Đà Nẵng tôi yêu (Quỳnh Như - SV ĐH Sài Gòn)

Đà Nẵng quê mình đẹp lắm
Có núi, có sông, ruộng đồng, biển cả
Mảnh đất, con người, ngày đêm hối hả
Cho một sông Hàn thành nhạc, thành thơ...

(Lời bài hát Đà Nẵng tôi yêu. Nhạc và lời: Quỳnh Hợp)

Đây là lần đầu tiên tôi được đến tham quan Đà Nẵng - một vùng đất hối hả với nhịp sống hiện đại với sông Hàn thắp sáng trời đêm. Đà Nẵng đón tôi trong nắng sớm mai vàng rực rỡ. Tiếc là lần này tôi chỉ được tham quan Ngũ Hành Sơn chứ không có dịp tham quan những điểm khác. Thế nhưng, dù thời gian ngắn là thế, tôi vẫn rất háo hức muốn chinh phục quần thể núi non tuyệt đẹp này. Cuộc hành trình của tôi trên đất Đà Nẵng chính thức bắt đầu.

Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, quận Ngũ Hành sơn. Thuở xa xưa người Chiêm Thành, thờ thần linh theo tín ngưỡng của họ, ngày nay còn lưu lại di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá ở Chùa Linh Ứng, trong động Huyền Không. Ngũ Hành Sơn bao gồm 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn (Âm Hỏa sơn và Dương Hỏa sơn), Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong. Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất và cũng kiều diễm nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây là nơi tập trung nhiều hang động, chùa chiền nhất.

Dường như ai từng biết đến Đà Nẵng là biết đến Ngũ Hành Sơn. Nó nổi tiếng đến độ nhiều người muốn xem nó như là biểu tượng của vùng đất này. Không gian huyền ảo, thơ mộng, chùa chiền và hang động, cây cỏ và tiếng chuông chùa, sóng vỗ và những dằng dặc nghìn trùng... cách không xa trung tâm thành phố, Ngũ Hành Sơn từ lâu đã thật sự là một cõi thiên thai dành cho du khách. Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng đã từng đến đây. Ông đã tự mình đặt tên cho núi, cho các hang động, chùa chiền. Không ai biết những cái tên như Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Thiên Long... đã làm nhà vua phải suy nghĩ mất hết biết bao nhiêu thời gian. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, giữa những lo toan quốc kế dân sinh, trong tâm hồn của con người này, cảnh trí Ngũ Hành Sơn đã chiếm một phần quan trọng như một nỗi tự hào về một miền đất xinh đẹp.

.

.

Nơi đây, các dấu ấn văn hoá lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa, tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chàm của thế kỷ XIV, XV. Những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong trong các hang động. Những di tích văn hoá lịch sử như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, đến các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ,... Tất cả chứng minh hùng hồn về một Ngũ Hành Sơn huyền thoại, về một vùng đất địa linh nhân kiệt đầy chất sử thi.

Về hang động có: Hoa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Lăng Hư, Vân Thông, Thiên Long, Bàn Cờ, Tàng Chân, Chiêm Thành và Vọng Hải Đài, Vọng Giang Đài. Về chùa có: Tam Thai, Tam Tôn, Linh Ứng... Điều thú vị ở đây mà các điểm du lịch khác khó có thể có được là sau những giờ leo trèo, lên xuống hàng trăm bậc cấp để thăm thú các hang động và chùa chiền, ta chỉ cần bước ra mấy trăm mét là đến bãi biển cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng êm như mời gọi chào đón đến với làn nước mặn, thư giãn gân cốt, đồng thời ngắm nhìn cảnh núi non, trời biển bao la.

Sau khi tham quan quần thể Ngũ Hành Sơn, tôi xuống tham quan làng mỹ nghệ Non Nước và mua sắm một số quà lưu niệm nơi đây. Thiên nhiên đất nước đã ban tặng cho nước ta quá nhiều. Con người cần phải có ý thức bảo vệ thiên nhiên và ngày càng làm cho thiên nhiên tươi đẹp hơn nữa.

Mặc dù chưa có bất cứ tổ chức nào công bố, nhưng theo nhiều chuyên gia và người dân trên cả nước nhận xét, Đà Nẵng hiện được đánh giá là "Thành phố đáng sống nhất Việt Nam". Đường phố Đà Nẵng thật văn minh, sạch sẽ và đầy tiện nghi, không có hàng rong và vé số dạo. Đây là một điều mà các nơi trên đất nước ta cần học hỏi. Điều tôi luyến tiếc nhất khi phải xa Đà Nẵng là vì tôi chưa được ngắm nhìn cầu xoay sông Hàn về đêm. Âu đó cũng là một điều hay, bởi điều đó cũng chính là điều thôi thúc tôi phải trở lại nơi đây thêm nhiều lần nữa để khám phá cho hết những điều tôi chưa biết về Đà Nẵng. Chào Đà Nẵng, tôi đi!

Đà Nẵng ơi! Sao mà yêu đến thế
Gian khó quá nhiều nay tỏa sáng lung linh
Công sức tình người dựng xây thành phố trẻ
Đẹp những con đường rạng rỡ ánh đèn đêm...

(Lời bài hát Đà Nẵng tôi yêu. Nhạc và lời: Quỳnh Hợp)

.

Quỳnh Như - (vào lúc: 16:08 - 08-04-2012)
Đây là hai bài viết của mình: Trở lại phố Hoài (tapchivan.com) và Ai về xứ Nẫu Quy Nhơn (tapchisongba.com). 1 về Hội An và 1 về Quy Nhơn. Rất cảm ơn bạn Thủy đã quan tâm và ủng hộ. Chúc bạn luôn vui và hạnh phúc.
trịnh thị thủy - (vào lúc: 17:08 - 08-03-2012)
Những miền đất bạn đi mà tôi chỉ được nghe chứ chưa được đến.nhưng cũng cho tôi sự đam mê về những chuyến đi.sau Huế ,Đà Nẵng bạn sẽ viết tiếp bao nhiêu thành phố nữa.nếu có thể tôi nghĩ bạn nên khám phá những vùng sông nước miền tây hay phong tục ở người dân tộc với khả năng viết về những vùng đất của bạn như một sự đam mê tôi nghĩ 64 tỉnh thành sẽ được tôi và nhiều bạn nữa đón đọc.mong hẹn lại bạn ở những bài viết khác nữa

Phamngochien.com - 08:33 - 28/07/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận