Căn tính nông dân ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa

 

1. Căn tính nông dân- khái niệm và các biểu hiện cụ thể trong đời sống cộng đồng người Việt
1.1. Khái niệm "căn tính" trong văn hoá

Văn hoá là môi trường nuôi dưỡng bản tính của các cá nhân con người được sinh ra và trưởng thành trong nền văn hoá đó. Có thể nói, mỗi người, ngay từ khi mới lọt lòng, đã được "nhúng" vào trong một môi trường văn hoá cụ thể của cộng đồng người cụ thể, và điều đó sẽ định đoạt bản tính văn hoá của người đó.
Điều này có thể quen thuộc đến mức người ta không nhận thấy. Nhưng rồi những quan sát đối với các trường hợp trẻ em của tộc người này lại được sinh ra và nuôi dưỡng trong môi trường văn hoá của một tộc người khác và mang bản tính văn hoá khác lạ so với tộc người gốc của mình thì người ta mới hiểu được tầm quan trọng của điều này.
Những trường hợp con người được sinh ra và lớn lên trong môi trường hoang dã của loài thú cũng đem lại cho chúng ta một ví dụ rõ ràng để minh họa điều này: những người đó sau khi được tìm thấy, tuy rất dễ dàng để có thể được khôi phục hình dáng bên ngoài cho giống với con người (cắt tóc, cạo râu, mặc quần áo,...) và tuy có thể được dạy để nói được tiếng người, nhưng rất khó khăn để có thể hoà nhập được với văn hoá con người.
Mỗi cá nhân tồn tại trong một nền văn hoá đều có một bản tính văn hoá, và điều này làm nên sự đa dạng cho các nền văn hoá xét trên khía cạnh chủ thể. Bản tính văn hoá, có thể được định nghĩa là sự biểu hiện đa dạng của một nền văn hoá trên từng cá nhân con người, là những đặc điểm văn hoá của cá nhân được tạo dựng từ các tác động của nền văn hoá mà cá nhân đó tồn tại.
Và, một khi có nhiều cá nhân cùng chịu ảnh hưởng của cùng một nền văn hoá đã sản sinh ra họ đến mức làm nảy sinh nhiều điểm tương đồng trong các bản tính văn hoá của cá nhân thì những bản tính văn hoá tương đồng đó có thể được xem là căn tính văn hoá của một cộng đồng người. Như vậy, nếu khái niệm bản tính văn hoá là khái niệm gắn với cá nhân thì khái niệm căn tính văn hoá là khái niệm gắn với cộng đồng. Một sự phân biệt như thế giữa bản tính văn hoá và căn tính văn hoá, thiết nghĩ, là rất cần thiết để các nghiên cứu về văn hoá trở nên minh xác hơn khi bàn về những đặc điểm văn hoá của con người, trong quan hệ với các cá nhân và trong quan hệ với các cộng đồng người.
Điều đáng nói nhất trong khái niệm căn tính văn hoá chính là, điều gì từ trong bản thân nền văn hoá đã tác động đến việc làm cho các bản tính văn hoá cá nhân có được những điểm tương đồng mà trở thành căn tính văn hoá cộng đồng. Mối liên hệ căn nguyên đó là điều cần lưu ý làm sáng tỏ.
2.2. Căn tính nông dân của người Việt
Người Việt được thừa nhận là mang căn tính nông dân. Vậy thì từ đâu mà có cái thực tế ấy? Điều này trước hết bắt nguồn từ câu chuyện liên quan đến loại hình văn hoá. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp ở Đông Nam Á- một khu vực đã được thừa nhận là cái nôi của nền văn minh nông nghiệp lúa nước từng phát triển rực rỡ và có ảnh hưởng rất rộng đến các nước xung quanh trong quá khứ.
Văn hoá nông nghiệp lúa nước đã tạo ra rất nhiều tương đồng về bản tính văn hoá trong mỗi con người Việt Nam- những bản tính chịu sự chi phối văn hoá rất sâu sắc của tập quán sản xuất nông nghiệp- do đó có thể gọi những tương đồng bản tính này là "căn tính nông dân" của người Việt.
Biểu hiện đầu tiên rất cơ bản của căn tính nông dân của người Việt là tính cộng đồng rất cao. Tính cộng đồng của người Việt có căn nguyên từ tập quán canh tác nông nghiệp lúa nước vốn đòi hỏi sự cộng cư làng xã và hợp tác thuỷ lợi.
Quá trình cộng cư thành làng xã của người Việt và sự hợp tác thuỷ lợi giữa họ để canh tác nghề lúa nước đã gắn kết người Việt lại với nhau một cách chặt chẽ trong ý thức văn hoá.
Chung sống với nhau và luôn chia sẻ với nhau những thuận lợi và khó khăn của cuộc sống sau luỹ tre làng, người Việt rất giàu tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và ý thức tương trợ.
Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, tinh thần "lá lành đùm lá rách" được thể hiện rất sinh động trong những hoạt động mà gần đây chúng ta thường thấy như phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào thiên tai, phong trào đóng góp xây dựng Quỹ Vì người nghèo, phong trào xây nhà tình thương,...
Tính linh hoạt của người Việt cũng là một biểu hiện quan trọng khác của căn tính nông dân được nhìn thấy trong bản tính văn hoá của đa số người Việt Nam. Tính linh hoạt có căn nguyên từ đời sống xã hội nông thôn và tập quán canh tác nông nghiệp vốn gần gũi với thiên nhiên và tìm thấy sự cân bằng trong lối sống.
Rồi chính sự cân bằng ấy của người Việt là tiền đề để người Việt dễ dàng hoà hợp với nhiều tác nhân văn hoá khác nhau, tạo dựng nên tính linh hoạt của họ. Biểu hiện tiêu biểu của tính linh hoạt ở người Việt là khả năng tiếp nhận và dung hợp văn hoá rất cao. Chẳng hạn, việc tiếp nhận các tôn giáo nước ngoài như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo,...và dung hợp chúng với các tôn giáo bản địa đã làm cho bức tranh về tôn giáo Việt Nam có những đặc điểm độc đáo không dễ thấy ở các nước khác. Đó là những đặc điểm kiểu như Tam giáo (Nho - Phật - Lão), đạo Cao Đài tổng hợp nhiều mô hình tôn giáo, chùa Phật giáo theo kiểu tiền Phật hậu thần,...


3. Ảnh hưởng của căn tính nông dân đối với quá trình giao tiếp hành chính công quyền Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá- hiện đại hoá
a. Sơ lược về giao tiếp hành chính công quyền

Hành chính công quyền là một lĩnh vực giao tiếp chính thống của xã hội, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong khuôn khổ luật pháp và điều hành quốc gia. Giao tiếp hành chính công quyền là một trong những thước đo của trình độ phát triển xã hội, liên quan mật thiết đến văn hoá tổ chức cộng đồng. Các hình thái xã hội sơ khai của loài người không thể có kiểu giao tiếp này. Chỉ các hình thái xã hội gắn liền với sự ra đời của nhà nước mới có thể có giao tiếp hành chính công quyền. Tất nhiên, trong mỗi hình thái xã hội khác nhau, các triết lý và quy tắc giao tiếp hành chính công quyền cũng khác nhau. Thậm chí, trong cùng một hình thái xã hội, các giai đoạn phát triển khác nhau cũng sẽ đòi hỏi triết lý và quy tắc giao tiếp hành chính công quyền khác nhau.
Ở Việt Nam, trong bối cảnh công nghiệp hoá- hiện đại hoá hiện nay, lĩnh vực giao tiếp hành chính công quyền và những thay đổi của nó có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, bởi vì chính đây là địa hạt có liên quan đến việc ban hành chính sách và điều hành đất nước để phát triển.
Phấn đấu công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong lĩnh vực hành chính công quyền chính là phấn đấu tổ chức lại nền hành chính và bộ máy quản lý nhà nước theo mô hình hiện đại của xã hội công nghiệp.
Điều này chắc chắn sẽ vấp phải những xung đột với căn tính văn hoá của cộng đồng người Việt vốn được nuôi dưỡng và trưởng thành trong môi trường văn hoá nông nghiệp.
b. Những ảnh hưởng tích cực của căn tính nông dân đối với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá nền hành chính công quyền Việt Nam
Người Việt Nam có ý thức tự giác tham gia "việc làng việc nước" rất rõ ràng. Điều này có căn nguyên từ tính cộng đồng. Ý thức cộng đồng thường trực đã tạo dựng trong lòng người Việt Nam triết lý sống "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Triết lý này dễ thúc đẩy người dân tham gia công tác hành chính công quyền một cách tự nguyện. Những ví dụ sau đây là rất quen thuộc và dễ hiểu ở Việt Nam, và chắc chắn là không dễ tìm thấy trong những nền văn hoá khác.
Ở Việt Nam, các cán bộ, công chức, quân nhân nghỉ hưu thường tham gia vào công tác địa phương rất nhiệt tình và tự nguyện. Trong việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, mô hình "nhà nước và nhân dân cùng làm" rất phổ biến. Phải thấy rằng, bóng dáng của ý thức cộng cư làng xã và hợp tác thuỷ lợi trong sản xuất nông nghiệp lúa nước được phản ánh ở đây khá rõ. Dưới cái nhìn của văn hoá phương Tây, mô hình "nhà nước và nhân dân cùng làm" là mô hình bị xem là "kỳ lạ" trên phương diện quản lý nhà nước.
Các công dân phương Tây có thể xem chuyện này là chuyện nhà nước lợi dụng dân, bởi vì họ thường yêu cầu nhà nước phải sử dụng các hình thức thu thuế để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.
Nhưng ở Việt Nam, ý thức cộng đồng đã làm cho người Việt chấp nhận mô hình này một cách rất vô tư, thậm chí còn là phấn khởi.
Ý thức cộng đồng cũng tạo dựng cho người Việt tinh thần tương thân tương ái và đoàn kết nhất trí rất cao. Trong lĩnh vực hành chính công quyền, điều này thể hiện ở hiện tượng "đồng lòng nhất trí" của xã hội đối với các chính sách và đường lối của đất nước. Có thể nói, chỉ một số ít dân tộc có nền văn hoá gốc nông nghiệp như Việt Nam mới thấy có hiện tượng rất độc đáo trong giao tiếp hành chính công quyền là hiện tượng "quán triệt nghị quyết".
Quán triệt nghị quyết trong nội bộ Đảng là chuyện đương nhiên, nhưng quán triệt nghị quyết của Đảng cho toàn xã hội là một hiện tượng văn hoá độc đáo phản ánh ý thức cộng đồng và tinh thần đoàn kết nhất trí rất cao của cộng đồng người Việt.
Điều này thật sự là một sức mạnh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được nhận diện một cách rõ ràng trong quá khứ chiến tranh, và cũng đang được nhận diện một cách rõ ràng trong thực tại xây dựng và phát triển đất nước.
c. Một số ảnh hưởng tiêu cực của căn tính nông dân đối với sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá nền hành chính công quyền Việt Nam
Bên cạnh việc chỉ ra những tác động tích cực tiêu biểu nói trên, tiểu luận này cố gắng chỉ ra một số ảnh hưởng tiêu cực, mà cũng chỉ là những ảnh hưởng tiêu biểu, của căn tính nông dân đối với sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá nền hành chính công quyền Việt Nam.
Trong vấn đề tuyển chọn nhân lực cho bộ máy hành chính công quyền
Tuyển chọn nhân lực cho bộ máy hành chính - công quyền suy cho cùng là vấn đề tuyển dụng người tài để điều hành đất nước. Trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, có hai kênh tuyển dụng nhân lực chính thức để điều hành đất nước là kênh hoàng tộc (gia đình của vua được phong chức tước) và kênh khoa cử (thi tuyển người tài bên ngoài để bổ sung nhân lực quản lý cho triều đình).
Các hình thái xã hội dân chủ sau này hầu như đã loại bỏ các cách thức tuyển dụng lỗi thời của xã hội phong kiến, chủ yếu tuyển dụng nhân lực điều hành đất nước thông qua việc đáp ứng các tiêu chí năng lực và tín nhiệm của cộng đồng (bằng các hình thức bầu cử).
Việc xây dựng các tiêu chí cán bộ để làm cơ sở tuyển dụng người tài cho bộ máy hành chính - công quyền được xem là tiền đề quan trọng nhất để nâng cao chất lượng bộ máy hành chính- công quyền. Các hình thức bầu cử được thiết kế sao cho có thể tuyển dụng được những người đáp ứng đủ các tiêu chí cán bộ nêu ra.
Ở Việt Nam hiện nay, trong quá trình xây dựng bộ máy hành chính - công quyền, chúng ta vẫn thiên về việc lựa chọn các đại diện cộng đồng hơn là chọn cá nhân xuất sắc. Điều này thể hiện ở chỗ các tiêu chí cán bộ thường được nêu ra rất thấp, hoặc nếu không thì cũng hay bị vi phạm.
Một ví dụ: Mãi đến năm 2003 vừa qua, Điều lệ Trường đại học do Chính phủ ký ban hành mới "dám" quy định mức trình độ của chức vụ Trưởng khoa ở trường đại học phải là Tiến sĩ. Luật Giáo dục ra đời trước đó không nêu tiêu chuẩn này.
Ý thức tuyển dụng thiên về việc lựa chọn các đại diện cộng đồng hơn là chọn cá nhân xuất sắc còn biểu hiện ra ở lối bầu cử nặng tính cơ cấu và mặt trận. Một ví dụ: Trong thực tế, nhiều đại biểu quốc hội hoặc hội đồng nhân dân được lựa chọn chỉ vì họ được xem là đại diện của một nhóm cộng đồng nào đó, trong khi bản thân họ thiếu nhiều tiêu chuẩn về năng lực và trình độ. Chúng tôi cho rằng, căn nguyên văn hoá của hiện tượng này chính là một vấn đề chịu ảnh hưởng của căn tính nông dân của người Việt: với ý thức cộng đồng rất cao, người Việt ít coi trọng và đề cao vai trò cá nhân.
Trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội
Ban hành chính sách là một phương thức quản lý nhà nước quan trọng trong lĩnh vực hành chính công quyền. Thông qua chính sách và thực hiện chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước triển khai các mục tiêu đặt ra đối với người dân.
Ở Việt Nam thời phong kiến, việc ban hành chính sách được thực hiện thông qua các hình thức chiếu chỉ của triều đình xuống người dân. Trong các hình thái xã hội sau này, việc ban hành chính sách được phân cấp triệt để hơn cho các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Việc ban hành chính sách đòi hỏi phải được thực hiện một cách khoa học và khách quan theo nguyên tắc tôn trọng thực tiễn, tránh việc đưa ra những chính sách duy ý chí, không phù hợp với thực tế và không có khả năng thực thi trong đời sống xã hội.
Muốn như vậy, quy trình ban hành chính sách phải được tổ chức bài bản với sự tham gia của nhiều phía, và chính sách phải được xây dựng trên cơ sở của sự phân tích một cách khoa học các thông tin thu thập được từ cuộc sống về vấn đề có liên quan.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, thói quen tư duy tiểu nông ở người Việt đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác ban hành chính sách trong quá trình quản lý nhà nước. Nhiều chính sách được ban hành mà không cân nhắc tính thực tế, không xuất phát từ các luận cứ khoa học và thực tiễn, mà chỉ là cách hình dung và suy phỏng của người soạn thảo chính sách - mà trong cách hình dung và suy phỏng đó có nhiều yếu tố của căn tính nông dân xen vào như: sự đố kỵ, hẹp hòi, chủ nghĩa bình quân, tư tưởng cào bằng, "xấu đều hơn tốt lõi", ...
Điều này thường làm cho các chính sách của Việt Nam ít mang tính "đón đầu" và thúc đẩy phát triển, mà ngược lại trong nhiều trường hợp còn tạo ra những khó khăn không cần thiết. Chẳng hạn, trong việc xây dựng các chế độ phúc lợi, điều nhạy cảm nhất luôn luôn là "không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Mà "công bằng" ở đây lại được hiểu là "bằng nhau". Người nào được hưởng hơn người kia nhiều quá thì lập tức trở thành đối tượng bị công kích, bất chấp đến năng suất lao động và sự đóng góp thực tế. Tư tưởng này đang là một vật cản rất lớn trên con đường Việt Nam thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Năm 2002, Chính phủ ký ban hành Nghị định 10/2002/CP trao cho các đơn vị sự nghiệp có thu như các trường đại học, cao đẳng,... quyền tự chủ tài chính, chủ động xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo nguyên tắc tôn trọng năng suất lao động của từng cá nhân. Nhưng thực tế sau gần 2 năm ban hành chính sách này, mới chỉ có 4 trường bắt đầu thực hiện.
Các đơn vị còn lại đều "án binh bất động" với lời giải thích là "khó thực hiện vì việc đưa ra phương án phân chia lương theo năng suất lao động tại cơ quan gây ra nhiều xáo trộn".
Thực tế này phản ánh rất rõ tập quán tư duy theo kiểu cào bằng và chủ nghĩa bình quân.
Chủ nghĩa bình quân, tư tưởng cào bằng cũng dẫn đến một thực tế tiêu cực khác trong thực hiện chính sách xã hội là coi trọng tiêu chí công khai hơn là hoàn cảnh cụ thể của các đối tượng chính sách. "Tiêu chí" lẽ ra chỉ là dấu hiệu phản ánh của "hoàn cảnh" và phải phù hợp với hoàn cảnh.
Nhưng rốt cuộc, các "tiêu chí" đã bị lợi dụng làm những lý do giải quyết chế độ chính sách cho người này mà không giải quyết cho người kia, bất chấp đến hoàn cảnh có thực của họ.
Điều này dẫn đến kiểu giải quyết nguyên tắc, máy móc, tạo kẽ hở cho nhiều tiêu cực xã hội (ví dụ: hiện tượng làm chứng nhận gia đình liệt sĩ hoặc chứng nhận thương binh giả ở một số tỉnh, hiện tượng thuê người viết và chạy hồ sơ để được công nhận xã nghèo, tình trạng sính bằng cấp sinh ra hiện tượng sử dụng bằng giả).
Căn nguyên văn hoá của các hiện tượng này theo chúng tôi là bắt nguồn từ chuyện: hình thức sở hữu công điền và lối sống cộng cư làng xã đã để lại dấu ấn văn hoá sâu sắc là tâm lý bình quân, cào bằng, "không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng".
Đây là lý do khiến cho nhiều vấn đề chính sách xã hội luôn được xử lý theo kiểu áp dụng tiêu chí hình thức mà ít để ý đến sự phù hợp của tiêu chí với hoàn cảnh thực tế.

Trong ban hành quyết định hành chính
Ban hành các quyết định hành chính là cách thức thể hiện quyền lực tập trung của bộ máy quản lý hành chính công quyền, và đặc biệt là của người quản lý đứng đầu các cơ quan.
Trong giao tiếp hành chính công quyền, quyền lực cá nhân được thừa nhận trong quá trình ra quyết định hành chính, và tất nhiên cùng với đó là trách nhiệm cá nhân được truy cứu triệt để trong quá trình ra quyết định. Điều này làm thành cơ sở cho việc xác lập vai trò cá nhân trong bộ máy hành chính công quyền.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, quy trình ban hành quyết định lại thường tuân theo một trình tự tập thể. Điều này được thực hiện nhân danh dân chủ, vai trò cá nhân trong việc ban hành quyết định hành chính là rất mờ nhạt. Chẳng hạn, cách xây dựng luật hiện nay của Quốc hội là có một nhóm soạn thảo chung rồi đưa ra Quốc hội thảo luận, biểu quyết; không có hiện tượng cá nhân đề xuất luật như ở một các nước khác.
Tôn trọng trình tự tập thể hơn là vai trò cá nhân nên cuối cùng trách nhiệm cá nhân cũng không hề rõ ràng trong quá trình tham gia quản lý hành chính công quyền.
Gần đây chúng ta bắt đầu thấy tại các kỳ họp Quốc hội có các phiên điều trần của các Bộ trưởng trước Quốc hội - một chuyện vốn là rất bình thường ở nhiều nước nhưng ở Việt Nam chỉ mới được áp dụng và vẫn còn là vấn đề "nóng", báo chí đã làm rùm beng như một vụ việc "bức xúc". Chúng tôi cho rằng, suy cho cùng, những hiện tượng đó cho thấy chúng ta vẫn còn chưa thật sự xác định vai trò và trách nhiệm cá nhân trong bộ máy hành chính công quyền. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến cách thức xử lý hành chính mà chúng tôi sẽ bàn tiếp ở phía sau.
Căn nguyên văn hoá của vấn đề vừa nêu theo chúng tôi cũng là chuyện hình thức sở hữu công điền và tính cộng đồng là những nhân tố tác động để lại dấu ấn căn tính nông dân: cá nhân ít được đề cao, ít có thói quen tự chịu trách nhiệm, cá nhân thường nấp sau danh nghĩa tập thể, cái "tôi" núp bóng sau cái "chúng tôi".
Trong thủ tục hành chính
Thủ tục hành chính là bức tranh phản ánh chân thực trình độ phát triển của nền hành chính công quyền các quốc gia và phản ánh tiến bộ xã hội. Các quốc gia phát triển đều xem việc tháo gỡ các thủ tục hành chính phức tập là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển.
Việt Nam vẫn đang còn gặp khó khăn với một cơ chế thủ tục hành chính rườm rà, nhiều "cửa". Thủ tục hành chính rườm rà phần nào đó là hậu quả của lối suy nghĩ tiểu nông, không tin tưởng lẫn nhau, đố kỵ và hẹp hòi. Đó là ảnh hưởng xấu của căn tính nông dân.
Việt Nam hiện cũng đang đặt ra mục tiêu cải cách hành chính, trong đó việc tháo gỡ các thủ tục hành chính phức tạp là một trọng điểm được ưu tiên. Tuy nhiên, quá trình tháo gỡ các thủ tục hành chính rườm rà ở nước ta còn rất chậm vì ít có người dám chịu trách nhiệm cá nhân để đương đầu. Căn tính nông dân đã dẫn đến tình trạng không thừa nhận và xác lập rõ ràng vai trò cá nhân trong bộ máy hành chính công quyền. Cá nhân luôn tìm cách núp bóng tập thể để hành chức. Điều này dẫn đến những hiện tượng "có một không hai" như:
• Quy trình ban hành văn bản ở Việt Nam thường qua nhiều chữ ký, đặc biệt là chuyện "ký tắt" (còn gọi là "ký nháy") trong ban hành văn bản. "Ký nháy" suy cho cùng là cách làm "níu áo lẫn nhau", thủ trưởng không dám chịu trách nhiệm một mình về văn bản mình ký mà phải buộc nhân viên cấp dưới cùng ký vào văn bản để chịu trách nhiệm.
• Giao tiếp hành chính công quyền Việt Nam có xu hướng coi trọng con dấu hơn là coi trọng chữ ký trong ban hành văn bản hành chính. Bởi vì, con dấu được xem là đại diện của quyền lực "chung", còn chữ ký thì bị quan niệm là quyền lực "riêng". Các nước trên thế giới thì lại coi trọng chữ ký hơn con dấu, đơn giản chỉ là vì chính chữ ký mới thể hiện rõ nhất trách nhiệm cá nhân.
Các thủ tục hành chính không được xây dựng thành các tiêu chí thật sự rõ ràng nên ở Việt Nam còn có hiện tượng "chạy" thủ tục hành chính như "chạy trường", "chạy dự án", "chạy xã nghèo", .... "Chạy" thủ tục hành chính suy cho cùng là biểu hiện của lối làm ăn tiểu nông, các tiêu chí hành chính được vận dụng theo kiểu tình cảm - một biểu hiện rõ nét của lối sống trọng tình trong văn hoá nông nghiệp.
Chúng tôi cho rằng căn nguyên văn hoá của các hiện tượng này chính là tính cộng đồng. Tính cộng đồng dẫn đến hệ quả là tình trạng "dây mơ rễ má" của các quan hệ xã hội, đến lúc cần thay đổi hoặc điều chỉnh một quan hệ xã hội cụ thể nào đó thì luôn rơi vào tình trạng "rút dây động rừng". Người dân muốn giải quyết công việc thì rơi vào ma trận hành chính "hành là chính".

d. Trong xử lý kỷ luật hành chính
Xử lý kỷ luật hành chính là một phương thức cần thiết để điều chỉnh các mối quan hệ trong giao tiếp hành chính công quyền. Đây là khía cạnh pháp chế quan trọng của giao tiếp hành chính công quyền. Và, lẽ đương nhiên, thưởng phạt công minh luôn là một yêu cầu bắt buộc.
Nhưng ở Việt Nam, đã từng có thời các hình thức xử lý kỷ luật hành chính thường là không triệt để theo kiểu "xử lý nội bộ" - một kiểu xử lý rất kỳ quặc và cũng được bình luận là khó tìm thấy ở nhiều nước khác. Cán bộ quản lý vi phạm kỷ luật thì chỉ bị xử lý nội bộ, không xem xét bình đẳng trước pháp luật. Và chuyện này đã kéo dài rất lâu trong thực tế xã hội Việt Nam. Gần đây, trong bối cảnh cải cách dân chủ và đổi mới tư pháp, hiện tượng xử lý nội bộ mới giảm dần. Nhiều vụ án xét xử các nhân vật quan chức cao cấp bắt đầu được đưa công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đó là những bước tiến quan trọng về tiến bộ xã hội.
Ở Việt Nam cũng còn có hiện tượng bình tội thì "đao to búa lớn" nhưng phán tội thì "giơ cao đánh khẽ". Đó là một khía cạnh của nếp nghĩ "trọng tình" vốn là một yếu tố cấu thành đặc trưng văn hoá nông nghiệp.
Căn nguyên văn hoá của hiện tượng này là vấn đề yếu tố cá nhân ít được xem trọng trong nền văn hoá Việt Nam nên trách nhiệm cá nhân vì thế cũng ít khi được truy cứu đến cùng.
Ngoài ra, yếu tố văn hoá "trọng tình" cũng gây ra tình trạng xử lý kỷ luật không triệt để. Ít tôn trọng cá nhân và trọng tình đều là dấu hiệu của căn tính nông dân.
Trong giám sát hành chính
Cuối cùng phải bàn đến việc giám sát hành chính- một nhân tố quan trọng trong giao tiếp hành chính công quyền. Các khâu giám sát hành chính của bộ máy công quyền Việt Nam nhìn chung còn thiếu hiệu lực và rất dễ bị khuynh đảo.
Căn nguyên văn hoá của chuyện này theo chúng tôi là nếp sản xuất nông nghiệp của người Việt dựa nhiều vào kinh nghiệm, thiếu quy trình khoa học khách quan là một trong những căn nguyên tạo ra tâm lý nhận thức và đánh giá các vấn đề một cách tuỳ tiện theo cảm hứng, tạo ra những kẽ hở có thể vận dụng trong giám sát hành chính.
Tính linh hoạt cũng tham gia tạo ra tình trạng này. Nhiều khi chuyện đúng hay sai trong kết quả giám sát hành chính không phụ thuộc mấy vào thực tế phát sinh và các tiêu chuẩn khách quan mà lại phụ thuộc vào cách nhìn nhận và thái độ của người thực hiện giám sát. Lại cũng nhiều khi, với cùng một thực tế phát sinh, bên thực hiện giám sát lúc cho là đúng lúc cho là sai. Mà đúng hay sai thì lại chịu ảnh hưởng rất nhiều của vấn đề quan hệ và đối đãi. Chẳng thế mà ở Việt Nam, phương châm đối nhân xử thế trong giao tiếp hành chính công quyền sau đây được nhiều nơi truyền tụng như một kinh nghiệm quý báu: "không được lơ là với nhà báo, không được lếu láo với cấp trên, không được quên các vị tiền bối".
Sỡ dĩ như thế là vì trong thực tế xã hội Việt Nam, ba đối tượng trên đều giữ vai trò giám sát ở những mức độ khác nhau. Cấp trên giám sát cấp dưới là đương nhiên. Nhà báo thực hiện chức năng giám sát xã hội cũng là chuyện bình thường. Các vị tiền bối nghỉ hưu rồi cũng thường xuyên quan tâm giám sát "con cháu" thế nào quả là chuyện chỉ có trong văn hoá nông nghiệp vốn trọng tình. Và điều đáng nói nhất là, trong quá trình giám sát, câu chuyện đúng hay sai có khi là chuyện tuỳ ý.
Do vậy mà các cơ quan vẫn thường xuyên có ý thức đối phó với các lực lượng giám sát theo kiểu của câu nói trên.
Gần đây, các sự kiện tiêu cực có liên quan đến bộ máy công an là một ví dụ rất nhức nhối cho thấy sự ảnh hưởng tiêu cực của căn tính nông dân đến công tác giám sát hành chính công quyền ở Việt Nam.
Rồi những hiện tượng kiểu như tình trạng các đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra "nhũng nhiễu", "làm khó làm dễ" các đơn vị được thanh tra, kiểm tra cũng trở thành một hiện tượng thường thấy.
Tất nhiên, không phải cán bộ thanh tra, kiểm tra nào cũng như thế. Nhiều cán bộ thanh tra, kiểm tra tỏ rõ phẩm chất tốt đẹp, tôn trọng sự thật, tôn trọng thực tế, biết ghi nhận những khó khăn của các cơ quan mình đến thanh tra, ... Nhưng cũng có không ít cán bộ thanh tra thật sự có ý thức "làm khó làm dễ", thực tế này được phản ánh qua câu châm biếm dân gian đáng suy nghĩ sau đây:
Thanh cha (tra), thanh mẹ, thanh dì,
Nếu có "phong bì" thì sẽ "thank you"
4. Kết luận
Tập quán sản xuất nông nghiệp lúa nước, lối sống cộng cư làng xã, hình thức sở hữu ruộng đất chủ yếu là công điền là những nhân tố thuộc về môi trường văn hoá có tác động sâu sắc đến việc hình thành căn tính nông dân trong cộng đồng người Việt.
Trong bối cảnh công nghiệp hoá- hiện đại hoá, những căn tính này có những mặt tác động tích cực, những lại cũng có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển đất nước. Điều này cũng thể hiện rất rõ trong lĩnh vực hành chính công quyền. Đây có thể xem là sự xung đột trên phương diện văn hoá giữa nhu cầu phát triển với tập quán văn hoá cổ truyền.
Việc nhận diện những cản trở văn hoá này để khắc phục là một yêu cầu có ý nghĩa trong quá trình phấn đấu phát triển.

Nguyễn Thành Đạo

Khoa Văn hóa học - Đại học Văn Hiến

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Đăng Doanh - Nguyễn Minh Tú (chủ biên) (1999), Khung chính sách xã hội trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường (kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam), Nxb Thống kê Hà Nội.
2. Dương Phú Hiệp - Nguyễn Duy Dũng (chủ biên) (1996), Nền hành chính và cải cách hành chính của Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc (kỷ yếu hội thảo khoa học), TT KHXH-NVQG Hà Nội.
3. Trần Thị Thu Lương (1994), Chế độ sở hữu và canh tác ruộng đất ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb TPHCM.
4. Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb VH-TT Hà Nội.
5. Đức Quyết (sưu tầm, tuyển chọn) (2002), Một số chính sách quốc gia về việc làm và xoá đói giảm nghèo, Nxb Lao động Hà Nội.
6. Phạm Hồng Thái - Đinh Văn Mậu (1996), Luật Hành chính Việt Nam, Nxb TPHCM.
7. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb TPHCM.
8. Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM (1992), Những vấn đề xã hội học ở miền Nam, Nxb Khoa học Xã hội TPHCM.

 


Phamngochien.com - 22:17 - 23/10/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận