Chuyện của Miu miu (Vũ Cẩm Linh - Vũ Thiện Thiêm)

Tôi là 1 con mèo giống đực. Bà chủ gọi tôi là Miu Miu. Tôi có 1 thân hình kiêu sa, oai hùng. Các cô nàng mèo trông thấy tôi chắc hẳn sẽ phải ngất ngây con gà tây. Nếu xét theo cách gọi của loài người thì sắc đẹp của tôi phải liệt vào hàng mỹ nam.

Còn nhớ lần bà chủ đi mua rau ở nhà mẹ Đốp đầu xóm. Bà trông thấy tôi đang chơi đùa với các anh em cùng lứa. Ngay từ ánh nhìn đầu tiên, bà đã thích tôi. Bà ngắm nghía rồi bế tôi lên đùi, vuốt ve bộ lông đốm màu đen trắng. Bà nựng:

-  Mèo xinh quá!

-  Chị kết thì em bán cho chị đấy.

-  Tôi cũng đang muốn mua 1 con mèo cái, chứ mèo đực lớn tý là bỏ đi không gữi được.

-  Con chị đang bế là cái đấy.

Nghe mẹ Đốp nói vậy, tôi tự ái nhảy phốc từ đùi bà cụ xuống đất nằm lăn ra. Trông tôi đầy nam tính thế này mà lại bảo tôi là giống cái. So với anh em cùng lứa thì tôi nhỉnh hơn hẳn. Dĩ nhiên là việc to hay bé không quyết định giới tính. Nói tóm lại tôi là 1 chú mèo đực. Tại mẹ Đốp đang mong bán đươc anh em tôi, lại thấy bà cụ có vẻ ưng tôi nên nói đại tôi là cái.

Mặc dù nghe mẹ đốp nói vậy nhưng bà cụ vẫn còn hoài nghi. Bà lật ngửa tôi lên và xăm soi:

-  Bướm nó bé quá nên khó phân biệt đươc lắm.

-  Chị cứ yên tâm. Em đảm bảo với chị là cái.

Đúng là đàn bà vẫn hoàn đàn bà. Chim thì bảo bướm, bướm lại ra chim, cứ loạn hết cả lên. Dù sao bà cụ trông cũng phúc hậu, lại có vẻ yêu mèo nên tôi cũng muốn về ở với bà. Tôi cọ lưng vào chân bà rồi kêu meo ..meo. Bà cúi xuông ôm tôi vào lòng. Thế là tôi về ở với bà từ đó.

Tôi càng lớn càng xinh trai, mặt tròn, mũi đỏ, ngực rộng, bụng thon. Lúc này 2 hòn dái của tôi to dần, thòi hẳn ra phía sau, trông rất oai phong. Tôi rất hãnh diện vì nó. Nói không ngoa chứ nhìn từ xa hàng trăm mét cũng biết tôi là chú mèo đực. Không thể lẫn vào đâu được! Bà chủ cứ lo tôi lớn lên sẽ đi theo gái chứ nói thật là chỉ có gái đến tìm tôi thôi. Mấy nàng mèo bên cạnh nhìn thấy tôi đã đứng tim rồi, tranh nhau xin chết vì tôi ấy chứ.

Chẳng hiểu loài người nghĩ thế nào chứ. Mèo cũng như chó, nếu được yêu thương, quí mến thì dù có đực hay cái cũng không bao giờ bỏ chủ mà đi. Chúng tôi sông tình cảm còn hơn con người ấy chứ.

**

Sáng nay bà chủ cứ đi ra đi vào, dọn dẹp vườn tược sạch sẽ và còn mua rất nhiều thức ăn. Bà bảo có người bạn từ thành phố đến thăm. Theo suy nghĩ của tôi thì chắc đó là mối tình đầu của bà. Bà chủ sống độc thân từ lâu. Bà có hai đời chồng nhưng đều chết cả. Từ đó bà không lấy ai nữa. Khi có tôi về bà coi tôi như người bạn tri kỷ. Chuyện vui, chuyện buồn bà đều tâm sự cùng tôi. Bà nói còn tôi nghe. Tôi cũng kể cho bà nhiều chuyện lắm nhưng tiếc là bà không hiểu.

Lại nói đến người bạn cũ của bà đến chơi. Trong bữa cơm, ông ta chỉ vào tôi và nói:

-  Con mèo nhà em lớn rồi, phải thiến đi. Không là nó bỏ nhà đi hoang đấy.

-  Miu miu sống tình cảm lắm! Nó không bỏ nhà đi đâu anh ạ!

-  Giống mèo đực là hay bỏ đi. Tốt nhất là thiến. Nó vừa béo lại vừa không bị mất.

-  Em thương lắm. Nhỡ may máu chảy nhiều nó chết thì sao.

-  Thương cũng phải thiến. Con này hòn dái to kiểu gì cũng bỏ đi.

Tôi vốn hãnh diện với các cô nàng mèo vì cái ấy của tôi trông oai hùng, nay nó lại là nguyên nhân khiến tôi sắp trở thành...Theo cách gọi của loài người thì là thái giám, là ái nam ái nữ. Thật hổ thẹn. Chân tay như sắp rụng rời, tôi vội lủi ra phía cửa rồi biến mất.Bụng bảo dạ "May mà lão không phải chồng bà chủ chứ nếu không mình đã bị thiến từ lâu rồi".

Tôi không dám về ăn cơm mặc cho bà chủ gọi nhiều lần. Tôi trốn trên mái chuồng gà quan sát, ngóng xem lão ta đã về chưa. Rồi giờ phút mong đợi đã tới, lão ta xách cặp đi ra khỏi cổng. Bà chủ cất tiếng gọi " Miu ơi về ăn cơm cá nào" Nghe nói đên cá là nỗi sợ hãi của tôi biến mất.Tôi liền mò ra. Bà bế tôi lên vuốt ve, cùng tiễn lão ta ra cổng:

-  Anh về nhé. Hôm nào rảnh lại đến chơi.

Lão ta liếc nhìn tôi và nói:

-  Em đưa con mèo cho anh coi.

Lão ta túm chặt tôi. Tôi cắn vào tay lão rồi bỏ chạy. Lão nhanh tay vồ được chân sau, một tay lão túm vào gáy tôi nhấc bổng lên.

-  Chú mày không thoát được đâu. Em đi lấy cái lọ nhựa to mang ra đây cho anh, cầm luôn con dao con nữa.

-  Nhưng mà ...nó..nó..em thương lắm!

-  Không nhưng gì cả, đi lấy cho anh đi- lão ta dứt khoát.

Bà chủ miễn cưỡng đi lấy lọ và dao. Tôi cố vùng vẫy nhưng không ăn thua. Giống mèo cứ bị túm gáy là chịu chết. lão ta dúi đầu tôi và lọ. Giờ phút kinh hoàng đã đến. Lão xoắn hòn dái tôi như dây thừng. Rồi xoẹt một cái. Thế là xong.

**

Bà chủ có nuôi 10 con gà mái và 1 con gà trống. Phải nói chú gà trống này trông rất oai phong: mào to, chân khoẻ, cánh dài. Mỗi ngày nó phải nhảy lên lưng gà mái 10 lần là ít. Hôm tôi đi rình mò bên nhà bên, gặp ông công an xóm đầu hoa râm đang cưa gái goá. Cô gái còn mắng ông ta là "đồ dê già".Tôi không biết lũ dê già thế nào chứ quả thực tôi rất phục chú gà trống này. Ngoài đẹp mã ra nó còn ga lăng nữa. Khi bà chủ cho ăn, nó thường nhường cho gà mái ăn trước, bắt được con mối nó cũng gọi gà mái đến nhường cho. Nó còn có chiêu đánh lừa gà mái bằng cách mổ hòn sỏi rồi gẩy lên gẩy xuống, miệng kêu "cúc cục..cúc cục...thóc thật..thóc thật.." mấy cô gà mái tưởng thóc lao đến. Và thoắt cái nó đã nhảy lên lưng 1 cô nàng. Mặc dù, chú ta đã có 10 vợ rồi nhưng vẫn mơ tưởng tới mấy nàng gà bên hàng xóm.

Một hôm gà trống dòm sang hàng xóm thấy một cô nàng non tơ đang rỉa lông, rỉa cánh. Gà trống thấy ham quá nên cố bay bằng được qua tường. gà ta mon men mò đến gần cô nàng. Nàng ta thấy gà lạ thì kêu toáng lên. Chú gà trống chủ nhà chạy đến ứng cứu. Một trận đấu võ diễn ra. Cuối cùng với sức khoẻ cường tráng hơn gà nhà bà chủ đã chiến thắng gà nhà bên.

Do đã thấm mệt, lại nghe thấy bà chủ gọi về ăn nên chú ta không đuổi theo cô nàng non tơ kia nữa mà bay vội về trong sự nuối tiếc. bà chủ thấy chú ta bay qua tường nên sợ mất. Tối đến bà liền cắt ngay cánh gà trống đi.

Sáng nay gà trống định ghẹ nàng mái mơ nhưng lại bị nàng này cự tuyệt. Gà ta điên tiết đuổi theo. Nàng mái mơ bèn nhảy lên cây vải, gà ta cũng nhảy lên theo nhưng không nhảy được vì đã bị cắt cánh. Gà ta tức tối vỗ 2 cánh cụt phành phạch. Thấy thế tôi cười khểnh và nói:

-  Không làm gì được đâu. Cố làm gì cho mệt

- Còn hơn loại đực không ra đực, cái không ra cái. Anh đây đang giỡn cho vui thôi.

- Á à dám trọc tức anh à?

Tôi lao tới chỗ gà trống, cắn mạnh vào chân phải, bụng nghĩ "cho mày què hẳn, hết nói phét". Gà trống bị cú cắn của tôi đã bị đứt gân chân, đi tập tễnh. Giờ anh ta trông uể oải, buồn thiu, mào rũ xuống. Thật tội!Mà cũng cho đáng đời cái loại ham của lạ! nếu không nhảy sang nhà khác thì đâu có bị cắt cánh, lại còn dám trọc tức ta.

Sáng nay bà chủ dạy muộn hơn mọi khi. Có lẽ do bà bị mệt. bà chậm chạp mang thức ăn cho gà thì không thấy gà đâu. Bà ngỡ gà bị đói nên đã xổng ra ngoài vườn tìm ăn. Bà lật bật chạy ra vườn tìm cũng không thấy. Tối qua bọn trộm chắc hẳn đã cuỗm hết gà rồi. Bà thở dài, bước đi nặng trịch. Tôi đi sát bên bà kêu 2 tiếng meo..meo..an ủi. Bà bế tôi rồi nói "Lần này là lần thứ 3 mất trộm gà rồi, chỉ còn mấy con cá dưới ao. nếu chúng nó đánh điện nữa là hết" Rồi bà ứa nước mắt. Bà khóc không phải vì bà tiếc của mà bà tiếc cho những người chung cảnh mất trộm như bà. Nơi này và có thể nơi khác nữa còn trộm cắp nhiều quá.

**

Hôm nay tôi có thêm 1 người bạn mới. Đó là 1 cún con. Bà chủ đặt tên nó là Tít. Nó là 1 cô nàng lông xù, trông như cục bông.Có lẽ bà chủ sợ mua chó đực sẽ đi lông nhông ngoài đường dễ mất nên đã chọn con cái.

Tôi và Tít thường hay chơi trò đuổi bắt trốn tìm. Chúng tôi chưa lần nào chạnh chọe hay đánh nhau.Tít rất hiền. Lần nào bà chủ cho ăn, Tít thường nhường tôi ăn trước, tôi ăn xong thì Tít mới ăn. Ngay nhà bên cũng có 1 cô nàng tên là Milu, hôm bà chủ quên đóng cổng, Milu lẻn vào chơi. Tôi và Tít đang chơi trò đuổi bắt, Milu thích thú cũng nhảy vào chơi. Hai cô nàng ra sức đuổi rồi sủa ầm ĩ. Tôi bèn nhảy lên 1 cái bàn ngoài sân. Hai đứa thi nhau chõ mõm vào tôi sủa inh ỏi. Tôi điên tiết giơ tay tát vào mũi con Milu, 1 tay tát vào mõm con Tít. Tít lùi lại không sủa nữa nhưng Milu vẫn chưa chịu thua, cô nàng luồn ra phía sau ngoặm một cái vào đuôi tôi. Tôi vội xoay người lại, dùng hết sức giáng 1 cú vào mắt cô nàng. Nàng ta kêu ẳng 1 cái rồi bỏ chạy. Tôi lại ngồi ung dung liếm lông, rửa mặt rồi mỉa mai:

-  Hai em to hơn anh thật nhưng không lại anh đâu. Đấy là anh chưa trổ hết tài ra đấy. Chả thế mà loài người còn phải học cách đánh của loài mèo để đối phó với nhau đấy à.

Tít càng lớn càng ốm o gầy gò, không giống như tôi ngày càng mập ú ra. Thời gian gần đây Tít dường như có tâm sự gì đó. Một lần Tít buồn bã nói:

-  Không giấu gì cậu thực ra kiếp trước tớ là người đấy.

-  Cậu nói thế nào chứ, người làm sao hóa thành chó được.

-  Tớ nói thật mà. Kiếp trước tớ có ném 1 hòn gạch vào đầu 1 thằng bạn, chẳng may nó bị chết nên kiếp này tớ bị phạt phải hóa vào kiếp chó.

Tôi thực sự không hiểu lắm về vấn đề này nhưng cũng cố an ủi Tít:

-  Dù sao chúng ta cũng được sống ở đây là tốt rồi. Bà chủ coi chúng ta như những người thân vậy.

Một đêm bọn trộm nhảy tường vào định ăn trộm cá. Rõ ràng tôi thấy chúng đeo cái bình ác qui. Tít thấy động nên sủa inh ỏi. Một thằng cầm hòn gạch to ném đúng đầu làm Tít chỉ kịp kêu 1 tiếng rồi lăn quay ra đất. Bà chủ nghe thấy tiếng động bèn bật bóng điện ngoài sân. Bà trông thấy Tít nằm sõng xoài dưới đất, bà run rẩy chạy đến lay Tít dậy nhưng tít đã không thể dậy được nữa. Tít đã chết rồi. Bà ôm đầu Tít vào lòng và nấc lên từng hồi.

Đêm ấy bà không thể ngủ được vì thương Tít. Sáng sớm, bà chôn Tít dưới gốc cây mít rồi thắp cho Tít 1 nén hương, bà cầu cho Tít sớm siêu thoát, kiếp sau trở thành kiếp người. Lúc này tôi chợt nhớ đến câu chuyện mà Tít kể. Kiếp trước Tít đã giết người bằng 1 hòn gạch và giờ lại bị chết bởi 1 hòn gạch khác. Đó là luật nhân quả. Chúc Tít lên đường bình an.

**

Dường như vẫn còn chưa nguôi ngoai vì nỗi đau mất Tít thì bà chủ được người cháu tặng cho đôi thỏ. Ban đầu tôi cứ ngỡ đó là con chuột liền nhảy vào vồ thì bị bà chủ phát cho 1 cái. Bà bảo:

-  Miu nhớ không được đánh thỏ mà làm bạn với thỏ nhé.

Ngoại trừ cái tai và lông xù ra thì nó không khác gì chuột. Thế này mà con mèo hoang nào vớ được thì chỉ có toi đời. Mối nguy của thỏ chính là con mèo vàng nhà bên. Nhà ấy có nhiều bồ thóc nên chuột cũng tìm đến nhiều. Họ nuôi mèo để bắt chuột nhưng lại không ai quí mèo như bà chủ và cũng không ai để ý đến nó mà cho ăn nên nó đói quá đi lang thang kiếm ăn. Thế rồi mọi chuyện đã diễn ra đúng như dự đoán, mèo vàng trông thấy thỏ đang ăn cỏ ngoài vườn tưởng chuột, nhanh như cắt nó vồ ngay 1 con rồi tha đi mất.

Bà chủ bị mất thỏ nhưng không biết ai là thủ phạm. Một kẻ trộm chuyên leo mái nhà thì không thể đề phòng được. Ai bảo thỏ lại giống chuột chứ. Lũ mèo chỉ muốn giúp người diệt chuột thôi mà. Có tội gì đâu!

Nhiều lần bà chủ thấy mèo vàng gày gò, lấm lép trên mái bếp nên đoán chừng nó đói. Mỗi khi cho tôi ăn, bà lại dành 1 phần vào cái bát con rồi để ngoài sân cho mèo vàng ăn. Bà bảo ở nước Nhật, khi thu hoạch lúa, người ta còn để lại 1 phần cho thú hoang, chim chóc ăn. Tôi không biết nước Nhật ấy cách đây mấy quả đồi mà sao họ lại văn minh thế, tốt bụng thế và yêu muôn thú đến thế.

Trong các món mà bà chủ cho tôi ăn, tôi thích nhất là món bí đỏ và rau ngót. Tất nhiên là không thể thích hơn cá được. Đấy! loài người cứ nhìn loại thức ăn mà mèo thích ăn để học theo chứ cứ đi ăn những loại rau kích phọt gì gì đó, rồi rau phun thuốc thì chả mấy mà ung thư. Loài mèo chúng tôi ăn uống nhỏ nhẹ, thanh lịch chứ không như mấy dân nhậu, ăn uống thì phùng mang, trợn mắt, không ra thể loại gì. Bà chủ thường hay ăn chay, thi thoảng lắm bà mới ăn mặn. Đặc biệt là không mấy khi bà thịt gia súc nuôi chỉ trừ những hôm có khách. Vì thế mà tôi cũng có phần thiệt thòi vì không được thường xuyên ăn thịt cá. Hễ đánh được nhiều cá bà lại nhớ tới Tít vì Tít rất thích ăn cá. Bà bảo trong nhà có tiếng chó sủa cũng đỡ hiu quạnh. Bà còn kể ở bên Nhật có một con chó tên là Hachiko rất trung thành với chủ. Cứ mỗi sáng nó ra ga tiễn chủ đi làm rồi mỗi buổi chiều lại ra ga đợi chủ về. Cứ như vậy cho tới 1 hôm chủ nó mất đột ngột nhưng chú chó đáng thương ấy vẫn không biết và vẫn ra ga đợi chủ về. Mỗi buổi chiều nó lại đợi...đợi mãi. Tôi nghe mà thương chú chó ấy quá. May mà chú chó ấy ở nước Nhật chứ ở đây mà đợi như thế thì chỉ có vào cày tơ bảy món thôi. Nhưng bà ơi, bà đừng như chủ của Hachiko, bà đừng bao giờ ra đi mà không trở lại... đừng bao giờ để Miu là Hachiko thứ 2. Bà nhé!

**

Dạo này bà chủ có nhiều tâm sự, bà cảm thấy rất cô đơn. Có lẽ càng về già, người ta càng cảm thấy cô đơn. Tôi không biết làm thế nào an ủi bà. Chỉ biết mỗi lần bà buồn, tôi lại cọ lưng hay liếm vào tay bà.

Giờ bà không biết phải nuôi con gì. Nuôi con gì cũng bị trộm. May ra chỉ tôi ít đi chơi nên chưa bị mất chứ mấy chú mèo nhà bên cứ đi rình mò ban đêm đã có chú bị trộm dùng súng săn bắn chết rồi.

Hôm nay tôi thấy bà gọi thợ đến làm cái quán nhỏ trước cổng nhà để bán nước. Có lẽ bà buồn quá. Bà cô đơn quá. Bà muốn hàng xóm láng giềng đến tụ tập uống nước trò chuyện cho vui. Tôi biết bà có tiền, bà có lương hưu đủ để sống đến cuối đời nhưng cái chính là bà muốn có tiếng người.

Như đã mong đợi, mục đích của bà cũng được toại nguyện, các cụ trong xóm thường lui tới quán bà uống nước chè, đánh cờ. Các cụ nói đủ thứ chuyện. Một lần, có 1 cụ vừa bị mất chó, 1 cụ bị ung thư, 1 cụ bị ngộ độc thức ăn vừa khỏi nói chuyện cùng nhau:

-  Tôi vừa mất con chó tiếc quá. Nó là chó săn Phú Quốc khôn lắm- cụ bị mất chó nói.

-  Tôi cũng thấy đau lắm-cụ bị ung thư vừa ôm bụng vừa nói.

-  Thì ông bảo không đau sao được. Nó là chó săn chứ có phải chó thường đâu-cụ bị mất chó dường như vẫn còn ấm ức.

-  Tôi thấy càng ngày càng đau. Giờ đau lên cả tim rồi-cụ bị ung thư vuốt vuốt ngực.

-  Tôi còn như bị đâm vào tim ấy. Tôi mà bắt được thằng trộm thì nó chỉ có nước chết-cụ bị mất chó đấm vào ngực thình thịch.

Từ nãy đến giờ cụ bị ngộ độc thức ăn vẫn im lặng. Chắc cụ vẫn đang rất mệt. Cụ bị mất chó quay sang cụ bị ngộ độc hỏi:

-  Con ông làm công an, nhà tôi sát nhà ông mà vẫn bị mất chó. Thế hoá ra trộm chỉ coi công an là bù nhìn à?!

-  Bụng tôi vẫn còn đang sôi sục đây-cụ bị ngộ độc hổn hển nói.

-  Nhà ông mà cũng bị mất như tôi thì bụng ông còn vỡ ra ấy chứ-cụ bị mất chó nói-Tôi đã báo công an xã nhưng có thấy động tĩnh gì đâu.

Vừa hay lúc đó có 1 thanh niên bước vào quán.

-  Các cụ ơi. Công an người ta không hơi đâu đi rình bọn trộm chó đâu. Người ta chỉ ham rình bắt cờ bạc thôi, có bắt đánh bạc thì mới được đếm...

Người thanh niên giơ tay ra làm điệu bộ như đang đếm tiền.

-  Tôi vẫn thấy công an xã đi rình bắt trộm chó đấy chứ.

-  Đấy là rình gái goá thôi chứ bắt trộm gì đâu-Cụ này nói đúng ý tôi quá, rõ ràng tôi cũng bắt gặp nhiều lần cái ông công an tóc hoa râm ấy mò gái goá nhà bên thật.

-  Thế thì loạn. loạn hết. đất nước này sờ đâu cũng có trộm.

-  Cụ không xem thời sự hôm qua à?Trộm cắp giờ là quốc nạn rồi. Khách tây cũng bị trộm. trộm khắp nơi nơi.

-  Tôi chỉ nghe nói đâu đâu cũng có người chết vì ung thư thôi chứ trộm thì chưa thấy nói đến.

-  Cụ suốt ngày nằm trên gường thì biết gì.

-  Ôi chà. giờ ăn uống cái gì cũng chất bảo quản, thuốc trừ sâu. Tàu ta lẫn lộn cả. Có ngày chết cả lút.

Và cứ thế câu đi câu lại đến tận chiều muộn. bà chủ chỉ nghe. Dù ai nói chuyện gì bà cũng thấy vui, chỉ miễn là có tiếng người. Đến giờ ăn tối, các cụ đồng loạt đứng dậy ra về, không cụ nào nhớ trả tiền nước uống. bà chủ cũng không nhắc đòi. Coi như bà mời các cụ.

**

Lại một hôm, có mấy bà bác đang thời kỳ nông nhàn tụ tập ở quán bà chủ để hóng chuyện cùng nhau. Một bà nói:

-  Khổ quá các bác ạ! Riêng tháng này em phải đi mất 5 đám cỗ, thế là mất toi sào lúa.

-  Bác vẫn chưa bằng em tháng trước em phải đi mất chục đám ấy chứ. Nào là ông Tá mời 49 ngày cụ mất, ông Tấn mời 100 ngày ông mất, rồi thay áo quan cũng mời, ngày giỗ cũng mời, nào là đầy tháng, ăn nhà mới, thậm chí khao xe hay con thi đỗ đại học cũng mời.

-  Ây dà quê mình không bỏ được tục lệ ấy thì mãi nghèo thôi các bác ạ. Ở quê ngoại em những ngày ấy người ta chỉ làm vài mâm nội bộ trong gia đình thôi chứ không như ở đây năm nào cũng có giỗ mà làm những trăm mâm.

-  Trăm mâm còn ít ấy, có nhà hơn trăm mâm, to hơn cả đám cưới ấy.

-  Em còn đang lo đến hội làng lấy đâu ra tiền làm chục mâm mời anh em bạn bè. Người ta nhà nào cũng làm chả nhẽ nhà mình không có cũng không đành. Năm ngoái còn bán được con bê chứ năm nay chả có con gì mà bán cả.

Các bà bác còn đang ủ ê, lo lắng chuyện kiếm đâu tiền đi ăn cỗ thì 1 thím lả lướt đi tới.

-  Này các bác đã nghe tin gì chưa?

-  Lại có người bị tai nạn à?

-  Ui dà, còn hơn cả tai nạn ấy, cái Hoa con nhà cô Hồng ấy có bầu rồi đấy.

-  Có phải cái cô Hồng bỏ chồng theo giai không. Chả trách mẹ nào con nấy.

-  Tôi nghe cái tên là thấy đĩ rồi.

-  Cái thím này thật là, nói thế thì còn ai dám đặt tên cho con mình là Hoa hay là Hồng nữa.

-  Con bé ấy đang học lớp 10 đã dính bầu thì học sao được nữa. Thôi thì lấy chồng cho rảnh nợ.

-  Nào có biết cái thằng kia có cưới cho không.

-  Hôm em gặp cái ông bảo vệ ở trường cô bé ấy bảo chửa được 5 tháng rồi.

-  5 tháng đâu mà 5 tháng. Có 3 tháng thôi.

-  Chính xác là 4 tháng.

-  Sao dì biết là 4 tháng.

-  Thì hôm em nghe từ mồm cái Thảo làm ở phòng khám đa khoa xã nói thế.

-  Tôi còn tưởng sắp đẻ rồi chứ- Một bác nói kháy. Nghe bác này nói mọi người cùng cười rỉ rả quên đi cái lo toan, vất vả hàng ngày.

-  Các bác ơi đến giờ đánh bóng rồi. đi thôi - Một thím đạp xe đạp đi ngang qua gọi.

Các thím lần lượt kéo nhau đi. Bà chủ chẳng bán được gì cho các thím này nhưng bà thấy vui lắm. Cứ mỗi lần các thím đến trò chuyện, gương mặt bà như trẻ lại tựa như lâu ngày mới gặp người thân vậy.

**

Vào tháng 8 mùa thu, bà chủ dự định đi thăm các cháu ở quê. Vì mùa thu sẽ mát mẻ dễ chịu nên rất hợp đi xa nhưng năm nay thời tiết không theo đúng qui luật của nó. Loài người xả khói lên trời làm mắt ông bà ngâu bị cay, không nhìn thấy đường đi nên kế hoạch gặp nhau vào tháng 7 không thành mà mãi tới tận tháng  8 mới gặp được nhau. Vì gặp nhau muộn hơn nên cũng khóc nhiều hơn, mưa ào ào, xối xả, rồi thoắt cái lại đùng đùng nắng gắt ngay. Không còn những vệt nắng vô tư, óng ả nữa mà thay vào đó là những tia lửa điện. Chỉ khổ mấy con chó không chịu được nóng nên liên tục phải thè lè lưỡi. Giống mèo như tôi thì đỡ hơn. Khổ nhất là các cụ già và trẻ nhỏ cũng sụt sùi theo vũ điệu của nắng mưa, có cụ không chịu được nhiệt thì một đi không trở lại.

Mùa thu: mưa giông, gió lốc, nắng rát hơn cả tháng 5. Bà chủ đã không thể thực hiện được chuyến đi thăm người thân khi tuổi đã xế chiều.

Thời gian thấm thoắt qua đi, bà chủ đã 80 tuổi. Hàng đêm tôi vẫn ngủ dưới chân bà. Lần nào bà ngủ dậy muộn. tôi đều đánh thức dậy bằng cách kêu meo meo sát vào tai bà. lần này cũng vậy, tôi gọi mà không thấy bà dậy. Thậm chí cũng không thấy bà cử động. Tôi bèn liếm vào bàn chân bà để bà thấy buồn sẽ dậy. Bàn chân bà lạnh quá. Bà ốm thật rồi. Nhớ lần trước bà ốm, bà cũng nằm không dậy nhưng bà vẫn cử động. lần này thì khác lắm.  

Tôi ngối yên lặng nhìn bà. Tôi không thể chăm sóc bà được, không thể cho bà ăn, không đi mua thuốc cho bà được, cũng không thể gọi bác sĩ đến.

Ngày thứ 2 bà vẫn nằm bất động. Tôi nằm bên cạnh, chẳng buồn ăn, chẳng buồn uống. tôi không dám nghĩ đến điều gì đó tồi tệ hơn, chỉ hy vọng bà ngủ 1 giấc dài vài ngày mà thôi. Bà sẽ dậy. Nhất định thế!

Tôi nằm sát vào chân bà những mong truyền được hơi ấm của tôi sang bà. Bỗng tôi nhìn thấy 1 cái bóng đi vào. Tôi ngỡ là hàng xóm lâu không thấy bà mở quán nên vào xem bà có bị sao không. Cái bóng đó đi đến cuối gường và gọi:

-  Miu ơi. Bà đây. Miu có nghe thấy bà nói không?

Tôi ngồi bật dậy, mở căng mắt nhìn. Lần này thì tôi nhìn rõ hơn. Đúng bà rồi. Chả lẽ lại có 2 bà giống nhau. Tôi quay lại nhìn bà đang nằm trên gường, lòng rất bối rối:

- Người nằm trên gường cũng là bà nhưng đó chỉ là phần xác còn bà đang đứng trước mặt miu đây là phần hồn. Bà đã chết rồi. Bà không bao giờ dậy được nữa. Miu hãy gọi điện cho cháu bà trên thành phố về đi.

Tôi lắc đầu ý là không biết gọi thế nào. Bà lại nói:

-  Bà biết miu nghĩ gì rồi. Giờ bà đọc được cả ý nghĩ của miu nữa đấy. Miu đến đây bà hướng dẫn cách làm cho.

Nói rồi bà đi về phía chiếc điện thoại để bàn. Bà lấy tay nhấc điện thoại lên nhưng không nhấc nổi.

-  Bà chỉ là linh hồn nên không làm được. bà chỉ nói được thôi và cũng chỉ có miu nghe được, người khác không nghe, không nhìn thấy bà được. Miu đến đây lấy tay gạt cái tai nghe ra và bấm số này này.

Tôi làm theo lời bà, đầu dây bên kia có tiếng a lô.

- Miu kêu meo meo đi

Đầu dây bên kia có ai đó nói :

-  Ai mà không nói gì nhỉ. Toàn nghe thấy tiếng mèo. Rồi dập máy xuống.

-  Miu làm lại lần nữa đi.

Lần này đầu dây bên kia có tiếng xì xào

-  Mẹ ơi. Đây là số điện thoại của bác Lim. Bác ấy đang sống 1 mình. Liệu có làm sao không mẹ?

-  Chị Lim ơi! Có phải chị đó không?. -Chắc là em gái bà cụ. Tôi lại kêu meo meo

-  Bác ấy sống cùng con mèo. Chắc bác ấy bị sao rồi. Mẹ đến đó luôn đi.

**

Họ hàng nhà bà cụ đưa phần xác của bà ra mộ. Đợi lúc mọi người về hết, tôi mò ra mộ nằm bên cạnh. Tôi cứ nằm đó mãi chẳng buồn về. Đến lúc tôi sắp lả ra vì đói thì linh hồn bà xuất hiện. Bà nói:

-  Miu ơi về đi. Giờ người nhà của bà chưa ai đên trông. Miu về trông nhà cho bà nhé.

-  Miu không về đâu, miu muốn ở đây với bà.

-  Nếu miu thương bà thì phải về, không về thì trộm sẽ vào phá hết. Ngôi nhà đó là tâm huyết của đời bà. Bà muốn gìn gữi nó. Miu nghe bà nhé, bà sẽ ở bên miu mà.

Tôi nghe lời bà về nhà. Tuần đầu vẫn chưa thấy động tĩnh gi. Đến tuần thứ 2, bọn trộm bắt đầu nhày tường vào. Chúng đang chẩn bị phá khoá thì tôi bất ngờ gào lên như tiếng trẻ con khóc thảm thiết, rồi như có tiếng chân bà cụ chạy thình thịch. Bọn trộm sợ quá bỏ chạy thục mạng.

-  Có ma chúng mày ơi.

Một thằng đang chạy thì nhìn thấy tôi ngồi ở góc chuồng gà. Thực ra trong đêm tối chúng chỉ nhìn thấy 2 mắt sang quắc của tôi mà thôi.

-  ÔI ma đứng ở chuồng gà này.

Cả bọn chạy thục mạng. Có thằng còn đâm cả đầu vào tường. Từ đó trong xóm có lời đồn nhà bà cụ có ma. Bất kể ai cũng không dám vào.

**

Từ khi bà chủ mất, tôi vẫn không cô đơn vì linh hồn bà luôn ở bên tôi. Có lần tôi đi cùng bà ra chùa gần nhà. Bà bay lơ lửng qua các ngọn cây, còn tôi băng qua các nóc nhà. Khi đến chùa tôi thấy nhiều người chen chúc nhau vái lạy các bức tượng đặt phía trên bệ. Bà bảo mọi người đang cầu tài lộc. Bà không nói thì tôi cũng biết từng người đang cầu gì. Giờ tôi còn có diễm phúc đọc được cả ý nghĩ của bất kỳ ai đó và nhìn thấy quá khứ gần đây của họ.

Một người đàn ông mặc com lê sang trọng đang lầm rầm cầu được thăng quan, tiến chức, được nhận nhiều của đút lót, hối lộ, cầu cho cái ông giám đốc đang trên gường bệnh chết sớm để được lên thay. Ngay kế bên người này là một nghịch tử, anh ta trông khá đẹp trai, được mấy tay nhà báo lá cải tung hô gọi là hotboy gì đó, chỉ cách đây vài ngày thôi anh ta còn chối bỏ cha mẹ vì họ có gia cảnh nghèo khó, để đánh bóng tên tuổi anh ta tự cho rằng mình được sinh ra trong 1 gia tộc giàu có và giờ anh ta cầu cho mình được nổi tiếng, được người ta gọi là nghệ sĩ, là người của công chúng, được là thần tượng của đám choai choai ít học. Bà chủ vẫn bảo "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo", mấy người kia hãy đi học cách sống của loài chó mèo chúng ta đi nhé. Đằng sau người này là 1 tên giết người cướp của, anh ta sửa lại tóc, thay đổi hình dạng ung dung đến chùa cầu không bị phát hiện, anh ta cầu cho công an mờ mắt bắt nhầm phải kẻ khác.

Tôi nhìn những cảnh ấy chối không thể tả được liền quay về. Bà vẫn bảo khi tâm thanh thản và hướng thiện thì mới nên đến chùa. Không ai có thể ban tài lộc cho mình mà mình phải tạo ra bằng những việc làm có ích, hướng thiện thì mình hoặc con cháu sẽ gặp may mắn, bình an. Nếu kiếp này làm nhiều việc thiện thì kiếp sau ắt được giàu có. Trên đường về tôi gặp 1 linh hồn đang khóc than ai oán. Tôi dừng lại hỏi anh ta:

-  Sao bác lại bi thương thế?

Ông ta sụt sùi một hồi lâu mãi mới cất tiếng được.

-  Khổ quá. Biết thế này thì tôi đã không giết chó.

-  Sao thế bác?

-  Kiếp trước tôi đã giết cả thảy 100 con chó nên giờ tôi sắp phải đầu thai làm chó- Tôi đã được nghe câu chuyện của Tít kể nên cũng không mấy ngạc nhiên. Tôi an ủi:

-  Làm kiếp chó cũng ngắn thôi, cố mà chịu một vài năm bác ạ!

-  Ôi được thế đã phúc cho tôi. Tôi đã giết 100 con nên phải luân hồi 100 lần làm chó mới được đâù thai làm người, không những thế con cháu tôi sống cũng mang họa nữa - Nói rồi anh ta lại than khóc bi thương.

Đến giờ tôi mới hiểu tại sao nhà bà đối diện nhà bà chủ lại hay gặp họa như vậy. Cứ cuối năm nhà bà ấy lại giết chó nuôi để giải đen. Thật đúng là người trần mắt thịt đã không biết mà vô tình rước họa vào thân. Không hiểu người ta nghĩ thế nào mà lại nỡ giết chó nuôi, loài mà rất trung thành với chủ, trông coi cho chủ từng giấc ngủ. vây mà nỡ ... thật không khác loài hổ báo. Dã man như vậy thì những kẻ đó sống gặp họa, kiếp sau phải đầu thai vào kiếp chó là đáng đời.

**

 Tôi trông nhà cho bà cụ được một năm thì người nhà của bà cụ dọn đến ở, người ta dọn dẹp bàn thờ, hương khói cho cụ cẩn thận. Thế là tôi yên tâm rồi. Tôi đã sẵn sàng về với cõi vĩnh hằng cùng bà cụ. Nếu có kiếp sau nhất định tôi sẽ vẫn sống cùng cụ.

Vũ Cẩm Linh - Vũ Thiện Thiêm

**

Thay lời kết (lời của tác giả)

Các bạn ạ! Sở dĩ tác giả của tác phẩm này lại là đồng tác giả- đó là cha tôi, một người đã khuất. Các bạn sẽ không khỏi thắc mắc "Vì sao một người đã khuất lại có thể viết được truyện?". Vâng. Nghe có vẻ kỳ bí nhưng đó là sự thật. Trong thời gian tôi viết tác phẩm này, hàng đêm tôi thường mơ thấy cha góp ý cho tác phẩm của tôi. VD như ban đầu tôi định lấy tên tác phẩm là "Chuyện của Tít và Miu" nhưng đêm đó tôi mơ thấy cha tôi (vốn là 1 nhà thơ, nhà phê bình văn học) khuyên tôi nên đặt tiêu đề là "Chuyện của Miu Miu" và cha nói "Con nên mở rộng ra các vấn đề xung quanh mình chứ không chỉ xoay quanh chuyện của Tít và Miu" Thế là ngay khi thức giấc, tôi đã cầm bút sửa theo hướng đó.

Các bạn ạ! Ngay cả khi người thân của ta đã mất nhưng họ vẫn ở bên ta, giúp đỡ ta làm được nhiều việc có ích. Bản thân những người đã mất luôn mong con cháu họ sống thật ý nghĩa.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn day dứt 1 điều: Tôi đã không ở gần cha mẹ khi cha mẹ cần tôi nhất và 2 từ " Giá như..." vẫn luôn tồn tại trong tôi nhưng tất cả đã xa rồi. Thời gian không thể quay trở lại và tác phẩm này là 1 món quà dành cho cha mẹ tôi- Người đang ở thế giới bên kia.

Nếu các bạn còn cha mẹ thì hãy yêu thương cha mẹ bằng tất cả tình cảm của mình. Nhất định bạn sẽ nhận được những gì tương xứng và nếu các bạn yêu thích tác phẩm này hãy đón đọc phần II "Chuyện của Miu Miu" với tựa đề "Cô đơn".

 

                                                              Vũ Cẩm Linh

Email:  linhvc516@gmail.com

Thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn- Hà Nội


Phamngochien.com - 06:29 - 19/10/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận