Cựu HS khóa 1987-1990 trường Lê Hồng Phong họp mặt nhân 25 năm ra trường

Sáng ngày 30/4/2015, tại trường THPT Lê Hồng Phong, Tây Hòa, Phú Yên, diễn ra lễ họp mặt kỷ niệm 25 năm ra trường của cựu học sinh khóa 1987 - 1990. Đến dự, có đông đảo các thầy cô giáo đã và đang dạy tại Trường cùng với khoảng 150 cựu học sinh thuộc 6 lớp: C1, C2, C3, C4, C5, C6 và các dâu rể.

Đây là lần đầu tiên, các cựu học sinh chúng tôi tổ chức họp mặt toàn khóa. Cuộc hội ngộ lần này diễn ra tại sân trường Lê Hồng Phong với sự chuẩn bị khá chu đáo của các bạn Quốc Ly, Lệ Thủy và đại diện các lớp. Nhiều cựu học sinh đang sinh sống ở các tỉnh xa như Long An, Sài Gòn... cũng về dự. Sau 25 năm xa cách, nhiều người mới có dịp gặp lại bạn học cũ. Khuôn mặt đã khác xưa rất nhiều, nhớ mặt nhưng không nhớ tên. Nhiều bạn đã già đi trông thấy, trong khi nhiều thầy cô giáo vẫn còn rất trẻ trung.

Thầy Lê Minh Huệ, hiệu trưởng nhà trường giới thiệu những thành tích nổi bật của Trường trong giai đoạn hiện nay. Thầy Châu Lý Vân, cô Nguyễn Thị Hồng bùi ngùi ôn lại kỷ niệm xưa. Đại diện các lớp đã tặng quà và phát biểu bày tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo cũ. Các lớp lên sân khấu chụp hình lưu niệm cùng với các thầy cô. Sau phần lễ là các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn và liên hoan tại sân trường.

Cách đây 28 năm, chúng tôi bỡ ngỡ bước vào mái trường THPT Lê Hồng Phong. Hồi ấy, vào cấp III rất khó. Trong kỳ thi chuyển cấp, hình như chỉ có một nửa số thí sinh được vào lớp 10. Năm 1987, Trường tuyển 10 lớp chính khóa và 2 lớp ngoại khóa. Nghĩa là vào thời điểm lớp 10, khóa chúng tôi có 12 lớp, đặt tên từ A1 đến A12. Lên lớp 11, khóa chúng tôi còn lại 10 lớp, đặt tên từ B1 đến B10. Lên lớp 12, chúng tôi chỉ còn lại 7 lớp, đặt tên từ C1 đến C7.

Phần lớn học sinh khóa chúng tôi sinh vào các năm 1971, 1972, đã từng có vài năm trải qua cuộc sống gian khổ thời chiến tranh. Chúng tôi đi học năm 1978 và trải qua cái nghèo của thời bao cấp suốt những năm học cấp I, cấp II. Chúng tôi lên cấp III vào thời gian đầu Đổi mới nhưng cơ chế bao cấp vẫn còn. Có thể nói, thế hệ chúng tôi là cái gạch nối giữa chiến tranh và hòa bình, bao cấp và thị trường.

Hầu hết học sinh chúng tôi đều xuất thân từ gia đình nông dân. Học một buổi, còn một buổi đi làm ruộng và làm những công việc khác giúp gia đình. Phong trào học tập của chúng tôi thời ấy, dĩ nhiên, không bằng học sinh ở thị xã, thành phố. Nhưng sau khi ra trường, nhờ sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng, các bạn đã thành đạt và hạnh phúc.

25 năm qua là một chặng đường dài. Chúng ta chẳng mong chờ thêm 25 năm nữa mới gặp lại. Hy vọng rằng, những buổi họp mặt đông vui thế này nên diễn ra thường xuyên hơn để bạn bè còn có nhiều dịp ngồi dưới bóng râm hàng cây xà cừ mà ôn lại kỷ niệm xưa, bàn chuyện hiện tại, nghĩ tiếp về tương lai...

Ngày mai tung cánh muôn phương
Ơn thầy, nghĩa bạn, tình trường không quên

Phạm Ngọc Hiền

Các cựu HS và GV chụp hình lưu niệm

Đại diện các lớp tặng quà cho các thầy giáo

Đại diện các lớp tặng quà cho các cô giáo

Thầy Lê Minh Huệ, hiệu trưởng Nhà trường phát biểu cảm tưởng

Tiết mục văn nghệ

Liên hoan trò chuyện

Cô Nguyễn Thị Hồng (nhà giáo ưu tú) nghẹn ngào ôn lại kỷ niệm xưa

Hiền chụp hình với thầy chủ nhiệm Nguyễn Trọng Hảo

Lớp 12 C5 chụp hình lưu niệm với các thầy giáo,
nhiều thầy trẻ trung như trò, rất khó nhận ra

Lớp 12 C5 chụp hình trước cổng trường

Mời bấm vào đây xem video buổi họp mặt

.

Đoàn Duy Luân - (vào lúc: 00:08 - 08-20-2016)
Bài viết của chú làm con nhớ đến trường nhiều lắm. 5 năm kể từ ngày rời mái trường thân yêu thì chỉ có đúng 1 lần về lại thăm trường và lúc đó chắc cũng đã gần 4 năm rồi. Bao lâu nay con vẫn về quê nhưng hết lần này đến những việc riêng của bản thân nên không ghé vào trường được. Yêu lắm ngôi trường thân yêu ấy.

Phamngochien.com - 09:35 - 03/05/2015 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận