theo tôi, ngoài cái tiếng về rượu, và ăn nhậu, Tản Đà còn có một đặc tính tuyệt vời khác: Đó là cái con mắt đa tình của ông. Con mắt có đa tình, mới nhìn thấy đôi mắt khác đa tình. Đôi mắt có lãng mạn, thơ mộng, mới nhìn thấy đôi mắt khác lãng mạn, mơ mộng. Bởi vậy, tôi đã bỏ ra trên bốn năm, chỉ tìm hiểu coi Tản Đà đã ở lại Phú Yên bao lâu, ghé lại vào dịp nào, để mới có thể hiểu được đôi mắt Tản Đà đa tình tới bực nào, đồng thời, cũng giúp cho bài nghiên cứu được dễ dàng trong việc dẫn chứng ví dụ, hay có một khoảng không gian giới hạn nào đó (trong cái bao la, biền biệt của ca dao) mà tra cứu.

Phạm Văn Diêu (trong Việt Nam Văn Học giảng bình Hoàng Sơn in lần thứ 3, Saigon 1970) cho biết "...Trên đường viễn du, ông (Tản Đà) ghé Hà Tĩnh thăm núi Sót,  xuống Huế đến Thuận An, ngậm ngùi trước cảnh Trấn Hải Đài tàn phế, tìm gặp Phan Bội Châu ngày 20/04/1927, rồi đi Đà Nẵng qua chơi Ngũ Hành Sơn, Đồng Dương, rồi thẳng vào Quy Nhơn, Nha Trang và Saigon". Một đoạn khác, trong cùng tác phẩm nói trên, ông Phạm Văn Diêu kể: "...Ngày 14 tháng 2 năm 1928 Tản Đà lại xin thôi (Đông Pháp Thời Báo) về Bắc, và ra đi hai hôm sau đó, trong túi chỉ còn 7 đồng giống như lúc vào Nam. Trên đường về, Tản Đà có ghé Bình Định vài ngày thăm mả Nguyễn Huệ".

Trong báo Tao Đàn số 9 và 10 ngày 16 Juillet 1939, nhà văn Lan Khai đã thuật lại kỷ niệm với Tản Đà, cũng phát họa dáng điệu tâm tính của Tản Đà, ông đã có nhắc tới một chuyến vào Trung của thi sĩ: " Năm 1930, giữa lúc xứ Trung kỳ đương nín thở dưới cơn giông khủng bố, thi sĩ (Tản Đà) tự nhiên một mình vào tận quê hương vị anh hùng Nguyễn Huệ..."

Gần đây báo Văn số 175 ra ngày 1/4/1971, Ông Quách Tấn có viết một bài hồi ký, có tựa " kỷ niệm với Tản Đà", cũng đề cập tới chuyến Nam du của Tản Đà, nhưng lại mập mờ: "Nhân cuộc Nam du (tôi không nhớ rõ năm nào, chừng vào năm 1924-1925, đi ngang qua Bình Định, Tản Đà tiên sinh ghé lại đình (ghi chú của người viết: "Đình thờ ba vua ây Sơn ờ làng Kiên Mỹ, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định)".

Như vậy, dầu có nhiều tài liệu khác khau nói tới các chuyến vào Trung, và Nam của Tản Đà, nhưng không có nói tới việc Tản Đà ghé Phú Yên vào tháng năm nào, trong bao lâu. Tôi có thể ước đoán, ông ta tới Phú Yên, vào Thu, chớm Đông, thời gian nhiều nhất là 1 tháng. Trong 30 ngày, ở một chỗ, Tản Đà  (hay bất cứ ai nếu có sẵn tiền) cũng có thể tìm thấy các món ăn đặc biệt ở nơi đó; nhưng chỉ một câu thơ Tản Đà nói tới con gái Phú Yên, làm tôi bàng hoàng, kính nể. không phải dễ nhìn thấy cái đặc tính độc đáo của người con gái một miền nào, cho dầu thời gian có kéo dài tới đôi ba năm. Tôi đã sống ở Phú Yên trên tám năm, đã nghĩ tới câu thơ Tản Đà trên mười năm (lúc chưa tới nơi đây), hôm nay mới có thể đặt bút viết bài lý luận nho nhỏ này.

Như đã nói ở trên, đôi mắt có đa tình, lãng mạng mới nhìn thấy đôi mắt khác đa tình, lãng mạn giờ có thể nói thêm, tâm hồn có phóng khoáng, như nhiên, mới biết được tâm hồn khác phóng khoáng như nhiên. Tôi viết những giòng này, sau khi đã dọn mình sẵn sàng để lòng được thành, và trí được sàng. Bởi vậy, tôi đã nhìn thấy cái dấu giếm, cái ác ý trong hai câu ca dao sau:

"Chớ lấy vợ Gò Cà

Chớ mua gà Mỹ Phú"

Bởi vì, tôi đã nhìn thấy cái buồn cười, giả nhân giả nghĩa, của người đời -  qua hai câu sau:

"Nhất gái La Hai

Nhì trai Đồng Nghệ"

Bởi vì, tôi đã nhìn thấy cái lố bịch, cái hài hước của hai câu sau đây nữa:

" Trai Ngã Thạch

Cái Bàu Hương"

Tôi đã sống rất khắc khe với chính tôi, và rất bao dung tha thiết với Phú Yên, trong 6 câu ca dao mà tôi vừa trích nêu, trong tám năm trời. những chữ "Vợ Gò Cà" " Gái La Hai" và "Gái Bàu Hương", đã ám ảnh, ray rức tôi không ngớt, từ ngày tôi đặt chân vào Phú Yên. Trong một vài bài viết ngắn, nói tới Phú Yên, gởi cho mấy tờ báo ở Saigon (hay tại Tuy Hòa) tôi dầu tỏ lộ vẻ bồn chồn, khổ sở vì cái ám ảnh của các chữ đó. Tôi còn nhớ ba bài viết có đề cập thẳng tới tính chất " Vợ Gò cà", "Gái La Hai",  "Gái Bầu Hương" nên tuần báo Khởi Hành, nhật báo Tự Do, và trang Văn Học Nghệ Thuật Tiền Tuyến. Ngoài ra, trong tất cả các nhân vật nữ (dầu là bà già) của các truyện tôi viết tại Phú Yên, không khí và khung cảnh Phú Yên, tôi đều bộc bạch tâm sự, và cảm nghĩ sâu kín nhất của tôi, đối với các chữ đó: " Vợ Gò cà, Gái La Hai, Gái Bầu Hương".

Ở đây, nơi bài này, tôi sẽ nói dứt khoát và thẳng thắn, nói thành thực, và sau cùng, về vấn đề chung " Đa tình con Mắt Phú Yên"- hay riêng về các người  nữ ở Gò cà, La Hai và Bầu Hương. Tất cả mọi người đều hỏi: "Gò cà, vợ Gò cà là vợ ở đâu? Tại sao là Gò Cà?". Xin đáp: Xã An Hiệp, quận Tuy An có 7 thôn (Mỹ Huận, Mỹ Thạnh, Tuy Dương, Hội Đức, Phước Hậu, Mỹ Phú, Phong Phú), diện tích 3.460 ha, Gò Cà thuộc thôn Tuy Dương.

Người ta cũng đã nói: " Nhất Gái La Hai, gái La Hai là gái ở đâu, tai sao nhất, nhất cái gì?". Xin đáp La Hai thuộc xã Xuân Long, quận Đồng Xuân. Từ Chí Thạnh, theo liên tỉnh lộ số 6, ( tỉnh lộ dài 36 km dẫn tới Mục Thịnh ranh giới tỉnh Bình Định), qua Phong Viên, tới La Hai. Xã Xuân Long có 2 thôn là Phước Long và Hà Trung, diện tích 2.270 ha. La Hai là tên chợ quận lỵ.

Sau chót, người ta đã sốt sắng và niềm nở hỏi: " Gái Bàu Hương ở đâu?" Xin đáp: Bầu Hương thuộc xã Hòa Phong, quận Hiến Xương. Xã Hòa Phong có 10 thôn (Phước Thành, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Trung, Tân Mỹ, Lương Phước, Thạch Bàn, Liên Thạch, Nam Bình và Lạc Mỹ); Bầu Hương nằm ở thôn Mỹ Thạnh Trung (và 1 phần  Hòa Mỹ) dưới chân núi Hương (cao 132 m), gần chùa Hương Tích.

Theo nguyên nghĩa: " Chớ lấy vợ Gò Cà", bởi vì ở vùng này con gái có thể giết chết chồng (bằng cách này hay cách khác) để theo người đan ông khác. Hoặc có thể bỏ chồng con, gia đình, theo người đàn ông khác. Nói tóm, " Vợ Gò cà" không " thủy chung", nguy hiểm, giống như...gà ở Phú Mỹ (cũng thuộc xã An Hiệp). Xã An Hiệp, được chê về... con gái và gà!

Con gái La Hai cũng được chê trách về phẩm hạnh: Lẳng lơ, lãng mạn, theo trai. Con gái La Hai cũng được coi là dễ sợ, nguy hiểm, không chuyên chính đứng đắn giống như các chàng trai xứ Đồng Nghệ (cùng quận Đồng Xuân, xã Xuân Sơn).

Ở Phú Yên, người ta khen "Gái Bàu Hương", đã xinh đẹp thơ mộng như thằng tích ở đó, mà phẩm hạnh cũng vẹn toàn.

Vậy Tản Đà (hay gần đây Huy Lực, Trần Huiền Ân, Phạm Cao Hoàng, Hoàng Đình Huy Quan, Khánh Linh, Đỗ Chu Thăng, v.v...) đã nhìn thấy "Con mắt đa tình" Phú Yên, ở vùng nào? Không có tài liệu nào cho biết Tản Đà đã lên chơi núi Hương, viếng chủa Hương Tích, ngâm vịnh ở Bàu Hương, trong lúc phát  biểu về "Con mắt đa tình Phú Yên". Như thế, tôi có thể kết luận, Tản Đà (và các thi sĩ khác) đã nhìn thấy "đôi mắt ấy" bàng bạc khắp nơi, ở đây. Theo kinh nghiệm (đã có trên tám năm), cộng với việc suy nghĩ, nghiên cứu, tôi cũng đồng ý như vậy: con mắt Phú Yên rất đa tình. Rất thơ mộng và như nhiên.

Trở lại vấn đề cũ: Tại sao lại vợ Gò Cà? Tại sao gái La Hai là nhất?

Chúng ta phải sống trở lại với các vùng này về hoàn cảnh địa lý, thiên nhiên, đời sống của họ. Nhất là cái xã hội của các câu ca dao, phong dao trên kia ra đời. Sau đó, truy tầm tác giả và nguyên do.

Sống trở lại đời sống của xã hội An Hiệp, tôi dễ dàng nhìn thấy các chi tiết sau đây: Ở An Hiệp sản xuất rất nhiều mật ong và đường. Ở La Hai, hai sản phẩm kể rên lại nhiều hơn nữa:

"Nếp màng màng

Đàng Tân Lập"

Hoặc :

"Tiếng đồn chợ xổm nhiều khoai

Đất đỏ nhiều bắp, La Hai nhiều đường"

"Hôm nay ăn mía Triệu Tường

Đợi mắm Nam Ổ, đợi đường Phú Yên".

Ở An Hiệp (Tuy An) và La Hai (Đồng Xuân) cũng nổi tiếng về trái cây (tôi không chú ý tới : Bông vải, đậu nành, đậu phụng, thuốc):

"Cam Đa Lộc

Thuốc Lỗ Dưng"

Tuy An có ba danh nhân đáng lưu ý: Liễu Quán Hòa Thượng (xã An Thạch), nhà ái quốc Lê Thành Phương (xã An Hiệp), và Đại đức Thích Quãng Hương (xã An Ninh). Đồng Xuân có : Nhà ái quốc anh hùng Nguyễn Hào Sự (xã Xuân Phước), Võ Trứ (di cư ở La Hai). Đô Đốc Chương, Phủ Sự Đào Trí, Thống Chế Nguyễn Nhàn. Riêng Đồng Xuân cũng đã nổi tiếng về các bậc hiếu tử đã được ghi vào sử sách.

Khi tìm hiểu các đặc biệt của An Hiệp (Tuy An) và La Hai (Đồng Xuân), tôi nhận thấy có hai điểm giống nhau: Hai vùng này đều phong phú về đường, mía, mật ong và trái cây. Sự trùng hợp này khiến ta nghĩ tới sự trùng hợp ở trên: Con gái bị mang tiếng xấu, lãng mạn, lẳng lơ.

Điều đáng lưu ý thêm nữa, ở Bàu Hương (Hòa Phong), sản phẩm phong phú, đặc biệt cũng là: đường , mía và mật ong. Nhưng tại sao là "Gái Bàu Hương" mà không là :

Nhất gái La Hai

Nhì gái Bàu Hương?

Xin đáp : Núi Hương thơ mộng; chùa Hương Tích hấp dẫn du khích, đạo hữu; sau cùng là cái bàu tên Hương với huyền thoại có con rùa khổng lồ nổi lên làm bàn thạch cho chư Tiên hiện xuống uống rượu, đánh cờ, ngâm thơ, vân vân. Đã có sẵn khung cảnh hữu tình, lại được "che chở" bởi cái lý do mầu nhiệm Thần Thánh; Bàu Hương luôn luôn phải được ca ngợi, dầu là con gái, hay bà già. Ở Bàu Hương, chùa Hương Tích có rất nhiều thi nhân, hay khách tài hoa, giàu sang, đến viếng, đề thơ và khen ngợi.

Còn Tuy An và Đồng Xuân (hay nói riêng Gò Gà và La Hai) có chi? Xin đáp: Chỉ có đường mía, mật ong và trái cây. Khi người ta cần những thứ đó, người ta chỉ tới chợ (hay nhờ người đi) mua rồi về. Gò Cà và La Hai không có thiên nhiên, và nhất là Thánh Thần che chở ! Trong lúc đó, ở Bàu Hương, với thiên nhiên và đời sống đặc biệt của nó, con gái có nhiều tính chất lãng mạn, lẳng lơ hơn.

Các dữ kiện vừa nêu trên, ai cũng dễ dàng trông thấy cả. Tuy nhiên, truy tầm tác giả của 3 câu ca dao đã trích không phải dễ. Ca dao là gì? Là bài hát ngắn, được đọc từ miệng người này tới miệng người khác, tồn tại là do truyền khẩu. Ca đao có nhiều tính chất, khía cạnh. Và, tác giả của ca dao được ghi là "vô danh". Vậy, ở đây, tôi chỉ tạm ấn định cho tác giả của 3 câu ca dao trên chung một hạng "Lớp nho sĩ phong kiến". Thời gian xuất hiện cũng vì thế mà ấn định được: Xa chúng ta (1974) ít nhất cũng trên 150 năm (ông Lương Văn Chánh được Nguyễn Hoàng cử vào đánh Thành Hồ, đuổi quân Chiêm Thành, lấy lại đất Phú Yên đã được vua Lê Thánh Tông chinh phục năm 1470. Khoảng năm Mậu Dần = 1578).

Như thế, chúng ta có thêm hai yếu tố mới để truy tìm nguyên do nói tới "Vợ Gò Cà, gái La Hai, gái Bàu Hương": 1). Tác giả là lớp nho sĩ phong kiến (đổ đạt hay không), hoặc giả, ở lớp người đã chịu ảnh hưởng sâu đậm, bị ràng buộc khe khắt vào cái quan niệm lễ nghĩa, đạo đức Nho giáo một cách hẹp hòi, sai lệch. 2). Thời gian thực xa xưa, mờ mịt, như cái giai đoạn đạo Nho đang cực thịnh trong dân chúng. Cực thịnh đến nỗi khe khắc, giả tạo, và không nhìn thấy chính mình, hoặc xa hơn một chút.

Nhận chân được vài điểm đại cương như trên, chúng ta có thể kết luận, rất vắn tắt: Những ý tưởng, nhận xét qua 3 câu ca dao đó, đã được đưa ra từ một tư tưởng, một đôi mắt (hay nhiều đôi mắt, thời đó), không phải thực là của chính mình (không dám là mình): Nó bị dòm ngó, lệ thuộc, ảnh hưởng bởi một nền luân lý đạo đức cố chấp, hẹp hòi, sai lệch. Ý tưởng đã bắt nguồn từ một sự thiếu sót, sai lệch, cổ hủ như thế, thì cái giá trị của nó cần phải đặt ngược trở lại. Đó là chuyện dĩ nhiên. Cái thời, cách nay hai ba trăm năm, và các thời chúng ta đang sống, có vô số thay đổi, tiến bộ, phong phú (nhìn về phía những ưu điểm). Đôi mắt chúng ta nhìn, tâm hồn chúng ta xúc động, ý tưởng chúng ta phát biểu, hẳn nhiên là khác xưa. Không ai ngờ nghệch, thiển cận nhìn "vợ Gò Cà, con gái La Hai, con gái Bàu Hươong" với cái tâm địa kín mít và đôi mắt lù mù kia nữa.

Tiếp theo, tôi muốn định  nghĩa và xác định giá trị trở  lại các tính chất của những chữ "lãng mạn, đa tình chung thủy, lẳng lơ, trắc nết". Định nghĩa và xác định, là tôi muốn so sánh cái quan niệm cũ (thời có các câu ca dao kia xuất hiện), với sự đổi thay, tiến bộ đang đi tới. Theo cũ, những chữ trên đều gán cho cái nghĩa xấu, tồi tệ, ngay cả chữ vô tội nhất là "lãng mạn" và "đa tình". Các chữ "chung thủy, lẳng lơ, trắc nết" cũng bị bóp méo, thu nhỏ sao cho vừa với cái đôi mắt, cái tâm hồn nhỏ xíu kia. Sự "chung thủy" lúc xưa, khác với sự "chung thủy" bây giờ. Cái chuyện "lẳng lơ" lúc các cụ học "Nam nữ  thọ thọ bất thân" cũng khác với quan niệm "lẳng lơ" chúng ta đang sống. Hồi đó , hôn nhân là một sự sắp đặt, hay tệ hơn là đổi chác, mua bán của các bậc sinh thành (ông bà, cha mẹ ,v.v.). Chữ "Tình yêu" không có. Phủ nhận "Tình yêu" là giết chết tâm hồn, sự rung động của con người. Đời sống luôn luôn bị gò bó, thu mình ép buộc. Không coi đời sống của tâm hồn có giá trị (trong tình yêu), vì thế, họ lên án những người dám (hay liều lĩnh, ngây thơ, thành thật) sống với sự xúc động, khao khát của lòng mình; bởi vì con người đã là người khi hiện hữu. Ở vào cái khung cảnh tối tăm đó, cái ngục tù ác nghiệt đó, người con gái Gò Cà đã hành động theo tâm hồn mình. Đã là người với trọn vẹn tính chất khả hữu của nó. Đó là một hành động quả cảm, đáng được thán phục, yêu quý. Người con gái La Hai dám coi thường những lề thói hẹp hòi, những đôi mắt quái lạ kia, để "theo trai". Chữ "theo trai" phải hiểu: Theo tình yêu, theo khát vọng trung thực, sâu thẵm của tim mình. Sống vào thời đó, chung quanh có vô số sợi dây ràng buộc mà bỏ đi được (dám sống là người), quả họ đã suy nghĩ, đã chân thành quá mức rồi. Tôi nghĩ tới những tù nhân khao khát tự do. Tuy vậy, việc phá vỡ những ràng buộc như thế, đối với thời xưa, là một việc hệ trọng. Đáng ... đem vào ca dao, tục ngữ ! Xét hiện tại, ai cũng nghĩ là cái việc "như thế" ở đâu cũng có, và không có gì phải sợ hãi. Nhiều chuyện "động trời" , còn có thể hiểu, cắt nghĩa, và bao dung được. Tôi nghĩ: "Giá còn tác giả của mấy câu ca dao trên sống tới nay, có lẽ họ đã ngã ngửa ra mà chết" . Hoặc : "Họ sẽ hối hận mà sửa lại". Nói thế, không có nghĩa tôi phủ nhận sự có mặt cần thiết và đáng ca ngợi của quý chữ "Thủy chung, lẳng lơ, trắc nết", mà đòi hỏi chúng ta phải hiểu chúng, bằng sự tiến bộ, bằng cái sâu thẳm nhất của tâm hồn, của con người.

Thiên nhiên và đời sống có ảnh hưởng tới con người, đó là điều dĩ nhiên. Ở Phú Yên, thiên nhiên đầy đủ và hữu tình quá: Rừng núi sông biển, đồng ruộng, thành hồ, hào rạch, đồi tháp ở cùng khắp. Phú Yên ở giữa hai ngọn đèo, hai cái ải, là Đèo Cả (cao trên 500m) và Đèo Cù Mông (cao 245m ) nên đời sống cũng bị giới hạn, khép lại trong khung cảnh, đất đai của mình. Bởi vậy, tính chất "lãng mạn" và "đa tình" dễ tìm thấy trong những đôi mắt thiếu nữ, nếu có sẵn "một đôi mắt đa tình" để nhìn ngắm.

Tản Đà (hay Huy Lực, Trần Huiền Ân, Hoàng Đình Huy Quan, Phạm Cao Hoàng, Đỗ Chu Thăng, Khánh Linh, v.v...) đã xác nhận với tôi điều đó, trong các thi phẩm của họ. Như thế, vấn đề "vợ Gò Cà, gái La Hai, gái Bàu Hương" còn là một điều đáng chú ý nữa thôi?

Riêng tôi, viết xong mấy dòng này, tôi đã gột sạch tất cả những ám ảnh. Đã dứt khoát một quan niệm về những người nữ Phú Yên. Và, để kết luận cho bài lý luận nho nhỏ này, tôi coi cái tính chất "Đa tình và lãng mạn" của Phú Yên là một ưu diểm, một đặc tính hồn hậu, chân thành, tự nhiên như hoa nở, trăng mọc, mưa rơi .../.

Tuy Hòa, th.4.1974- (Tạp chí Phổ Thông - 1974)

MANG VIÊN LONG


Phamngochien.com - 14:46 - 13/12/2009 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận