CƠM SINH VIÊN THỜI BAO CẤP

Ai đã từng là sinh viên thời bao cấp đều không thể nào quên cảnh "canh toàn quốc, nước mắm đại dương". Tùy vào mỗi trường Đại học, Trung cấp mà cách ăn uống cũng có khác nhau chút đỉnh, nhưng về cơ bản, tất cả sinh viên đều kham khổ. Sau đây là chuyện bữa ăn tập thể của sinh viên một trường Đại học ở miền Trung.

Trong các món ăn, trước hết phải kể đến cơm, vì đây là thành phần cơ bản của bữa ăn. Đầu thập niên 80, sinh viên phải ăn cơm ghé sắn hoặc hạt bo bo, sau đó, chỉ còn lại cơm nhưng phải ăn loại gạo tồn kho lâu ngày. Loại gạo này bán không ai mua, phát không ai nhận, nên chuyển sang cho giới sinh viên ăn vì đây là loài dễ nuôi nhất trong tất cả các loài. Người ta tưởng ăn loại gạo thiếu chất dinh dưỡng này thì sinh viên sẽ gầy ốm. Nhưng xin thưa, họ đã lầm hoàn toàn. Càng ăn, sinh viên càng..."mập", ấn móng tay vào da thịt không biết đau, mà để lại một chỗ lõm... Họ đã mắc chứng phù thũng.

Thức ăn thứ hai là cá, các bà ở chợ thường gọi là cá heo. Xin đừng tưởng nhầm sinh viên thời đó ăn sang. Thực ra, đây chỉ là loại cá nhỏ tạp nhạp đủ chủng loại, không tên không tuổi, được nhiều gia đình mua về nấu cho heo ăn mau lớn. Các trí thức của loài người cũng ăn loại cá này suốt 4 - 5 năm Đại học. Món này được sinh viên xem là món cao cấp nhất của bữa ăn nên chỉ vài phút là sạch sành sanh.

Tiếp theo là mắm, còn gọi là nước mắm đại dương. Xin đừng hiểu nhầm đây loại loại nước mắm nổi tiếng với thương hiệu "Đại dương". Thực ra đây chỉ là nước muối, người ta cho thêm màu vào (nghe đâu là nước cơm cháy). Cho nên, tuy gọi là mắm cho sang trọng nhưng không phải là mắm.

Món cuối cùng là canh, còn gọi là canh toàn quốc. Xin đừng tưởng lầm là sản phẩm nổi tiếng toàn quốc, mà thực ra là "canh toàn nước", chỉ lèo tèo vài cọng rau. Tất nhiên, là loại rau rẻ tiền hoặc không tốn tiền như rau muống, mồng tơi, lá giang, rau dền (khiến nhiều sinh viên chạnh lòng nhớ lúc còn ở nhà cắp rổ đi hái rau dền cho heo)... Còn về thịt thì có bói cũng không tìm ra miếng nào. Nếu dùng kính hiển vi thì may ra mới phát hiện vài nguyên tố Lipid trôi nổi trong Thái bình dương. Đôi lúc, các sinh viên nhà ta còn bắt gặp trong thau canh những vị khách không mời mà đến như rơm rác, lá tre, cọng tóc, giẻ rách... Thậm chí có khi còn bắt gặp một chú chuột con còn chưa mở mắt. Thôi thì rợn hết chỗ nói...

Thời bao cấp, xung quanh các trường thường không có quán xá gì nên căn tin là nơi ăn uống chính. Hình ảnh của căn tin, mùi của căn tin, âm thanh của căn tin thường chập chờn trong giấc ngủ của sinh viên những đêm đói bụng. Căn tin đã đi vào thơ văn, nhật ký, lưu bút... Và nó cũng ghi dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức của những sinh viên đã đi qua thời bao cấp.

                                                                                NGUYỄN THÀNH NHÂN

 

 

 


Phamngochien.com - 16:17 - 04/01/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận