Chân (Trương Hồng Phúc - Đăk Lăk)

.

Bóng hiên nhà dường như có nắng, tôi thoạt ngoái đầu nhìn ra. Đã lâu lắm rồi, tôi chưa được thấy ánh nắng mặt trời. Một phần vì thời tiết dạo này dầm dề quá, một phần là do tôi không đi được trên chính đôi chân của mình. Kể từ sau vụ tai nạn, tôi chỉ còn biết nằm hoặc ngồi trên giường, đếm từng ngày từng tháng, người ta bị bó 1 chân, còn tôi cả hai chân đều bị nẹp cứng bởi những cây đinh, thanh sắt, quanh hai chân tôi lúc này là một màu trắng ngà của bông bang. Ngứa ngáy, khó chịu, tôi trở mình nhưng cũng khó.
Quả thực đến bây giờ tôi mới biết đến giá trị của đôi chân và bắt đầu biết quý trọng nó. Một thời gian quá dài tôi rong ruổi trên mọi khung trời, trên mọi nẻo đường, tôi đi bất cứ đâu mình thích, đến bất cứ nơi nào hút hồn tôi. Phần vì hiếu kì, phần vì thỏa mong ước, phần lại để chứng tỏ với mọi người xung quanh. Dần dà tôi như một con thú hoang chạy dài trong rừng rậm bao la, không biết ngày trở về. Con chim còn phải làm tổ chứ tôi thì chả cần tổ ấm nào. Vạ vật trên khắp cung đường, tiện đâu nghỉ đó; phải những hôm quãng đường rừng hay đường biển dài quá nửa đêm, tôi lại trân mình dựng bạt ngủ, sáng hôm sau vẫn đủ tỉnh táo để "phượt" tiếp.
Tôi sinh ra ở núi rừng, nên có lẽ đã thấm đượm trong mình một phần hoang dã. Tôi có thể lao vút mình chạy dài trong đêm tối để có thể đạt được mục đích ngắm nhìn cảnh sáng sớm bình minh ở một vùng biển hay cao nguyên nào đó. Kì lạ đến diệu kỳ, tôi bị say đắm bởi thiên nhiên, tôi bị mê hoặc bởi màu xanh ngắt chạy dài tít tắp tận chân trời của mây có hòa lẫn những khối trắng bồng bềnh đẫm hơi sương của gió. Cũng có khi tôi lại bị say đắm bởi màu xanh của núi rừng, đồng quê, càng đầm mình tôi càng như huyễn hoặc, có cái gì đó miên man đến lạ kì... Có những chặng đường bám đầy bụi bẩn, gặp biển hoặc hồ hoặc sông... tôi lại thỏa thích trầm mình xuống dòng nước mát lạnh như gột rửa những mệt mỏi bụi đường.
Nhiều người gặp tôi, họ như ngỡ ngàng trước sự bụi bặm đầy cá tính. Họ hỏi:
- Nhà ở đâu?
Tôi nhoẻn cười:
- Khắp nơi là nhà.
Trên chặng đường đặt chân đến, tôi không hề cảm thấy đó là nhiều, có những vùng đất tôi đã từng đặt chân đến vài lần nhưng lúc nào cũng chỉ chung một cảm giác "lần đầu tiên được đến". Tôi đi nhiều, nhưng ít có nơi nào níu giữ tôi như vùng đồi cao nguyên sỏi đá này. Nửa rừng, nửa núi, nửa nước non tuôn chảy, tôi sung sướng trườn mình ngay vào dòng nước mát lạnh rồi tiến đến vất vưởng trên mỏm đá phía cao để được phơi thân, thụ hưởng cái nắng ran rát, mượt mà, đôi khi chiếu không thẳng bởi những tán cây che khuất.
- Bà ơi! Bánh này ngọt hay mặn vậy ạ? - Tôi lên tiếng hỏi bà cụ người bản xứ.
- Bánh gio đấy cậu ạ. Không mặn, cũng chẳng ngọt đâu. Cậu ăn thử cái này.
Tôi thích thú cầm cái bánh gói lá hình trụ dài đến cả gang tay, vừa bóc vừa suy nghĩ: "họ làm bằng gì nhỉ?" Chất bột màu vàng đen, trong vắt, hơi có chất dính nhưng lại rất trơn tru, cắn một miếng, tôi như tan chảy bởi vị lạ lùng của nó. Ban đầu tôi không cảm giác được vị gì cả, hơi ngang nhưng có mùi thơm của lá gói, nuốt đến gần cuống họng tôi nhận ra vị ngọt - cái ngọt thanh thoát, nhẹ nhàng, đượm vị đồng quê. Ăn cái thứ 2, tôi lại nhận ra hương vị của đất, của bùn, với tôi là thơm dịu.
Đây là thứ bánh đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng đất này, nhưng phảng phất trong tôi lại đượm chất quê hương, đượm chất nghĩa tình.
Chuyển từ dãy Hoàng Liên Sơn, tôi lượn vòng về phía Đông Bắc, tiến đến những mỏm đá ngược trời nơi cao nguyên Đồng Văn lộng gió. Vẻ hoang sơ của đất trời ẩn hiện lên sau màn khói man mác xám trắng, những trụ đá, cột đá, thanh đá, cứ nối tiếp nhau chạy lên rồi lại uốn mình đi xuống như một nét phẩy dài của chữ nho thời trung đại. Luồn mình sau làn sương chập chùng ấy, tôi như ướt đầm trong hơi nước mát lạnh phả vào mặt rồi in đọng lại giống hệt những hạt sương đêm nằm mình trên lá.
Như được bung thả những căng thẳng, mệt mỏi của cuộc sống bon chen đời thường. Tôi nhanh chân chạy đến đỉnh ngọn núi phía xa, tưởng chừng như chỉ vài bước nữa sẽ tới, nhưng không, sao mà xa thế? Rõ ràng trước mắt tôi thấy rất gần cơ mà. Cứ ngước lên là thấy đầu núi, cây cỏ lác đác cố gắng vươn lên sau những khe đá chằng chịt, hiện một màu xanh xanh như nét vẽ điểm dặm cho một bức tranh trừu tượng nào đó.
Phải cúi mình luồn qua hơi khói, lách nhẹ qua từng ngách đá, dùng thêm một "cái chân gỗ" vừa ban nãy tôi bẻ ở ngọn cây xòa ra bên đường thì mới cảm thấy bớt mệt. Những giọt mồ hôi đã nhễu nhão chảy dài, mặc cho hơi lạnh cứ chạy rần sống lưng, mặt đỏ bừng, tôi phải cố gắng lắm để há miệng ngáp lấy chút không khí tạo hô hấp cho mình.
Thật sung sướng và tuyệt diệu biết bao nhiêu khi đứng giữa đất trời bao la. Nhìn quanh quất, tất cả đều là rừng núi, xa xa phía trái tôi nom thấy vệt trắng xóa đổ dài từ trên ngọn cây xanh rì xuống đến chân thì xuất hiện màu trắng muốt đang dịch chuyển của dòng nước suối; một thác nước đang thả mình cuộn sóng như mái tóc của người con gái trong câu chuyện huyền thoại mà tôi vừa mới đọc cách đây vài đêm. Lắng tai mình về phía ấy, tôi chợt thấy văng vẳng tiếng rì rì, ù ù, khi thì ngân nga, lúc lại réo rắt; như gọi mời, như ai oán, như trách móc ai đã bỏ mặc cô nàng ấy lạc giữa chốn rừng sâu héo hắt này. Hướng về phía phải tôi chợt như hoa mắt, bức tranh thiên nhiên giờ đây không còn rõ nét nữa, trước mắt tôi là một cảnh tượng huyền huyền ảo ảo, động rồi lại tĩnh cứ như thể tôi đang được xem một bộ phim khoa học về thiên nhiên trong màn hình tinh thể lỏng.
Màu xanh kia không còn rì rịt nữa mà trở nên phân mảng rõ ràng, từ xanh nâu, tới xanh úa ẩn mình như vẻ cổ kính của thời gian, rồi chuyển thành xanh nõn nà tươi non của thời hiện đại, còn bên cạnh lại là màu xanh ngọc ngà uyển chuyển, như vẽ như tô, từng đường đậm nhạt cứ xen kẽ nhau tạo nên vẻ cuồng loạn cho những ai thích vẽ tranh trừu tượng. Giữa lòng rêu phong ấy là một miệng nước ăm ắp đầy, cũng là xanh, nhưng là xanh của tảo, mặt xanh đáy vàng, càng đi vào càng thấy xanh ngắt... tôi như rợn ngợp, như lọt thỏm vào vòm cảnh ấy.
Trong sự miên man và mải miết suy nghĩ, nghe con Vạc Hoa kêu, tôi bất giác giật mình trượt chân, trong sự hoảng hốt tôi chỉ còn nhớ được là mình đã xoay vòng rất nhiều như một con lăn đổ dốc, rồi bị chặn lại bởi một cây đá nào đó rất to, chân tôi bị kẹt lại, tôi còn kêu lên được vài tiếng rồi lịm dần đi.
... Tôi mơ màng tỉnh dậy, thấy trên người mình phủ toàn màu trắng, ngơ ngác chuyển mình, "ôi! Sao đau thế?", tôi thấy có cái gì đó cột thắt ở phía cẳng chân, không thể cụ cựa, tôi gọi to:
- Có ai không?
Một cô y tá bước vào:
- Anh tỉnh rồi à? May mà thần linh giúp anh đấy nhé.
Tiếng nói lơ lớ, ngang ngang, ít thanh điệu, tôi nhận ra cô gái ấy là người bản xứ.
- Có chuyện gì với tôi? Ai đưa tôi đến đây? - tôi hỏi.
- Anh bị ngã ở chân núi đôi Quản Bạ, có mấy người tây đưa anh vào đây. Anh tỉnh thì tốt rồi, để tôi tiêm thuốc cho anh. - cô y tá ôn tồn đáp.
Tôi cố gắng nhớ lại những gì xảy ra hai ngày trước, vừa mường tượng tôi vừa cảm thấy run run. Tôi run không phải vì sợ, mà là tôi đang lo: mọi người sẽ có một tổ ấm để đi về, còn tôi đã bỏ tổ ấm mà ra đi, đã từ mặt những người thân thương nhất đời mình, thậm chí tôi còn cắt liên lạc, thay số điện thoại, thì làm sao tôi có thể gọi cho họ trong lúc này? Rồi tôi sẽ phải làm sao trong những tháng ngày tiếp theo...
Gắng gượng vẫy đôi chân, tôi không làm được, tôi không còn cảm giác: trời ơi! Chuyện gì thế này??? - tôi hốt hoảng trong ý thức, đôi chân của tôi - đôi chân rong ruổi một thời, đôi chân của khát vọng, của tự do, như con thú rừng mặc mình di chuyển, như những chú chim tung cánh lạc bầy; giờ đây phải nằm yên một chỗ.
...Và cũng từ đây, tôi nhận ra rằng những tháng ngày qua, tôi đã quá mệt mỏi với cuộc sống đầy đau thương, mất mát; để rồi khi được hòa mình vào mẹ thiên nhiên tìm ra sự thoải mái cho mình thì cuộc đời tôi đã dường như kết thúc, tôi ngỡ ngàng, ân hận... nếu như trên đời này có hai chữ "giá như"... thì tôi sẽ không rời xa gia đình đến vậy, tôi sẽ biết trân quý đôi chân mình hơn, cuộc sống mình hơn. Chỉ là một chút nông nổi của cuộc đời tôi đã đánh mất tất cả.
Rồi ngày mai tôi sẽ đi về đâu? Đôi chân này liệu có lành trở lại? Nếu có ngày đó, chắc chắn việc đầu tiên tôi làm là chạy thẳng về nhà, ôm chầm lấy người mẹ yêu dấu của mình để tạ lỗi, để yêu thương. Khi một mình nằm trên giường bệnh ở một nơi đất khách quê người, tôi mới cảm thấy hối hận, ăn năn, liệu có quá muộn cho một con người sám hối? Tôi tự xét hỏi mình.
Trong sự tiếc nuối muộn màng, tôi đã không kiềm được những giọt nước mắt. Cũng may là tôi còn có thể sống để được nghĩ, để được yêu thêm một ngày trên cõi đời. Dù là muộn, nhưng ít ra tôi còn nhận ra trong tâm thức vẫn còn chút tình người - thứ mà đã bấy lâu nay tôi tưởng chừng đã chết. Tôi sống nhưng hồn không sống, tôi cười nhưng lòng không vui. Dù ra đi, tôi vẫn còn đau đáu nỗi đau của quá khứ.
Tôi muốn về, về với nơi tôi được sinh ra, về với những con đường đất đỏ, bạt ngàn hương cà phê nồng ấm tình người. Tôi muốn về với gia đình để được âu yếm trong vòng tay yêu thương... nhưng tất cả chỉ là muốn, còn sự thật thì tôi chỉ có thể nằm một chỗ và chờ vào ngày mai...


Phamngochien.com - 19:18 - 15/06/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận