Chuyển thể văn học sang điện ảnh... (Lê Đình Tiến - Hà Nội)

Chuyển thể văn học sang điện ảnh - một phương thức tiếp nhận và tái hiện nghệ thuật (Trường hợp chuyển thể các tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh)

Văn học luôn là nguồn "khoáng sản" vô tận cho điện ảnh. Ngay từ những ngày đầu hình thành, điện ảnh Việt Nam đã tựa lưng vào văn học để có những bước đi vững chắc. Theo thời gian, số lượng phim chuyển thể từ văn học ngày càng nhiều. Có thể nói việc chuyển thể văn học sang điện ảnh là một phương thức tiếp nhận và tái hiện nghệ thuật. Nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn tốt trong lòng khán giả. Thời kỳ nào cũng có những tác phẩm văn học được chuyển thể sang điện ảnh. Văn học Việt Nam thời kỳ sau đổi mới có nhiều thành tựu đáng kể cả về nội dung lẫn hình thức, và đây cũng là thời điểm nhiều tác phẩm văn học được chuyển thể nhất và cũng tạo ấn tượng nhất đối với người xem. Chuyển thể văn học là chuyển thể cái phần hồn của tác phẩm đấy. Thời gian gần đây có một số bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học đã gây được tiếng vang lớn ngay từ khi bắt đầu quay. Đó là trường hợp chuyển thể các tác phẩm văn học của các nhà văn như: Nguyễn Huy Thiệp; Sương Nguyệt Minh; Nguyễn Nhật Ánh; Nguyễn Văn Thọ...Trong đó, chung tôi đặc biệt ấn tượng với những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Đọc văn của Sương Nguyệt Minh, người đọc được bước vào một thế giới nghệ thuật riêng, phong phú, đa chiều với một phong cách văn chương giản dị nhưng luôn không ngừng tìm tòi, đổi mới. Có thể thấy các tác phẩm của Sương Nguyệt Minh vừa có cái trầm tĩnh, đôn hậu của một người lính cầm bút vừa có cái sắc sảo của một nhà văn tinh nhạy khi sống trong xã hội thời kinh tế thị trường đầy biến động. Việc chuyển thể tác phẩm của Sương Nguyệt Minh lên màn ảnh là một vấn đề khó trong thời hiện đại, bởi những tư tưởng và giá trị lịch sử đang dần mai một, khán giả không mấy mặn mà với những bộ phim về đề tài chiến tranh. Tuy nhiên, những bộ phim như Mười ba bến nước; Người trở về lại không rơi vào tình trạng đó, những bộ phim này đã gặt hái được rất nhiều thành công, đặc biệt được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt. Vì những lẽ đó, chúng tôi chọn nhà văn Sương Nguyệt Minh và những tác phẩm văn học được chuyển thể sang điện ảnh của ông để làm đối tượng nghiên cứu cho đề tài: Chuyển thể văn học sang điện ảnh - một phương thức tiếp nhận và tái hiện nghệ thuật.

I. Chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh - một vài nhận định
Điện ảnh không thể tồn tại nếu không có văn chương, đó là điều chắc chắn. Phim không thể thành hình nếu không có cốt truyện, nhân vật và tình huống, xung đột...tất cả những yếu tố này đều học từ văn chương. Kịch bản điện ảnh thực ra cũng chính là văn bản văn chương dưới một dạng trình bày đặc biệt. Tiểu thuyết là chuyện kể, làm phim cũng là kể chuyện. Phim chính là thế giới chuyện kể văn chương hiện hình. Nói đến ảnh hưởng của điện ảnh đến văn chương, cũng không thể bỏ qua sự xâm nhập của kỹ thuật "montage" từ khâu ráp phim sang văn bản văn chương. Các nhà văn đã học từ điện ảnh cách cắt- dán ghép các đoạn văn như là người ta cắt- ghép phim vậy. Với thủ pháp này, nhà văn có thể xáo trộn các biến cố và lắp ghép chúng không theo trình tự thời gian, các biến cố xa được đặt cạnh các biến cố gần, hai câu chuyện của những nhân vật khác nhau lại được đặt cạnh nhau và đồng thời với nó là sự di chuyển các điểm nhìn. Như vậy, có thể nói, điện ảnh đã đem lại cho văn chương một "bộ mặt mới", khi mà các nhà văn ngày càng muốn thể nghiệm mình cùng điện ảnh. Văn chương và điện ảnh là hai loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác biệt nhau về chất liệu. Chất liệu của văn chương là ngôn từ với tính chất phi vật thể, cho nên văn học chỉ có thể diễn tả thế giới một cách gián tiếp, trong khi chất liệu của điện ảnh là hình ảnh và âm thanh- vật thể hữu hình, cho nên điện ảnh có thế mạnh trong việc tạo dựng lại thế giới và làm cho hình tượng nghệ thuật trở thành hữu hình. Song không phải với thế mạnh của "tính hình tượng trực tiếp", điện ảnh đã hoàn toàn "thắng" văn chương trên mọi khía cạnh. Vẫn có một góc khuất mà điện ảnh không thể biểu hiện trực tiếp bằng văn chương, đó là nội tâm nhân vật và tư tưởng, triết lý. Tuy khác nhau về chất liệu và đặc trưng biểu hiện như vậy, song điện ảnh và văn chương lại có cùng một điểm chung là tính tổng hợp. Cả hai đều thu vào mình các thành tựu của những nghệ thuật khác. Thậm chí, chính hai loại hình này cũng thâm nhập, ảnh hưởng lẫn nhau, nhờ vậy mà ngày càng trở nên phong phú, chân trời của chúng ngày càng rộng mở vô biên.
Để chuyển thể thành công một tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận rằng đã có rất nhiều bộ phim thành công nhờ vào việc chuyển thể tác phẩm văn học như: Chiến tranh và hòa bình ; Cuốn theo chiều gió ; Người Mẹ ; Số phận một con người... Đúng như đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng nói: " Một bộ phim hay không thể tách rời khỏi tiểu thuyết hay, đó là quan điểm mà tôi luôn kiên trì". Vì thế những bộ phim của ông đa phần được chuyển thể từ văn học sang đều đạt được những thành công không nhỏ.
Ở Việt Nam ngay từ khi hình thành nền điện ảnh đã có rất nhiều tác phẩm văn học lần lượt được màn ảnh tiêu biểu như: Lục Vân Tiên (dựa theo truyện Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, 1957), Vợ chồng A Phủ (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Tô Hoài, 1960), Con chim vành khuyên (dựa theo truyện ngắn Câu chuyện một bài ca của Nguyễn Văn Thông, 1962), Chị Tư Hậu (chuyển thể từ truyện Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái, 1963), Nổi gió (dựa trên vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, 1966), Rừng xà nu (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Trung Thành, 1969)... Thời kỳ nào cũng có những tác phẩm văn học được chuyển thể sang điện ảnh. Văn học Việt Nam thời kỳ sau đổi mới có nhiều thành tựu đáng kể cả về nội dung lẫn hình thức, và đây cũng là thời điểm nhiều tác phẩm văn học được chuyển thể nhất và cũng tạo ấn tượng nhất đối với người xem. Khán giả vẫn luôn nhớ đến những "bộ phim văn học" như Cỏ lau (chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, 1993), Đất nước đứng lên (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyên Ngọc, 1994), Đời cát (chuyển thể từ truyện ngắn Ba người trên sân ga của Hữu Phương, 1999), Bến không chồng (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Dương Hướng, 2000), Người đàn bà mộng du (chuyển thể từ truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, 2003), Mười ba bến nước (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Sương Nguyệt Minh)...Và gần nhất là những bộ phim được ra mắt công chúng năm 2015 cũng được chuyển thể từ tác phẩm văn học, đó là trường hợp Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh; Người trở về (chuyển thể từ tác phẩm Người về bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh) và Quyên (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Văn Thọ).

II. Phương thức tiếp nhận và tái hiện nghệ thuật (Từ ngôn ngữ văn học của Sương Nguyệt Minh đến ngôn ngữ điện ảnh của Đặng Thái Huyền)
1. Vài nét về nhà văn Sương Nguyệt Minh và đạo diễn Đặng Thái Huyền
1.1. Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1958 tại Ninh Bình. Đến với nghiệp văn chương khá muộn màng, năm 1992, lần đầu tiên có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Truyện ngắn đầu tay đăng báo chẳng êm xuôi, ban đầu như nhà văn kể, bị không ít báo từ chối, đến khi được in, thì dính vào kiện tụng do câu chuyện kể bị gán giống với sự thật đang diễn ra của hai dòng họ tại quê hương nhà văn. Dù trải qua những cảm xúc lo lắng ngoài ý muốn, nhưng điều đó không làm suy giảm đam mê viết. Có lẽ, đã sa vào văn chương, thì tình sâu khó dứt, thế nên, sau 24 năm, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã in 7 tập truyện ngắn và 2 bút ký - tạp văn. Sau khi tập truyện ngắn Dị hương nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, Sương Nguyệt Minh cho ra đời tiểu thuyết đầu tay Miền hoang, như điểm mốc đánh dấu sự dấn thân không ngừng nghỉ của nhà văn trên con đường đã xác định.
Sương Nguyệt Minh hiện nay được đánh giá là một trong những nhà văn quân đội tiêu biểu. Anh xuất hiện trên văn đàn vào khoảng những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỉ XX, cho tới nay với sự đam mê và lao động nghệ thuật nghiêm túc, nhà văn đã cho ra đời nhiều tập truyện ngắn, rất nhiều bài bút ký, tùy bút...định hình được một phong cách riêng vừa ổn định lại không ngừng đổi mới. Với vốn sống phong phú của một người lính đã từng đi nhiều, đọc nhiều, trăn trở nhiều, cộng thêm một tấm lòng nhân hậu luôn hướng về cuộc đời và con người với cái nhìn trìu mến và lo lắng, các sáng tác của Sương Nguyệt Minh cho người đọc thấy được nhiều điều trong cuộc sống: những được mất, vui buồn trong chiến tranh hay khi đã hòa bình; những mặt sáng tối của đời sống nông thôn, thành thị; những góc khuất trong đời sống riêng tư con người... Đọc văn của Sương Nguyệt Minh, người đọc được bước vào một thế giới nghệ thuật riêng, phong phú, đa chiều với một phong cách văn chương giản dị nhưng luôn không ngừng tìm tòi, đổi mới. Có thể thấy các tác phẩm của Sương Nguyệt Minh vừa có cái trầm tĩnh, đôn hậu của một người lính cầm bút vừa có cái sắc sảo của một nhà văn tinh nhạy khi sống trong xã hội thời kinh tế thị trường đầy biến động.
Cùng với sự vận động đi lên của xã hội, văn học Việt Nam sau 1975 có nhiều khởi sắc mà trong đó truyện ngắn được đánh giá là thể loại tiên phong. Đã có nhiều tác giả truyện ngắn thành công trên nhiều phương diện như lối viết, cách viết mới mẻ, đa dạng, đa chiều phù hợp với thực tế bề bộn ngổn ngang và đầy biến động của xã hội Việt Nam đương đại. Trong sự thành công của thể loại truyện ngắn thời kỳ này có đóng góp của không nhỏ của những nhà văn mặc áo lính, trong đó Sương Nguyệt Minh nổi lên như một tên tuổi sáng giá. Là một nhà văn nghiêm túc trong nghề nghiệp, Sương Nguyệt Minh có những quan điểm sáng tác đề cao các giá trị chân, thiện, mĩ của văn chương. Sương Nguyệt Minh luôn cố gắng và đã đạt được nhiều thành công trong việc tìm tòi và phản ánh số phận của con người. Sự nghiêm túc trong hoạt động sáng tạo được anh thể hiện bằng chính những sáng tác của mình.
Cảm hứng sáng tác của nhà văn quân đội này bao giờ cũng bắt nguồn từ chính cuộc sống. Những tác phẩm đầu tay viết về đề tài chiến tranh của anh có sự đan xen giữa cảm hứng lãng mạn, ngợi ca với cảm hứng bi kịch. Không chỉ dừng lại ở việc ca ngợi một chiều những người lính, những người vợ hậu phương, nhà văn có cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn với những nhân vật vốn đã từng là trung tâm của một thời văn học chiến tranh. Tiếp tục phát huy khả năng quan sát, đánh giá, nhìn nhận của mình, càng ở giai đoạn sau Sương Nguyệt Minh càng mở rộng đề tài sang nhiều vấn đề khác của cuộc sống, phát hiện và phản ánh những bi kịch đang ngấm ngầm diễn ra trong cuộc sống cá nhân hoặc cộng đồng. Hiện thực cuộc sống đi vào tác phẩm của anh đôi khi như những màn bi hài kịch với những chuyện "dở khóc dở cười". Không chỉ dừng lại ở đó, anh còn đưa vào tác phẩm của mình những vấn đề trước đây bị coi là cấm kỵ như bản năng con người, khai thác đề tài ấy bằng một ngòi bút tinh tế và giàu sáng tạo.
Thế giới nhân vật trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh phong phú, đa dạng như chính thế giới con người ngoài đời thực. Tác giả hòa mình vào khuynh hướng sáng tác hướng tới đời sống con người cá nhân, đi sâu vào thế giới tinh thần đầy phức tạp, bí ẩn của mỗi người trong văn chương đổi mới. Bên cạnh những trang viết xây dựng nên kiểu nhân vật truyền thống "vừa quen, vừa lạ", Sương Nguyệt Minh còn có nhiều tác phẩm thể hiện nhiều tìm tòi trong việc xây dựng nhân vật, tạo nên những nhân vật cô đơn, dị biệt hoặc giả huyền thoại, làm phong phú thêm cho thế giới nhân vật trong văn chương đương đại.
Để tạo nên một thế giới nghệ thuật mang phong cách riêng của mình, Sương Nguyệt Minh đã có nhiều sáng tạo trong việc tạo dựng nên những cốt truyện đặc sắc. Sự linh hoạt trong ngòi bút của anh thể hiện ngay trong việc vận dụng nhiều kiểu cốt truyện ở các tác phẩm khác nhau. Bên cạnh việc đưa cốt truyện truyền thống lên một trình độ mới, nhuần nhuyễn tự nhiên hơn, anh còn có nhiều thành công trong việc tạo nên kiểu cốt truyện tâm lý, cốt truyện phân rã mà trong đó yếu tố không, thời gian được sắp xếp một cách đa dạng, tạo nên sức cuốn hút cho tác phẩm. Yếu tố tình huống truyện cũng được nhà văn đặc biệt quan tâm, xây dựng các tình huống hành động, tình huống nhận thức hay tình huống khác thường.
Dấu ấn phong cách Sương Nguyệt Minh còn thể hiện rõ trong cách anh tạo dựng một thế giới không gian, thời gian nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trong các tập truyện của tác giả này rất rộng phản ánh một vốn sống phong phú. Trong đó đặc biệt để lại dấu ấn riêng là không gian làng quê Việt Nam gắn với mảnh đất Ninh Bình nơi nhà văn sinh ra và lớn lên. Từ bối cảnh không gian của làng quê mình, Sương Nguyệt Minh đã khái quát được cả không gian làng quê chung của đất nước, phản ánh được những nét đẹp cũng như những bất cập trong cuộc sống nông thôn đương thời. Cách xử lý thời gian đặt trong mối quan hệ mật thiết với không gian cũng mang nhiều cách tân mới mẻ, thời lưu tác phẩm, mối quan hệ giữa thời gian lịch sử và thời gian truyện kể... được nhà văn chú ý khai thác. Giọng điệu trong các sáng tác của Sương Nguyệt Minh cũng thay đổi đa dạng rất phù hợp với nội dung hiện thực và khuynh hướng tư tưởng, tình cảm mà nhà văn muốn thể hiện. Giọng trữ tình đan xen với giọng hài hước, giọng triết lý hài hòa với giọng khách quan...tất cả đều tạo nên một thế giới nghệ thuật phong phú, "nói" và gửi gắm được nhiều điều với người đọc.
Rất nhiều khía cạnh của hiện thực khi đưa vào tác phẩm của Sương Nguyệt Minh, đi qua lăng kính chủ quan của một con người mang nhiều suy tư, trăn trở về cuộc sống và con người, một người luôn mong muốn đổi mới chính mình, đều trở nên có ý nghĩa, có sức hút với độc giả. Mặc dù còn có ý kiến cho rằng một vài tác phẩm của Sương Nguyệt Minh còn thiếu chắt lọc trong chi tiết, song đọng lại trong lòng độc giả vẫn là lời văn nhẹ nhàng mà sâu sắc, là cách khám phá và phản ánh hiện thực tinh tế, sắc sảo và cách giải quyết vấn đề luôn nhân hậu, đầy tình người.
1.2. Đặng Thái Huyền - Sinh năm 1980, được coi là đạo diễn thế hệ 8X tài năng của điện ảnh Việt Nam. Năm 2009, bộ phim đầu tay Mười ba bến nước của cô đã đoạt giải Bông Sen Vàng và ẵm trọn các giải thưởng quan trọng khác như: Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất... Với tuổi đời và tuổi nghệ còn rất trẻ nhưng Đặng Thái Huyền đã đạt được những thành công nhất định, đã ghi dấu trong lòng khán giả với nhiều bộ phim khác như Vũ khúc ánh trăng, Ở rể, Thiên đường vắng em, Bí mật đàn ông, Bánh đúc có xương...Gần đây nhất, cô vừa hoàn thành phim điện ảnh Người trở về một trong những dự án trọng điểm của Điện ảnh Quân đội sẽ ra mắt đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2015).
Về tuổi nghề, cái tên Đặng Thái Huyền xuất hiện chưa nhiều, số phim chị làm còn khiêm tốn. Nhưng những giải thưởng, những huy chương mà nữ đạo diễn này đạt được đã như một dự cảm tốt lành về tương lai nhiều tươi mới của thế hệ những đạo diễn trẻ. Cô từng chia sẻ: "Khát vọng của tôi là làm cho phim tư liệu lịch sử, đề tài chiến tranh lôi cuốn khán giả trẻ. Muốn như thế, thì phải có kho kịch bản hấp dẫn và nhiều lớp đạo diễn trẻ tham gia làm phim. Đó cũng là cách để đưa kiến thức lịch sử đến với thế hệ trẻ thông qua phim ảnh". Lựa chọn phim chiến tranh và quyết định chuyển thể các tác phẩm của Sương Nguyệt Minh có lẽ là một sự lựa chọn mạo hiểm của cô đạo diễn trẻ tiềm năng. Sinh ra và lớn lên trong thời bình, chỉ biết đến chiến tranh bằng lời kể của thế hệ đi trước, nên mỗi khi làm một bộ phim nào đó, Đặng Thái Huyền đều cố gắng đọc kỹ tác phẩm, gặp tác giả để chia sẻ nỗi niềm của các nhà văn, người viết kịch muốn gửi gắm. Mỗi bộ phim như một "trận chiến" thực sự. Trước khi bắt tay làm phim, Đặng Thái Huyền làm việc, trò chuyện với nhà văn để bổ khuyết những điều mà chị thắc mắc và muốn diễn đạt. Việc đọc tác phẩm văn học của Sương Nguyệt Minh đã là một sự tiếp nhận, việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh lại được nâng lên một bậc cao trong sự tiếp nhận nghệ thuật. Đặng Thái Huyền đã tiếp nhận nghệ thuật từ tác phẩm của Sương Nguyệt Minh như một sự kính trọng cho tài năng của nhà văn, là một tri ân, một sự tiếp nối trong nghệ thuật.

2. Văn học sang điện ảnh - một phương thức tiếp nhận và tái hiện nghệ thuật (Khảo sát hai phim Mười ba bến bước và Người trở về)
2.1. Đạo diễn Đặng Thái Huyền đầu quân cho Hãng phim Quân đội và từng làm trợ lý đạo diễn bộ phim về chiến tranh vang tiếng một thời như Tiếng cồng định mệnh, Giải phóng Sài Gòn. Sau những kinh nghiệm xương máu về đề tài chiến tranh, Đặng Thái Huyền đã bắt tay vào làm đạo diễn cho bộ phim đầu tay được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Sương Nguyệt Minh Mười ba bến nước và giành Bông sen vàng cùng hầu hết giải cho thể loại phim video trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009. Mười ba bến nước là một câu chuyện đớn đau, dằn vặt về di chứng chất độc a cam, đồng thời đánh thức đức tính hy sinh, lòng vị tha của người phụ nữ Việt Nam. Thân phận người đàn bà trong văn Sương Nguyệt Minh đã trôi qua mười hai bến nước và dừng ở bến thứ mười ba, đó là sự cùng cực, tuyệt vọng. Bên cạnh đấy khi tái hiện hiện thực thứ ba (hiện thực xã hội, hiện thực trong nguyên tác và hiện thực trên màn ảnh) đạo diễn Đặng Thái Huyền đã gửi gắm trong nhân vật của mình tinh thần dù trong hoàn cảnh bi kịch, đớn đau nhất, người phụ nữ phải luôn giữ trong mình khát vọng yêu và khát vọng sống.
Trong nguyên tác của Sương Nguyệt Minh Mười ba bến nước có chi tiết rất "liêu trai" về con thuồng luồng bắt cóc trẻ em. Rồi câu chuyện gợi lên hình ảnh "truyền kỳ mạn lục" khi nhân vật Sao - người vợ sinh con lần thứ 3 vẫn quái thai và nhảy sông tự vẫn trong tuyệt vọng vì người chồng trở về với bao nhiêu đàm tiếu về trinh tiết của vợ cùng với căn bệnh quái ác. Khi chuyển thể những chi tiết hiện thực huyền ảo này lên phim thực sự là điều không đơn giản bởi khó khăn lớn nhất là sự khác biệt về ngôn ngữ thể hiện giữa văn học và điện ảnh. Văn học là sức mạnh của ngôn từ, nhà văn có thể miêu tả về yếu tố tâm linh huyền diệu vô biên của ngôn ngữ, còn điện ảnh là hiện thực hóa bằng ngôn từ, bằng hình ảnh. Để chuyển thể thành công những chi tiết hiện thực huyền ảo này, các nhà làm phim phải dùng đến hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh trên bàn dựng phi tuyến.
Việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh trước hết là sự đồng cảm với tác phẩm, sự gặp gỡ và đồng điệu giữa đạo diễn và nhà văn. Thật lạ lùng và kỳ diệu đến gai lòng khi trôi từ Mười ba bến nước của nhà văn Sương Nguyệt Minh qua tay nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền để trở thành bến nước mười ba trong điện ảnh với tất cả hiệu quả thị giác, với nhân vật bằng xương thịt, cảnh con đò, bến nước, cây đa, cánh đồng mang những mảng màu sáng - tối, những đám mây u uẩn mang tâm trạng dịch chuyển, và sóng dòng sông gợn đến cồn cào...Nhà văn Sương Nguyệt Minh rất tâm đắc, cũng như đã từng chú mục để xây dựng hình ảnh trung tâm là người phụ nữ mang bi kịch "Vọng phu thời đại mới" này trong truyện ngắn của mình. Cuộc đời người phụ nữ chỉ truân chuyên mười hai bến nước; nhưng người phụ nữ thời chiến tranh gánh di hậu chất độc màu da cam do bom Mỹ để lại còn bị xô dạt, trôi nổi thêm một bến nước nữa - bến thứ mười ba. Bến làm vợ đợi chờ chồng ra trận nơi hòn tên mũi đạn, mòn mỏi trong chiến tranh mà không được làm mẹ. Cái đau đớn, tê tái ở bến mười ba này là người vợ không phải vô sinh để làm gái tân vĩnh viễn, chị vẫn hữu sinh mà không một lần làm mẹ... Những lần sinh nở ra quái thai, quái thai bị trôi sông biệt tích; nhưng người đàn bà còn đó phải gánh lấy nỗi đau danh dự như chính tâm hồn mình bị tật nguyền. Truyện ngắn và phim gặp gỡ nhau, cộng hưởng và thành công ở những trường đoạn này. Dù rất kỹ lưỡng và khó tính khi tiếp nhận văn chương nghệ thuật, Sương Nguyệt Minh cũng công nhận rằng: "Phim của nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền chủ yếu khai thác câu chuyện số phận người đàn bà Việt Nam trong và sau chiến tranh, gắn với tình yêu và những mất mát nghiệt ngã, bằng cái nhìn nhân văn sâu sắc. Phim không hề có đại bác, xe tăng, bom đạn, máu chảy, người chết, khói lửa chiến tranh...mà vẫn ra phim về chiến tranh. Thành công của phim truyện Mười ba bến nước của nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền như một thông điệp gián tiếp khẳng định: Những tác giả sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc, chưa một ngày ra trận vẫn có thể viết, vẫn có thể làm phim hay về chiến tranh, nếu như có tài năng và tâm huyết với đề tài Chiến tranh và Người lính".
Phần lớn các truyện của Sương Nguyệt Minh đều nói về cái mất mát, đọc xong, khiến người ta cứ bâng khuâng, tiếc nuối và từ bâng khuâng, tiếc nuối ấy, biết yêu thương nâng niu và chăm chút, hy sinh cho mọi người. Trên con đường ấy sẽ gặp cái đẹp, sự bằng an và hạnh phúc.Chiến tranh đã cuốn bao nhiêu số phận con người vào máu lửa. Mất mát, hy sinh cũng nhiều mà từ đổ nát, hoang tàn, máu và mồ hôi, nước mắt ấy cũng mở ra một chương sử mới, một cuộc sống mới cho một con người. Cuộc chiến tranh giải phóng và vệ quốc của nhân dân ta quá vĩ đại, quá thần thánh, với nhà văn Sương Nguyệt Minh không viết về chiến tranh là sự bứt rứt chẳng yên. Suy nghĩ về nghề văn, anh chỉ nói: "Xét đến cùng, văn chương là thân phận con người". Ðiều ấy không phải là phát hiện mới mẻ nhưng là gốc rễ, là cái tạo nên văn chương và nhà văn chân chính. Sương Nguyệt Minh tỏ ra am hiểu và cảm thông sâu sắc với người phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Những người đàn bà trong các truyện của anh không hẳn đẹp nhưng giàu sức sống và đều có một tấm lòng nhân hậu, vị tha. Những chi tiết của anh như con gái tắm sông mang nắm lá bưởi để kỳ cọ và làm thơm tóc; con gái về nhà chồng mang theo cái nậm để rửa chân cho mẹ chồng... là những chi tiết có tính biệt loại. Hiện thực trong truyện của anh không phải là hiện thực hoàn toàn như người ta vẫn nhìn thấy trong đời sống. Anh có pha vào đấy ít nhiều huyền thoại và những éo le không dễ có trong đời thường. Hay nói đúng hơn, anh đã biết khai thác một phần nữa của hiện thực trong tâm lý và tâm linh. Thời gian và không gian nghệ thuật do đó được mở rộng. Nếu anh biết đi sâu khai thác và mạnh tay hơn, phóng bút hơn, anh có thể có sự đổi mới đối với chính mình và có đột phá trong thể loại.
2.2. Văn học Việt Nam những năm gần đây, khi mọi cuộc chiến đủ độ lùi, bên cạnh tiếp tục khai thác tính anh hùng ca của người lính, đã không né tránh, xới lên những vấn đề nhức nhối thuộc hậu chiến, đòi hỏi Người lính trở về phải tiếp tục vượt lên, không chiến bại. Và, một trong nhiều truyện ngắn giầu tính nhân văn, thuộc dòng văn học chiến tranh của nhà văn Sương Nguyệt Minh: Người về bến sông Châu lọt vào tầm ngắm của các nhà làm phim quân đội. Như duyên phận, câu chuyện hậu chiến về nỗi đau, sự mất mát hy sinh của người phụ nữ một lần nữa lại được Đặng Thái Huyền đưa lên màn ảnh.Vẫn là sự tiếp nhận và tiếp nối giữa quá khư và hiện tại, giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Truyện ngắn Người về bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh đã được đạo diễn Đặng Thái Huyền chuyển thể thành bộ phim Người trở về ở ngôn ngữ văn học, cho phép đặt tên truyện ngắn cụ thể, đạt sự gợi vẫn khái quát; ở điện ảnh, tựa đề Người trở về cô đọng, trực tiếp cho phép liên tưởng thẳng đến sự khái quát rộng rãi về cả lớp người trở về khi mà ở nội dung phim, các khuôn hình chật bóng một cái làng ven con sông tên Châu. Phim được công chiếu vào dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh vừa qua đã gây xúc động mạnh đối với khán giả.
Phim xoay quanh câu chuyện về nhân vật Mây, một thiếu nữ sinh ra ở đồng bằng Bắc bộ. Tuổi trẻ của cô là những ngày tháng bôn ba trên khắp nẻo đường Trường Sơn. Một năm sau ngày giải phóng, Mây trở về làng khi ở nhà đã nhận được tin báo tử của cô. Khoác ba lô trở về bến sông Châu với niềm vui đoàn tụ gia đình và gặp lại San mối tình thề hẹn trước ngày ra trận. Trớ trêu thay, ngày Mây về lại là ngày cưới của San. Không muốn có thêm một người phụ nữ nữa đau khổ, Mây từ chối ý định "cùng nhau làm lại từ đầu" của San. Không chỉ hàng ngày chứng kiến hạnh phúc gia đình mà Thanh (vợ San) cố phô bày; sự dằn vặt, dùng dằng của người yêu cũ và những vết thương, sự ám ảnh chiến tranh, sự hy sinh của đồng đội cũng hiện về đêm đêm ám ảnh Mây trong từng giấc ngủ. Để tránh khó xử cho cả 3 người, Mây rời nhà ra bến đò, sống cô độc cho đến một ngày Quang tìm về tận bến sông Châu tìm cô. Quang, người lính trinh sát miền Nam ở chiến trường năm ấy, vì những cơ duyên nơi chiến trận, đã rong ruổi khắp nơi tìm cô y tá ngày nào chỉ với một địa chỉ mơ hồ "ở bến sông Châu". Anh nguyện ở lại, dùng tấm chân tình, lòng yêu thương, chăm sóc cô suốt cuộc đời này...Quá khứ và hiện tại được đồng hiện, làm rõ câu chuyện tình rất đẹp của đôi trai gái năm xưa, nay thành bi kịch, buộc từng con người tìm cách hóa giải những nỗi niềm. Câu chuyện tình yêu với bao nhiêu quan hệ ở cái làng nhỏ mà văn hóa tập tục thói quen tạo thêm sự oái oăm cho con người được gắn kết, nhắc nhớ một thời kì lịch sử: cuộc chiến chống Mỹ, dài gần hết tuổi thanh xuân... Tiếp cận, ấp ủ và mong muốn thực hiện bộ phim từ 6 năm trước, song đến năm 2013, khi cuộc thi làm phim nhựa của Tổng cục Chính trị được triển khai thì kịch bản Người trở về mới thực sự được chấp bút. Thêm vào đó, nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền đã tạo ra một hiệu ứng đặc biệt về hình ảnh khi để Người trở về có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, cảnh khói lửa nơi chiến trường và hình ảnh tan hoang của làng quê thời hậu chiến...Từ đó, khán giả trẻ dễ hình dung hơn về những nỗi đau nối dài. Người xem sẽ rất khó quên hình ảnh người cha ngã khuỵu xuống liên tục trước khi đặt tay lên khuôn mặt đứa con gái những tưởng đã hy sinh nơi chiến trường hay cảnh Mây ngồi khóc trong mưa, cô đơn chèo thuyền xoay vòng giữa dòng sông... Nhà văn Sương Nguyệt Minh, tác giả của Người về bến sông Châu, tuy chưa thật hài lòng với khung cảnh, với tạo hình của Mây trong điện ảnh, nhưng anh cũng không ngần ngại khi khen tặng đạo diễn trẻ này. Anh nói: "Một nhà văn áo lính, đã trải qua thời chiến tranh như tôi nhưng với bộ phim này, tôi có cảm giác cảnh chiến tranh gần với hiện thực hơn". Khi làm phim chiến tranh với kinh phí lớn, việc trao công việc cho một đạo diễn trẻ không phải là sự lựa chọn an toàn, song quyết định mang đầy tính thử thách của lãnh đạo điện ảnh quân đội đã được chứng minh là hiệu quả khi Người trở về được trình chiếu ra mắt. Không có những đại cảnh, phim tập trung vào những góc cận nhưng sự tàn phá của chiến tranh vẫn hiện lên thật khốc liệt. Đã rất lâu rồi, khán giả mới được xem những thước phim chân thực, cảm động đến như vậy.
Kịch bản điện ảnh đã thay đổi một vài chi tiết, bỏ đi và thêm vào một số nhân vật, nhưng vẫn đảm bảo được sự hợp lý. Hệ thống nhân vật chính, phụ có tâm lý, tính cách, số phận điển hình. Những nút thắt số phận khi được khai mở không chỉ gây bất ngờ mà còn tạo cao trào cảm xúc. Những câu thoại ngắn gọn, chọn rất đúng điểm rơi của từng tình huống đã tạo hiệu ứng mạnh. Đặng Thái Huyền đã tìm thấy chất Việt Nam, cái chất duy tình, trọng tình cứ đằm thắm chảy suốt bộ phim. Nhìn chung Người trở về vẫn theo sát cốt truyện trong nguyên tác văn học. Thế giới nội tâm nhiều ẩn ức, dằn vặt của Mây đã được các tác giả và diễn viên thể hiện khá thành công.

Thay lời kết:
Vấn đề mà văn học đưa ra cũng là chủ đề mà các nhà làm phim hướng tới. Văn học có lợi thế hơn khi miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật, trong khi điện ảnh lại có lợi thế khi sử dụng được rất nhiều yếu tố nghệ thuật nhằm đem tới không chỉ nội dung, cảm xúc mà cả sự ấn tượng cho người xem. Trong truyện, ngôn ngữ của nhân vật có thể được mô tả cả trang, tâm lý nhân vật được miêu tả cả chương và thậm chí đến cả cuốn sách. Trên phim thì lại chú trọng động tác hành vi, ngôn ngữ phải đơn giản và phải được sinh động hóa. Vì thế, không phải bất cứ tác phẩm nào cũng được cải biên thành công. Có những tác phẩm được nâng cao hơn, mang nghĩa khái quát hơn, thu hút khán giả hơn bởi cách thể hiện đầy nghệ thuật. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm chuyển thể thất bại, không những không giúp truyền đạt nội dung mà còn làm ý nghĩa tác phẩm mất đi. Việc chuyển thể các truyện ngắn sang thành phim đòi hỏi một quá trình sáng tạo của người làm phim. Nó mang phong cách và thể hiện ý đồ riêng của đạo diễn. Mỗi đạo diễn có sự cảm nhận riêng để chọn lọc được những vấn đề ưng ý đưa lên màn ảnh. Tất cả chỉ là những sự chọn lựa, không có bất cứ nguyên tắc cứng nhắc nào. Tuy vậy, tất cả những tác phẩm chuyển thể đều có các yếu tố chung để đánh giá sự thành công của việc chuyển thể. Việc cảm thụ được những chi tiết đắt giá, chọn lọc và đưa nó lên màn ảnh là sự thành công của đạo diễn khi đem bộ phim của mình đến với công chúng. Mỗi tác phẩm điện ảnh mang phong cách riêng của mỗi đạo diễn và mỗi đạo diễn lại chọn cho mình những cách thể hiện khác nhau, nhằm hướng tới chủ đề đã chọn.
Ở phim Mười ba bến nước và Người trở về đạo diễn Đặng Thái Huyền, đã khéo léo sử dụng những chi tiết có sẵn trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh để khắc họa tính cách nhân vật cùng hoàn cảnh xã hội lúc đó. Chuyển thể là một quá trình lao động và sáng tạo tích cực của các nhà làm phim, là sự tiếp nhận ngôn ngữ văn học và tái hiện nghệ thuật bằng ngôn ngữ điện ảnh. Song song với việc xử lý những chi tiết có sẵn (tiếp nhận) là việc xây dựng những chi tiết mới (tái hiện). Những chi tiết này thể hiện rõ nét sự định hướng của tác giả vào chủ đề phim. Việc chuyển thể một tác phẩm văn học sang điện ảnh tức là việc chuyển thể từ ngôn ngữ biểu cảm này sang một ngôn ngữ biểu cảm khác là một việc vô cùng phức tạp. Quá trình này đòi hỏi sự nhạy bén, trình độ cảm thụ của nhà làm phim để có thể xử lý các chi tiết một cách có hiệu quả nhất; đồng thời, cũng cần tài năng của đạo diễn để sáng tạo ra các chi tiết đắt giá khác, góp phần tạo nên giá trị tác phẩm điện ảnh. Đặc biệt, với những truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh khi chuyển thể quả là một áp lực lớn đối với nữ đạo diễn trẻ, bởi về tuổi đời và tuổi nghệ còn trẻ, không trải qua các thời kỳ chiến tranh, cái mà đạo diễn tiếp nhận hoàn toàn do bản thân tự tìm hiểu.
Với hai tác phẩm Mười ba bến nước và Người về bến sông Châu đều là hai truyện ngắn đã rất thành công trên văn đàn khi khắc họa nỗi đau của những người phụ nữ thời kỳ sau chiến tranh. Khi tiếp nhận tác phẩm văn học của Sương Nguyệt Minh đòi hỏi người đạo diễn phải tái hiện làm sao cho không mất đi phần hồ của tác phẩm, nhưng vẫn đảm bảo sự sáng tạo nghệ thuật, vẫn đảm bảo tính hấp dẫn - đó là một thử thách và Đặng Thái Huyền đã vượt qua được điều đó khi tiếp nhận và tái hiện thành công các tác phẩm của Sương Nguyệt Minh bằng ngôn ngữ điện ảnh./.

Lê Đình Tiến


Phamngochien.com - 08:17 - 25/11/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận