Chợt thèm món cá kho của ngoại (Nguyễn Minh Thuận - Bạc Liêu)

Cuối thu rồi bầu trời và mây cũng đổi màu, những đợt gió đầu đông se se vừa chớm, heo may nghiêng ngã trước thềm như gợi những nỗi niềm xốn xang... Ngày cuối thu. Tạm gác lại những bừa bộn của cuộc sống thường ngày, tôi lại tìm về nơi quê ngoại thương yêu. Về với mái tranh nghèo liêu xiêu vách lá, với mảnh đất thâm tình còn nguyên vẹn những ký ức ngọt ngào của tuổi ấu thơ! Về quê ngoại để nghe cơn gió mùa sắt se khẽ chen mình qua ô cửa, như muốn ta phải chùn lòng mà hoài niệm bâng khuâng...!

Những ngày còn bé. Mỗi lần về quê, ngoại thường đến để ôm tôi vào lòng mà nựng nịu thương yêu, khi ấy tôi lại có dịp kể cho ngoại nghe những câu chuyện ở trường, ở lớp, những bài học mới mà thầy cô đã giảng dạy... Và kể cả những cậu chuyện trong gia đình cùng những gì tôi đã trải qua cho ngoại nghe, nghe xong ngoại nhìn tôi mỉm cười, rồi đưa tay xoa lên đầu đứa cháu cưng, sau đó là nụ hôn ấm áp được ngoại đặt lên vầng trán thơ ngây của tôi...

Tôi nhớ khi đó quê ngoại còn nghèo, nhà ngoại chỉ là mái lá thô sơ còn nhiều khó khăn túng thiếu, nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình yêu thương thiên liêng của ngoại, nên dù tháng năm cứ mãi trôi, thời gian có vô tình bôi xóa thì những hình về tuổi thơ bên ngoại vẫn còn in sâu trong lòng tôi! Đó là những buổi trưa nắng vắt mình trên những vòm cây treo leo chót vót, tôi thường đu người lên thân cây ổi ngoài vườn để tìm hái những trái chín căng mộng và thơm phức... Khi ấy ngoại lo cho cháu lỡ trượt chân té ngã nên cất tiếng gọi tôi mau mau trèo xuống, tôi lí lắc nên từ trên nhánh cây cao mà nhảy tọt xuống đất, ngoại như muốn thoát tim vì sự tinh nghịch của tôi, sau đó tôi móc từ trong túi áo ra trái ổi chín thơm lừng để đưa cho ngoại ăn, cầm trái ổi trên tay chợt ngoại mỉm cười giống như mình đang cầm một thứ gì quý giá lắm!
Rồi khi chiều buông, nắng nép mình sau những căn nhà nhỏ liêu xiêu, gió vi vu cuốn theo mùi hương từ nơi chái bếp nhà ngoại, khiến cho bụng tôi như muốn cồn cào, đói meo... Dẫu rằng bữa cơm ngày ấy còn bình dị đơn sơ, nhưng lại đậm đà tình yêu thương của ngoại! Bữa cơm quê có gì cao sang đâu? Cũng chỉ là một dĩa rau luộc, một chảo cá rô kho tộ, chỉ bấy nhiều thôi cũng khiến cho tôi cứ nhớ nhung mãi không nguôi. Và dù tương lai tôi bước đi trên con đường rộng mở thênh thang, thì lòng vẫn không thôi quay quắt khi nghĩ về ngoại, nghĩ về những bữa cơm nghèo do chính tay ngoại nấu cho tôi ăn.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái hương vị món cá kho của ngoại. Ngày đó khi vào bếp ngoại rất chăm chút bữa ăn cho cháu con, đặc biệt món cá rô kho tộ. Ngoại bảo muốn kho cá cho ngon thì phải kho thật lâu, để lửa nhỏ liu riu cho thịt cá thắm đều gia vị, rồi khi nước trong chảo cạn và sắn lại, thịt cá bất đầu chuyển sang màu vàng ươm, ngoại cho vào một ít tóp mỡ, một ít tiêu đâm nhuyễn, khiến cho mùi hương của món cá kho cứ lan tỏa từ trong giang nhà bếp cho đến tận trước khoảng sân nhà vẫn còn thơm... Mùi thơm của miền quê dân dã nhưng sẽ đọng lại mãi trong lòng tôi và chẳng bao giờ nhòa phai, nên mỗi khi đi xa thì lòng cứ da diết nhớ, đến khi trở về thì lại thèm thuồng và muốn được thưởng thức ngay cái hương vị của quê nhà, dẫu mộc mạc nhưng rất đỗi thân thương!

Thời gian cứ hun hút trôi qua, tôi rồi cũng lớn nhanh và bừa bộn với cuộc sống tương lai, nên những chuyến về quê ngoại cũng thưa dần... Còn ngoại thì cũng ngày một già hơn, sức khỏe vơi đi vì những tháng năm cơ cực... Nhìn ngoại tôi bỗng thấy lo bởi cái quy luật của muôn đời không sao chánh khỏi, nhưng rồi ngoại cũng ra đi trong một ngày gió mưa giá buốt, tôi tìm về nhưng chỉ để xót xa! Rồi từ khi vắng ngoại, căn bếp xưa cũng trở nên vắng lặng điều hiu, còn hương vị của món cá ngoại kho sẽ vĩnh viễn nằm lại trong ký ức của chúng tôi, để những khi có dịp gặp lại, chúng tôi luôn nhắc về món cá ngoại kho, mà nghe lòng trĩu nặng những ưu tư và vị mặn ấy như thắm mãi trên vành môi!

Chiều ngồi bên mâm cơm đủ đầy cá, thịt... Tự dưng tôi thấy nhớ về ngoại, và chợt nghe thèm hương vị của món cá ngoại kho!

Nguyễn Minh Thuận
Huyện Giá Rai, Tỉnh Bạc Liêu


Phamngochien.com - 08:31 - 29/11/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận